“Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì chợ Nủa” là câu nói truyền tai về một phiên chợ đậm chất đồng bằng Bắc Bộ, tới nay vẫn giữ được những nét độc đáo đặc trưng của chợ phiên truyền thống Hà Nội từ thế kỷ 11.
Chợ Nủa cách trung tâm Thủ đô chỉ khoảng 30km nằm trên địa bàn xã Bình Phú, giữa các khu công nghiệp và làng nghề của huyện Thạch Thất, Hà Nội nhưng vẫn là một trong những chợ quê vẫn còn giữ được nét văn hóa xưa với những tập tục và các gian hàng bày bán sản vật đặc trưng của vùng quê kẻ Nủa.
Chợ phiên sẽ họp ngày 2 ngày 7 hàng tháng, tức là vào ngày mùng 2, mùng 7, ngày 12,17, 22 và 27 hàng tháng. Có một câu nói quen thuộc mà bất cứ người dân "tổng Nủa" khi xưa ai cũng nhắc tới mỗi khi nói về chợ Nủa, "gái 22, trai 27" quy định về 2 phiên chợ cuối cùng của năm. Đây là 2 phiên chợ đặc biệt, ngày 22 tháng Chạp chỉ dành cho phụ nữ đi mua sắm chuẩn bị cho dịp Tết, còn phiên cuối cùng ngày 27 tháng Chạp dành riêng cho đàn ông.
Hãy cùng PV Infonet tới phiên chợ Nủa ngày 27 tháng Chạp để trải nghiệm những xúc cảm ngập tràn sắc Xuân, trải nghiệm phiên chợ độc đáo đặc trưng hồn quê Bắc Bộ giữa lòng Hà Nội.
Từ xa xưa "Nủa cày" là cái tên gắn bó với làng nghề Vĩnh Lộc, nơi đây nổi tiếng khắp các vùng về sản xuất nông cụ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Ngày nay những sản phẩm truyền thống vẫn được bày bán tại mỗi phiên chợ vùng quê này.
Ngày 27 tháng Chạp ngày xưa thường dành riêng cho nam giới, họ tới đây mua sắm nông cụ để chuẩn bị cho một vụ mùa mới ngay sau Tết cổ truyền.
Cuối năm tất bật đi chợ sắm Tết nhưng cũng không quên mua sắm nông cụ cho mùa mới
Những sản phẩm thủ công truyền thống không thể thiếu trong phiên chợ quê
Các mặt hàng bày bán đa phần là những sản phẩm do bà con làm ra, như: thúng, mủng, dần, sàng, nong, nia; dao, kéo, cuốc, xẻng, kiềng; gà, lợn, chó; chiếu cói, chổi rơm…
Điều đặc trưng tại các phiên chợ cuối năm không thể thiếu đó là những gánh hàng bán vôi
Dân gian có câu "Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi", dịp cuối năm là lúc để nhà nhà người người mua vôi, mua tiêu, mua điều để xí xóa đi những điều không may, những chuyện xưa cũ, bởi chuyện cũ cũng giống như ve chai, mình bán cho nhanh, để sẵn sàng chào đón một năm mới mặn mà, sung túc.
Chợ Tết không thể thiếu những gian hàng bán lá dong và lạt gói bánh.
Lá dong năm nay đẹp và có giá từ 100.000 tới 130.000 cho 100 lá.
Chị chủ hàng vừa chẻ lạt vừa bán lá, năm nay lá dong được giá nên hầu như những chủ sạp không phải vất vả bán hàng như những năm trước
Có những người mua luôn lá và lạt được chẻ bán sẵn như này
Nhưng cũng có những người tự mua ống giang về chẻ lạt
Chị Hương (Vĩnh Lộc, Phùng Xá, Thạch Thất) là chủ 1 doanh nghiệp làng nghề tuy bận rộn ngày cuối năm nhưng vẫn đi chợ, tự tay chọn những chục lá đẹp để về gói bánh chưng, chị mong các con lúc nào cũng cảm nhận được không khí ngày Tết cổ truyền dân tộc
Những quầy hàng bán đồ Tết như cau, trầu, chuối xanh, bưởi... tấp nập khách vào ra lựa chọn
Cành đào góp xuân cho một góc chợ giản dị đặc trưng của vùng quê Bắc Bộ
Chợ Nủa ngày nay cũng nổi tiếng bởi những sạp hàng bán đồ giả cổ như thế này