Châu Thanh Vũ: Từ việc nhỏ như ăn chay 1 tháng, tập gym mà cũng đầu hàng, thì sao làm được những việc lớn hơn?
Khi cuộc sống càng bận rộn, người ta thường dành càng nhiều thời gian để tập trung làm những điều lớn lao. Ăn uống, ngủ nghỉ, và thể dục đều có độ ưu tiên thấp hơn khi deadline đang treo lơ lửng trên đầu.
Khi cuộc sống càng bận rộn, người ta thường dành càng nhiều thời gian để tập trung làm những điều lớn lao. Ăn uống, ngủ nghỉ, và thể dục đều có độ ưu tiên thấp hơn khi deadline đang treo lơ lửng trên đầu. Nhưng tôi thường làm điều ngược lại: những lúc khó khăn nhất là lúc tôi cảm thấy cần sắp xếp lại cuộc sống của bản thân nhất.
#ĂnChayU23
#ĂnChayU23 là một hashtag do tôi tự đặt ra. Trước trận chung kết U23 châu Á, tôi đã hứa với người bạn của mình rằng: "U23 Việt Nam mà thắng, em sẽ ăn chay 1 tháng".
Kết quả chung cuộc thì như chúng ta đều biết: U23 Việt Nam chỉ giành vị trí Á quân, còn tôi có thể bỏ qua lời hứa ăn chay của mình. Vậy mà, trong sự ngạc nhiên của lũ bạn và mọi người xung quanh, tôi đã kiên trì ăn chay trong suốt 30 ngày tiếp theo!
Chắc bạn thắc mắc, vì sao tôi lại thực hiện một lời hứa không cần làm? Thực ra đối với tôi lúc ấy, #ănChayU23 chỉ là cái cớ. Việc nhận vào cho bản thân một thách thức thật khó khăn để rèn luyện kỷ luật cá nhân mới là lý do chính.
Châu Thanh Vũ trước và sau khi giảm cân.
Từ vài tháng trước đó, tôi bắt đầu cảm thấy lối sống của mình còn chưa tốt cho sức khoẻ. Vì bận rộn và áp lực công việc, tôi thường xuyên thức quá khuya, ăn quá nhiều, và không tập thể dục đủ. Do đó, đầu năm nay, tôi đã muốn rèn luyện lại kỉ luật sống chặt chẽ hơn cho bản thân, bằng cách thực hiện một điều khó mà hiện tại tôi không làm được. Và, #ănChayU23 đã là cái cớ tuyệt hảo để tôi làm điều đó.
Xuất phát từ một đứa thích ăn thịt, ăn chay là một thách thức rất lớn. Từ bỏ món thịt thân quen đã khó, làm điều đó khi xung quanh mình, thế giới vẫn ăn thịt như một sự cám dỗ còn khó hơn. Có hôm bạn hẹn đi ăn sushi, một trong những món yêu thích, nhìn vào chiếc menu đầy loại cá, với các loại sashimi, maki, nigiri đặc biệt, nhưng cuối cùng vẫn phải order đồ từ trang cuối: "sushi" với khoai lang, dưa leo, và đậu hủ.
Nhưng, thử thách thực sự chỉ bắt đầu 1 tuần sau đó: Tết đến. Những ngày ăn Tết cùng các du học sinh khác, đi đâu cũng đầy rẫy bánh chưng nhân thịt mỡ, nem rán, hay thịt kho trứng.
"Hay là bỏ?" – satan trong đầu tôi đã nghĩ như thế - "ăn chay chỉ là thử thách nhỏ thôi mà?". Mọi người xung quanh cũng giục tôi tạo ngoại lệ, vì Tết là một dịp đặc biệt. Rồi tôi cũng tự nhủ mình rằng "họ nói cũng đúng, Tết thật sự đặc biệt mà!".
Thế nhưng, tôi sợ. Sợ rằng mình quen thói lập ngoại lệ. Sợ rằng mình ngay cả việc nhỏ như ăn chay 1 tháng cũng không làm được, thì làm sao làm được những việc lớn hơn? Nghĩ thế, tôi giữ vững lập trường, và chỉ ăn mì, rau, đậu hũ, và trái cây ngay giữa hội Tết.
