Chỉ mất 6 năm để vào top 5 công ty điện thoại lớn nhất thế giới: Bí quyết đằng sau sự thành công vũ bão của 'hạt gạo nhỏ' Xiaomi
Một thương hiệu đã đập tan những định kiến về điện thoại “Trung Quốc”, nâng tầm chất lượng cho phân khúc điện thoại tầm trung và đánh bại cả Apple, Samsung ngay tại sân nhà. Đó chính là Xiaomi. Chỉ sau 6 năm thành lập, công ty này đã được mệnh danh là một “Apple phương Đông” khi trở thành công ty sản xuất điện loại lớn thứ 5 thế giới và là startup công nghệ có giá trị lớn thứ 4 toàn cầu.
Đằng sau thành công vũ bão đó chính là nhờ 4 chiến lược kinh doanh cực kỳ đặc biệt sau:
Điện thoại sản xuất giá 300 USD, sẽ được bán đúng giá 300 USD
Mô hình kinh doanh cực kỳ độc đáo và thành công của Xiaomi bắt đầu bằng việc cắt bỏ mọi chi phí marketing và phân phối truyền thống bằng cách dựa tất cả trên nền tảng internet.
Qua đó, công ty sẽ giảm được khoảng 20 tới 25% phần lợi nhuận của các nhà bán lẻ hoặc phân phối. Cộng với lợi nhuận từ kinh doanh phụ kiện và các dịch vụ, ứng dụng khác trên nền tảng MiOS, Xiaomi hoàn toàn giữ được mức giá bán lẻ không cao hơn tổng chi phí nguyên liệu là bao.
Theo một báo cáo gần đây, tại Trung Quốc, những mẫu điện thoại mới nhất của Xiaomi có giá bán lẻ thấp hơn 25% so với Samsung và chỉ bằng 1/2 iPhone, trong khi cấu hình gần như tương tự nhau.
Và kết quả là Xiaomi đã tạo ra được 1 loạt sản phẩm mà người tiêu dùng mong chờ bấy lâu nay, hoàn toàn không giống những định kiến về “điện thoại tàu” hay “đồ nhái Trung Quốc”. Điện thoại Xiaomi là những sản phẩm cao cấp, đầy đủ tính năng và được cấu thành bởi những phụ kiện hàng đầu từ Sony, Sharp và LG – và thêm nữa là Xiaomi được lắp ráp bởi Foxconn, công ty chuyên lắp ráp cho Apple và Samsung.
Nhà cung cấp phụ kiện là những đối tác quan trọng nhất
Từ những ngày đầu thành lập, Lei Jun – CEO của Xiaomi đã xác định, để khác biệt và thành công thì cấu hình của điện thoại phải vượt xa sự mong đợi của thị trường.
Để chuẩn bị cho việc đó, Lei Jun đã tiến hành một chiến dịch gặp gỡ và thuyết phục những nhà cung cấp phụ kiện chất lượng cao nhất ở Đông Á. Trung bình một ngày Lei Jun gặp gỡ hơn 10 đối tác khác nhau trong suốt 5 tháng đầu thành lập nên Xiaomi.
Và cuối cùng, sự kiên trì của nhà sáng lập Xiaomi đã thành công, hãng điện thoại non trẻ này đã được sự hỗ trợ của những công ty hàng đầu như Sharp, Foxconn, và Wintek. Một số nhà cung cấp như Qualcomm vì quá ấn tượng với tầm nhìn của Lei Jun nên đã quyết định không chỉ cung cấp sản phẩm mà còn trở thành nhà đầu tư của Xiaomi.
Những tên tuổi này đã tạo nên danh tiếng của Xiaomi ngay từ những ngày đầu thành lập và tạo nên một “xương sống” vững chắc cho chuỗi cung ứng của Xiaomi trên chặn đường phát triển.
Chuỗi cung ứng đúng lúc, đúng số lượng
Với góc nhìn của người tiêu dùng, khi một dòng sản phẩm Xiaomi mới ra được tuyên bố là chỉ có số lượng giới hạn sẽ thúc đẩy nhu cầu một cách mạnh mẽ. Dù đây được đồn đoán chỉ là một “chiêu trò” bán hàng của Xiaomi.
Và với góc nhìn của một nhà quản lý chuỗi cung ứng, bằng cách giới hạn số lượng hàng hóa trong một đợt, Xiaomi sẽ cắt giảm được chi phí tồn kho một cách triệt để, qua đó tiếp tục giảm giá thành và giúp kiểm soát được lợi nhuận một cách chắc chắn nhất.
Dựa trên nền tảng thương mại điện tử và quyết định chỉ thu mua nguyên vật liệu sau khi khách đã đặt hàng, Xiaomi còn cắt giảm thêm chi phí tồn kho nguyên vật liệu và chi phí vận chuyển khi cả nguyên liệu đầu vào và thành phẩm đầu ra đều được kiểm soát để vận chuyển ít lần nhất có thể.
Thêm vào đó, Xiaomi còn áp dụng chiến lược bán 1 dòng sản phẩm lâu hơn hẳn so với các đối thủ trên thị trường. Thời gian trung bình của 1 dòng sản phẩm Xiaomi “trên kệ” là 18 tháng, so với chỉ 6 tháng của Samsung hay Apple. Với thời gian bán lâu, Xiaomi có thể linh hoạt điều chỉnh giá để giải phóng toàn bộ hàng tồn kho nhưng vẫn có thời gian để tránh giảm giá đột ngột, giữ vững được lợi nhuận, phát triển thêm các phụ kiện để gia tăng doanh thu và lợi dụng việc giảm giá của nguyên vật liệu qua thời gian.
Với mô hình chuỗi cung ứng này, Xiaomi không chỉ đem lại sự thành công lớn mà còn khiến các gã khổng lồ khác phải suy nghĩ lại về cách tiếp cận có một không hai của mình.
Và cuối cùng nhưng cũng là nền móng quan trọng nhất: Mi-fans
Bằng cách này, Xiaomi đã tạo nên một cộng đồng đầy kết nối và hữu ích cho riêng sản phẩm của mình. Chẳng hạn như ông Zhao, một công nhân nhà máy với thời gian làm việc có khi lên đến 29 ngày trong một tháng. Vào những lúc rảnh rỗi, ông Zhao thường túc trực trên diễn đàn Xiaomi để trả lời câu hỏi của người dùng. Khi được hỏi vì sao ông lại tình nguyện làm việc trong khoản thời gian nghỉ ngơi ít ỏi của mình, ông đáp “việc trở thành một thành viên tích cực của cộng đồng Xiaomi khiến tôi cảm thấy mãn nguyện hơn.”
Và ông Zhao không phải là một trường hợp ngoại lệ, hàng ngàn “fan cuồng” Xiaomi khác được gọi là Mi-fans đang ngày ngày phát triển và hỗ trợ cho cả cộng đồng, góp phần nâng cao cả hình ảnh Xiaomi và mức độ hài lòng của người dùng trên khắp thế giới. Hàng năm họ còn tổ chức ngày hội Mi-fans vào 6 tháng 4, kỷ niệm ngày thành lập của Xiaomi.
Mặc dù hiện nay tốc độ phát triển của Xiaomi đã chững lại với rất nhiều khó khăn và sự cạnh tranh cả trong và ngoài nước. Nhưng những gì Xiaomi đã làm được xứng đáng được ghi vào một trang của lịch sử kinh doanh hiện đại, khi mà một công ty nhỏ bé từ Trung Quốc chỉ trong vài năm đã phát triển mạnh mẽ trở thành một thế lực đáng gờm của ngành công nghiệp điện thoại trên cả thế giới.