Chị gái Nam Em khiến nhiều người nghĩ tới con gái một nam diễn viên nổi tiếng: Khi nỗi buồn thơ ấu là rào cản hạnh phúc tương lai

05/03/2024 08:40 AM | Sống

Những ảnh hưởng tâm lý thời thơ ấu có thể ám ảnh trẻ đến tận khi trưởng thành.

Thời gian gần đây, những vấn đề xoay quanh Nam Em được dân tình đặc biệt quan tâm. Rất nhiều câu chuyện cũ về "Hoa khôi Đồng bằng sông Cửu Long 2015" được đề cập lại, cả những câu chuyện về người chị sinh đôi Nam Anh cũng được nhắc tới.

Cụ thể, trong một tập của chương trình "Gõ cửa thăm nhà", nghệ sĩ Quốc Thuận và Cát Tường đã đến thăm nhà của chị em Nam Anh - Nam Em. Khi được Cát Tường hỏi về chuyện lập gia đình, Nam Anh chia sẻ cô không có ý định lấy chồng vì sinh ra trong gia đình không hạnh phúc khiến cô lo sợ nhiều thứ. Chỉ vừa mới bước sang giai đoạn yêu, Nam Anh đã cảm thấy rắc rối.

Chị gái Nam Em khiến nhiều người nghĩ tới con gái một nam diễn viên nổi tiếng: Khi nỗi buồn thơ ấu là rào cản hạnh phúc tương lai - Ảnh 1.

Nam Anh sợ hôn nhân vì những trải nghiệm buồn thời thơ ấu

Khi những chia sẻ này của Nam Anh được "đào" lại, nhiều người bỗng liên tưởng tới Lý Tư, cô con gái lớn của Lý Liên Kiệt và vợ cũ Hoàng Thu Yến. Lý Tư năm nay 35 tuổi, hiện sống cùng mẹ và cha dượng ở Mỹ. Cô tốt nghiệp đại học xuất sắc, có công việc ổn định, nhưng vẫn chưa kết hôn. Nguyên nhân là bởi Lý Tư bị ám ảnh bởi cuộc hôn nhân đổ vỡ của mẹ, cũng như tuổi thơ bị cha bỏ bê. Cô không dám bước chân vào con đường hôn nhân vì những gì đã xảy ra với cha mẹ mình.

Chị gái Nam Em khiến nhiều người nghĩ tới con gái một nam diễn viên nổi tiếng: Khi nỗi buồn thơ ấu là rào cản hạnh phúc tương lai - Ảnh 2.

Lý Tư, con gái của Lý Liên Kiệt và vợ cũ Hoàng Thu Yến

Cha mẹ ly hôn ảnh hưởng thế nào đến con cái?

Theo các chuyên gia tâm lý, việc cha mẹ ly hôn có thể có tác động nhất định đến quan điểm của con cái về các mối quan hệ và các trường hợp cụ thể sẽ khác nhau tùy theo sự khác biệt của mỗi cá nhân. Ly hôn có thể gây rối loạn cảm xúc và đau khổ cho trẻ em, có thể khiến chúng cảm thấy bất an, sợ hãi, tức giận hoặc buồn bã.

Ly hôn có thể làm tan vỡ kỳ vọng của con cái về sự ổn định của gia đình, khiến chúng cảm thấy bất an và mất tự tin. Trẻ có thể có thái độ thận trọng hơn đối với sự thân mật, cam kết và các mối quan hệ lâu dài.

Bên cạnh đó, trẻ có cảm giác bị chia rẽ, cảm thấy bị chia cắt do nhu cầu chuyển đổi giữa hai gia đình. Các em có thể cảm thấy xa cách, cô lập, không biết phải giải quyết mối quan hệ giữa hai người cha hoặc hai người mẹ như thế nào.

Không chỉ vậy, ly hôn có thể khiến con cái nghi ngờ niềm tin vào tình yêu và hôn nhân. Các em có thể lo lắng rằng bản thân sau này sẽ gặp phải những khó khăn tương tự và lại bị tổn thương. Ngoài ra, việc cha mẹ ly hôn cũng có thể khiến trẻ trở nên nhạy cảm và cáu kỉnh hơn, khó xử lý những cảm xúc phức tạp. Các em có thể thể hiện sự tức giận, thất vọng, trầm cảm hoặc có xu hướng trốn tránh cảm xúc.

Một số trẻ có thể bắt chước các kiểu quan hệ sau ly hôn của cha mẹ, khiến mối quan hệ của chúng trở nên bất ổn và xung đột. Trẻ có thể lo lắng về việc bị bỏ rơi và gặp khó khăn trong việc thiết lập các mối quan hệ thân mật ổn định và lành mạnh.

Mặc dù việc cha mẹ ly hôn có một số tác động tiêu cực đến con cái nhưng điều này không có nghĩa là tất cả trẻ em đều trải qua nỗi đau khổ như nhau. Nhiều trẻ thích nghi với sự thay đổi và đạt được tiến bộ tốt trong sự thân mật và phát triển cảm xúc.

Như trong chương trình "Gõ cửa thăm nhà", MC Cát Tường đã tâm sự với Nam Anh rằng, rất nhiều người cũng sinh ra trong gia đình không trọn vẹn nhưng họ vẫn kết hôn, sống hạnh phúc.

Việc cha mẹ ly hôn có ảnh hưởng rất lớn đến con cái là sự thật. Tuy nhiên, việc cha mẹ ly hôn không phải nguyên nhân lớn khiến trẻ tổn thương mà là cách cha mẹ đối xử với nhau, cũng như cách cha mẹ dành tình yêu thương, sự quan tâm đến con hậu ly hôn.

Vậy sau ly hôn, cha mẹ phải làm gì để con không bị tổn thương?

Đầu tiên, hãy nói với con về việc ly hôn, hãy cho con hiểu rằng việc chia tay giữa bố mẹ là quyết định của riêng bố mẹ, và nó không ảnh hưởng đến tình yêu thương của bố mẹ dành cho con. Thứ hai, không được nói xấu người còn lại trước mặt con cái. Đây là điều tối kị, là một quy tắc quan trọng trong văn hóa ly hôn đối với cặp đôi hậu chia tay. Khi không thể hàn gắn, chung sống với nhau nữa, ai đúng ai sai đã không còn quan trọng, hãy cư xử với nhau bằng phép lịch sự tối thiểu. Và nên nhớ rằng, những đứa trẻ còn cả tương lai tươi đẹp phía trước. Đừng để sự hận thù của cha mẹ làm ảnh hưởng đến tương lai của con.

Thứ ba, dù không còn chung sống nhưng cha mẹ cần cùng nhau có trách nhiệm, phải hợp tác trong việc nuôi dạy con cái, để con cảm nhận được tình yêu thương đầy đủ của cha mẹ. Khi không thể ở cùng con, cha/mẹ cũng cần thường xuyên gọi điện thoại, đến thăm con. Phía người được nuôi dưỡng cần tạo điều kiện để con được gặp gỡ cha/mẹ.

Theo Thanh Hương

Cùng chuyên mục
XEM