Chất lượng tài năng công nghệ Việt đã lên một tầm cao mới, dù lương 1 kỹ sư vẫn chỉ bằng 1/3 Singapore
Theo Báo cáo nhân tài khởi nghiệp Đông Nam Á 2023, hiện lương một kỹ sư công nghệ của Việt Nam chỉ bằng 1/3 so với Singapore (4.000 USD – 7.200 USD).
LƯƠNG CÁC VỊ TRÍ CƠ BẢN TRONG NGÀNH CÔNG NGHỆ TẠI VIỆT NAM – INDONESIA BẰNG 1/3 SINGAPORE
Mới đây, Quỹ đầu tư giai đoạn sớm Monk’s Hill cùng công ty chuyên cung cấp nhân sự Glints đã cho ra mắt Báo cáo nhân tài khởi nghiệp Đông Nam Á 2023. Khảo sát này thực hiện chủ yếu ở 3 thị trường có ngành công nghệ - khởi nghiệp phát triển nhất Đông Nam Á là Việt nam – Indonesia – Singapore.
Theo đó, cuộc khảo sát đã sử dụng trên 10.000 dữ liệu độc quyền (trong đó có 150 C-level/CEO/Founder) thu thập tại các startup công nghệ ở 3 nước kể trên, 500 lượt tham gia khảo sát từ các nhân tài công nghệ, khảo sát nhu cầu tuyển dụng trong năm 2023 của 58 startup và phỏng vấn sâu trên 40 nhà sáng lập và nhân sự cao cấp.
Kết quả cho thấy: Không có gì ngạc nhiên khi kỹ sư (Engineer) vẫn là vị trí được săn lùng nhất trong ngành công nghệ, với vị trí Phó giám đốc Kỹ thuật có thể kiếm được lên đến 235.200 USD/năm. Những kỹ năng chuyên biệt về sản phẩm và dữ liệu cũng được các nhà tuyển dụng đánh giá rất và được trả lương cao nhất.
Về mức lương: Singapore vẫn giữ vị trí quán quân, một kỹ sư ở Singapore sẽ được trả lương cao gấp 3 lần Việt Nam, khoảng từ 4.000 USD đến 7.200 USD, trong khi Việt Nam khoảng từ 1.800 USD đến 3.100 USD.
Cụ thể hơn: Mức lương cho một kỹ sư phần mềm lành nghề và mới vào nghề tại Việt Nam (1.800 USD – 3.100 USD) lần lượt cao gấp 1,5 và 2 lần so với Indonesia (900 USD – 2.100 USD); vị trí kỹ sư sản phẩm tại Việt Nam cũng nhận lương cao gấp 1,5 lần so với Indonesia (1.300 USD – 2.400 USD so với 900 USD – 1.600 USD).
Trong tất cả, Giám đốc sản phẩm có mức lương tăng cao nhất trong số tất cả các vị trí, với mức tăng trung bình 27% so với Báo cáo trước. Các công ty đang ngày càng ‘khát’ UI/UX, khiến 2 vị trí nhân sự này có mức lương tăng gấp 2 lần cho mỗi năm cấp độ thâm niên.
Lương vị trí dữ liệu tại Singapore được trả cao gấp 3 lần so với Việt Nam (1.800 USD – 3.100 USD) và Indonesia. Ở Việt Nam, mức lương trung bình cho vị trí Khoa học dữ liệu tăng 4%, trong khi ở Singapore và Indonesia tăng tới 29% và 22%.
Ở các vị trí khác: Việt Nam – Bộ phận kinh doanh/bán hàng có mức lương từ 1.000 USD – 1.800 USD và Marketing/PR là 1.000 USD đến 1.800 USD; Singapore - Bộ phận kinh doanh/bán hàng từ 2.600 USD – 4.700 USD và Marketing/PR là 3.100 USD đến 5.400 USD; Indonesia - Bộ phận kinh doanh/bán hàng từ 700 USD – 1.200 USD và Marketing/PR là 800 USD đến 1.500 USD.
CHẤT LƯỢNG NHÂN SỰ CÔNG NGHỆ VIỆT NAM SẼ NHANH BẮT KỊP SINGAPORE
“ Có rất nhiều lý do, khiến mức lương trung bình của các nhân sự công nghệ Việt chỉ bằng 1/3 Singapore. Đầu tiên là vì mức sống ở Singapore cao hơn Việt Nam.
