Chiến lược phát triển mới của ‘ông lớn’ KMS Technology: Có thêm B2C ngoài B2B, ‘mang chuông về đánh xứ ta’
Trước đây, KMS Technology – công ty công nghệ có 1.500 nhân viên, chỉ bán hàng B2B với dịch vụ tư vấn - phát triển phần mềm cho ngành công nghệ nói chung; nhưng khoảng vài năm trở lại đây, họ đã không ngừng thành lập thêm các doanh nghiệp chỉ chuyên phục vụ 1 ngành cụ thể – như KMS Healthcare và cả bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng B2C.
KMS Technology là một cái tên ít người biết tại Việt Nam, nhưng trong giới công nghệ thế giới, thì nó vô cùng nổi danh.
Với 13 hình thành và phát triển, KMS Healthcare đã có chỗ đứng vững chắc trong mảng dịch vụ tư vấn - phát triển phần mềm cho ngành công nghệ nói chung.
Sơ khai, họ nổi lên với các phần mềm kiểm thử, ví dụ như thương hiệu Katalon – 1 thành viên của Endeavor Việt Nam. Hiện Katalon có gần 35.000 khách hàng doanh nghiệp toàn cầu và 180.000 tài khoản sử dụng (số liệu 2019). Hay Kobiton với hơn 350 khách hàng, từng nhận được khoản đầu tư 3 triệu USD từ quỹ đầu tư mạo hiểm Kinetic (Mỹ).
Tuy nhiên, sở dĩ, ít người Việt biết đến KMS Technology mặc dù lượng kỹ sử chính trong 1.500 ngàn nhân viên đó chủ yếu là người Việt và làm việc tại Việt Nam; bởi họ chủ yếu tập trung bán hàng ở thị trường nước ngoài, cho qua kênh B2B. Với bản tính khiêm tốn và thực sự là không cần thiết câu chuyện PR tại Việt Nam, nên KMS Technology tất ít xuất hiện trước truyền thông nước nhà.
Tuy nhiên, trong khoảng vài năm gần đây, mọi việc đã khác. KMS Technology bây giờ không chỉ phát triển theo chiều rộng mà còn sâu, phân chia thành 3 mảng.
Đầu tiên là KMS Healthcare – chuyên các giải pháp công nghệ cho ngành y – dược. Thứ hai là KMS Solutions – hoạt động của yếu ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, cung cấp giảp pháp công nghệ cho ngành ngân hàng và tài chính. Cuối cùng, các sản phẩm kiểm thử phục vụ cho 1 ngành hoặc 1 loại công nghệ chuyên biệt như Katalon, Grove, Kobiton…
Không những thế, cách đây chưa lâu, KMS Technology còn làm bất ngờ giới công nghệ khi ra mắt app ‘mua trước, trả sau’ KayPay.
Song song đó, sau bao năm ‘mang chuông đi đánh xứ người’, KMS Technology gần đây quyết định ‘đánh cả xứ ta’. KayPay phục vụ chính cho thị trường Việt và KMS Healthcare cũng bắt đầu thăm dò thị trường trong nước.
KMS Healthcare
Ngành Healthtech trên toàn cầu đang phát triển mạnh mẽ đầy tiềm năng với quy mô 200-300 tỷ USD Mỹ và đang giữ mức tăng trưởng hơn 20% mỗi năm. Công nghệ phần mềm đang tạo ảnh hưởng đến mọi khâu trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, từ việc đặt lịch khám bệnh, thanh toán viện phí, hồ sơ bệnh án, hình ảnh, thiết bị, phân tích và liên kết dữ liệu hỗ trợ chẩn đoán bệnh.
Và đó là nguyên do khiến KMS Technology chọn lĩnh vực này để tập trung thay vì lĩnh vực khác. KMS Healthcare có trụ sở tại Atlanta – mỹ và với trung tâm phát triển phần mềm chính đặt tại Việt Nam.
Ông Phong Bùi - Giám đốc Quốc gia tại Việt Nam của KMS Healthcare, tiết lộ: KMS Healthcare hiện có 400 nhân viên tại Việt Nam và con số này đang phát triển nhanh chóng. Lượng nhân sự làm việc ở TP.HCM và Đà Nẵng này chủ yếu là đội ngũ kỹ sư lập trình - chuyên viên phát triển dịch vụ cho khách hàng tại Mỹ. KMS Healthcare kỳ vọng mức tăng trưởng kinh doanh hơn 20% mỗi năm và đặt mục tiêu có hơn 1.000 nhân viên trong tương lai không xa.
Còn ông Mikael Ohman - Giám đốc điều hành KMS Healthcare, phân tích: “KMS Healthcare là một cái tên mới, nhưng thương hiệu KMS không quá xa lạ trong lĩnh vực này. KMS Technology đã làm việc với các công ty chăm sóc sức khỏe - y tế tại Mỹ kể từ khi thành lập, với các thành tựu nhất định và kinh nghiệm trong thị trường này.
Các giải pháp health-tech của chúng tôi đã mang đến cho đối tác sẽ góp phần hạn chế nguy cơ tử vong, nhận diện và xử lý các cơn đột quỵ khẩn cấp, giải quyết các vấn đề thách thức y khoa như khả năng tương tác dữ liệu y tế, quá trình nghiên cứu thuốc nhanh hơn để đưa ra thị trường, phân tích bệnh án, quyết định điều trị dựa trên AI, thăm khám từ xa.
