Chân dung GĐKH Viện nghiên cứu Dữ liệu lớn của Vingroup: Giáo sư ĐH Yale, có trong tay 104 công trình toán học nổi tiếng, sống 25 năm ở nước ngoài nhưng vẫn quyết giữ hộ chiếu Việt
Ở tuổi 40, giáo sư Vũ Hà Văn - Giám đốc khoa học viện nghiên cứu Dữ liệu lớn của Vingroup đã có trong tay 104 công trình toán học đăng trên các tạp chí uy tín hàng đầu thế giới. Ông được vinh danh là đỉnh cao mới của toán học Việt Nam.
Ngày 21/8/2018, Tập đoàn Vingroup đã chính thức ra mắt Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn: Nghiên cứu các lĩnh vực mũi nhọn trong ngành Dữ liệu lớn như học máy, trí tuệ nhân tạo; tập trung phát triển khoa học ứng dụng. Song song với đó, Viện kết hợp giảng dạy và đào tạo trí thức cho ngành nghiên cứu Dữ liệu lớn còn đang rất sơ khai tại Việt Nam.
Viện do Giáo sư - Tiến sĩ Vũ Hà Văn hiện là Giáo sư trường Đại học Yale, Mỹ làm Giám đốc khoa học.
Cái tên Vũ Hà Văn trở nên nổi tiếng kể từ năm 2008 khi ông đạt Giải thưởng Polya – một giải thưởng lớn của Hội Toán học và ứng dụng Hoa Kỳ. Đến năm năm 2012, một lần nữa ông lại ghi tên mình vào lịch sử khi đạt giải thưởng Fulkerson – một giải thưởng quốc tế lớn về toán học.
Ông bảo vệ luận án tiến sĩ tại Đại học Yale, Mỹ, năm 1998. Sau thời gian làm hậu tiến sĩ tại Viện Nghiên cứu cấp cao (IAS) Princeton và tại Ban Nghiên cứu của Microsoft, từ năm 2001 đến 2005, ông làm việc tại Đại học California ở San Diego với tư cách trợ lý giáo sư, phó giáo sư và giáo sư. Từ mùa thu năm 2005, ông trở thành giáo sư khoa toán, Đại học Rutgers, hiện ông vẫn đang là giáo sư Đại học Yale. Ông còn là giáo sư thỉnh giảng của Đại học Paris từ tháng 6/2006.
Ở tuổi 40, giáo sư Vũ Hà Văn đã có trong tay 104 công trình toán học đăng trên các tạp chí uy tín hàng đầu thế giới. Với tất cả những thành tựu đó, giáo sư Vũ Hà Văn được vinh danh là đỉnh cao mới của toán học Việt Nam.
Tuy nhiên điều bất ngờ là xuất phát điểm của giáo sư Vũ Hà Văn là kỹ sư chứ không phải chuyên ngành toán học. Sau khi thi đậu á khoa Đại học Bách khoa Hà Nội, ông được cử sang Hungary theo học.
Trong một bài phỏng vấn với tờ báo trong nước, ông cho biết: "Thật ra tiểu sử khoa học của Văn có một điểm khác so với phần lớn những người làm toán khác. Đó là Văn khi mới vào đại học không theo học ngành toán, mà là học điện tử tại Đại học Bách khoa Budapest".
Tuy nhiên, ở Hungary đã xảy ra một bước ngoặt lớn trong cuộc đời Giáo sư Văn. Bước ngoặt ấy đến vào một lần ông tình cờ được gặp gỡ với một nữ giáo sư. Hôm đó bà tổ chức một hội thảo về việc nghiên cứu khoa học, nhưng thật bất ngờ giáo sư Văn là người duy nhất tới hội thảo này.
Vị nữ giáo sư đã khá ngạc nhiên, bà ấy cho ông giải thử một vài bài toán và giáo sư Văn đã có hướng giải tốt. Việc này tiếp tục diễn ra trong một thời gian nữa sau đó bà giới thiệu ông tham gia một cuộc thi cho sinh viên ngành Toán học. Và thật may mắn, ông đã giành kết quả khá tốt ở cuộc thi đó. Sau này, chồng của nữ giáo sư đã trở thành cố vấn của giáo sư Văn và ông được khuyên nên chuyển sang đại học Eotvos – tương đương Đại học khoa học tự nhiên của Hungary. Và thế là mọi thứ bắt đầu từ đó, toán học đến với giáo sư Văn hết sức tình cờ.
"Sau đó tôi mới chuyển sang trường Eotvos. Thành ra việc trở thành người làm toán cũng một phần là do say mê, một phần có số mệnh sắp đặt vậy, chứ con đường không được thẳng băng như một số người làm toán khác".