Thứ hai, ngành công nghệ của Singapore trưởng thành hơn Việt Nam.
Thứ ba, kỹ năng mềm của các tài năng Việt chưa tốt và cần chú trọng cải thiện thêm.
Cuối cùng, trong khi Singapore chỉ có khoảng 6 triệu dân còn Việt Nam có gần 100.000 triệu dân ”, ông Bryan Lee – Giám đốc thị trường Việt Nam của Glints giải thích.
Như chúng ta thấy, hầu hết ông lớn công nghệ khi đến Đông Nam Á hoặc thậm chí là châu Á đều chọn Singapore để đặt văn phòng đại diện. Tất nhiên, khi họ đến Singapore thì sẽ mang theo nguồn lực – tri thức; các nhân tài công nghệ ở Singapore sẽ được cập nhật những xu hướng thị trường nhanh nhất, được tiếp cận những công nghệ tiên tiến nhất.
Hệ sinh thái khởi nghiệp ở Singapore cũng đi trước Việt nam một quãng đường xa. Theo thông tin trên The Business Times, Singapore có hệ sinh thái khởi nghiệp số 1 khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong năm 2022, với 12 ‘kỳ lân’ cùng hơn 3.800 startup công nghệ, trị giá khoảng 89 tỷ USD. Trong khi Việt Nam chỉ có 4 ‘kỳ lân’. Tóm lại, nhu cầu nhân sự công nghệ ở Singapore rất nhiều, trong khi số lượng lại khá ít.
“ Như minh chứng trong báo cáo năm nay, Việt Nam tiếp tục là điểm đến của nhân tài công nghệ chất lượng cao. Các lập trình viên giỏi nhất tại Việt Nam được trả lương cạnh tranh gần tương đương với nhân tài cùng vị trí tại Singapore.
Các nhân tài công nghệ Việt ngày càng thành thạo hơn với các kỹ năng công nghệ và kỹ thuật số. Trong đó, tác động của Chính phủ là đáng kể, khi Việt Nam đang có ý định biến mình thành hub về AI của cả Đông Nam Á và châu Á ”, Bryan Lee phân tích tiếp.
Tiếp lời, ông Justin Nguyễn - General Partner tại Monk’s Hill Ventures , chia sẻ: Với dân số trẻ có trình độ tay nghề cao, cùng với đó là tiềm năng của mảng chuyển đổi số cho ngành dịch vụ phục vụ 100 triệu dân, Việt Nam tiếp tục là một thị trường công nghệ mạnh mẽ bất chấp tình trạng suy thoái kinh tế như hiện nay.
Hơn nữa, ngày càng có nhiều nhà sáng lập từ Việt Nam lấy công nghệ làm trọng tâm và họ đã thúc đẩy văn hóa sản phẩm là trên hết. Đây là lý do đằng sau sự phát triển của một số doanh nghiệp lớn và biến Việt Nam trở thành trung tâm khởi nghiệp về công nghệ hàng đầu trong khu vực. Lực lượng lao động chất lượng là yếu tố chính mà ngày càng có nhiều doanh nghiệp lớn xây dựng đội ngũ nhân sự chất lượng cao tại Việt Nam.
Vài năm trước, dù ngành công nghệ mang về rất nhiều ngoại tệ cho nền kinh tế Việt Nam và các doanh nghiệp (Viettel hay FPT), nhưng luôn bị dán nhãn là nước nhiều thợ - ít thầy. Vì ngành công nghệ Việt Nam chỉ chuyên đi gia công dự án hoặc một phần dự án cho người ta, nên có nhiều công nhân giỏi chứ không có nhiều kỹ sư/kiến trúc sư giỏi.
Trong một chia sẻ vào năm 2022 khi đến Việt Nam để ký kết hợp tác với FPT cũng như tiến hành đầu tư và kiếm chỗ đặt văn phòng Acronis tại Việt nam, ông Serg Bell cũng đồng ý với nhận định này. Ông Serg Bell - Tiến sỹ ngành Khoa học máy tính là Founder của ‘kỳ lân’ Acronis (trụ sở Singapore), Viện Công nghệ Schaffhausen (SIT) – Thụy Sỹ và nằm trong Ban lãnh đạo Đại học Jacobs - Đức (JUB).
