Chân dung 'Steve Jobs Hàn Quốc': Từ bỏ học từ cấp 3, đến ông trùm của đế chế game mobile lớn nhất xứ kim chi

12/12/2016 11:43 AM | Kinh doanh

Bang Jun-hyuk - người được ví như "Steve Jobs của Hàn Quốc' hiện là CEO của hãng game lớn thứ 2 Hàn Quốc Netmarble. Anh hiện nắm trong tay khối tài ản gần 1 tỷ USD theo ước tính của Forbes.

Bang Jun-Hyuk - nhà sáng lập công ty game lớn nhất Hàn Quốc Netmarble thường được báo chí so sánh với Steve Jobs. Cả hai đều từng rời bỏ công ty công nghệ do chính mình sáng lập rồi sau đó quay trở lại cứu nó khỏi bờ vực phá sản.

Có nhiều người sẽ nói rằng việc so sánh như vậy là khập khiễng nhưng thành công của Netmarble thì không ai có thể chối cãi. NetMarvel Future Fight - game hành động mô phỏng theo các nhân vật siêu anh hùng của Netmarble đã có hơn 50 triệu lượt tải về kể từ khi ra mắt vào tháng 4/2015, lọt top 10 trong bảng xếp hạng ứng dụng tại 118 quốc gia, bao gồm cả Mỹ và Anh. Theo thống kê của Appe Annie - đơn vị theo dõi các ứng dụng trên Android và iOS nói rằng năm ngoái, Netmarble xếp thứ 8 thế giới về doanh thu từ các ứng dụng.

9 tháng đầu năm nay, doanh thu của NetMarvel đã tăng tới 39% lên mức 896 triệu USD và lợi nhuận tăng 10% lên mức 152 triệu USD. Doanh thu hàng năm trong năm 2015 đạt 949 triệu USD và tổng lợi nhuận tăng lên mức 149 triệu USD, tăng 300% so với cùng kỳ năm trước đó.

Trong tổng thể thị trường game trực tuyến tại Hàn Quốc, Netmarble hiện là công ty lớn thứ 2 trong cả ước, vượt cả NCSoft và chỉ đứng sau đại gia Nexon. Với 32% cổ phần tại Netmarble, Bang trở thành tỷ phú với khối tài sản được Forbes Asia dự đoán vào khoảng 1 tỷ USD. Dù vốn tiếng Anh không tốt nhưng với tốc độ tăng trưởng chóng mặt của Netmarbel, Bang có thêm tự tin để vươn ra những thị trường mới.

Tháng 6 vừa qua anh đã tới Los Angeles, Mỹ để tham gia triển lãm game E3 nhằm mục tiêu tìm hiểu thêm về những xu hướng game mới nhất hiện nay hướng tới mở rộng hoạt động ở các nước phương Tây. Cũng trong khuôn khổ sự kiện này, Bang có dịp ăn tối cùng Chris DeWolfe, đồng sáng lập MySpace và là CEO của công ty game Jam City tại New York. Năm ngoái, Netmarble đã bỏ ra 130 triệu USD để sở hữu phần lớn cổ phiếu của Jam City.

Thương vụ Jam City chỉ là bước khởi đầu trong tham vọng to lớn của Bang. Anh dự định sẽ đưa Netmarble "lên sàn" vào đầu năm sau. Chia sẻ với phóng viên Forbes, Bang nói rằng số vốn huy động được sẽ dùng để đầu tư vào các công ty game di động nhắm tới thị trường Mỹ đồng thời đa dạng hóa danh mục đầu tư của Netmarble sang những lĩnh vực khác ngoài game xã hội và game đánh bài. Báo chí Hàn ước tính Netmarble có trị giá lên tới 8,5 tỷ USD nhưng Bang không đưa ra bất cứ bình luận nào về vấn đề này.

Nếu như các doanh nhân giàu có trong lĩnh vực game tại Hàn Quốc khác đều có bằng tốt nghiệp trong lĩnh vực khoa học máy tính từ những Đại học danh giá bậc nhất thì Bang là trường hợp ngoại lệ. Bang thậm chí không có bằng đại học vì sinh ra trong gia đình nghèo khó nên phải bỏ học từ năm lớp 11. “Tôi bỏ học vì chỉ muốn tập trung vào thứ mình yêu thích”, anh chia sẻ.

Ban đầu Bang tỏ ra thích thú với ngành công nghiệp phim ảnh vì vậy anh đã khởi nghiệp công ty dịch vụ xem phim trực tuyến vào cuối chững năm 1990. Tuy nhiên do Internet thời đó vẫn còn chưa phát triển, công ty này đã phải dừng hoạt động 2 năm sau đó. Thất bại với doanh nghiệp đầu tiên, bài học xương máu mà Bang nhận được đó là: "Dù có thất bại đi chăng nữa nhưng nếu có nội dung tốt, bạn vẫn có thể thành công trong tương lai".

