Chiến lược kỳ lạ giúp chàng vũ công kiếm 2 triệu USD chỉ sau 18 tháng chơi chứng khoán, trở thành huyền thoại đầu tư nhờ "1 chiếc hộp" và... ngủ khi người khác giao dịch
Không có nhiều thời gian theo dõi thị trường chứng khoán, Nicolas Darvas vẫn có thể "đánh đâu thắng đó" nhờ chiến lược đầu tư khác lạ và khôn ngoan của mình.
Nicolas Darvas sinh năm 1920 tại Hungary. Ông từng theo học ngành kinh tế và xã hội học tại ĐH Tổng hợp Budapest. Do loạn lạc chiến tranh, Darvas lưu lạc sang Thổ Nhĩ Kỳ rồi di cư tới Mỹ. Tại đây, số phận đưa đẩy chàng trai trẻ trở thành vũ công, đi lưu diễn ở nhiều nơi trên thế giới.
Nghề vũ công đem lại cho Darvas sự nổi tiếng đáng ngưỡng mộ, nhưng không giúp ông trở nên giàu có. Phải đến cuộc gặp gỡ định mệnh với anh em nhà Smith ở khu phố Latin (New York, Mỹ) vào năm 1952 đã làm cuộc đời của chàng trai này rẽ sang hướng mới.
Anh em nhà Smith là chủ vũ trường có tên Toronto Club. Họ mời Darvas về làm việc cho mình, nhưng không trả lương bằng tiền mặt mà bằng cổ phiếu của Brilund - một công ty khai khoáng của Canada. Bản thân chàng vũ công trẻ cũng cảm thấy vụ trao đổi này quá đỗi kỳ quặc, nhưng cũng đành gật đầu chấp nhận.
Tuy nhiên, vì một lý do nào đó, Darvas không thể biểu diễn ở vũ trường như đã hứa. Cảm thấy tội lỗi, ông đề nghị mua đống cổ phiếu đó từ anh em nhà Smith với giá 3.000 USD.
(Ảnh minh họa)
2 tháng trôi qua, Darvas quá bận rộn với công việc nên không để ý đến số cổ phiếu. Một ngày nọ, khi đang đọc báo, ông phát hiện số cổ phiếu Brilund mình mua với giá 50 xu đã tăng lên tới 1,9 USD. Như vậy, tổng số tiền mà ông có trong tay lúc này đã là 11.000 USD.
Bỗng dưng lãi tận 8.000 USD chỉ trong vòng 2 tháng, Darvas cứ ngỡ đây là phép màu. Trước đây, ông cứ nghĩ mọi người lao động để kiếm tiền, vậy mà giờ tiền lại có thể tự đẻ ra tiền nếu biết đầu tư hợp lý. Suy nghĩ này đã khiến ông cảm hứng và quyết định nghiêm túc dấn thân vào thị trường chứng khoán.
Mới chân ướt chân ráo chơi chứng khoán, Darvas quyết định sẽ áp dụng chiến lược: học hỏi từ những tiền bối dày dạn kinh nghiệm. Sau khi trò chuyện với một số người, ông quyết định đầu tư vào các mã được khuyên nhưng đều thất bại.
Lúc này, chàng vũ công mới hiểu ra, chỉ vì ai đó tin tưởng và đầu tư vào một cổ phiếu cụ thể, không có nghĩa là cổ phiếu đó sẽ hoạt động tốt trên thị trường.
Tiếp theo, Darvas tự nhủ rằng sẽ chỉ hỏi ý kiến từ các chuyên gia trong ngành. Ông đăng ký các bản tin, đọc báo và tạp chí đều đặn để tìm hiểu các mẹo đầu tư trên thị trường. Một lần nữa, những cổ phiếu mà Darvas chọn đã thất bại nặng nề.
Cảm thấy thị trường chứng khoán Canada biến động quá nhiều bởi tin tức về uranium và cơn sốt vàng, Darvas lại quay về phố Wall - nơi đang rất hưng thịnh. Mỗi ngày, ông thực hiện đến 20 giao dịch, chủ yếu là nhờ nhân viên môi giới hướng dẫn.
