Chàng trai nghèo từng bữa đói bữa no và cú "nâng cả thế giới" để rạng danh Việt Nam
Ngay sau chiến tích đoạt một HCV, một HCB tại Olympic Rio 2016 của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, đến lượt lực sĩ Lê Văn Công báo tin chiến thắng tại Paralympics về Việt Nam.
"NÂNG CẢ THẾ GIỚI" ĐỂ RẠNG DANH VIỆT NAM
Đêm 8/9/2016, báo thể thao Việt Nam thi nhau đăng tin, với cùng nội dung ngắn gọn " Lê Văn Công giành HCV đầu tiên cho quê nhà tại Paralympics". Việt Nam đã tham gia sân chơi thể thao cao nhất dành cho người khuyết tật từ năm 2000 nhưng đây mới là lần đầu tiên, chúng ta có VĐV chạm đến đỉnh cao.
Nhưng tấm HCV của Lê Văn Công không chỉ đơn giản là vượt qua các đối thủ khi ấy mà nó còn hoành tráng hơn thế nữa. Đạt mức tổng cử 181 kg tại lần đẩy thứ 3, Lê Văn Công đã 2 lần phá kỷ lục Paralympics ở trong phần thi đấu của mình.
Lê Văn Công đoạt HCV Paralympics 2016
Trước đó, ở lượt đẩy thứ nhất, Lê Văn Công có tổng cử 175 kg, phá kỷ lục của giải. Ở lượt đẩy thứ 2, anh muốn nâng tổng cử 179 kg nhưng thất bại, còn VĐV Omar Qarada nâng thành công mức 177 kg.
Sau khi phần thi đấu chính thức kết thúc, Lê Văn Công còn đẩy thêm lượt nữa, đạt mức tổng cử 183 kg. Với mức tổng cử này, dù không được tính vào thành tích ở Paralympics nhưng anh cũng được công nhận phá kỷ lục thế giới. Thực ra thì người giữ kỷ lục thế giới vẫn chính là... Lê Văn Công, với mức 182 kg anh lập được tại giải vô địch châu Á 2015 ở Almaty (Kazakhstan).
Tâm sự sau khi đoạt HCV, Lê Văn Công cho biết, chính kỳ tích của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh ngay trước đấy đã là nguồn động lực để anh chinh phục đỉnh cao. Anh cũng chia sẻ thêm:
"Tôi rất vui vì đã giành được tấm HCV và phá kỉ lục của đại hội. Tôi xin cảm ơn các anh chị em trong toàn đội đã cổ vũ tình thần để tôi đạt được thành tích này. Tôi không kì vọng mình sẽ trở thành niềm cảm hứng cho người khuyết tật mà chỉ hi vọng tấm HCV này sẽ giúp những người kém may mắn nhìn vào để có thêm động lực phấn đấu...
Tôi cũng mong rằng thành tích mà mình vừa đạt được sẽ phần nào đó giúp các vận động viên khuyết tật Việt nam tự tin hơn nữa khi tranh tài tại Paralympics, giành thêm nhiều huy chương nữa".
Nếu tấm HCV và HCB của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh giúp thể thao Việt Nam vang danh thế giới, thì thành tích của Lê Văn Công đã kéo dài những lời ca ngợi dành cho chúng ta. Các trang điện tử như ESPN, Sports.ndtv... đều đăng tin về tấm HCV lịch sử của Lê Văn Công và ca ngợi nỗ lực phát triển thể thao của Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi đó cũng gửi thư khen ngợi lực sĩ này: "Tôi rất vui mừng nhận được tin tại Paralympic Rio 2016, VĐV cử tạ Lê Văn Công đã thi đấu đặc biệt xuất sắc, giành được HCV, đồng thời phá kỷ lục Paralympic và kỷ lục thế giới. Đây là VĐV người khuyết tật Việt Nam đầu tiên đứng trên đỉnh vinh quang của Paralympic, mang lại tự hào cho Tổ quốc; thể hiện nghị lực, ý chí, lòng quyết tâm vượt khó và khát vọng vươn lên mạnh mẽ của thế hệ trẻ Việt Nam..."
Tại quê nhà, chiến tích của cậu con trai khiến ông Lê Văn Tuân vô cùng sung sướng. Bố của lực sĩ Lê Văn Công chia sẻ: "Khoảnh khắc con nâng thành công mức tạ 181kg, rồi lại phá kỷ lục ở 183kg khiến cả nhà vỡ òa. Khi xem con thi đấu, không được xem qua tivi mà chỉ xem qua màn hình điện thoại nên không thấy rõ.
Nhưng khi biết được thành tích con trai đạt được tôi đã rưng nước mắt sung sướng, hạnh phúc, cả đêm không ngủ được chờ cho trời sáng để bật tivi lên xem chương trình thể thao buỗi sáng để được nhìn rõ hơn hình ảnh khi con thi đấu".
CHÀNG TRAI TỪNG BỮA ĐÓI BỮA NO Ở SÀI GÒN
Khi Lê Văn Công lập chiến tích lịch sử, người ta mới nháo nhào tìm kiếm thêm thông tin về lực sĩ này và biết được quá khứ đầy cơ cực của anh. Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo tại Hà Tĩnh, đến tuổi đôi mươi Lê Văn Công tìm đường vào Sài Gòn để mong có tương lai khấm khá hơn.
Ban đầu, Văn Công thử làm nghề mộc nhưng cũng không đủ nuôi thân. Sau đấy, anh tìm kế sinh nhai ở nhiều công việc khác nhưng khuyết điểm ở đôi chân khiến phải ngồi xe lăn làm các cơ hội cứ trôi qua, đối diện Văn Công chỉ là những cái lắc đầu ái ngại.
Lục tung Sài Gòn, mãi thì Văn Công cũng tìm được một công việc phù hợp với mình là sửa điện tử. Và cũng nhờ tìm được một công việc an ổn, thể thao Việt Nam mới có một lực sĩ đoạt HCV Paralympics sau đấy.
Ban đầu, Văn Công chỉ đến phòng tập tạ để thử cho biết. Nhưng càng tập anh càng cho thấy những tố chất của mình để rồi đi đến quyết định trở thành một VĐV chuyên nghiệp. Và phần sau đấy trở thành lịch sử, khi Lê Văn Công liên tiếp mang về những tấm huy chương quý giá cho Việt Nam.
Với riêng Văn Công, nghề sửa chữa điện tử vẫn là nguồn quan trọng để duy trì tài chính cho gia đình nhỏ. Ngoài ra, những khoản thưởng sau các giải đấu cũng hỗ trợ anh không ít. Ví dụ với tấm HCV ở Paralympics, Văn Công được thưởng từ các nguồn số tiền gần 800 triệu đồng.
Cuộc sống đã trở nên dễ thở hơn với Lê Văn Công, nhưng để giàu như nhiều ngôi sao thể thao nước nhà khác thì vẫn còn rất xa vời. Dù sao, từ chàng trai nghèo lên Sài Gòn lập nghiệp đến một VĐV vang danh quốc tế, có tài chính tương đối ổn định, âu đấy cũng là sự đền đáp xứng đáng cho những nỗ lực của anh.
Gia đình hạnh phúc của lực sĩ Lê Văn Công.