Ngoài ra, thông qua việc nâng cao trải nghiệm dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tác động kinh doanh của KMS Healthcare góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, phát hiện kịp thời những nguy cơ có thể gây thương tật vĩnh viễn thông qua các thiết bị đeo tay, theo dõi sức khoẻ, ứng dụng trí tuệ nhân tạo và các nền tảng giao tiếp sử dụng trong y khoa…”.
Với số lượng khách hàng tăng 30%/năm, KMS Healthcare đang làm việc với gần 50 nền tảng tích hợp, cung cấp dịch vụ cho 334 triệu bệnh nhân, hơn 100 triệu lượt khám bệnh tại thị trường Hoa Kỳ.
Cũng theo ông Mikael Ohman, thì KMS Healthcare đang có kế hoạch khám phá thị trường Việt Nam, cũng như xác định chiến lược tối ưu nhất để ứng dụng giải pháp sản phẩm công nghệ vào lĩnh vực y tế - chăm sóc sức khỏe. Hiện tại kế hoạch vẫn đang ở giai đoạn ý tưởng, nhưng Việt Nam có một nền kinh tế lớn và đang phát triển, sẽ có nhiều cơ hội cho các công ty dịch vụ phần mềm trong nước.
“Sự thay đổi về nhân khẩu học tại Việt Nam, như: phân bổ dân số theo độ tuổi, kinh tế phát triển giúp nâng cao mức thu nhập khiến tầng lớp trung lưu và thượng lưu tăng nhanh, tình trạng các bệnh mãn tính ngày càng tăng; đã và đang thúc đẩy nhu cầu chăm sóc sức khoẻ dài hạn.
Ngành health-tech tại Việt Nam (và các nước đang phát triển) đang trong giai đoạn đầu hội nhập cùng các quốc gia tiên phong như Mỹ hoặc Châu Âu. Có thể thấy rõ, còn nhiều cơ hội lớn cho các dịch vụ và sản phẩm ngành Healthtech trong thị trường Việt Nam với hàng trăm triệu dân đang phát triển nhanh chóng.
Thị trường health-tech tại Mỹ đang phát triển ổn định với nhiều tên tuổi lớn, cùng rất nhiều cải tiến mới. Các quỹ đầu tư và các nguồn tài trợ vào công nghệ chăm sóc sức khỏe đã bùng nổ trong 5 năm qua; năm nay giảm một chút như ở mọi ngành nhưng vẫn ở mức rất cao. Đây là cơ hội lớn cho KMS Healthcare để mở rộng tất cả các phân khúc chăm sóc sức khỏe”, ông Mikael Ohman nếu lý do vì sao lại có ý định hoạt động cả ở Mỹ lẫn Việt Nam.
Sở dĩ KMS Healthcare thận trọng như thế, bởi thị trường được y tế -chăm sóc sức khỏe của Việt Nam vừa sơ khai vừa phức tạp, không như thị trường Mỹ; nên họ cần nhiều thời gian để làm quen cũng như thâm nhập. Tuy nhiên, việc thị trường Việt Nam chưa có bất cứ 'tay chơi lớn' nào trong ngách này, cũng là một lợi thế cho KMS Healthcare
Kaypay
Phần mình, Kaypay có lẽ là đúc kết của những tháng ngày làm công nghệ cho ngành tài chính – ngân hàng ở KMS Solutions của KMS Technology.
Theo lời giới thiệu của KMS Technology, thì Kaypay là ứng dụng kết hợp nền tảng thương mại điện tử và tính năng thanh toán mua trước trả sau.
Kaypay cam kết triển khai dịch vụ mua trước trả sau hoàn toàn minh bạch, đúng với bản chất sản phẩm là giải pháp an toàn, thân thiện và hoàn toàn không tính phí dịch vụ cho người dùng. Chi phí vận hành được chia sẻ bởi Kaypay và các đối tác thương hiệu. Đây cũng là điểm khác biệt nổi bật của Kaypay trên thị trường mua trước trả sau hiện nay.
Mọi tính năng của Kaypay được tập trung xây dựng dựa trên nền tảng AI (Artificial Intelligence) và Big Data, mang lại các trải nghiệm kỹ thuật số (digital native experience) tối ưu cho người dùng trong việc khám phá, mua sắm và thanh toán.
Ứng dụng Kaypay hiện có hơn 2.000 lượt tải về từ người dùng Việt Nam trên Google Play và Apple AppStore.
Ông Lê Trần Bảo Duy - CEO của KayPay chia sẻ: “Các đối tác phân phối hàng hóa trên nền tảng của Kaypay luôn cần đáp ứng các tiêu chí nhận định và có chung tầm nhìn dài hạn.
Ngoài ra, Kaypay cũng thường xuyên sàng lọc chất lượng các sản phẩm từ các đối tác để không xâm phạm lời hứa đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng. Bởi người Việt Nam, đặc biệt là các bạn trẻ xứng đáng được sử dụng các sản phẩm tốt và yên tâm tận hưởng trải nghiệm mua sắm hoàn thiện”.