Chàng trai 9x tốt nghiệp Thạc sĩ 'kép' ở châu Âu kể lại hành trình du học sóng gió
Từ tốt nghiệp thủ khoa xuất sắc trường ĐH Lâm nghiệp đến học bổng du học toàn phần Thạc sĩ châu Âu, chàng trai Hà Nội nhớ lại hành trình du học sóng gió và cú sốc văn hóa giúp bản thân trưởng thành.
Phan Quốc Dũng (sinh năm 1995, ở Hà Nội) tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành "Rừng nhiệt đới" (thiên về kỹ thuật) và "Rừng và sinh kế" (thiên về xã hội) tại hai trường ở Đức và Đan Mạch.
Trước đó, Dũng là thủ khoa khối A đại học Lâm nghiệp Việt Nam với GPA 3.87/4 và giành học bổng toàn phần Erasmus Mundus do Liên minh châu Âu tài trợ.
"Chiến thuật" săn học bổng du học
Vài năm trước, Dũng nhớ như in khoảnh khắc chuyển hướng ngành học, nghề nghiệp khiến cả gia đình ngỡ ngàng. Sau khi kết thúc chương trình học THPT, chàng trai 9x thi đỗ khoa Hóa của trường ĐH Khoa học Tự nhiên nhưng lại quyết định chuyển nguyện vọng sang học ngành Quản lý tài nguyên thiên nhiên đào tạo bằng 100% tiếng Anh của ĐH Lâm nghiệp.
"Ngày ấy, tuy thích học Hóa nhưng mình nghĩ không có nhiều ứng dụng thực tiễn trong đời sống, sau ra trường cũng chỉ có thể làm nhà nghiên cứu. Nên mình định hướng sang học ngành mà ít bạn trẻ lựa chọn để kiến tạo lối đi riêng và những đóng góp nhất định cho sự phát triển rừng ở Việt Nam", chàng trai Hà Nội nhớ lại.
Bước vào năm nhất đại học, Dũng gặp khó khăn trong việc học tiếng Anh để đáp ứng yêu cầu của ngành. Vì vậy, cậu bạn liền đăng ký học thêm ngoại ngữ cùng các em khối lớp 12 đang ôn vào đại học để củng cố kiến thức cơ bản. Theo nam sinh, đây là "nước cờ" bắt buộc phải đi vì nếu không có vốn ngoại ngữ thì không thể học sâu vào chuyên ngành.
Đầu năm 3, Dũng vinh dự được chọn là một trong 2 sinh viên đi tham dự cuộc thi "Sinh viên Lâm nghiệp quốc tế lần thứ 13” tại Suzdal, Nga và giành giải Khuyến khích. Đây được xem là dấu ấn đầu tiên ở tuổi 20 của Dũng khi đó với chất xúc tác mạnh mẽ giúp chàng trai trẻ thêm yêu và quyết tâm hơn với ngành học.
Dũng nói: "Đây là chuyến đi thay đổi suy nghĩ, thế giới quan của mình và mở ra ước mơ đi du học. Mình có sở thích khám phá và đi du lịch nên trên đường về, mình đã đặt ra mục tiêu mỗi năm bay đến một quốc gia khác nhau .
Thế nhưng, mình chợt nhận ra rằng không thể xin tiền bố mẹ để đi du lịch mãi. Nên mình đã quyết định chọn cách đi du lịch thú vị hơn thông qua việc đi du học".
Sau chuyến bay ấy, Dũng trở về và tức tốc lên kế hoạch săn học bổng du học. Anh tự tìm kiếm học bổng thông qua mạng lưới thông tin từ bạn bè, mạng xã hội. Với bài luận "làm sao để quản lý rừng hiệu quả hơn", Dũng đã nhận được học bổng toàn phần Erasmus Mundus do Liên minh châu Âu tài trợ. Nam sinh cho rằng, bí quyết quan trọng nhất để gây ấn tượng đó là hãy thể hiện giá trị của bản thân mình với cộng đồng và đặt ra vấn đề mang tính gợi mở, hướng đến sự phát triển bền vững mang tính toàn cầu.
Chàng trai 9x được nhiều người gọi vui với biệt danh "người rừng chính hiệu". |
Dũng trò chuyện với người dân tộc Thái tại Quan Sơn, Thanh Hóa về phát triển rừng bền vững. |
2 năm du học "sóng gió"
Đi du học chương trình tiếng Anh nhưng lại sang Đức, Dũng gặp cú sốc về văn hóa và ngôn ngữ. Tuy tiếng Anh là ngôn ngữ quốc tế nhưng khi học tập ở Đức (2018-2019), nam sinh gặp phải vấn đề giao tiếp có nhiều hạn chế. Khi đi siêu thị hay những nơi công cộng, Dũng thường phải bật sẵn hình ảnh, xem chỉ dẫn trước.
Gạt qua những khó khăn ban đầu, Dũng có thêm động lực học tập khi được có mặt trực tiếp ở các khu quản lý rừng để lắng nghe, giải đáp thắc mắc thay vì chỉ đọc qua sách báo.
Cuối năm 2019, Dũng bắt đầu việc học ở Đan Mạch. Mỗi ngày, du học sinh Việt lại chuẩn bị hành trang đi vào rừng thực địa, áp dụng những lý thuyết đã học để thực hành và làm báo cáo luôn. Dũng cho rằng, học quản lý rừng là "làm bạn" với rừng, từ đó mới nhận ra được những hạn chế, vấn đề còn tồn tại làm cản trở sự phát triển của thiên nhiên.
"Đôi lúc mình cảm thấy tiêu cực bởi một số thời gian học không hiệu quả, môi trường căng thẳng. Mình đành tìm cách cân bằng cho bản thân khi đi du lịch, có thêm trải nghiệm về văn hóa, giao tiếp với nhiều người", Dũng nói.
Những hình ảnh về rừng qua góc máy của Dũng. |
Cuối năm 2020, Dũng hoàn thành bài bảo vệ luận văn sau 2 bản nháp bị giảng viên sửa đỏ với số điểm gần tuyệt đối 10/12. Anh trở về nước ngay sau đó trên chuyến bay giải cứu công dân Việt từ Đức khi diễn biến dịch COVID-19 ngày càng căng thẳng.
Hiện tại, sau 2 năm du học, Dũng là cán bộ nghiên cứu của một cơ quan nhà nước về lâm nghiệp. Anh đang tham gia nghiên cứu phát triển chuỗi dự án giá trị cây tre ở Nghệ An, hỗ trợ người dân kỹ thuật chăm sóc và cách để tạo nên giá trị cao cho các sản phẩm từ cây tre.