Dần dần, Darvas nhận ra những phi vụ nhỏ này sẽ chẳng kiếm cho mình được bao tiền. Muốn giàu nhanh thì phải đầu tư lớn; ông dành phần lớn thời gian để nghiên cứu và tìm kiếm cổ phiếu phù hợp. Mỗi ngày, ông bỏ ra 8 tiếng để đọc hơn 200 cuốn sách về đầu tư, thị trường, chứng khoán, báo cáo…
Cuối cùng, Darvas đã chọn được cổ phiếu của Jones & Laughlin. Việc quan trọng tiếp theo là tìm vốn. Để có tiền đầu tư, ông bán nhà ở Las Vegas, tận dụng các mối quan hệ ở khu phố Latin nơi mình làm việc, cộng thêm với số tiền nhận được từ nghề vũ công. Đáng buồn thay, một lần nữa nhà đầu tư non trẻ này lại lỗ nặng.
(Ảnh minh họa)
Darvas không khỏi ngạc nhiên và thắc mắc: Liệu có thể kiếm tiền được từ thị trường không? Nếu có, đó là người nào? Ông đã dùng mọi cách, từ kiến thức thị trường cho đến lời khuyên của chuyên gia, thậm chí là phân tích đánh giá, nhưng đều không hiệu quả.
Lúc này, Nicolas Darvas mới nghĩ: Tại sao không đầu tư vào loại cổ phiếu đang tăng trưởng liên tục? Theo ông, nếu giá trị của cổ phiếu tăng cùng với khối lượng, nếu đầu tư vào nhất định sẽ có lãi.
Ngay lập tức, Darvas áp dụng cách này để mua cổ phiếu của Texas Gulf và thu về lợi nhuận đầu tiên. Ông quyết định kiểm tra xem đây chỉ là ăn may hay chiến lược của ông thực sự có tác dụng. Chàng vũ công thử lại lần nữa với cổ phiếu của M&M Wood Working và tiếp tục kiếm được không ít tiền.
Kỳ lạ ở chỗ, khi Darvas mua cổ phiếu này, không có tin tức gì liên quan tới công ty xuất hiện trên thị trường, cũng như chẳng có lý do gì đặc biệt để khiến cổ phiếu đó tăng phi mã. Mãi đến khi nó đã tăng được một thời gian, mới xuất hiện thông tin rằng M&M Wood Working sắp sửa ký kết một hợp đồng lớn.
Vậy làm thế nào mà chàng vũ công trẻ tuổi lại đoán trước một cách thần kỳ như vậy?
Bí quyết nằm ở trong chiếc hộp kỳ diệu của Nicolas Darvas, hay còn gọi là "Nguyên lý chiếc hộp Darvas". Ông tin rằng có thể phát hiện sớm dấu hiệu của giao dịch nội bộ trước khi công ty công khai thông tin ra công chúng.
Sau những năm tháng làm việc trong vũ trường, Darvas để ý thấy trước khi tăng, giá cổ phiếu thường lên xuống trong một phạm vi nhất định, giống như việc vũ công phải đi về phía góc sân khấu để lấy đà nhảy lên cao.
Giả sử, Darvas có một cổ phiếu giá 10 USD. Sau khi tăng lên 20 USD, cổ phiếu này lại rơi xuống mức 15 USD và liên tục biến động, nảy lên nảy xuống như quả bóng trong giới hạn 15-20 USD. Hai giới hạn trên dưới này tạo thành một cái hộp thủy tinh; việc của ông là chờ cho giá cổ phiếu vượt ra khỏi cái hộp đó.
Khi giá cổ phiếu vượt qua mốc 20 USD và tăng cùng khối lượng, đây là lúc Darvas sẽ giao dịch để thu về lợi nhuận tốt. Sau mỗi lần tăng, giá cổ phiếu sẽ lấy đà tăng lên một cấp độ mới, tạo thành nhiều hộp thủy tinh chồng lên nhau. Khi quả bóng vượt đáy của chiếc hộp trên cao nhất thì cũng là lúc Darvas bán cổ phiếu đi vì giá sẽ bắt đầu giảm.
Nguyên lý "Chiếc hộp Darvas"
Bằng phương pháp này, Darvas đã đạt được những thành công bước đầu, biến khoản đầu tư 36.000 USD lên thành 500.000 USD trước những con mắt ngỡ ngàng của phố Wall. Thông tin về cổ phiếu hay các chỉ số tài chính về doanh nghiệp đều bị gạt sang một bên bởi với ông, giá và khối lượng là hai yếu tố duy nhất đáng để quan tâm.
