Chân dung những “tác nhân” khiến VN-Index mất mốc 950 điểm, vốn hóa HoSE bay 153.000 tỷ đồng trong phiên 10/11
Việc những nhóm trụ cột của thị trường như "bank, chứng thép" cùng bluechips dòng bất động sản chìm trong sắc “xanh lơ” đã khiến các chỉ số nhanh chóng lao dốc không phanh.
Tâm lý kém tích cực bao trùm thị trường chứng khoán trong phiên 10/11, thị trường "rực lửa" trong hầu hết thời gian giao dịch. Chỉ số VN-Index đánh rơi hơn 38 điểm, về sát mốc 950 dưới áp lực bán tháo mạnh đẩy hàng trăm cổ phiếu nằm sàn la liệt.
Tính chung trên toàn thị trường, có tới 836 mã cổ phiếu giảm điểm, trong đó có tới 293 mã giảm hết biên độ áp đảo hoàn toàn so với vỏn vẹn 113 mã tăng giá.
Những tưởng trải qua 3 phiên giao dịch hồi phục gần đây, VN-Index sẽ kiểm nghiệm lại ngưỡng 1.000 điểm, song áp lực bán mạnh từ làn sóng “call margin” cũng như tâm lý yếu đã kéo thị trường “lao dốc”. VN-Index đóng cửa ở mức 947 điểm, thấp nhất trong vòng 2 năm trở lại đây kể từ phiên 9/11/2020.
Mức giảm này cũng khiến VN-Index đứng đầu trong top chỉ số chứng khoán “tệ” nhất châu Á trong phiên hôm nay.
Cụ thể, hàng loạt cổ phiếu vốn hoá lớn bị bán mạnh trong phiên hôm nay. Không ghi nhận một mã nào tăng điểm trong nhóm VN30, có đến 29 mã giảm giá, trong đó 11 mã giảm kịch biên độ. Ngược lại, chỉ xuất hiện SAB giữ mốc tham chiếu không đóng góp quá nhiều cho thị trường.
Hầu hết các nhóm cổ phiếu bất động sản, ngân hàng, chứng khoán đều chìm trong sắc đỏ, thậm chí CEO, NRC, TIG, SCR, HQC, OGC, NVL, NLG, HDG, DXS, DPG, LDG, GEX, DRH, DXG, CII,… ... còn giảm sàn với nhiều mã "trắng bên mua".
Cổ đông nhóm ngân hàng cũng có một phiên không mấy vui vẻ khi thậm chí nhiều "ông lớn" như CTG, STB, LPB, SHB, EIB, TCB, VIB, MBB, VPB, MSB,… đồng loạt giảm kịch sàn.
Diễn biến tiêu cực còn được ghi nhận tại các cổ phiếu ngành thép khi HPG, HSG, VGS, NKG, SMC, TIS, TLH,…giảm hết biên độ. Tại nhóm dầu khí, PGS giữ được mốc tham chiếu, trong khi CNG, PVC, PVD, PVB, PXS... đồng loạt chìm trong sắc “xanh lơ”. Tương tự, nhóm phân bón ghi nhận SFG, BFC, PSW, DCM, DPM, DDV giảm kịch sàn, các mã khác cùng chìm trong sắc đỏ rực.
VN-Index giảm về mức thấp nhất trong vòng 2 năm, "thổi bay" hơn 153.000 tỷ đồng vốn hoá của HoSE, giá trị còn lại rơi về mức 3.780.776 tỷ đồng.
Xét về mức độ đóng góp cụ thể, MSN trở thành “tội đồ” lớn nhất khiến VN-Index đánh rơi tới 2,1 điểm trong phiên. Cụ thể, MSN giảm sàn 6,9% trắng bên mua về mức giá 81.000 đồng/cp khiến chỉ số chính rơi vào thế rút lui.
Bên cạnh đó, các mã nhà băng lớn như CTG, VPB, BID là các nhân tố đè mạnh lên thị trường khi tổng cộng lấy đi gần 6 điểm của thị trường. Tiếp theo, NVL của Novaland giảm sàn phiên thứ 6 liên tiếp cùng với ông lớn ngành khí GAS (-2,6%) trở thành những lực cản nằm top của chỉ số.
Top 15 cổ phiếu tác động tiêu cực đến VN-Index trong phiên giảm mạnh này còn có những cổ phiếu như VCB, TCB, HPG, VNM, MBB, MWG,... Trong top 15 ảnh hưởng tiêu cực nhất tới thị trường, có tới 6 mã cổ phiếu ngân hàng.
Việc những nhóm trụ cột của thị trường như "bank, chứng thép" cùng bluechips dòng bất động sản chìm trong sắc “xanh lơ” đã khiến các chỉ số nhanh chóng lao dốc không phanh. Cộng thêm lực cầu chưa thực sự sẵn sàng quay trở lại khiến thị trường càng mất đi lực chống đỡ.
Ở chiều ngược lại, sắc xanh le lói tại một số cổ phiếu vốn hóa nhỏ LGC, PDN, SHI, CKG,… không thể giúp thị trường tránh một phiên giảm mạnh. Theo đó, LGC của Đầu tư cầu đường CII ngược dòng tăng 6,3% trở thành "công thần" lớn nhất giúp VN-Index tăng 0,14 điểm.
Báo cáo mới đây của Chứng khoán TPS cho rằng bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn đứng trước nhiều thách thức và rủi ro như nhiều ngân hàng trung ương trên toàn cầu tiếp tục tăng lãi suất khi Fed vẫn kiên định chính sách thắt chặt tiền tệ, căng thẳng Nga – Ukraina vẫn chưa hạ nhiệt để đi đến hồi kết.
Chứng khoán TPS nhận định nền kinh tế của Việt Nam được kỳ vọng tiếp tục phát triển ổn định và đạt mức tăng trưởng quanh 8% năm 2022.
Đội ngũ phân tích TPS cho rằng thị trường chứng khoán khó có thể tăng trưởng quá mạnh ở những tháng cuối năm. Tuy nhiên, khi so với các quốc gia trong khu vực, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đang hết sức hấp dẫn với P/E forward 2022 ở mức gần như thấp nhất nhưng lại có mức ROE thuộc nhóm cao nhất. Xét về dài hạn, TPS đánh giá đây là thời điểm hợp lý để tích lũy những cổ phiếu có nội tại tốt, kết quả kinh doanh tích cực và thanh khoản cao.