Giải quyết bài toán chưa có lời giải suốt 30 năm
Kể về "duyên nợ" với Toán, giáo sư Vũ Hà Văn đã chia sẻ về giải thưởng Fulkerson mà ông nhận được như thế này: "Đó là một bài toán rất hay. Lúc đầu tôi không hề nghĩ mình có thể giải được nó. Tuy nhiên thời điểm nhận bằng tiến sỹ, vì trong luận án có liên quan tới bài toán này nên tôi quyết tâm phải giải được nó. Thế là tôi đi tìm rất nhiều tài liệu đọc và liên kết các ý tưởng của người đi trước với cách tiếp cận của tôi. Và sau đó tôi chỉ đợi đến lúc mình may mắn tìm được ý tưởng đúng thôi", giáo sư Văn cười.
Công trình giành giải thưởng của giáo sư Văn là một lời giải cho bài toán Shamir – xác định ngưỡng thấp nhất của mật độ cạnh mà ở đó một đồ thị ngẫu nhiên có thể được bao phủ bởi các bản sao riêng rẽ của một đồ thị nhỏ nhất định. Dù được đánh giá là đơn giản, dễ giải thích cho tất cả các sinh viên đại học nhưng đáp án cho bài toàn này đã khiến các nhà khoa học đau đầu trong suốt 30 năm.
Trên thực tế giáo sư Văn biết tới bài toán này khi còn học tại Đại học ở Hungary (tức là 20 năm trước đó) nhưng khi ấy ông chưa hề nghĩ đến chuyện tìm ra được lời giải. Khi được hỏi điều gì đã khiến ông kiên trì tìm ra đáp án cho bài toán trong suốt 20 năm như vậy, giáo sư Văn chỉ nói rằng đó là một bài toán rất hay, điều khiến ông bị thu hút là sự đơn giản và chiều sâu của vấn đề. Cuối cùng, ông đã chứng minh được là với dạng vấn đề thuộc thể loại này, các giá trị riêng sẽ quyết định tất cả các yếu tố còn lại theo một phương thức rất đơn giản.
Kết quả là không chỉ mang về cho giáo sư Văn giải thưởng danh giá, công trình mà ông nghiên cứu thành công còn giúp ứng dụng được cho khá nhiều ngành khác. Giáo sư Văn giải thích rằng điều này xảy ra khá nhiều trong khoa học. Sự chuyển hóa từ riêng đến tổng thể, bạn có thể có đầy đủ thông tin về một tập cá thể trong đó. Ví dụ như hệ thống mạng internet, nó chứa quá nhiều thông tin để có thể lưu trữ tại một nơi nào nhưng bạn hoàn toàn có thể nghiên cứu về vài nghìn trang web và từ đó tìm ra thông tin về toàn bộ hệ thống internet.
Sống ở nước ngoài 25 năm nhưng không từ bỏ hộ chiếu Việt
Trước khi về Vingroup, giáo sư Vũ Hà Văn công tác tại nhiều đại học danh giá hàng đầu thế giới trong đó có cả Đại học Yale của Mỹ nhưng ông thường xuyên quay trở về Việt Nam cùng vợ và các con mỗi mùa hè. Trong một bài phỏng vấn với tờ VTC, giáo sư từng nói rằng: "Tôi không có ý định từ bỏ tấm hộ chiếu bìa xanh phổ thông của Việt Nam".
Mỗi lần quay trở lại quê hương, giáo sư Văn chỉ có một mong muốn nâng cao chất lượng, thúc đẩy nền toán học quê nhà phát triển. Viện nghiên cứu cao cấp về Toán là nơi ông thường xuyên làm việc mỗi lần về nước. Những công trình nghiên cứu, những phát hiện mới về toán đều được giáo sư trao đổi, chia sẻ đến các nhà khoa học và các bạn trẻ đang theo học chuyên ngành Toán thông qua các buổi hội thảo chuyên đề.
Cùng với Giáo sư Ngô Bảo Châu, những ngày đầu khi Viện nghiên cứu cao cấp về Toán được thành lập mà chưa có tiền hỗ trợ, giáo sư Văn vẫn mở lớp giảng dạy bất chấp mọi thứ chưa hoàn thiện.
Ông chia sẻ rằng luôn cảm thấy rất tuyệt khi quay lại Việt Nam. Được thăm bố mẹ, gặp gỡ lại bạn bè và nhìn ngắm những con phố khiến ông nhớ về tuổi thơ của mình.
Khi được hỏi về lời khuyên dành cho những người thích học toán, giáo sư Văn chia sẻ đầu tiên là khi nhìn thấy một bài toán, bạn luôn phải đặt câu hỏi "Tại sao" chứ không phải "Thế nào". Ai khi nhìn thấy một bài toán cũng muốn giải nó nhưng câu hỏi tự nhiên hơn cả là "Tại sao bạn lại muốn giải nó", "Vì thú vị hay vì quan trọng". Liệu có lý do nào không hay chỉ đơn giản là tò mò?
Ngoài ra, bản thân là con của nhà thơ nổi tiếng Vũ Quần Phương, giáo sư Văn khẳng định đó là một lợi thế lớn đưa ông đến với Toán học. Trong nhà ông luôn có rất nhiều sách chính vì thế ông có thể đọc và tham khảo rất nhiều. Ông cười và nói rằng: "Toán học cũng có nhiều điểm thú vị giống thơ ca".