"Tôi là một ‘sản phẩm rất lỗi’ vì không biết tiếng Anh. Từ bé, trong tôi đã có một nỗi sợ khủng khiếp với môn học này", anh Thủy tâm sự.
Thuở nhỏ, Thủy học tại một ngôi trường làng ở huyện Ba Vì, không được học tiếng Anh. Đến năm cấp 2 về trường chuyên tại thành phố Sơn Tây (thuộc tỉnh Hà Tây cũ), anh mới bắt đầu học môn học này. Học muộn khi các bạn trong lớp đều đã nắm được kiến thức, Thủy ngày càng thấy "đuối".
"Xưa học sinh trường chuyên được ưu ái, chỉ cần giỏi môn chuyên, các môn khác có thể du di đôi chút", anh Thủy giải thích. "Cấp 3 tôi lại học trường chuyên. Môn nào thích tôi học rất giỏi. Nhưng riêng với tiếng Anh, nỗi sợ cứ lớn dần và theo tôi tới tận bây giờ."
Đến khi nhận thức được tầm quan trọng của tiếng Anh, anh lập dự án Apax English với mong muốn "vá" lại các lỗi của mình, nhắm đến mục đích để trẻ không sợ tiếng Anh, thích nói tiếng Anh và tự tin vào bản thân, thay vì đào tạo các kỹ năng Nghe – Nói – Đọc – Viết, hay đào tạo lấy các chứng chỉ IELTS, TOEFL như các trung tâm khác.
"Khi nói tiếng Anh liên tục và nói một cách tự nhiên, tiếng Anh bật ra như một phản xạ thì các em sẽ được học về ngữ pháp. Các kỹ năng Nghe – Nói – Đọc – Viết cứ thế hình thành, giúp trẻ thích học tiếng Anh một cách tự nhiên chứ không gò ép", anh chia sẻ về phương châm hoạt động của Apax English.
Apax English không phải dự án khởi nghiệp đầu tay của Thủy. Chặng đường khởi nghiệp 17 năm của anh bắt đầu từ năm 2001, khi anh còn là cậu học sinh của trường PTTH chuyên Nguyễn Huệ (Hà Tây cũ). Ngày ấy, anh chung tay với một thầy giáo mở trung tâm luyện thi đại học khu vực Hà Đông.
Thi đỗ vào ĐH Mỏ - Địa chất, anh đã nghĩ rằng mình sẽ vừa học vừa làm. Nhưng khi công ty được thành lập, câu chuyện không còn như dự định ban đầu. "Tôi buộc phải lựa chọn. Sau nhiều đắn đo, tôi quyết định lấy việc học trường đời là một trải nghiệm, tự học với người thành công, và đọc sách", anh Thủy tâm sự.
Anh rời ghế nhà trường khi đang là sinh viên năm thứ nhất để dồn lực vào công ty luyện thi đại học. Công ty luyện thi này anh đã trao lại cho gia đình quản lý vào khoảng 10 năm trước, đến nay vẫn còn hoạt động.
Công ty anh lập ra ngày ấy có thể coi như thành công, một thành công anh tự nhận là nho nhỏ, dù không nhân bản được, nhưng nó giống như một "nồi cơm", đủ để anh bền bỉ nuôi những dự án khác trong những lúc khó khăn, cũng đủ để gia đình trong lúc anh tay trắng cũng sống không quá chật vật.
Năm 2004, anh lập công ty cung cấp người giúp việc, mở công ty thương mại, buôn bán thiết bị máy tính. Cung cấp người giúp việc thời điểm ấy còn nhiều rủi ro. Các công ty buôn bán thì đầu tư nhiều mà sản phẩm không bán được. Anh gần như trắng tay.
"Trong công việc, tôi có 2 thói quen. Một là giữ tầm nhìn đủ xa, đủ lớn, nhưng quan tâm đến chi tiết vận hành xuất sắc mỗi ngày. Nếu không có tầm nhìn đủ xa, đủ lớn thì không thể có động lực bước tiếp và tìm giải pháp khi gặp khó khăn. Còn nhìn xa mà không quan tâm đến chi tiết thì thực thi sẽ khó thành công".
