Chào đón nhầm nhà đầu tư chiến lược, nhiều chủ doanh nghiệp chịu cảnh mất luôn đứa con tinh thần

02/12/2016 10:55 AM | Kinh doanh

Nhiều chủ doanh nghiệp tiếp nhận nhầm nhà đầu tư chiến lược nên nhanh chóng phải chuyển quyền kiểm soát doanh nghiệp, mất đi đứa con tinh thần của mình. Đây là một trong 5 sai lầm trong quản trị nhân sự giai đoạn khởi nghiệp theo PGS. TS Lê Quân – Phó GĐ ĐH Quốc gia Hà Nội.

Chia sẻ một số lưu ý về quản trị nhân sự giai đoạn khởi nghiệp, PGS.TS Lê Quân - Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, Trưởng ban Tổ chức Ngày nhân sự Việt Nam 2016 – cho biết: Phần lớn các doanh nghiệp phá sản sau 5 năm đầu hoạt động.

Một nguyên nhân quan trọng là do công tác quản trị nhân sự chưa tốt. Theo ông Quân, có 5 lưu ý mà một doanh nghiệp khởi nghiệp cần biết.

1. Quản trị nhân sự dựa trên kinh nghiệm và chủ quan cá nhân

Trong những năm đầu khởi nghiệp, chủ doanh nghiệp chú trọng nhiều đến công nghệ và thị trường. Trong giai đoạn này, chủ doanh nghiệp phải lo toan các công việc từ chiến lược đến sự vụ, kể cả hành chính, nhân sự, tài chính, kế toán...

Thực tế này giúp chủ doanh nghiệp xử lý vấn đề nhanh, linh hoạt, chi phí thấp, phù hợp với cơ cấu tổ chức và đội ngũ nhân sự chưa được hoàn thiện. Tuy nhiên, thực tế cho thấy điểm yếu nhất của doanh nhân Việt Nam là năng lực quản trị nhân sự.

Trong 5 năm đầu khởi sự doanh nghiệp, năng lực quản trị nhân sự của chủ doanh nghiệp được ví như là chiếc áo quá chật so với mục tiêu và tham vọng phát triển của bản thân chủ doanh nghiệp.

Rất nhiều vấn đề và thiệt hại phát sinh xuất phát từ năng lực quản trị nhân sự chưa đáp ứng yêu cầu của chủ doanh nghiệp. Nguy hại hơn, ít chủ doanh nghiệp nhận ra những hạn chế này và có hành động để tự học hỏi và thuê nhân sự, huy động sự tham gia của chuyên gia... Quá trình quản trị nhân sự dựa chủ yếu trên kinh nghiệm và chủ quan cá nhân.

2. Phân vai chưa rõ và quản trị xung đột yếu giữa các đồng sáng lập doanh nghiệp

Nhiều người lựa chọn cùng nhau khởi nghiệp. Khởi nghiệp theo nhóm rất phổ biến ở nước ta những năm qua. Khởi nghiệp theo nhóm giúp các chủ doanh nghiệp cùng nhau triển khai ý tưởng, phát huy thế mạnh của nhau, huy động nguồn lực của nhau và chia sẻ rủi ro.

Rất nhiều doanh nghiệp tư nhân thành công của Việt Nam có xuất phát điểm từ khởi nghiệp theo nhóm.

Tuy nhiên, rủi ro lại đến từ các mâu thuẫn giữa các nhà đồng sáng lập doanh nghiệp bởi sự khác biệt về quan điểm, tranh chấp về lợi ích và không quản trị được sự thay đổi phương thức ra quyết định phù hợp với từng giai đoạn phát triển của doanh nghiệp.

Khi khởi đầu khó khăn thì các nhà đồng sáng lập doanh nghiệp khá đoàn kết, cùng nhau nếm mật nằm gai. Nhưng khi doanh nghiệp khởi sắc, có kết quả tài chính tốt thì cũng là lúc các mâu thuẫn xuất hiện.

Rất nhiều nhà đồng sáng lập doanh nghiệp phải chia tay nhau trong những năm đầu tiên với lý do mâu thuẫn cá nhân trong quản lý điều hành. Bài toán này đến từ nguyên nhân cơ bản là quản trị hệ thống chưa tốt, chưa phân vai và thỏa thuận rõ ràng giữa những nhà khởi nghiệp để đảm bảo chủ động quản trị sự thay đổi. Quá trình quản trị không chuyển đổi kịp từ thói quen sang "đúng vai thuộc bài".

3. Thiếu giải pháp thu hút và giữ chân được nhân tài

Lý do đưa ra phổ biến là giai đoạn khởi nghiệp thiếu nguồn lực nên khó khăn thu hút nhân tài. Do đó doanh nghiệp có xu hướng thuê và sử dụng nhân lực có mức tiền lương thấp, năng lực đôi khi chưa đáp ứng được yêu cầu.

Đây có lẽ là sai lầm lớn đối với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tham vọng có tốc độ tăng trưởng nhanh nhờ đổi mới sáng tạo, và muốn thu hút vốn của nhà đầu tư.

Thu hút nhân tài là chìa khóa giúp quá trình khởi nghiệp thành công. Nhưng để thu hút được nhân tài, hai yếu tố chi phối khả năng thu hút người tài là:

1/ Bản thân chủ doanh nghiệp không đủ năng lực để sử dụng nhân tài. Khi tầm nhìn của chủ doanh nghiệp còn hẹp, thì doanh nghiệp khởi nghiệp khó thu hút được nhân tài;

2/ Sự hấp dẫn của ý tưởng và dự án khởi nghiệp.

