Chủ cây lan đột biến Ngọc Sơn Cước tiết lộ sự thật về con số 250 tỷ đồng

23/03/2021 16:17 PM | Kinh doanh

“Khi nào bên anh Giang (chủ vườn lan Đất Mỏ) giao đủ số cây giống thì bên tôi sẽ trao trả số tiền 250 tỷ”, ông Nguyễn Văn Linh (Hải Phòng) nói về vụ lan đột biến 250 tỷ mà mình tham gia.

Mạng xã hội vẫn "nóng" thông tin một cuộc mua bán lan đột biến (lan var) giữa vườn lan var Đất Mỏ (thị xã Đông Triều, Quảng Ninh) với 4 cá nhân trị giá gần 300 tỷ đồng.

Theo hình ảnh chia sẻ, ông Bùi Hữu Giang và Bùi Hữu Thanh (vườn lan Var Đất Mỏ) chuyển nhượng cây lan Ngọc Sơn Cước trị giá 250 tỷ cho ông Nguyễn Tiến Hưng và ông Nguyễn Văn Linh (TP Hải Phòng).

Sáng nay, nói chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Linh khẳng định giao dịch là có thật, hai bên nhà vườn có văn bản thỏa thuận chuyển cây. Tuy nhiên, hai bên thống nhất, sau 1 năm, khi nào nhà vườn của ông Giang (ở Quảng Ninh) nuôi cấy và chăm sóc thành công giống Ngọc Sơn Cước, thì mới được thanh toán khoản tiền nói trên.

"Đây là hợp đồng mua bán tương lai, tức là trong vòng 1 năm nếu nhà vườn đáp ứng yêu cầu nuôi trồng cây thì mới trả 250 tỷ đồng. Không phải 250 tỷ đồng mua 1 cây. Hiện tại, cả hai bên chưa chuyển tiền", ông Linh chia sẻ.

 Chủ cây lan đột biến Ngọc Sơn Cước tiết lộ sự thật về con số 250 tỷ đồng - Ảnh 1.

Màn giao lưu hoa lan đột biến 250 tỷ ở Quảng Ninh gây "sốc" nhiều ngày nay.

Ông Bùi Hữu Thanh (chủ vườn lan var Đất Mỏ) chia sẻ cụ thể hơn, cây lan đột biến Ngọc Sơn Cước (cây mẹ) do vườn lan thu mua được giống cây của người dân ven đường và tự chăm sóc. Sau đó tách kie và ươm mầm thành nhiều cây con.

Nhà vườn sẽ chăm sóc, nhân giống Ngọc Sơn Cước theo thỏa thuận trong hợp đồng. Như vậy có nghĩa là, 250 tỷ đồng nói trên là số tiền được trả cho toàn bộ số kie được tách và ươm thành cây con thành công trong vòng 1 năm.

Hiện tại, sau khi có thông tin vụ việc gây xôn xao, nhà vườn sẽ hợp tác với cơ quan chức năng gồm công an, cơ quan thuế, chính quyền để làm việc.

"Quan điểm của tôi là thực hiện theo quy định của pháp luật, khi cơ quan thuế tính toán được số thuế phải nộp thì tôi sẽ thực hiện theo đúng nghĩa vụ với Nhà nước", ông Thanh nói.

Thông tin mới nhất, Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, qua công tác xác minh, vụ việc mua bán lan đột biến trị giá gần 300 tỷ đồng ở Quảng Ninh là có thật nhưng hai bên mua bán mới chỉ dừng lại ở việc thỏa thuận chưa có hoạt động chuyển tiền.

Đây không phải lần đầu, giới lan đột biến gây "náo loạn" mạng xã hội vì những thương vụ chuyển nhượng với mức giá không tưởng, khiến cho ngành này đang rơi vào vòng nghi vấn, có chăng các thương vụ chuyển nhượng là "chiêu" thổi giá, đánh bóng tên tuổi, tăng uy tín của các nhà vườn.

Ngày 19/12/2020, cộng đồng người chơi lan xôn xao về hình ảnh và đoạn quay trực tiếp buổi chuyển nhượng 14 chậu lan quý của một đại gia ngành lan ở Hòa Bình. Trong buổi giao dịch, có một số loài lan đột biến quý như 5 cánh trắng Pleiku, 5 cánh trắng cờ đỏ, 5 cánh trắng đại cát, thảo chi, hồng chương chi.

Dù nhà vườn này không tiết lộ giá trị toàn bộ thương vụ nhưng một trong những "lão đại" nổi tiếng của ngành lan đã tiết lộ giá trị của dàn lan quý này lên tới 200 tỷ đồng.

 Chủ cây lan đột biến Ngọc Sơn Cước tiết lộ sự thật về con số 250 tỷ đồng - Ảnh 2.

Lan Vĩnh Khang.

Cuối tháng 12/2020, một nữ "tay chơi" lan đột biến ở Hạ Long, Quảng Ninh đã rao bán chậu lan Vĩnh Khang với giá 50 tỷ đồng trên Facebook. Sau khi người này rao bán, rất nhiều nhà vườn nổi tiếng trên truyền thông đã bình luận muốn sở hữu giống lan trên. Tuy nhiên, chậu lan đột biến Vĩnh Khang này vẫn chưa phải là chậu var đắt nhất được các nhà vườn phát giá trên mạng xã hội.

Trước lan đột biến 250 tỷ Ngọc Sơn Cước hay Vĩnh Khanh, Bướm Đại Ngàn của anh Nguyễn Chính Trương, một người chơi lan đột biến có tiếng ở Phú Thọ cũng từng được phát giá 100 tỷ đồng trên Facebook cá nhân người này. Tuy nhiên, sau 1 ngày đăng tin, đã không có người trả giá mua Bướm Đại Ngàn.

Hoàng Linh

Cùng chuyên mục
XEM