Chất vấn Bộ trưởng Y tế về "người mặc áo blouse trắng" quảng cáo thực phẩm chức năng
Sử dụng hình ảnh y, bác sĩ các cơ sở y tế để quảng cáo thực phẩm chức năng là sai quy định
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết như vậy khi trả lời chất vấn tại Quốc hội chiều 11-11.
Đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Khang Thị Mào (đoàn Yên Bái) đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết việc những người mặc áo blouse trắng xưng danh bác sĩ bệnh viện thực hiện quảng cáo thực phẩm chức năng có phù hợp theo quy định hay không? Và nếu sai sẽ bị xử lý như thế nào?
Dùng hình ảnh bác sĩ quảng cáo thực phẩm chức năng
Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho hay hiện nay quảng cáo liên quan thuốc, thực phẩm chức năng, dược mỹ phẩm đã có đầy đủ các quy định của pháp luật.
Luật Quảng cáo hiện đang sửa đổi cũng như các quy định hướng dẫn triển khai thực hiện đã quy định việc sử dụng hình ảnh của các bác sĩ, y sĩ, cơ sở y tế để quảng cáo là không được phép.
Bà Lan cho biết thêm Bộ Luật Hình sự đã có quy định rất rõ các mức độ liên quan đến xử lý hình sự nếu vi phạm pháp luật về quảng cáo.
Hiện Luật Quảng cáo đang được Quốc hội xem xét cũng đã có quy định. "Việc sử dụng hình ảnh này là sai quy định và Bộ Y tế đã có văn bản gửi các Sở Y tế, cơ sở y tế trên toàn quốc nhắc nhở, đề nghị đội ngũ nhân viên y tế không tham gia quảng cáo sai quy định"- Bộ trưởng Lan nêu rõ.
Cùng nội dung, đại biểu Dương Tấn Quân (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng quan tâm tới thực trạng thực phẩm chức năng, mỹ phẩm kém chất lượng được bày bán tràn lan trên thị trường. "Vậy Bộ Y tế đã có kế hoạch gì để phối hợp với cơ quan chức năng xây dựng hệ thống giám sát từ khâu sản xuất đến phân phối?"- đại biểu Quân nói.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay đối với quản lý các sản phẩm dược thì có Luật Dược, với mỹ phẩm đã có quy định tại thông tư 43/2014 của Bộ Y tế, với thực phẩm chức năng thì có Luật An toàn thực phẩm.
Phóng đại công dụng thực phẩm chức năng
Trả lời các chất vấn liên quan đến tình trạng thực phẩm chức năng giả, nhái, kém chất lượng, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết Bộ Y tế đã ban hành quy định bắt buộc các nhà máy sản xuất phải tuân thủ nghiêm ngặt tiêu chuẩn thực hành tốt.
Bộ luật Hình sự đã quy định rõ các mức xử phạt đối với hành vi sản xuất, kinh doanh và quảng cáo thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng.
Để giải quyết vấn đề này, Bộ Y tế đã công khai danh sách các doanh nghiệp được cấp phép sản xuất thực phẩm chức năng, giúp người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn sản phẩm uy tín. Đồng thời, Bộ đã phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này, đặc biệt là trong lĩnh vực quảng cáo.
"Có thể nói các quy định của pháp luật trong thời gian qua cũng rất đầy đủ để tăng cường quản lý đối với dược, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, thực tiễn vẫn có trường hợp lách luật, buôn bán thực phẩm giả, thổi phồng công dụng, có dấu hiệu lừa đảo người tiêu dùng"- Bộ trưởng Y tế cho hay.
Theo bà Lan, Bộ Y tế đã tập trung triển khai các giải pháp để tăng cường quản lý các mặt hàng này. Trong đó phải triển khai nghiêm túc các quy định của pháp luật; rà soát các quy định chưa đáp ứng yêu cầu cần phải điều chỉnh.
Đối với các sản phẩm được rao bán trên các trang thương mại điện tử hoặc mạng xã hội, trách nhiệm quản lý sẽ thuộc về Bộ Công Thương. Tuy nhiên, bà Lan thừa nhận việc kiểm soát quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới đang là thách thức.
Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các cơ quan chức năng khác tăng cường kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.