"Thói quen thứ 2 là luôn học hỏi từ những người thành công", anh Thủy nói.
"Mong muốn của tôi là tạo ra được một môi trường học tập mà học sinh có thể học một cách tự nguyện, đam mê và hứng thú. Như ngày xưa chúng ta đi học, môn nào chúng ta thích, đam mê, thì học rất tốt. Môn học gì không thích thì học mãi không vào".
"Do đó, tôi muốn đưa công nghệ vào áp dụng để việc học trở nên thân thuộc, và học sinh có thể phát huy được nhiều khả năng của mình hơn", anh Thủy chia sẻ triết lý kinh doanh của mình.
Từ triết lý đó, Egame với sản phẩm Chinh phục vũ môn ra đời.
Chinh phục vũ môn có thể coi như dự án khởi nghiệp đầu tiên của anh, xuất phát điểm là một game giải trí, mang đến một thế giới học đường ảo giúp học sinh trang bị kiến thức, kỹ năng sống. Hiện dự án này vẫn đang hoạt động và trở thành platform của nhiều cuộc thi như Chinh phục vũ môn - cuộc thi kiến thức trực tuyến dành cho học sinh Tiểu học và THCS trên toàn quốc, Giao thông học đường, Tự hào Việt Nam… và nhiều cuộc thi khác đồng hành cùng TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Nhận xét về dự án này, anh Thủy cho rằng nó chưa thực sự thành công như kỳ vọng. Với vài triệu người dùng ở thời điểm hiện tại, Chinh phục vũ môn đã hoàn thành được sứ mệnh của mình: Tạo ra được một môi trường vừa học vừa chơi, giúp học sinh lĩnh hội kiến thức một cách nhẹ nhàng.
Dự án thành công nhất trong sự nghiệp của anh đến thời điểm hiện tại là Apax English - dự án đã vượt lên iLa trở thành chuỗi trung tâm tiếng Anh lớn nhất cả nước về số lượng trung tâm chỉ sau 2 năm thành lập. 2015, thị trường trung tâm tiếng Anh như một đại dương đỏ ngầu với những thương hiệu Top of mind như iLa, Hội đồng Anh (BC), Trung tâm giáo dục và đào tạo Úc ACET…
Giữa năm ấy, Apax English ra đời và thay đổi toàn diện cuộc chơi.
"Chúng ta luôn hướng tới thị trường đại dương xanh. Nếu trong trường hợp thị trường không thể là đại dương xanh thì phải luôn tìm ra khác biệt, mà tôi gọi là "lằn ranh đại dương xanh trong thị trường đại dương đỏ"", ông chủ chuỗi trung tâm tiếng Anh Apax English nói.
"Lằn ranh đại dương xanh" của Apax English chính là ứng dụng công nghệ mới nhất vào giáo dục như Tivi cảm ứng, trường quay thu nhỏ, giáo trình được thiết kế bởi đối tác hàng đầu Hàn Quốc là Tập đoàn Chungdahm, giảng viên 100% người bản xứ…
Tháng 5/2015, Apax English mở trung tâm tiếng Anh đầu tiên. Chỉ sau 2 năm, đơn vị này đã sở hữu 50 trung tâm tiếng Anh, dự kiến tăng số trung tâm lên 60 trong năm nay.
Với việc mở trung tâm nhanh chóng của Apax English, anh Thủy thừa nhận tham vọng của mình là đưa Apax English trở thành "Thế giới Di động" trong ngành giáo dục.
Đã mượn công nghệ thì phải mượn của công ty số 1. Và Apax chọn Chungdahm – một tập đoàn giáo dục đã vươn ra 8 quốc gia và sản phẩm có nhiều nét khác biệt, trùng với triết lý kinh doanh của ông Thủy - nhắm tới mục đích để trẻ thích học tiếng Anh và sử dụng tiếng Anh như một ngôn ngữ mẹ đẻ thứ hai.
