Chỉ nặng 28g, loài vật nhỏ bé lại trở thành vật chủ ưa thích của nhiều loại virus nguy hiểm, gây ra cái chết cho hàng triệu người trên thế giới
Dựa trên những phát hiện về nguồn gốc gây bệnh từ động vật sang người của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các nhà khoa học đã đưa ra những lý do tại sao dơi lại trở thành vật chủ lý tưởng cho các loại virus gây bệnh.
Top 3 bệnh dịch nguy hiểm do dơi làm vật chủ lây bệnh
Đến nay, thế giới đã chứng kiến nhiều bệnh dịch nguy hiểm có nguồn gốc từ loài dơi hoặc do dơi làm vật chủ lây bệnh.
Virus Marburg
Mới đây giới y khoa thế giới tiếp tục phát hiện một loại virus khác có tên Marburg xuất hiện tại Ghana. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đây là lần đầu tiên một quốc gia ở Tây Phi phát hiện ca nhiễm virus này.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, Marburg là loại bệnh sốt xuất huyết hiếm gặp do virus Marburg gây ra, cùng họ với Ebola, có khả năng lây nhiễm cao tương tự. Hiện thế giới chưa có vaccine chống lại căn bệnh này.
Đàn dơi tụ tập trong một hang động ở Vườn quốc gia Queen Elizabeth, Uganda. Khoảng 50.000 con dơi trú ngụ trong hang. Bonnie Jo Mount / The Washington Post
Virus Marburg có thể đã truyền từ dơi ăn quả sang những người làm việc lâu dài trong các hầm mỏ, hang động.
Đáng nói, tỷ lệ tử vong sau khi mắc bệnh dao động từ 24% đến 88%, tùy thuộc vào chủng virus và chất lượng điều trị tại cơ sở y tế. Trong những trường hợp tử vong, người bệnh thường qua đời vào ngày thứ 8-9 sau khi khởi phát triệu chứng. Trước khi tử vong, bệnh nhân bị mất máu, xuất huyết nghiêm trọng, rối loạn chức năng đa cơ quan.
Đại dịch COVID-19
Theo New York Times, mùa hè năm 2020, nửa năm sau khi đại dịch bắt đầu bùng phát, các nhà khoa học đã đi vào các khu rừng ở Bắc Lào để bắt những con dơi có khả năng mang những chủng virus là "họ hàng" với virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19.
Trong đêm khuya thanh vắng, họ đã sử dụng lưới sương mù và bẫy vải bạt để bắt dơi khi chúng chui ra từ các hang động gần đó, thu thập các mẫu nước bọt, nước tiểu và phân, sau đó thả chúng trở lại vào bóng tối.
Các nhà khoa học đã phân tích những mẫu vật thu được trong phòng thí nghiệm với mức độ an toàn sinh học và bảo mật cao (BSL-3), sử dụng đồ bảo hộ chuyên dụng và bộ lọc không khí. Kết quả nghiên cứu cho thấy có sự tồn tại của các chủng virus corona trong phân dơi.
Các nhà khoa học phát hiện điều bất thường ở 3 trong số các chủng virus corona tìm thấy ở Lào: Chúng có một móc phân tử trên bề mặt, rất giống với móc trên virus SARS-CoV-2, có tác dụng giúp virus bám chặt và xâm nhập vào tế bào cơ thể người.
Dơi móng ngựa cỡ nhỏ Rhinolophus pusillus chỉ nặng không đến 28g. Ảnh: New York Times
Đề cập đến độ bám vào tế bào cơ thể người của móc ở các chủng virus corona tìm thấy ở Lào, tiến sĩ Marc Eloit, nhà virus học tại Viện Pasteur ở Paris và là người đứng đầu cuộc nghiên cứu, cho biết: "Nó thậm chí còn tốt hơn các biến thể ban đầu của SARS-CoV-2".
Cũng theo các nhà khoa học, lần đầu tiên một chủng corona virus có nguy cơ gây ra một đại dịch là vào năm 2002 và 2003, khi chủng virus SARS-CoV đã làm cho khoảng 8.000 người nhiễm. Chủng virus này có nguồn gốc từ loài dơi móng ngựa (loài vật chỉ nặng dưới 28g) và lây nhiễm sang các vật chủ trung gian như gấu mèo và cầy hương, trước khi lây nhiễm vào con người.
Trong một bài viết trên tờ The Daily News (của bang Texas, Mỹ) số ra ngày 14/9/2021, giáo sư Norbert Herzog và giáo sư David Niesel của Đại học Y Texas Medical Branch khẳng định rất có thể virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ loài dơi và đã lây nhiễm sang con người. Sau đó, chúng đã có một sự thích nghi di truyền và gây ra đại dịch COVID-19.
Virus Ebola
Ebola là một loại virus gây xuất huyết. Chúng xâm nhập và theo máu hoặc huyết tương lan ra khắp cơ thể người, gây sốt cao, tiêu chảy, nôn, xuất huyết nội và xuất huyết ngoại. Hiện chưa có vắcxin phòng chống hay phương pháp điều trị hiệu quả, do đó virus Ebola gây tử vong cho 90% trường hợp mắc bệnh (theo số liệu của Viện Quốc gia Hoa Kỳ).