Sau đó, Bang chuyển sự tập trung sang mảng game. Thời kỳ đó, được sự hỗ trợ nâng cấp cơ sở hạ tầng Internet từ chính phủ, mảng game trực tuyến trở nên vô cùng thịnh hành. Cụ thể, sau khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 - 1998, chính phủ Hàn quyết định tập trung vào công nghệ thông tin nhằm vực dậy nền kinh tế. Cơ sở hạ tầng Internet được cải thiện tạo điều kiện thuận lợi cho game online phát triển. Đến năm 2000, với 8 nhân viên và 88.000 USD vốn huy động, Bang thành lập Netmarble, hướng tới đối tượng khách hàng là phụ nữ và thiếu niên.

Ba năm sau đó, để có thêm tiền, Bang đã thực hiện một thỏa thuận kỳ lạ với công ty phim Planus Entertainment. Nếu cuối năm Netmarble có thể đạt lợi nhuận 4,4 triệu USD, Planus sẽ chuyển 30% lợi nhuận cho Netmarble, nếu không Bang sẽ phải nhượng lại một phần cổ phẩn trong Netmarble (tổng Bang nắm giữ 49% cổ phần).

Bang lao vào làm việc, đưa những hình tượng của Planus vào game, nhận luôn cả các hoạt động marketing, phân phối và ra mắt cho game từ các công ty khác. Netmarble cũng trở thành công ty tiên phong trong cách chơi tự do trong game để người chơi có thể tự mua thêm vũ khí... Cuối năm đó, Netmarble thu về 14 triệu USD lợi nhuận và mua lại luôn Planus - thương vụ mà báo chí Hàn Quốc gọi là "chú tôm nhỏ nuốt trọn cá mập".

Việc này đã thu hút sự chú ý của CJ Groups, tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc - một người "anh em" cũ của Samsung. Năm 2004, Bang đã có buổi gặp gỡ với chủ tịch CJ khi đó là Lee jay-huyn và kết quả là Netmarble sáp nhập vào CJ Group với cái tên mới CJ Internet Company.

Nói về thương vụ này, Bang chia sẻ: "Ban đầu tôi không thích thú với thương vụ này nhưng sau đó nghĩ lại và thấy nó có thể là cơ hội tốt để mở rộng, phát triển công ty. Nó cũng sẽ tốt cho nhân viên của Netmarble nữa".

Netmarble đang trên đà phát triển thì Bang phải rời công ty vào năm 2006 vì lý do sức khỏe. "Tôi cần phải nghiêm túc nghỉ tới, tôi quá mệt mỏi và căng thẳng".

Sau năm năm chỉ làm việc như một nhà đầu tư tự do, Bang nhen nhóm ý định mở một công ty game khác. “Sau 3 năm nghỉ ngơi tôi rất muốn thử thách bản thân bằng việc thành lập một công ty khác. Tuy nhiên CJ đã có lời mời tôi quay lại vì Netmarble đang gặp khó khăn", Bang cho hay.

Hầu hết 32 tựa game do công ty phát hành từ năm 2007 - 2011 đều "không đáp ứng được nhu cầu của người dùng". Vị CEO khi ấy của Netmarble vốn không có nền tảng kiến thức về game nên về cơ bản công ty luôn bị lỡ nhịp với những xu hướng game mới nhất.

Ngay khi quay lại điều hành công ty, nhận thấy sự nổi lên nhanh chóng của smartphone tại Hàn, Bang quyết định chuyển hướng tập trung vào game trên smartphone, thay vì trên máy tính như trước đây. Quả thật, mức độ phổ biến của smartphone ở Hàn đang là 88%, đứng đầu thế giới.

Năm 2014, công ty Internet lớn nhất Trung Quốc, Tescent, bỏ ra 500 triệu USD để mua 28% cổ phần của Netmarble - trở thành cổ đông lớn thứ 3 sau CJ và NCSoft.

Thành công như vậy nhưng Netmarble vẫn phải đối mặt với sự cạnh tranh vô cùng gay gắt trên thị trường game và ứng dụng điện thoại. Đây là những sản phẩm có vòng đời rất ngắn. “Chỉ 4 tháng sau khi ra mắt, lượt tải game sẽ bắt đầu giảm mạnh, đòi hỏi nhà phát triển phải liên tục cải tiến và tung ra những sản phẩm mới,” công ty nghiên cứu App Annie nhận xét.

Để nhắm tới mục tiêu IPO, Bang phải vượt qua tất cả những rào cản kể trên. “Chúng tôi muốn trở thành nhà phát triển game hàng đầu trên thị trường, thực hiện những khoản đầu tư ấn tượng vào những công ty game lớn trên thế giới. Vượt ra khỏi thành công tại châu Á, Netmarble muốn hướng tới thị trường Mỹ. Chỉ cần thành công ở Mỹ, việc mở rộng tới toàn bộ các quốc gia ở phương Tây không còn quá xa vời”, Bang khẳng định.

Vân Đàm

Cùng chuyên mục
XEM