Chi tiết nhiệm vụ phòng chống COVID-19 của các Phó Chủ tịch Hà Nội
Ban Cán sự Đảng UBND thành phố Hà Nội vừa có văn bản phân công chỉ đạo triển khai nhiệm vụ cụ thể cho các Phó chủ tịch UBND thành phố nhằm tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đó, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn, được giao chủ trì chỉ đạo Công an thành phố phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Bộ Công an xây dựng phương án cấp giấy đi đường dựa trên cơ sở dữ liệu dân cư và thẻ căn cước công dân nhằm đảm bảo chặt chẽ, đồng bộ, liên thông với việc quản lý dữ liệu dân cư quốc gia.
Chủ trì, chỉ đạo Công an thành phố khẩn trương điều chỉnh việc cấp giấy đi đường đảm bảo tuân thủ công tác phòng, chống dịch, nhưng phải theo nguyên tắc cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; tiếp tục việc phân cấp, phân quyền cho các tổ chức, cơ quan, đơn vị, triển khai công tác cấp giấy đi đường.
Đồng thời, ông Lê Hồng Sơn chỉ đạo, giao Công an thành phố chủ trì phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra đột xuất, lưu động trên các tuyến đường, các tổ chức, cơ quan đơn vị về phương án hoạt động trong điều kiện phòng chống dịch, nhất là những doanh nghiệp không thuộc nhóm sản xuất, kinh doanh mặt hàng thiết yếu, kiên quyết xử phạt và cho tạm dừng hoạt động những đơn vị không chấp hành nghiêm quy định.
Trước mắt, thống nhất việc tiếp tục sử dụng mẫu giấy đường đã cấp theo các quy định trước đây của thành phố cho đến khi hoàn thành việc cấp giấy đi đường theo mẫu mới. Người dân có giấy đi đường được phép đi xuyên vùng, nhưng phải đúng điểm đến.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, tiếp tục chỉ đạo Tổ công tác chuyên trách số 1 hướng dẫn, tổ chức thần tốc việc xét nghiệm diện rộng toàn thành phố theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 71; kịp thời cách ly, khoanh vùng, dập dịch và chăm sóc, điều trị phù hợp.
Trong đó, lưu ý một số yêu cầu: Đến ngày 15/9/2021, tại các khu vực có nguy cơ rất cao phải hoàn thành lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân ít nhất 3 lần (từ 2-3 ngày/lần). Tại các khu vực có nguy cơ và khu vực khác phải hoàn thành lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân ít nhất 1 lần (5-7 ngày/lần).
Xét nghiệm tầm soát 100% với các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở, viêm đường hô hấp... đến bệnh viện khám, chữa bệnh và tại cộng đồng. Xét nghiệm 3 ngày/lần đối với nhân viên, người lao động tại các cơ sở khám, chữa bệnh và các đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh.
Hướng dẫn người dân tự lấy mẫu có sự giám sát của nhân viên y tế hoặc tình nguyện viên. Áp dụng xét nghiệm RT-PCR hoặc kháng nguyên nhanh kết hợp với việc gộp mẫu phù hợp. Trường hợp xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp, phải trả kết quả xét nghiệm trong vòng 12 giờ.
Chủ trì chỉ đạo Sở Y tế xây dựng phương án, kế hoạch phối hợp với 11 tỉnh, thành phố bạn trong công tác xét nghiệm và tiêm vaccine để đáp ứng yêu cầu về tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải, chủ trì chỉ đạo Tổ công tác khẩn trương tìm kiếm, mua vắc xin phòng dịch COVID-19 đảm bảo nguồn vắc xin tiêm chủng sớm nhất cho người dân.
Tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện cơ sở vật chất, hậu cần, trang thiết bị cho khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến, thu dung bệnh nhân F0, nhằm đảm bảo nhất quán nguyên tắc F0 phải điều trị tại bệnh viện, F1 phải cách ly tập trung.
Tiếp tục chủ trì chỉ đạo công tác triển khai thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, thành phố về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, các đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Tiếp tục chỉ đạo Sở LĐTBXH rà soát, hỗ trợ kịp thời những đối tượng khó khăn khác do ảnh hưởng của dịch bệnh trên địa bàn thành phố, đảm bảo không bỏ sót đối tượng, không để người dẫn thiếu ăn, thiếu mặc. Bảo đảm mọi người dân được tiếp cận với dịch vụ y tế từ sớm, từ xa, ngay tại xã, phường, thị trấn, khi người dân yêu cầu phải đáp ứng kịp thời.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng, được phân công phối hợp cùng Ban Tuyên giáo Thành ủy chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông và các đơn vị liên quan tăng cường phối hợp với các cơ quan báo chí của T.Ư, thành phố và các địa phương khác chủ động trong công tác tuyên truyền sâu rộng, kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng về kết quả phòng, chống dịch của thành phố, vận động tạo sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân.
Trong đó, tập trung vào việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của thành phố về công tác phòng, chống dịch, công tác tiêm chủng, xét nghiệm, điều trị bệnh, an sinh xã hội, an ninh trật tự...