Chênh lệch lớn trong mức lương CEO tại các DN tỷ đô Vingroup, Masan, FPT, Kinh Bắc, Đức Giang...
Trên thực tế, lương chỉ là một phần trong thu nhập mà vị trí CEO có thể sẽ nhận được.
Bên cạnh những chỉ tiêu tài chính, các doanh nghiệp niêm yết bắt đầu công bố thu nhập của các thành viên hội đồng quản trị, ban tổng giám đốc trong báo cáo tài chính soát xét/kiểm toán.
Mặc dù chưa thể hiện được bức tranh toàn cảnh nhưng những số liệu này phần nào cho thấy được mặt bằng thu nhập của vị trí lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu như Vingroup, Masan, FPT, SSI,…
Điểm lại báo cáo tài chính năm 2021, số tiền lương mà vị trí CEO nhận được ở các doanh nghiệp ghi nhận sự khác biệt đáng kể.
Người có thu nhập cao nhất trong số những doanh nghiệp có công bố là ông Craig Richard Bradshow – CEO của Masan High-Tech Materials (MSR) và Khoáng sản Núi Pháo. Ông Bradshow nhận hơn 39 tỷ trong năm ngoái, tăng 55% so với năm 2020, tương đương với 3,26 tỷ đồng/tháng.
Nhiều vị trí lãnh đạo các thành viên khác trong hệ sinh thái Masan cũng có thu nhập hàng chục tỷ đồng như ông Trương Công Thắng – CEO Masan Consumer (MCH) 17,7 tỷ, tương đương 1,48 tỷ đồng/tháng.
Ông Danny Le – CEO Masan Group nhận hơn 12 tỷ. Nếu so với ông Craig Richard Bradshaw thì mức lương của ông Danny Le còn chưa bằng 1/3 CEO của MSR. Song mức lương của 3 vị CEO Masan kể trên đều nằm ở ngưỡng cao rõ rệt so với mặt bằng chung.
Nhận lương dao động ở mức 3-4 tỷ/năm gồm có CEO của Masan MEATLife (MML), CEO Chứng khoán SSI, CEO FPT Retail, CEO FPT, CEO Hóa chất Đức Giang (DGC)…
Ngoài ra, được trả lương ở mức thấp hơn là CEO của Ngân hàng VIB, CEO CTCP Tập đoàn Hoa Sen, CEO Đường Quảng Ngãi… Các vị trí này nhận lương xấp xỉ 2 - 2,5 tỷ trong năm 2021.
Bước sang kỳ bán niên 2022, theo báo cáo của CTCP Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC), bà Nguyễn Thị Thu Hương – CEO KBC nhận lương đến 6,8 tỷ đồng nửa đầu năm 2022, trong khi năm ngoái, vị trí này chỉ nhận tương đương 9 tỷ/năm.
Còn ở Tập đoàn Vingroup (VIC), doanh nghiệp này đã chi hơn 24 tỷ đồng thù lao cho các thành viên lãnh đạo, gồm Hội đồng quản trị, ban tổng giám đốc và các thành viên quản lý khác trong nửa năm qua.
Nhìn chung so với cùng kỳ năm trước, cả Vingroup và Vinhomes đều trả lương cao hơn cho vị trí CEO.
Ngoài ra ở kỳ bán niên 2022, còn có CEO CTCP Xây dựng Coteccons (CTD) – ông Võ Hoàng Lâm nhận lương 2 tỷ đồng, ông Tô Hải – CEO CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCI) nhận hơn 1,3 tỷ đồng...
Có thể thấy trên thực tế, lương chỉ là một phần trong thu nhập mà vị trí CEO có thể sẽ nhận được. Dựa trên kết quả kinh doanh hoặc các điều khoản riêng trong hợp đồng, các CEO còn nhận thu nhập từ cổ phiếu ESOP, cổ phần thưởng hoặc các khoản thưởng liên quan đến mục tiêu về hoạt động kinh doanh.