Chợ đầu mối TPHCM áp Tết: Chưa bao giờ ế như bây giờ
Chị Trần Thị Hạnh (có hơn 30 năm buôn bán rau ở chợ đầu mối Bình Điền) cho biết, các loại cải thảo, cà rốt, của cải, khổ qua… có giá chỉ từ 10.000 - 25.000 đồng/kg. Rau rẻ như cho vậy mà còn không có ai mua. Muốn “thoát ế” thì phải sổ hàng, bán lẻ với giá chưa tới 5.000 đồng/kg.
Rau rẻ như cho không ai mua
Tối muộn ngày 25/1, ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND TPHCM - khảo sát chất lượng an toàn thực phẩm hàng hóa tại chợ đầu mối và chợ truyền thống trên địa bàn nhân dịp Tết Nguyên đán.
Thông tin về tình hình mua bán tại chợ dịp cận Tết , ông Phan Thành Tân - Giám đốc Công ty quản lý và kinh doanh chợ Bình Điền - cho biết, sản lượng hàng hóa 3 tháng cuối năm 2023 đến nay bình quân đạt 2.400 tấn/ngày, giảm khoảng 10-20% so với bình quân cùng kỳ (năm 2022 bình quân 2.800 tấn/ngày).
Dự kiến trong tuần cận Tết, sản lượng hàng hóa nhập chợ có thể tăng bình quân với mức 20-35% so với ngày thường, đặc biệt trong đêm cao điểm nhất (từ 26 và 27 tháng Chạp), sản lượng có thể tăng từ 40-60%, đạt khoảng 3.200 - 4.000 tấn/đêm. Từ đêm 27 tháng Chạp, lượng hàng hóa nhập chợ bắt đầu giảm dần, đến đêm 28 tháng Chạp sản lượng giảm xuống rất thấp chỉ bằng 50-60% so với lúc bình thường.
“Ghi nhận đến thời điểm này, giá cả các mặt hàng nông sản thực phẩm tại chợ ổn định, không có hiện tượng tăng gía đột biến. Dự báo những ngày cận Tết, nhu cầu tiêu dùng của người dân sẽ tăng hơn. Chợ Bình Điền đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa cho thị trường với giá giữ mức ổn định” - ông Tân khẳng định.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Dũng đề nghị, đơn vị quản lý chợ Bình Điền tiếp tục theo dõi sát hình hình hàng hóa để điều chỉnh kịp thời, giữ ổn định lượng hàng hóa và giá cả phục vụ người dân dịp tết.
“Qua kiểm tra khảo sát 3 chợ đầu mối, có thể thấy hàng hóa từ 3 chợ cũng chưa phủ hết nhu cầu thực tế của người dân TPHCM. Do vậy, ngoài 3 chợ đầu mối thì các ngành chức năng còn phải kiểm soát cả những hàng hóa bên ngoài, đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân thành phố” - ông Dũng nhấn mạnh.
Khi lãnh đạo đi thực tế và hỏi thăm giá rau, chị Trần Thị Hạnh (có hơn 30 năm buôn bán rau ở chợ đầu mối Bình Điền) cho biết, các loại cải thảo, cà rốt, của cải, khổ qua… có giá chỉ từ 10.000 - 25.000 đồng/kg. Rau rẻ như cho vậy mà còn không có ai mua. Muốn “thoát ế” thì phải sổ hàng, bán lẻ với giá chưa tới 5.000 đồng/kg.
“Thị trường năm nay rất khó khăn. Những năm trước, thời điểm này tôi bán cả tấn rau/ngày nhưng giờ chưa tới 200 kg/ngày. Năm nay chúng tôi không dám nhập hàng, không dám trữ hàng. Rau nhập ngày nào bán hết ngày đó. Mọi năm có khách lẻ vào chợ nhưng giờ gần như không có ai. Từ nay đến Tết chắc chắn sẽ không tăng giá, vì tăng giá sẽ không ai mua” - nữ tiểu thương buồn, nói.
Thanh kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm thực phẩm
Rạng sáng 26/1, Sở An toàn thực phẩm TPHCM đến chợ đầu mối Hóc Môn. Thông tin với đoàn, ông Lê Văn Tiển - Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và kinh doanh chợ - cho biết, điều nhức nhối nhất hiện nay là tình trạng chợ tự phát vây quanh chợ đầu mối. Hàng hóa giá cả như trong chợ nhưng do thuận tiện cho khách mua nên rất nhộn nhịp, đắt hàng.
“Khi xảy ra sự cố, nhiều người mua hàng bên ngoài chợ lại đổ cho chợ đầu mối Thủ Đức bán hàng kém chất lượng, không đạt an toàn thực phẩm. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị nhưng đến nay, tình trạng trên vẫn chưa được cải thiện” - ông Tiển bộc bạch.
Bà Phạm Thị Nhung - sạp Tiến kinh doanh heo mảnh tại chợ đầu mối Hóc Môn - cho hay, mỗi ngày bán cho khách vài trăm con heo, giờ chỉ 50-60 con. Giá heo tại chợ đầu mối hiện chỉ khoảng 65.000 - 66.000 đồng/kg, heo đẹp loại 1 mới có giá 70.000 đồng/kg.
“Vắng khách lắm do người ta mua thịt heo ở các chợ tự phát bên ngoài cho tiện lợi! Ngoài ra, gần Tết các công ty tăng giá thịt heo, mình cũng phải theo thị trường. Tuy nhiên, heo giá rẻ khách còn không mặn mà vì thắt chặt chi tiêu, bây giờ chỉ cần nhích lên 1-2 giá (1.000 - 2.000 đồng/kg) thôi sẽ càng làm sức mua càng xuống thấp” - bà Nhung cho biết.
Bà Phạm Khánh Phong Lan - Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM - cho biết, để giải quyết bài toàn chợ tự phát cần có nhiều giải pháp căn cơ. Các đội thuộc Sở An toàn thực phẩm phối hợp với các lực lượng, địa phương tăng cường thanh kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm thực phẩm… để kịp thời phát hiện những sản phẩm kém chất lượng. Bên cạnh đó, người tiêu dùng phải nâng cao ý thức tự bảo vệ sức khỏe, không tiếp tay mua, sử dụng các sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc…
Trong sáng 26/1, Sở An toàn thực phẩm TPHCM sẽ tiếp tục công tác kiểm tra chất lượng hàng hóa Tết tại chợ Bình Tây (quận 6).