Chân dung 'Elon Musk của Nga': Người đang phát triển phương tiện chở hàng tự hành siêu thanh

11/02/2022 09:13 AM | Kinh doanh

Sản phẩm là một sự kết hợp của bộ ba phương tiện hàng không là máy bay, tên lửa và tàu lượn.

Mikhail Korkorich là một người Nga hiện đang sống ở Thụy Sĩ. Không giống như Elon Musk của Tesla, Mikhail Korkorich không đứng đầu một công ty xe điện nào, nhưng hai người có cùng điểm chung là đều mong muốn phát triển một ngành công nghiệp vũ trụ bền vững dựa trên các phương tiện có thể tái sử dụng. Đó là lý do Korkorich thành lập Destinus, một công ty công nghệ vũ trụ hiện đang làm việc trên một máy bay tự hành xuyên lục địa chạy bằng hydro, không có khí thải và có khả năng đạt tốc độ hành trình siêu thanh.

Theo Destinus, chiếc Hyperplane này sẽ "kết hợp những tiến bộ công nghệ của một chiếc máy bay vũ trụ với vật lý đơn giản của một chiếc tàu lượn để tạo ra một phương tiện đáp ứng nhu cầu của một thế giới siêu kết nối". Nó sẽ có thể vận chuyển hàng hóa giữa châu Âu và Australia chỉ trong vài giờ, đồng thời sử dụng nhiên liệu hydro lỏng sạch.

Chân dung Elon Musk của Nga: Người đang phát triển phương tiện chở hàng tự hành siêu thanh - Ảnh 1.

"Elon Musk người Nga" Mikhail Korkorich.

Là một cỗ máy hoàn toàn tự động, Hyperplane sẽ cất cánh từ các đường băng thông thường của sân bay và bay chậm đến bờ biển trước khi tăng tốc lên tốc độ siêu thanh. Trong một cuộc phỏng vấn, Korkorich giải thích rằng điều này sẽ được thực hiện bằng cách sử dụng "động cơ tên lửa tăng áp không khí giai đoạn đầu".

Sau đó, nó sẽ đốt cháy giai đoạn thứ hai, một động cơ tên lửa, để tăng tốc lên tốc độ siêu thanh từ Mach 13 (15925.57 kph) đến Mach 15 (18375.66 kph) ở độ cao trên 50 km, nơi lực cản của không khí giảm đáng kể.

"Logic rất đơn giản", Korkorich nói. "Nếu bạn muốn di chuyển một thứ gì đó từ một nơi trên Trái đất đến một nơi khác trên Trái đất, bạn cần tiêu tốn năng lượng theo nhiều hướng. Một, bạn cần vượt qua lực hấp dẫn miễn là bạn giữ máy bay trên không. Vì vậy, lâu hơn nghĩa là tổn thất trọng lực nhiều hơn. Thứ hai là chống lại ma sát của không khí và thứ ba là động năng vận tốc cực đại của bạn."

"Và chúng tôi cần tăng tốc phương tiện của mình tới vận tốc rất cao bằng động cơ tên lửa. Vì vậy, chúng tôi cần tiêu tốn nhiều năng lượng hơn để tăng tốc. Nhưng vì chúng tôi đang bay nhanh hơn gấp 10 lần và bởi vì chúng tôi đang bay ở độ cao cực lớn, nơi có lượng không khí ít hơn 10 lần so với ở độ cao 10 km, tổn thất trọng lực và tổn thất khí động học của chúng tôi là cực kỳ thấp. Vì vậy, về tổng thể, mọi thứ bắt đầu rất hấp dẫn. Thực sự là... chúng ta có thể chuyển đồ từ đây sang lục địa khác rẻ hơn máy bay bình thường. Nghe có vẻ lạ, nhưng không phải vậy, chúng tôi chỉ tìm ra cách tốn ít năng lượng hơn cho việc này."

Chân dung Elon Musk của Nga: Người đang phát triển phương tiện chở hàng tự hành siêu thanh - Ảnh 2.