Các chuyên gia y học tin rằng các loài động vật là vật chủ của virus Ebola. Những trường hợp virus này lây từ tinh tinh, gorilla và khỉ qua người đã được ghi nhận. Dơi và các loài thú có vú khác cũng mang mầm virus, nhưng chúng lại không hề có biểu hiện triệu chứng gì bên ngoài.
Ở Guinea, các bộ tộc thiểu số Toma, Kissi và Guerze thường xuyên ăn thịt dơi. Thông thường chúng được nướng trực tiếp trên lửa hoặc nấu thành một loại súp cay với hạt tiêu và các nguyên liệu khác.
Ngay sau khi bùng phát dịch, chính quyền Guinea đã ra quyết định cấm người dân tiêu thụ súp dơi và dơi nướng cũng như các món làm từ dơi khác vì đây là nguồn gây bệnh.
Lý do dơi là vật chủ lý tưởng cho virus gây dịch bệnh
Reuters dẫn thông tin từ Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), dơi là thuộc nhóm động vật có vú biết bay, với hơn 1.300 loài thuộc 20 họ. Chúng chiếm khoảng 20% tổng số các loài động vật có vú và có mặt ở khắp nơi trên thế giới, ngoại trừ Bắc Cực, Nam Cực và một vài hòn đảo trên đại dương.
Dơi xuất hiện lần đầu tiên trong hồ sơ hóa thạch khoảng 50 triệu năm trước và đại diện cho nhóm động vật có xương sống biết bay thứ ba trong lịch sử Trái đất, sau loài bò sát biết bay là thằn lằn có cánh và chim.
Nhóm động vật khác duy nhất có thể chứa nhiều virus hơn là loài gặm nhấm, nhóm động vật có vú đa dạng nhất. Có khoảng 2.300 loài gặm nhấm thuộc 33 họ, chiếm khoảng 40% tổng số động vật có vú. Các loài gặm nhấm được cho là nhóm động vật chứa nhiều virus hơn nhưng dơi là loài chứa nhiều virus hơn.
Sự đa dạng của cả hai nhóm động vật đã được các nhà khoa học coi là một cơ chế có thể thúc đẩy sự đa dạng của virus do số lượng loài lớn hơn có thể tạo ra nhiều môi trường thích hợp hơn cho virus.
Một số loài dơi đậu trong rừng trong khi những loài khác sinh sống ở hang động. Hầu hết các loài dơi ăn côn trùng như bọ cánh cứng, bướm đêm và muỗi. Một số loài dơi ăn trái cây, mật hoa, hạt và phấn hoa trong khi những loài khác ăn các động vật nhỏ như chim, cá, ếch và thằn lằn.
Loài dơi nhỏ nhất là dơi mũi heo Kitti dài khoảng 3cm và loài dơi lớn nhất là dơi quạ, có thể dài đến khoảng 45cm.
Dưới đây là một số yếu tố lý giải tại sao dơi trở thành vật chủ lý tưởng cho virus gây bệnh.
Tuổi thọ
Ngoài sự đa dạng về loài, những đặc điểm khác khiến dơi thích hợp làm vật chủ của virus bao gồm kích thước và tuổi thọ của chúng.
Dơi có tuổi thọ tương đối dài so với kích thước cơ thể, điều này có thể khiến virus dễ dàng tồn tại vì các bệnh nhiễm trùng mạn tính thường phổ biến hơn.
Di cư & ngủ đông
Khi các loài dơi với số lượng lớn di cư hoặc ngủ đông, điều này làm tăng khả năng tiếp xúc với mầm bệnh. Bên cạnh đó, các thành viên của một số loài dơi thường sống cùng nhau trong một cộng đồng lớn với các đàn gần nhau ở các địa điểm như hang động.
Là loài động vật biết bay
Dơi là loài động vật có vú duy nhất có khả năng bay. Để có thể bay, dơi thường xuyên trao đổi chất và trao đổi năng lượng. Điều này khiến nhiệt độ cơ thể của dơi tăng cao, tương tự như triệu chứng sốt ở người xảy ra trong quá trình phản ứng miễn dịch. Điều này có nghĩa là một số loại virus mà dơi làm vật chủ đã thích nghi để có thể chịu được nhiệt độ cao hơn.
Song, loài dơi mang lại nhiều lợi ích cho hệ sinh thái. Một số loài dơi đóng vai trò quan trọng như thụ phấn cho cây và phân tán hạt giống. Dơi có thể thụ phấn cho hơn 500 loài thực vật bao gồm bơ, chuối, chà là và xoài.
Ở Đông Nam Á, sầu riêng, một loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, chỉ có thể thụ phấn hiệu quả nhờ dơi ăn quả lưỡi dài. Một số loài dơi đóng vai trò quan trọng trong việc phân tán hạt giống và phục hồi rừng.
Dơi ăn côn trùng cũng đóng vai trò kiểm soát sinh học tự nhiên đối với côn trùng khi chúng có thể tiêu thụ hàng triệu con côn trùng vào ban đêm, bao gồm cả một số loài gây hại cho cây trồng.\