Chê cơn sốt viên nén gỗ, Gỗ An Cường vẫn "bám" Vingroup, Novaland... làm "trùm" thị trường nội địa
Dù vậy, ACG đang khá khuyết về mảng xuất khẩu (so với thị trường nội địa), Công ty đang chọn xuất khẩu là chiến lược trọng tâm thời gian tới.
Theo kế hoạch, cổ phiếu ACG của Gỗ An Cường sẽ chính thức niêm yết lên sàn HoSE vào đầu tháng 10 (dự kiến ngày 10/10/2022). Trước đó, ACG được giao dịch trên UpCOM từ ngày 4/8/2021 với giá tham chiếu 90.000 đồng/cp. ACG kết phiên cuối cùng tại UpCOM vào ngày 26/9 ở 68.800 đồng/cp, cao hơn hẳn so với các đơn vị cùng ngành như Gỗ Trường Thành (TTF ~7.000 đồng/cp) hay Gỗ Đức Thành (GDT – 39.000 đồng/cp).
Gây chú ý tại Roadshow trước thềm niêm yết mới đây, lãnh đạo ACG thẳng thắn cho biết “cơn sốt” viên nén gỗ thời gian gần đây chỉ là giải pháp tình thế, không phải xu hướng tương lai quá mạnh mẽ.
Theo ACG, các sản phẩm này chỉ đáp ứng một thời điểm, và cũng “lạ”, chưa biết đi về đâu nên không phải chiến lược hay.
90% doanh thu từ thị trường nội địa, đặt mục tiêu tăng thị phần từ 55% lên 70%
ACG được thành lập từ năm 2014 với vốn điều lệ 120 tỷ đồng. Sau 10 lần tăng vốn, hiện vốn ACG vào mức 1.358 tỷ đồng, đáng chú ý nhất là 2 khoản đầu tư lớn nhất 28 triệu USD từ liên doanh giữa VinaCapital - DEG (Đức) và 58 triệu USD từ Tập đoàn Sumitomo Forestry (Nhật Bản).
Xuất phát điểm là đơn vị phân phối về nội thất, hiện ACG đang nắm giữ 55% thị phần nguyên liệu gỗ công nghiệp và vật liệu trang trí trong nước (tập trung phân khúc trung cao cấp), bao gồm các sản phẩm như tấm MFC, tấm laminate, tấm acrylic, cửa gỗ công nghiệp, sàn gỗ công nghiệp...
Doanh thu nội địa đang chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu với hơn 90%. Khách hàng chính của ACG là nhóm nhà thầu, đơn vị thi công, đại lý đang đóng góp tổng doanh thu lớn nhất 69%; nhóm nhà phát triển bất động sản như Keppel Land, Vingroup, Novaland, Hưng Thịnh, Nam Long… đóng góp 15%.
Công ty đặt mục tiêu thị phần gỗ công nghiệp và vật liệu trang trí tại Việt Nam sẽ tăng từ 55% lên 70% vào năm 2025.
Bức tranh kinh doanh ACG những năm gần đây khá ổn định, lợi nhuận quân bình hơn 500 tỷ/năm dù doanh thu biến động. 6 tháng đầu năm 2022, ACG ghi nhận doanh thu thuần tăng 12% lên 1.915 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng hơn 17% lên gần 279 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm 30/6/2022, ACG đang có “của để dành” với 947 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, 1.333 tỷ đồng khoản đầu tư tài chính nắm giữ đến ngày đáo hạn.
Chi hàng trăm tỷ mua cổ phần công ty BĐS từ năm 2021
Đặc biệt, mới đây ACG còn mở rộng sang mảng bất động sản. Hồi tháng 4/2021, ACG đã chi 119,2 tỷ đồng mua gần 13% cổ phần của CTCP Tập đoàn Bất động sản Thắng Lợi (Thắng Lợi Group). Chủ tịch Gỗ An Cường Lê Đức Nghĩa cũng được bầu vào HĐQT Thắng Lợi Group.
Sang nửa đầu năm 2022, ACG tiếp tục chi thêm 393 tỷ đồng để mua 30% Công ty Bất động sản Central Hill từ Thắng Lợi Group. Central Hill hiện là chủ đầu tư dự án căn hộ Thắng Lợi Central Hill tại tỉnh Long An. Với việc tham gia góp vốn vào Central Hill, Gỗ An Cường cũng sẽ cung cấp các sản phẩm gỗ ép của mình cho dự án này. Ngoài ra, doanh nghiệp gỗ còn có khoản đặt cọc 285 tỷ đồng để có quyền chọn mua bất động sản thuộc dự án Novaworld Phan Thiết.
ACG cũng vừa đầu tư mở rộng 2 cụm nhà máy tại Bình Dương lên 240.000 m2, công suất khoảng 300.000 m3 gỗ/năm.Riêng nhà máy số 2 được đầu tư từ 2018, công suất mới đạt khoảng 60%, chuyên sản xuất ván gỗ cho các chủ đầu tư dư án bất động sản và thị trường xuất khẩu, tổng công suất xuất ván gỗ và cửa gỗ đang lần lượt đạt 800.000 tấm/năm và 800 cửa/ngày.
Còn khuyết thị trường xuất khẩu
Dù có vị thế nhất định trong nước, tuy nhiên ACG đang bỏ trống thị trường xuất khẩu. Năm 2019, ACG ghi nhận lỗ tại thị trường xuất khẩu, theo giải trình do giai đoạn đầu phải làm sản phẩm mẫu và điều chỉnh theo ý kiến khách hàng dẫn đến còn thua lỗ.
Từ năm 2020, ACG bắt đầu ghi nhận lợi nhuận mỏng từ thị trường quốc tế. Theo kế hoạch, ACG dự kiến đến 2025, tỷ trọng xuất khẩu đạt 15-18% tổng doanh thu. Công ty cũng đặt mục tiêu doanh thu đạt 300 triệu USD đến năm 2025.
Dù vậy, việc mở rộng thị trường quốc tế vốn khó đến nay còn khó hơn, trước bối cảnh lạm phát tăng cao hay mới đây nhất, Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất 0,75% lần thứ ba liên tiếp trong năm nay.
ACG không phủ nhận, hiện thị trường xuất khẩu chính là Bắc Mỹ có gặp ảnh hưởng do lạm phát tăng cao khiến tiêu dùng giảm trong khi tồn kho ở mức cao. Tương tự tại Mỹ, lạm phát khiến tiêu thụ chậm lại trong ngắn hạn, song về dài hạn thị trường này ACG vẫn đánh giá khả quan.