Chính thức cho phép CSGT xử phạt vi phạm bằng hình ảnh trên MXH: Trước Việt Nam có quốc gia nào làm tương tự?
Từ ngày 5/8, CSGT sẽ được phép sử dụng thông tin, hình ảnh đăng tải trên mạng xã hội để làm căn cứ xác minh các hành vi vi phạm giao thông.
Từ ngày hôm nay (5/8), theo Thông tư 65, CSGT sẽ được phép sử dụng thông tin, hình ảnh đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội làm căn cứ xác minh, xử phạt các hành vi vi phạm giao thông.
Trước đó, Ban giám đốc Công an thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Phòng CSGT Công an Hà Nội xây dựng trang tương tác giữa CSGT với người dân, qua đó thu tập các thông tin, hình ảnh tố cáo các hành vi vi phạm giao thông như lạng lách, đánh võng, đi vào làn đường, phần đường sai quy định...
Để tránh tình trạng thông tin không chính xác, hình ảnh bị cắt ghép, làm giả, CSGT sẽ trưng cầu giám định thông tin, hình ảnh và các tài liệu liên quan. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng sẽ làm việc trực tiếp với các tổ chức, cá nhân có liên quan, đồng thời gửi văn bản đến cơ quan báo chí, cá nhân đã đăng tải đề nghị cung cấp thông tin sự việc.
Các tổ chức, cá nhân cung cấp, đăng tải thông tin, hình ảnh cho cơ quan chức năng cũng sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực. Trong trường hợp thông tin, hình ảnh có dấu hiệu cố tình làm giả, vụ việc sẽ được chuyển sang cơ quan có thẩm quyền để xử lý.
Trước Việt Nam, Ấn Độ cũng đã cho phép một số bang và vùng lãnh thổ như Goa, Delhi, Chandigarh triển khai một chương trình tương tự. Chương trình Traffic Sentinel, khởi động từ tháng 11/2017, khuyến khích người dân Ấn Độ chụp ảnh, quay video về các trường hợp vi phạm giao thông và báo cáo lại cho cơ quan chức năng qua các trang mạng xã hội như WhatsApp, Facebook và Twitter.
Mặc dù việc báo cáo vi phạm là hoàn toàn tự nguyện, nhưng cơ quan chức năng Ấn Độ cũng đã tiến hành trao thưởng cho các công dân thường xuyên báo cáo các hành vi vi phạm giao thông. Họ coi đây là một cách để công nhận các nỗ lực của nhân dân trong việc góp phần tạo ra một môi trường giao thông an toàn hơn.
Nội dung báo cáo cũng sẽ được cơ quan chức năng Ấn Độ tiến hành thẩm định bằng việc kiểm tra các máy quay an ninh CCTV được lắp đặt gần khu vực được báo cáo xảy ra hành vi vi phạm giao thông đó. Sau khi thông tin đã được xác thực, CSGT sẽ tiến hành liên hệ người vi phạm để xử phạt. Đối với trường hợp người vi phạm là trẻ em, người chưa thành niên, thì cảnh sát sẽ liên lạc bố mẹ và xử phạt.
Theo trang tin Hindustan Times (Ấn Độ), trong 9 tháng đầu năm 2019, ít nhất 31.124 hành vi vi phạm đã bị xử phạt nhờ hình thức báo cáo online này. Trong khi đó, trong năm 2018, con số này chỉ dừng ở mức 10,009 trường hợp. Theo CSGT Ấn Độ, các vi phạm phổ biến thường là đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, ô tô đỗ trên hè phố hay đỗ tại các điểm cấm đỗ xe.
Tài khoản xử lí báo cáo vi phạm của CSGT Ấn Độ có hơn 1,1 triệu người theo dõi trên Twitter và 2,73 nghìn người theo dõi trên Facebook.
Tại các quốc gia khác, các trường hợp vi phạm giao thông bị đăng tải lên mạng xã hội chỉ bị xử lý theo hình thức nhỏ lẻ. Hồi năm ngoái, cảnh sát Anh cũng đã tiến hành xử phạt vi phạm một Youtuber sau khi xem video mà anh ta đăng tải lên Facebook. Với tài khoản Youtube có hơn 57.000 người theo dõi, anh chàng tự xưng là Mr. BMW này đã tự đăng tải video bản thân lái chiếc xe Audi R8 trị giá £100,000 với tốc độ lên đến gần 150 km/h. Anh chàng này sau đó đã bị phạt £615.