Chiếc máy bay thương mại lớn nhất thế giới đã được "tái chế" như thế nào?
Máy bay Airbus A380 đã được đưa vào sử dụng gần hai thập kỷ trước nhưng nhanh chóng thất thế vì nhiều điểm bất lợi.
Được ra mắt vào năm 2005, Airbus A380 là dòng máy bay chở khách lớn nhất trên thế giới. Tuy nhiên, trái với số lượng lớn được dự kiến ban đầu, Airbus quyết định chỉ sản xuất 251 chiếc A380 và kết thúc quá trình này vào cuối năm 2021.
Dù nhận được sự yêu thích của hành khách, Airbus A380 đã nhanh chóng lộ ra một loạt khuyết điểm sau khi được đưa vào hoạt động. Loại máy bay này có kích cỡ quá lớn và quá tốn nhiên liệu vì có tới bốn động cơ, nhanh chóng bị vượt mặt bởi các máy bay phản lực hai động cơ tiết kiệm nhiên liệu hơn. Geoff Van Klaveren - nhà phân tích hàng không tại công ty tư vấn IBA cho biết: “A380 chắc chắn là một trong những máy bay mới nhất được tái chế. Thông thường, một chiếc máy bay thương mại có thể hoạt động trong 25 năm trước khi bị loại bỏ”.
Máy bay Airbus A380 (Ảnh: Tarmac Aerosave)
Trên thực tế, chỉ một số công ty có khả năng tái chế chiếc máy bay chở khách lớn nhất thế giới này và công ty có kinh nghiệm nhất trong số đó phải kể đến Tarmac Aerosave – đơn vị đã tái chế hơn 300 chiếc máy bay kể từ khi được thành lập vào năm 2007. Tarmac Aerosave đã tái chế tổng cộng sáu chiếc A380 và chuẩn bị tiếp nhận chiếc thứ bảy.
Lionel Roques - giám đốc kinh doanh của Tarmac Aerosave cho biết: “Việc tái chế bắt đầu bằng cách tái sử dụng và kéo dài tuổi thọ của các bộ phận khác nhau, cụ thể là lấy ra những phần có thể được sử dụng lại để tạo ra một chiếc máy bay khác”. Những phần này bao gồm động cơ, thiết bị hạ cánh, các bộ phận điện tử xử lý liên lạc, điều hướng. Các bộ phận này sẽ được kiểm tra chặt chẽ và bán lại với đầy đủ khả năng truy xuất nguồn gốc và khả năng bay an toàn. Ngoài ra, một vài bộ phận của A380 hiện có cũng có thể được sử dụng cho mục đích đào tạo tại trường học cho thợ máy hay sinh viên mới vào ngành.
(Ảnh: Tarmac Aerosave)
Quá trình đã kể trên sẽ diễn ra trong một vài tuần, sau đó công ty sẽ tiến hành thu thập vật liệu của máy bay và phân loại ra thành nhôm, titan, đồng...để tái sử dụng trong tương lai. Tarmac cam kết rằng họ sẽ tái chế “đến con vít cuối cùng”. Roques cho biết thêm: “Các chất thải còn lại sẽ là tối thiểu nhất có thể, chiếm một tỷ lệ nhỏ khoảng 1% đến 3%”.
Một cách khác để tái chế A380 là tách rời những phần mang tính biểu tượng để làm vật trang trí. Cuối năm vừa qua, Airbus đã làm cách này để gây quỹ từ thiện và bán đấu giá hàng trăm bộ phận từ chiếc Emirates A380 trước đây. Cách làm này mang đến cho những người đam mê hàng không cơ hội mua hầu hết mọi bộ phận của máy bay, từ những món đồ nhỏ như chốt cửa, dây an toàn, tay vịn, biển báo thoát hiểm, đèn, rèm cửa và ấm đun nước cho đến những món đồ cồng kềnh bao gồm toàn bộ hàng ghế, cầu thang, xe đẩy đồ uống và các bộ phận của động cơ.
Rogues cho rằng trong tương lai, chúng ta có thể sẽ khó nhìn thấy những chiếc máy bay tương tự như A380. Ông nói thêm: “Đó là một loại máy bay độc nhất vô nhị. Tuổi thọ của nó sẽ được kéo dài hết mức có thể, tôi không thấy thứ gì có thể thay thế nó”.