Khi ý tưởng và dự án khởi nghiệp tốt, tiềm năng cao, đó là chìa khóa để thu hút nhân tài. Ngược lại, rất khó thu hút người tài về tham gia doanh nghiệp khởi nghiệp mà họ không đánh giá tốt về tương lai của doanh nghiệp.

Giải pháp thu hút người tài cũng khá đa dạng. Doanh nghiệp khởi nghiệp thường ưu tiên sử dụng Chương trình Quyền chọn mua cổ phần để thu hút nhân sự giỏi về tham gia quản lý điều hành doanh nghiệp. Đây là hình thức cùng nhau cam kết nỗ lực và cùng trở thành chủ sở hữu của doanh nghiệp trong tương lai. Với các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, giá trị của doanh nghiệp sau 5 năm có thể gấp ngàn, triệu lần quy mô hiện tại. Một cổ phiếu tại thời hiện đại có giá trị lớn trong tương lại.

Giải pháp khác là thuê và cộng tác với các chuyên gia sẽ giúp doanh nghiệp khởi nghiệp sử dụng được chất xám mà không nhất thiết phải tuyển dụng nhân sự. Sự cầu thị và nhiệt huyết của các nhà khởi nghiệp luôn nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ của các chuyên gia, thay vì cần nhiều tiền.

4. Thiếu quan tâm đầu tư cho hệ thống và xây dựng văn hóa doanh nghiệp

Do quy mô doanh nghiệp nhỏ, nhiều doanh nghiệp không chú trọng tuyển dụng nhân sự chuyên trách làm quản lý nhân sự; cũng như thiếu chú trọng chuẩn hóa quy trình, hệ thống quản trị nhân sự.

Các hoạt động được chú trọng chưa đúng mức gồm quy chế tuyển dụng, quy chế đánh giá, ứng dụng hệ thống KPI, quy chế tiền lương và phúc lợi, quy chế lao động và văn hóa doanh nghiệp...

Do thiếu tính hệ thống, nên các công việc được xử lý nhiều khi theo sự vụ và cảm tính. Thiếu quan tâm đến xây dựng hệ thống quản trị nhân sự, thường kéo theo là sự phân cấp, phân quyền yếu, khó phát triển được đội ngũ cán bộ cấp trung giỏi, tỷ lệ nghỉ việc cao... Đặc biệt, các vấn đề thường phát sinh liên quan đến hợp đồng lao động, nghỉ việc, vi phạm sở hữu trí tuệ, mất bí quyết kinh doanh do nhân viên nghỉ việc...

Chủ doanh nghiệp là nên quan tâm ngay từ đầu ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các phần mềm quản trị, và nên sử dụng chuyên gia để thiết kế ngay chính sách và các quy chế quản trị nhân sự để đảm bảo hệ thống vận hành rõ ràng, minh bạch, đúng pháp luật, thu hút, sử dụng và phát triển được nhân sự. Đôi khi, chỉ với số tiền không nhiều, bạn có thể có một chuyên gia giúp bạn vài giờ/tháng để giúp bạn ra quyết định tốt hơn trong thiết kế và vận hành hệ thống.

Thuê dịch vụ tư vấn quản lý ban đầu tưởng là đắt, nhưng lại rất hiệu quả. Giải pháp này cho phép doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận nhanh nhất với hệ thống quản lý chuẩn mực. Hệ thống càng minh bạch và bài bản, khả năng thu hút đối tác chiến lược càng cao.

5. Mất quyền kiểm soát doanh nghiệp do không am hiểu quản trị công ty

Doanh nghiệp giai đoạn khởi nghiệp có nhu cầu tăng trưởng lớn, nhu cầu vốn đầu tư cao. Giải pháp huy động vốn chủ yếu của doanh nghiệp giai đoạn khởi nghiệp là tăng vốn và mở rộng chủ sở hữu.

Tuy nhiên, nhiều chủ doanh nghiệp từ chối phát triển và tiếp nhận nhà đầu tư chiến lược bởi nguy cơ mất quyền kiểm soát doanh nghiệp đến từ không tiếp tục sở hữu chi phối vốn.

Ngược lại, nhiều chủ doanh nghiệp tiếp nhận nhầm nhà đầu tư chiến lược nên nhanh chóng phải chuyển quyền kiểm soát doanh nghiệp, mất đi đứa con tinh thần của mình.

Giải pháp là chủ doanh nghiệp cần có tham vấn chuyên gia pháp lý, nhân sự và cần am hiểu về quản trị công ty. Có rất nhiều giải pháp có thể áp dụng.

Trước hết là phải lựa chọn nhà đầu tư chiến lược đúng. Nhà đầu tư chiến lược đúng thường không đòi hỏi kiểm soát quản lý doanh nghiệp bởi họ tôn trọng người nắm giữ ý tưởng kinh doanh và tin rằng chỉ có người này tiếp tục điều hành thì doanh nghiệp mới thành công. Tiếp theo, có nhiều hình thức hợp đồng đầu tư cho phép thu hút thêm nhiều cổ đông góp vốn, cổ đông hưởng cổ tức ưu đãi, nhưng vẫn duy trì được quyền biểu quyết, quyền phủ quyết...

Ngày Nhân sự Việt Nam 2016 sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình vào 8H ngày 11/12, chủ nhật, với sự tham dự của hơn 1000 chuyên gia và khách mời, doanh nghiệp để chia sẻ về Quản trị nhân sự giai đoạn khởi nghiệp. Thông tin chi tiết tại www.hrday.vn

PGS.TS Lê Quân

Cùng chuyên mục
XEM