"Thời khắc Apax English được định giá 1.000 tỷ đồng là thời khắc đem lại cho tôi cảm xúc mạnh mẽ nhất, khi đứa con tinh thần của mình đạt đến một quy mô đủ lớn được xã hội thừa nhận. Apax English hết năm 2016 cán mốc 25 trung tâm, giữa 2017 cán mốc 50 trung tâm, đấy là cột mốc thành công đo đếm được", anh Thủy tâm sự.
Đến được cái mốc này, anh Thủy cho rằng cũng nhờ thời điểm Apax English tiến quân ra thị trường là "thời điểm vàng". Thời nay, tiếng Anh được coi như ngôn ngữ số 1, là cánh cửa để mở ra thế giới trong thời kỳ hội nhập. Cộng thêm kinh tế của các hộ gia đình tăng và độ "chịu chi" cũng cao hơn trước.
"Ngày xưa, việc chi trả tầm 2-3 triệu đồng/tháng để học thêm tiếng Anh thì chỉ có gia đình giàu ở thành phố mới đủ tiềm lực tài chính cho con cái đi học. Nhưng hiện nay, thậm chí khi Apax English về các tỉnh, nhu cầu của họ rất lớn và sẵn sàng chi trả mức này", anh Thủy chia sẻ.
Anh Nguyễn Ngọc Thủy lập Apax Holdings năm 2012, đồng thời giữ chức Chủ tịch HĐQT của công ty này. Apax Holdings lên sàn UpCOM vào tháng 5/2016 với mã chứng khoán IBC.
Tháng 6/2017, IBC hoàn tất việc mua lại 34% cổ phần Apax English với hơn 340 tỷ đồng. Thương vụ này đồng nghĩa với việc Apax English được định giá ở mức 1.000 tỷ đồng. Đây là mức định giá để mua lại công ty con trong hệ thống. Nên có thể suy ra rằng, giá trị thực tế của Apax English còn lớn hơn mức định giá 1.000 tỷ này.
Mới đây, sau 1 năm "tập dượt" trên sàn UpCOM, Apax Holdings mới đây đã nộp đơn xin gia nhập sân chơi lớn hơn là sàn giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE).
"Trong suy nghĩ của tôi, những thành công bây giờ cũng chỉ như bơi từ ao làng ra con sông trước nhà, chưa gọi là ra biển. Mọi thứ mới chỉ bắt đầu…", anh Thủy tâm sự.
Theo kế hoạch kinh doanh của IBC, bên cạnh việc rót vốn vào một loạt công ty giáo dục, công ty còn dự kiến đầu tư vào 3 công ty tại nước ngoài. Dù chưa tiết lộ kế hoạch chi tiết, nhưng với sự hậu thuẫn hiện tại của một loạt các đối tác nước ngoài như Chungdahm, Mega Study, SK Telecom, Dongsim, Yakson House…, việc "go global" của công ty sẽ thuận lợi hơn. Và với đam mê dai dẳng từ những năm cấp 3, các công ty IBC đầu tư có lẽ cũng không nằm ngoài mảng giáo dục.
Nói về tinh thần khởi nghiệp, anh Thủy cho rằng bản tính của người có tinh thần khởi nghiệp là biết giữ một chút ngây thơ vừa đủ. Có nhiều người thất bại lần đầu không dám làm lại, họ nhìn đâu cũng thấy rủi ro, thất bại.
Một chút ngây thơ vừa đủ là biết cách thất bại, biết học hỏi được gì từ đó, và biến điều đó thành hành trang đi tiếp.
Anh cũng nhắn nhủ: "Điều đáng sợ nhất khi khởi nghiệp là mất niềm tin vào bản thân, cho rằng mình làm cái này, cái kia có thể không thành công".
"Mọi người có thể mất niềm tin vào mình, có quyền mất niềm tin vào mình nhưng bản thân mình không bao giờ được phép mất niềm tin đó. Khi chúng ta thực sự mất niềm tin vào bản thân, coi như thất bại. Đó là cái đáng sợ nhất, khủng khiếp nhất. Mất tiền hay mọi thứ đều có thể thay đổi được, nhưng mất niềm tin là chấm hết".
Trí Thức Trẻ