Thử thách "6 bài hát"
Tôi không phải là đứa có kỉ luật thép. Cho tôi thời gian và một cái cớ, tôi có thể sống cực kỳ bừa bộn, ăn ngủ không tốt cho sức khoẻ, và tăng cân vô tội vạ. Điều đáng nói là, cho mỗi thói quen xấu, tôi đều có một biện hộ tuyệt hảo: phải thức khuya làm việc, phải ăn nhiều mới có sức làm việc, và bận làm việc quá nên không có thời gian tập gym. "Làm việc" là từ khoá thần kỳ để giúp tất cả những điều tôi làm sai trở thành điều chấp nhận được.
Chính vì vậy, khi đứng trước nhiều áp lực công việc nhất, cũng là lúc tôi phải dành nhiều thời gian để thiết lập lại kỉ luật cho bản thân nhất.
#ĂnChayU23 không phải là lần đầu. Khi còn là SV năm tại Princeton 3 ĐH, tôi đã rất bị stress vì bài nghiên cứu bắt buộc lúc bấy giờ. Giữa học kì, nghiên cứu vẫn chưa đi tới đâu, còn tôi chỉ thấy sức khoẻ của mình đi xuống, còn cân nặng thì đi lên. Thế là tôi đã bắt mình phải đi gym, không để giảm cân, mà để rèn kỉ luật.
Mỗi lần bước lên máy chạy bộ, tôi đặt ra luật "6 bài hát": phải chạy bộ đủ thời lượng của 6 bài hát mới xuống – khoảng 30 phút. Ngày đầu tiên, tôi muốn đầu hàng ngay từ bài thứ 2. Nhưng chính lúc rất mệt trên máy chạy bộ, tôi cũng đã nghĩ rằng "nếu ngay cả cái máy chạy bộ mà mình cũng phải đầu hàng, thì bài nghiên cứu làm sao chiến thắng được?".
Suy nghĩ ấy đã khiến thử thách "6 bài hát" ngày càng dễ vượt qua hơn. Vượt qua 2, 3, rồi 6 bài hát khi chạy bộ càng ngày càng dễ. Từ việc kiên nhẫn trên máy chạy bộ, tôi cũng tập được tính kiên nhẫn hơn cho mỗi lần làm nghiên cứu không ra kết quả.
Năm đó bài nghiên cứu được điểm A+, tôi được trao giải SV xuất sắc nhất khoa, và giảm được 6 cân thừa.
Sống kỉ luật để sống tốt
Hollywood thường mô tả các thiên tài là những người sống chết trong văn phòng, chỉ uống cafe, làm việc ngày đêm, và thành công. Chắc hẳn cũng có vài người như thế, nhưng những "anh hùng" trong thế giới của tôi là những người thành công mà vẫn sống tốt, sống khoẻ.
Một giáo sư trong khoa Kinh tế của Harvard từng được giải Nobel, nhưng suốt đời ông ấy vẫn liên tục dành thời gian để theo đuổi sở thích chơi kèn clarinet (một nhạc cụ giống sáo) của mình. Một lần khác, tôi bắt gặp giáo sư hướng dẫn của tôi ở phòng gym của trường, bên cạnh chiếc vali to đùng. Hoá ra, ông vừa đi công tác nước ngoài về đã đến phòng gym ngay để giữ thói quen tập gym của mình.
Suy cho cùng, mỗi người mỗi kiểu. Có thể bạn thực sự là người thành công không cần kỉ luật. Tôi chỉ muốn tập kỉ luật để bản thân không bị nuốt chửng bởi công việc, và để sống tốt hơn. Và tập kỉ luật là một quá trình thật dài. Giữa thử thách "6 bài hát" và thử thách "#ĂnChayU23" của tôi là 5 năm trời tập, rồi mất, rồi giành giật lại kỉ luật sống của mình.
Trận chiến kỉ luật này rồi sẽ lại khó trong tương lai, nhưng như mọi thứ có giá trị khác trong cuộc sống, có cái gì dễ dàng đâu?