Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và ảnh hưởng như thế nào tới các công ty công nghệ của cả hai nước?
Đúng như câu nói cửa miệng “trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết”, sự căng thẳng giữa hai cấp lãnh đạo cao nhất của Mỹ và Trung Quốc mà đỉnh điểm là chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang vô tình đẩy các công ty công nghệ của cả hai nước vào thế khó xử.
Các công ty công nghệ Trung Quốc đang phải đối mặt với những thách thức đáng lo ngại do cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Thế nhưng rõ ràng chính Mỹ và các đồng minh phương Tây cũng đang đứng ở ngã ba đường.
Với lý do an ninh mạng và các mối quan tâm khác liên quan đến công nghệ do thám, Mỹ và nhiều đồng minh đang lên kế hoạch cấm cửa các công ty công nghệ Trung Quốc. Nhưng đổi lại, đâu sẽ là bên cung cấp các thiết bị và xây dựng mạng 5G cho họ nếu như không phải là các công ty công nghệ Trung Quốc?
Mỹ chấp nhận đánh đổi cơ hội vươn lên sớm để đảm bảo an ninh quốc gia
Mạng 5G là xu hướng chung của ngành công nghiệp trong năm 2019 và chắc chắn trong nhiều năm tới. Mạng 5G là cơ sở quan trọng giúp các doanh nghiệp, cá nhân có thể trải nghiệm, ứng dụng các dịch vụ thực tế ảo, AI hay trao đổi dữ liệu từ xa với tốc độ siêu nhanh.
Lợi thế tốc độ của mạng 5G sẽ giúp các giao dịch qua không gian mạng nhanh hơn, đồng thời hỗ trợ chia sẻ và truyền tải thông tin nhanh chóng. 5G sẽ tạo điều kiện quan trọng để xây dựng một thành phố thông minh, nơi mọi thứ có thể tự động hóa hoàn toàn mà không cần có sự can thiệp của con người.
Chris Lane, một nhà phân tích cao cấp tại công ty Sanford C. Bernstein có trụ sở tại Hồng Kông nhận định: "Công nghệ mạng 5G đôi khi có thể quan trọng hơn cả điện".
Nhưng một hệ thống mạng 5G có thể vận hành trơn tru và không gặp bất kỳ trục trặc nào sẽ cần tới phương án tổ chức bài bản và thiết bị mạng 5G chất lượng. Hơn nữa quá trình vận hành còn nảy sinh rất nhiều vấn đề và cần phải cập nhật liên tục.
Trong khi đó với kinh nghiệm hàng chục năm làm trong lĩnh vực viễn thông và thiết bị mạng, Huawei hoàn toàn có khả năng đáp ứng mọi yêu cầu từ xây dựng đến bảo trì hệ thống mạng. Thậm chí với vị thế dẫn đầu thị trường thiết bị mạng, Huawei có thêm cả lợi thế về giá bán so với Nokia hay Ericsson.
Việc bỏ qua Huawei và lựa chọn một đối tác khác như Nokia hoặc Ericsson có thể là một giải pháp an toàn nhưng cũng khiến nước Mỹ phải đánh đổi khá nhiều.
Năm ngoái Mỹ đã bắt đầu chiến dịch toàn cầu nhằm ngăn chặn các công ty Trung Quốc tham gia vào cuộc chạy đua xây dựng mạng 5G tại quốc gia này. Mỹ đưa ra các cảnh báo về vấn đề an ninh quốc gia và kêu gọi các đồng minh ủng hộ.
Huawei và ZTE là hai công ty phải gánh chịu những bất lợi đầu tiên do chính phủ Mỹ áp đặt. Giờ đây Huawei gần như khó có cơ hội để tham gia vào cuộc tranh giành bản hợp đồng xây dựng mạng 5G tại Mỹ. Thậm chí kể cả những quốc gia từng "bật đèn xanh" cho Huawei nay đã nhanh chóng chuyển sang "đèn đỏ" như Úc và New Zealand.