Giới đầu tư kháo nhau rằng Darvas chỉ cần nhìn vào biến động giá cổ phiếu là biết có nên đầu tư hay không.
Một lần nọ, khi đang đi lưu diễn ở Kolkata, ông nghe thấy một vị bá tước nói rằng cổ phiếu của E. L. Bruce đang tăng mạnh từ 16 USD lên 50 USD với khối lượng giao dịch là 35.000 cổ phiếu.
Darvas liền mua một tờ The Wall Street Journal hay Barron’s ở dọc đường, nghiên cứu qua biến động giá cả, hành vi trên thị trường, số lượng giao dịch hàng tuần, cộng thêm thông tin về giá được cung cấp từ người môi giới.
Vũ công này đã mua một lượng cổ phiếu ở mức giá 51 USD, dù không biết gì về công ty E. L. Bruce. Khoảng 6 tuần sau, khi giá cổ phiếu đã chạm ngưỡng 171 USD, ông bán đi và thu về một số tiền lớn.
"Khi trình diễn, tôi biết cách đánh giá khán giả của mình. Đó là bản năng", ông tiết lộ bí quyết. "Trên thị trường chứng khoán cũng vậy. Bạn phải tìm ra công chúng muốn gì và đi theo. Bạn không thể chống lại âm nhạc hay số đông."
Kiếm được nửa triệu USD, Nicolas Darvas vô cùng vui sướng, nghĩ rằng mình đã nắm trong tay thị trường chứng khoán. Thừa thắng xông lên, ông quyết định tạm gác chuyện nhảy múa, dành nhiều thời gian hơn để đầu tư, đặc biệt là giao dịch trong ngày. Đây là bài học đầu tiên mà ông rút ra: "Học cách đầu tư lại lợi nhuận".
Darvas bán và mua cổ phiếu đầy say mê từng giây từng phút, đổ tiền vào hàng loạt công ty như Rome Cables, American Motors, American Cables,... nhưng lại lỗ tới 100.000 USD. Ông tự hỏi bản thân: Tại sao một người kiếm được hàng đống tiền từ thị trường chứng khoán như mình lại thất bại?
Hóa ra, sai lầm nằm ở đôi tai của Darvas.
Trước đây, do bận đi lưu diễn khắp nơi trên thế giới, vũ công này không có nhiều thời gian để nghe ngóng tình hình thị trường chứng khoán. Ông chỉ giao dịch bằng cách phân tích xu hướng trên thị trường và qua đó thu về lợi nhuận.
Bây giờ, do quá tập trung vào thị trường, Darvas lắng nghe và phản ứng trước mọi tin tức mình nhận được. Ông thực hiện giao dịch dựa trên những thông tin đó và thất bại thảm hại.
Đây là bài học thứ hai Darvas nhận được: "Chỉ giao dịch khi có cơ hội trên thị trường sẽ giúp bạn kiếm được lợi nhuận tốt. Giao dịch quá thường xuyên sẽ chỉ dẫn đến thua lỗ".
(Ảnh minh họa)
Lúc này, khoản đầu tư vào Thiokol Chemical và Universal Control từ thời Darvas còn làm vũ công mới phát huy tác dụng. Nhờ "nguyên lý chiếc hộp", vũ công này không tốn quá nhiều thời gian để kiếm lợi nhuận "khủng". Ông sử dụng phương thức "delivery-trading", có nghĩa là giữ cổ phiếu cho đến khi đạt tới giá trị hợp lý.
Thứ dồn hết tâm huyết để nghiên cứu thì liên tục lỗ; thứ chơi qua loa thì kiếm ra tiền. Bài học đắt giá này đã dạy cho Darvas một điều: "Cố quá thì quá cố; phân tích nhiều sẽ phản tác dụng".
Cảm thấy giao dịch trong ngày quá rủi ro, Darvas quay trở về con đường đầu tư cũ - nơi ông có nhiều khả năng thành công hơn. Vũ công ngộ ra một chân lý: "Mắc sai lầm là việc có thể chấp nhận, nhưng lặp lại cùng một sai lầm thì là sai lầm. Vì thế, đừng bao giờ lặp lại sai lầm cũ, dù chỉ là tình cờ".
