Chỉ cần 60 triệu đồng và đoạn clip đơn sơ dài 5 phút, Thái Lan đã cho cả thế giới biết họ quả là 'thiên đường du lịch'
Đoạn video dài khoảng 5 phút mang tên "I Hate Thailand" đã giúp du lịch Thái Lan được đông đảo bạn bè quốc tế biết đến.
Chiến dịch quảng bá kỳ cục, khó hiểu nhất trong lịch sử
Năm 2014, Tổng cục du lịch Thái Lan (TAT) đã quyết định thực hiện chiến dịch quảng bá du lịch được nhận xét là kỳ cục nhất trong lịch sử mang tên “I Hate Thailand” (Tạm dịch: Tôi ghét Thái Lan) nhằm đem lại một cái nhìn mới mẻ về đất nước này.
Không phải là một đoạn video đẹp mắt, đầu tư kỹ lưỡng, cũng không có bất kỳ chiến dịch quy mô tầm cỡ nào được thực hiện. Trong suốt chiến dịch, TAT chỉ sản xuất 01 video với chất lượng hết sức bình thường (thậm chí kém), đăng tải và lan truyền dưới hình thức ẩn danh.
Chính điều này ban đầu khiến công chúng nhầm tưởng đây chỉ là đoạn video của một cá nhân nào đó tự phát ghi lại.
Chiến dịch I Hate Thailan
Nội dung video nói về một du khách nước ngoài tên James đến Thái Lan du lịch lần đầu tiên và dự định ở lại đó một tuần. Mọi chuyện bắt đầu trở nên tồi tệ khi anh bị mất túi, trong đó có toàn bộ giấy tờ, điện thoại, tiền mặt… James bắt đầu trở nên bực tức, anh đi lang thang, chửi thề, và nói rằng anh GHÉT THÁI LAN, tất cả những gì Thái Lan để lại cho anh lúc này chỉ là vài đồng xu lẻ.
Thời khắc James như bế tắc ở Thái cũng là lúc anh nhận được sự giúp đỡ của người dân địa phương. Họ chia sẻ với anh đồ ăn, chỗ ngủ. Họ dẫn dắt anh tham gia vào những hoạt động văn hóa địa phương một cách rất tự nhiên và hiếu khách.
Một ngày, họ tìm thấy túi của anh. Thực ra không ai lấy chiếc túi cả, là một con khỉ đã đánh cắp nó. Chính tình cảm và sự tốt bụng của người dân Thái Lan đã khiến James cảm phục và yêu mến, anh quyết định ở lại Thái Lan thêm 2 năm nữa.
Nếu như mở đầu video, James nói: "Đây là lần đầu tiên tôi tới đây và cũng là lần duy nhất" với sự chán nản thì kết thúc câu chuyện của mình, chàng trai nhắc lại câu nói đó thêm một lần nữa, nhưng để lý giải rằng anh đã yêu nơi này và quyết định gắn bó luôn với hòn đảo xinh đẹp.
Hiệu quả không tưởng
Chỉ trong 3 ngày đăng tải, video "I Hate Thailand" đã đạt 1 triệu lượt xem. Tính tới thời điểm hiện tại, video trên Youtube đã nhận được gần 4 triệu lượt xem và hàng nghìn lượt bình luận.
Càng ấn tượng hơn nữa khi đoạn video này được đầu tư chỉ 3.000 USD (tương đương hơn 60 triệu đồng). Ngoài kênh YouTube, video còn được chia sẻ khắp các diễn đàn, đặc biệt là những diễn đàn về du lịch. "I Hate Thailand" được xem như một cách làm "mới mẻ", "độc đáo", "thực tế", "tiết kiệm" lại mang đến hiệu quả bất ngờ.
Thời điểm đó, ngành du lịch Thái Lan đang gặp khó khăn do áp lực cạnh tranh lớn từ các nước lân cận khiến lượng khách tới đây trong năm 2014 lần đầu tiên sụt giảm sau nhiều năm. Tuy nhiên, đoạn video xuất hiện vào tháng 11/2014 và nó đã mang đến hiệu quả ngay lập tức, giúp lượng khách tới Thái Lan bắt đầu tăng trở lại.
Ngoài ra, "I Hate Thailand" còn nhận được cơn mưa giải thưởng gồm: Giải thưởng PATA Gold Award của Hiệp hội du lịch Châu Á – Thái Bình Dương cho hạng mục Truyền thông Xã hội và Giải thưởng The Lotus Award cho hạng mục Nội dung quảng bá và giải trí tại Liên hoan Quảng cáo hàng đầu tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương 2015...
Nói về thành công của “I Hate Thailand”, Thawatchai Arunyik – Cục trưởng cục Du lịch Thái Lan nói rằng đây là chiến dịch kiểu “unbranding”, tức là không quảng bá, không thương hiệu và được sản xuất dựa trên nghiên cứu cho rằng nó sẽ có thể đạt được thành công hơn những chiến dịch thương mại bình thường khác.
Ông Thawatchai nói: “Đoạn video này nhắm tới đối tượng gồm cả khách du lịch trong nước và quốc tế. Với thị trường nội địa, đây là hình thức để nhắc nhở và nâng cao nhận thức của người Thái về việc luôn trở thành những vị chủ nhà hiếu khách và luôn giúp đỡ khách du lịch bất kể khi nào họ cần.
Đối với du khách nước ngoài, chúng tôi muốn nhắn nhủ tới họ rằng Thái Lan ngoài những bãi biển tuyệt đẹp, người dân tại đây còn vô cùng thân thiện và hiếu khách”.
Nhìn chung bất kỳ quốc gia nào cũng có những trải nghiệm tốt và xấu. Tuy nhiên điểm khác biệt với Thái Lan là họ không ngần ngại đưa những tồn tại đó công khai cho hàng triệu người trên toàn thế giới biết đến và sau đó truyền tải thông điệp, hóa giải những “hận thù” ban đầu và cuối cùng biến thành những kỷ niệm khó quên trong lòng du khách.