Hai quốc gia này đã đồng loạt từ chối yêu cầu tham gia đấu thầu xây dựng mạng 5G của Huawei vào tháng 8 và 11/2018. Ngoài ra, đã có nhiều quốc gia khác đang bỏ ngỏ khả năng sẽ cấm cửa Huawei như Nhật Bản, Đức, Anh, Malaysia, Canada, Ba Lan,…
Cấm cửa công ty công nghệ Trung Quốc, Mỹ chẳng khác nào đang "mua dây buộc mình"
Nhà phân tích chính trị Bruce Hehlman cho rằng, nước Mỹ không thể đánh giá thấp tham vọng thống trị ngành công nghệ vào năm 2025 của Trung Quốc.
Khi Mỹ bắt đầu cấm cửa các các công ty Trung Quốc, Huawei đã nói với nhiều nhà cung ứng về việc sớm chuyển dây chuyển sản xuất sang Trung Quốc. Thậm chí cả những công ty như Tesla đã quyết định xây dựng cả nhà máy sản xuất xe hơi tại Thượng Hải để tránh lệnh trừng phạt kinh tế của tổng thống Trump lên Bắc Kinh.
Không chỉ chịu tổn thất vì nhiều công ty sản xuất chuyển nhà máy sang Trung Quốc, Mỹ cũng chịu ảnh hưởng lớn khi dòng tiền đầu tư đổ vào các lĩnh vực công nghệ tại Mỹ cũng giảm sút nghiêm trọng.
Tờ Sierra Leone Times dẫn nguồn tin tiết lộ, hệ quả từ việc Mỹ cấm các công ty Trung Quốc là việc dòng chảy đầu tư ổn định của Trung Quốc vào các hãng công nghệ Mỹ đang chậm lại. Năm 2018, dòng tiền đầu tư từ Trung Quốc vào các công ty công nghệ Mỹ là hơn 2 tỷ USD. Tuy nhiên theo Forbes, con số này đã giảm tới hơn 80% so với năm 2017.
Nếu như các cuộc đàm phán thương mại song phương giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục không đem lại kết quả khả quan, số tiền đầu tư đổ vào Mỹ sẽ còn giảm nữa.
Thế nhưng theo ông Dean Garfield, người đứng đầu Hội đồng Công nghiệp IT, một hiệp hội thương mại có trụ sở tại Washington, D.C và đại diện cho các công ty công nghệ toàn cầu của Mỹ tin tưởng triển vọng sáng sủa hơn cho các hãng công nghệ của hai nước vẫn còn.
Ông cho rằng, cả Mỹ và Trung Quốc vẫn cần nhau trong cuộc đua công nghệ. Trong khi Mỹ phụ thuộc phần lớn vào lợi thế sản xuất các thiết bị điện tử quy mô lớn của Trung Quốc thì ngược lại, Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ lõi và chip của Mỹ.
Cuộc chiến thương mại chắc chắn sẽ làm tổn thương các công ty công nghệ Trung Quốc nhưng cũng sẽ có tác động tiêu cực đến cả những hãng công nghệ lớn của Mỹ.
Ví dụ dễ thấy nhất là trường hợp của Apple. Công ty có trị giá ngàn tỷ đô đã bất ngờ "sảy chân" trong Q4/2018 sau khi hạ dự báo doanh thu. Apple đổ lỗi cho việc nền kinh tế Trung Quốc đi xuống, nhu cầu mua sắm iPhone mới giảm và chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Quả thực trong báo cáo doanh thu Q4/2018 do Apple công bố hồi cuối tháng 1/2019, Apple nhấn mạnh, doanh thu của hãng tại Trung Quốc đã giảm tới 27%.
Apple thất thế tại Trung Quốc vì tác động của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung khiến sức mua iPhone giảm
Mỹ và Trung Quốc đang tổ chức nhiều cuộc họp kín để tìm giải pháp tháo gỡ căng thẳng thương mại giữa hai cường quốc kinh tế.
Diễn biến mới nhất từ vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung diễn ra gần đây cho thấy, cả hai đều đang nỗ lực nhượng bộ để sớm ký kết một thỏa thuận thương mại hoặc gia hạn đàm phán nhằm sớm chấm dứt cuộc chiến thương mại dai dẳng vốn đang làm hai đầu tàu kinh tế thế giới phải khốn đốn.
Hy vọng rằng, những căng thẳng sẽ sớm được tháo gỡ và các công ty công nghệ của cả hai nước có thể phục hồi nhanh chóng sau cuộc khủng hoảng bất đắc dĩ này.