Sau những thất bại đau đớn khi thử giao dịch trong ngày, Nicolas Darvas cố gắng tìm lại sự tự tin bằng cách đầu tư nhỏ lẻ bằng "nguyên lý chiếc hộp". Ông mất không ít tiền, nhưng cũng kiếm được kha khá, nhờ cắt lỗ kịp thời và chọn đúng cổ phiếu.
"Khi một cổ phiếu đang trong xu hướng tăng giá, chúng ta nên giữ nó thay vì vội vàng bán bớt. Đó là cơ hội tốt để kiếm lợi nhuận. Mặt khác, khi cổ phiếu có xu hướng giảm giá, chúng ta nên bán sớm", ông chia sẻ
Chính vì thế, khi thấy cổ phiếu của Universal Control có dấu hiệu giảm, Darvas đã bán bớt để bảo toàn lợi nhuận. Sau đó, ông đem chỗ tiền này mua thêm cổ phiếu của Texas Instruments - khi thấy nó đang có dấu hiệu vượt giới hạn trên theo "nguyên lý chiếc hộp". Vũ công này cũng bán đúng lúc cổ phiếu của Thiokol Chemical, thu về 800.000 USD.
Darvas muốn đầu tư vào một loại cổ phiếu đang tăng để nới rộng lợi nhuận, nhưng bỏ hết trứng vào một giỏ thì quá rủi ro. Thay vào đó, ông áp dụng một chiến lược vô cùng khôn ngoan.
Darvas chọn ra 4 mã cổ phiếu đang liên tục biến động trong "hộp", có xu hướng sẽ tăng. Đó là Zenith Radio, Beckman Instruments, Fairchild Camera and Litton Industries. Ông không đầu tư tất cả 800.000 USD vào chỗ này, mà chỉ dành 23% số tiền mua một lượng nhỏ cổ phiếu của 4 mã.
Đồng thời, Darvas duy trì mức cắt lỗ 10% cho mỗi giao dịch này. Trong số 4 mã cổ phiếu, không ai biết cái nào sẽ có xu hướng tăng, ngoại trừ chính nó.
Kết quả là: Litton Instruments và Beckman Instruments giảm, còn Zenith Radio và Fairchild Camera.
Với 2 mã giảm, Darvas không mất quá nhiều tiền do chỉ mua một ít cổ phiếu và cắt lỗ đúng lúc. Sau khi xác định được 2 mã tăng, ông dồn hết tiền vào đầu tư cho chúng và thu về một khoản lãi khổng lồ.
Ở đây, Darvas đã áp dụng logic của phép chia và nguyên tắc: thực hiện phân tích lấy mẫu trước, sau đó nếu giao dịch thành công thì tiếp tục theo đuổi mã cổ phiếu đó bằng cách tăng cường đầu tư vào đó.
Cứ như thế, khối tài sản của Darvas đã tăng tới 2 triệu USD chỉ trong vòng 18 tháng. Tin này nhanh chóng được lan truyền khắp nơi và đến tai Times. Phải mất 4 lần nghiên cứu danh mục đầu tư của ông, tạp chí này mới tin câu chuyện của ông là sự thật và cho đăng tải.
Là một vũ công chuyên nghiệp và phải đi lưu diễn khắp nơi, Darvas không có nhiều thời gian. Vào buổi sáng, khi các nhà đầu tư khác đang giao dịch nhộn nhịp, ông phải đi ngủ để dành thời gian biểu diễn vào buổi tối và ban đêm. Việc hóng tin, phân tích nhất cử nhất động và phân tích mọi mặt của cổ phiếu là không tưởng đối với ông.
Thị trường đóng cửa cũng là lúc Darvas ngồi phân tích và tìm mã cổ phiếu vừa vượt ra khỏi "chiếc hộp" và đang trên đà tăng. Ông sẽ xác định mức cắt lỗ để có thể thoát hiểm an toàn nếu đoán sai. Sau đó, ông chia sẻ mọi thông tin mình rút ra được cho người môi giới, để anh ta thực hiện giao dịch hộ mình vào sáng hôm sau.
Nicolas Darvas tin rằng đây chính là bí quyết lớn nhất đằng sau thành công của mình trên thị trường chứng khoán: "Khi người khác giao dịch, tôi ngủ. Khi thị trường đóng cửa, tôi ngồi phân tích".
(Theo Aryaamoney)