Hầu hết các chuyến bay tốc độ cao sẽ được thực hiện trong vùng không khí mỏng của tầng trung lưu, trên 50.000 mét.

Để đạt được điều đó, Korkorich cho biết một bước quan trọng sẽ là phát triển động cơ tên lửa "gần như có thể tái sử dụng được như động cơ phản lực", cũng như hệ thống làm mát bằng hydro có thể ngăn cấu trúc của máy bay tan chảy dưới "hàng tá megawatt trên mét vuông" nhiệt mà các phương tiện siêu thanh tạo ra.

Korkorich cho biết kế hoạch của ông là bắt đầu vận chuyển các loại hàng hóa khẩn cấp, giá trị cao - giao hàng y tế, tài liệu an toàn, các bộ phận cơ sở hạ tầng quan trọng - nhưng cuối cùng sẽ là những món hàng phổ thông như đưa cá ngừ từ Địa Trung Hải tới nhà bếp của các nhà hàng Nhật Bản, với chỉ cùng một mức giá. Bằng cách bay lên trong tầng trung lưu, Korkorich cho biết phương tiện của ông sẽ tạo ra tiếng ồn "ít hơn 10 lần".

Đại diện Destinus cho biết họ đã mở bốn văn phòng ở Tây Ban Nha, Pháp, Thụy Sĩ và Đức, đồng thời huy động được một số vốn kha khá để bắt đầu, nhưng vẫn cần nhiều hơn thế.

"Các yêu cầu về vốn là rất lớn", một bài đăng trên blog của công ty cho biết. "Kokorich ước tính rằng sẽ cần hơn một tỷ franc (1,1 tỷ USD) trước khi Destinus có lãi. Vòng tài trợ đầu tiên trị giá 11 triệu USD vào mùa xuân này đã được hoàn thành trong một buổi chiều, và các nhà đầu tư - hầu hết đều biết Kokorich từ các công ty trước đây - chỉ cần một số ít trang tài liệu trình bày dự án. Công ty kỳ vọng một đợt gọi vốn 25 triệu USD nữa sắp diễn ra cũng dễ dàng như vậy. Đó là một vụ đặt cược lớn mà Kokorich đang đặt ra", blog viết, "với tiềm năng to lớn và cơ hội thành công không rõ ràng."

Chân dung Elon Musk của Nga: Người đang phát triển phương tiện chở hàng tự hành siêu thanh - Ảnh 3.

Nguyên mẫu Jungfrau.

Chỉ trong vòng bốn tháng kể từ khi bắt đầu, công ty này cho biết họ đã bay thử nghiệm nguyên mẫu đầu tiên của mình, được gọi là Jungfrau. Chuyến bay thử nghiệm, hoàn thành gần Munich, kéo dài 5 phút và tập trung vào "cách thức hoạt động của hình dạng hàng không siêu thanh ở tốc độ thấp trong các giai đoạn quan trọng của cất cánh và hạ cánh."

Do đó, Jungfrau, "có kích thước bằng một chiếc ô tô", được giữ ở tốc độ dưới 150 km/h và dưới độ cao 20 m. Tuy nhiên, "chiếc tiếp theo sẽ sẵn sàng vào đầu năm 2022", đại diện Destinus nói, "và nó sẽ có kích thước bằng một chiếc xe buýt."

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, thì nguyên mẫu Jungfrau trông rất giống với một thiết kế về tàu tuần dương siêu thanh LAPCAT MR2.4, được phát triển như một phần của chương trình nghiên cứu của EU từ máy bay Horizon 2020 Stratofly. MR2.4 được thiết kế để trở thành một chiếc máy bay chở khách 300 chỗ ngồi.

Mốc thời gian mà công ty đề cập đến là năm 2025 cho chuyến bay xuyên lục địa có trọng tải một tấn và năm 2029 đối với chặng cuối khi các chuyến bay có trọng tải 100 tấn sẽ trở thành tiêu chuẩn. Công ty Destinus cho biết: “Hàng nghìn siêu máy bay và 1.000 nhân viên dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào thời điểm đó".