Theo ông, thì một nguyên nhân lớn tạo ra tình trạng ít C-level ở ngành công nghệ Việt là thiếu sự dẫn dắt của một C-level khác, không giống thị trường Singapore.
Ông Serg Bell phân tích: “ Theo đánh giá của tôi, thì chất lượng tài năng ở Việt Nam rất tốt. Tuy nhiên có một điều mà chúng ta có thể cải thiện hơn nữa: đó là chất lượng lãnh đạo của các dự án kỹ thuật. Vấn đề này có thể giải quyết nếu chúng ta đầu tư hơn nữa vào khoa học.
Nhiều người nghĩ rằng: sáng tạo các sản phẩm ở những ngành khác nhau thì giống nhau, nhưng thực tế không phải thế. Ví dụ: chúng ta muốn sản xuất một cái ô tô hay máy bay thì cần thêm nhiều kỹ sư; bởi thông thường nếu đang sản xuất máy bay rồi, sản xuất thêm một máy bay nữa thì cũng không cần thêm nhiều kỹ năng mới.
Tuy nhiên để sản xuất ra một phần mềm mới hay một phần cứng mới của máy tính chẳng hạn, thì sản phẩm đó phải hoàn toàn mới. Những người được dạy và đào tạo trong ngành khoa học chính là những người sẽ tìm ra những sự sáng tạo đổi mới này.
Có rất nhiều người Việt Nam đã ra nước ngoài để học hỏi về những ngành khoa học, nhưng không nhiều trong số đó quay trở lại Việt Nam. Do đó, việc đào tạo cần phải được thực hiện ngay tại Việt Nam. Đấy chính là mục tiêu và vấn đề chúng tôi muốn giải quyết.
Với khoảng mỗi 1.000 người làm trong ngành Kỹ thuật (Engineer), chúng ta sẽ cần từ 10-30 người để lãnh đạo những nhóm kỹ thuật đó. Như vậy, chúng ta sẽ không chỉ tạo ra những sản phẩm hàng đầu như là sản xuất ô tô, mà chúng ta có thể trở thành quốc gia hàng đầu trong việc sản xuất những sản phẩm về công nghệ, phần mềm ”.
Ông Nguyễn Thái An – Tổng Giám đốc Luxoft Việt Nam lại có một góc nhìn khác về vấn đề này. Luxoft hiện có 16.600 tài năng công nghệ đang làm việc ở 48 thành phố tại 23 quốc gia trên khắp thế giới. Năm 2019, Luxoft đã được sát nhập vào Tập đoàn DXC Technology. DXC Technology hiện có 130.000 nhân viên trên toàn cầu, phục vụ 6.000 khách hàng, doanh thu 2021 là 17,7 tỷ USD.
Tại Việt Nam, mặc dù chỉ có gần 100 nhân sự, nhưng vì đó đều là nhân lực chất lượng cao và chủ yếu phục vụ đối tác lớn tại châu Âu, trong 2 mảng công nghệ cao là xe hơi và tài chính; vậy nên, Luxoft rất có tiếng trong ngành công nghệ Việt, là điểm đến làm việc mơ ước của nhiều bạn trẻ.
“ Theo quan điểm của tôi, thì chất lượng nhân sự công nghệ tại Việt Nam không hề thua bất cứ các nước Đông Nam Á nào và số lượng C-level cũng rất nhiều. Như chúng ta biết, thông thường, muốn trở thành C-level thì cần có thời gian dài tích lũy về công nghệ - để từ lượng biến thành chất.
Hiện tại, không ít 8x hoặc 9x ở Việt Nam đã đạt được đến trình độ này, nhưng vấn đề là họ lại không giỏi tiếng Anh và rất khó để học khi ngày càng lớn tuổi. Đây có thể là nguyên do chính khiến nhiều chuyên gia trong ngành là người nước ngoài thường cho rằng: Việt Nam mình rất ít C-level.
Điểm yếu nữa của các tài năng công nghệ Việt là khá thụ động, không giỏi giao tiếp cũng như trình bày quan điểm của bản thân, khiến họ trông không được giỏi giang nếu so với các đồng nghiệp ở Singapore hay Ấn Độ ”, anh Nguyễn Thái An bày tỏ.