Chân dung Elon Musk của Nga: Người đang phát triển phương tiện chở hàng tự hành siêu thanh - Ảnh 4.

Thiết kế máy bay được phát triển bởi dự án Stratofly của EU - bản thân nó được phát triển từ dự án LAPCAT MR2.4 trước đó.

Destinus cho biết Jungfrau sử dụng "hình dạng khí động học dựa trên thiết kế siêu thanh", vì vậy không khẳng định rằng thiết kế này là hoàn toàn nguyên bản. Nhưng tại sao công ty lại chế tạo một nguyên mẫu - có kích thước bằng một chiếc ô tô - không đại diện cho chiếc máy bay mà họ thực sự sẽ chế tạo? Điều gì thực sự đang được thử nghiệm trong "chiến dịch thử nghiệm chuyên sâu" sắp tới? Nó sử dụng những động cơ nào?

Theo Matt Thomas của Tập đoàn Nghiên cứu CFD, người đã dành hơn 30 năm nghiên cứu, phát triển và chế tạo tên lửa turbo khí, cho biết: “Tôi chỉ có thể nói điều này. Rõ ràng là tôi không theo dõi tài liệu ngày này qua ngày khác, nhưng nhiều người khác nhau đã xem xét các trích dẫn có thể được coi là liên quan đến tên lửa tăng áp không khí. Người Anh có một số thứ, người Nga cũng đã làm được một số điều. Nhưng tôi chưa bao giờ thấy nó thành công, đặc biệt là thấy chúng bay trong một nhiệm vụ hàng ngày."

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là nó không thể xảy ra, đặc biệt là với hydro làm nhiên liệu. Vì vậy, về cơ bản, điều này có thể thành hiện thực, nhưng vấn đề là vẫn chưa có ai đủ khả năng quản lý để thương mại hóa bất cứ thứ gì dựa trên công nghệ này, và đó có thể là một rào cản lớn.

Chân dung Elon Musk của Nga: Người đang phát triển phương tiện chở hàng tự hành siêu thanh - Ảnh 5.

Máy bay siêu thanh sẽ sử dụng tên lửa tăng áp không khí ở giai đoạn đầu, sau đó là động cơ ở giai đoạn hai của tên lửa, cả hai đều chạy bằng hydro lỏng, để đạt tốc độ lên tới Mach 15

Vấn đề tiếp theo khiến một số người hoài nghi chính là bản thân doanh nhân Kokorich. Người đàn ông này dường như có một số kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh và hàng không vũ trụ, khi đã thành lập hàng chục công ty, bao gồm Dauria Aerospace - nhà sản xuất vệ tinh vi mô tư nhân đầu tiên của Nga - và công ty khởi nghiệp của Mỹ có tên Momentus Space chuyên về giao hàng trong không gian.

Nhưng, tên của ông cũng thường gắn liền với các tranh cãi và gian dối thương mại. Ông được Tech Times mô tả là "một doanh nhân vô đạo đức, dường như lúc nào cũng nóng nảy với các quan chức Mỹ", và đã nhiều lần bị các quan chức Mỹ từ chối vì coi là một nguy cơ tiềm ẩn về an ninh quốc gia do một số mối quan hệ trong quá khứ với các doanh nhân ở cố hương. Do đó, ông đã phải từ chức CEO của Momentus Space và hiện không được phép biết về các công nghệ mà công ty đang làm việc.

Và cuối cùng là ý tưởng về một chiếc máy bay vận chuyển siêu thanh. Không chỉ những chiếc máy bay siêu thanh mới là thách thức lớn trong việc chế tạo, mà bất cứ thứ gì chuyển động với tốc độ đó cũng mang đủ động năng để biến thành một vũ khí có sức tàn phá tuyệt đối.

Những lo ngại này có nghĩa là Destinus sẽ thất bại? Không hẳn, nhưng giống như bất kỳ liên doanh về siêu thanh thương mại nào, đó sẽ là một chặng đường dài để chạm tới thành công.

Video thử nghiệm nguyên mẫu Hyperplane của Destinus

Theo Bảo Nam

Cùng chuyên mục
XEM