img

“Hơn 10 năm, ba đốt không biết bao nhiêu vàng ròng, đồ cổ đắt giá. Từ người siêu giàu, ba bớt giàu hơn, rồi dần biến thành “con nợ kếch xù”, chỉ vì giấc mơ đánh bại sứ Trung Quốc cùng câu hỏi: Trăm năm sau, thế giới liệu còn ai sưu tầm những món đồ cổ của Việt Nam?”.

Anh Bùi Xuân Hoàng Linh (Giám đốc Công ty Sứ nghệ thuật HDC) đã nói như vậy khi nhắc về cha mình: ông Bùi Xuân Hải - doanh nhân Hải Phòng vẫn được người đời gọi với biệt danh Hải đồ cổ.

Chân dung dị nhân thiêu rụi 3 tấn vàng ở Hải Phòng qua tâm sự rút ruột của con trai - Ảnh 1.

Vào một buổi sáng trời rét cóng tê buốt, tôi bất ngờ được ba cho người lái ô tô đưa tới tận cửa lớp. Đấy là lần đầu tiên trong đời, tôi đi học không biết đến gió lạnh bên ngoài.

Thế giới nhỏ của tôi dần thay đổi. Mỗi khi chạm mặt, bạn bè đều im bặt. Từ cảm giác yêu thích, tôi dần sợ chiếc xe.

Với nhiều người, ô tô khi ấy là thứ xa xỉ. Nhưng với ba, đó chỉ là hàng “bình dân”. Ông kể lại rằng, quá khứ đã có lúc từng khiến một vị Thứ trưởng phải nhường xe cho mình.

Những năm 70-80, khi đứng trên đỉnh cao của sự giàu có, ba va chạm sâu sắc với giới chính trị. Bắt đầu là vai trò chuyên viên kinh tế “dưới trướng” của bác Đoàn Duy Thành (nguyên bí thư Thành ủy, chủ tịch UBND Hải Phòng). Sau này là vai trò cố vấn về kinh tế cấp Bộ của ngành Giáo dục.

Chân dung dị nhân thiêu rụi 3 tấn vàng ở Hải Phòng qua tâm sự rút ruột của con trai - Ảnh 2.

Khi bác Thành giới thiệu ba với bác Nguyễn Thị Bình (Nguyên Bộ trưởng Bộ giáo dục), ông từng nói: Đó là người có tâm, có tầm... nhưng về cách thực thi thì… chị nên tự cân nhắc.

Dưới thời bác Bình, ba rất được trọng dụng. Chính bác đã đặc cách, cấp chiếc Lada trắng mà chỉ có hàng Thứ trưởng mới được ngồi cho ba. Vì được người đưa kẻ đón trên chiếc xe quá đặc biệt, nên ba luôn tự hào, coi nó còn quý giá hơn tất cả đống cổ vật trị giá hàng tấn vàng.

Chân dung dị nhân thiêu rụi 3 tấn vàng ở Hải Phòng qua tâm sự rút ruột của con trai - Ảnh 3.

Một buổi chiều khi tan tầm, ba dẫn hẳn vị Thứ trưởng của ngành Giáo dục ra tận bãi rác. Ông chậm rãi, lấy một que gỗ, khoanh lại đúng 1m2 đất và gảy ra 11 thứ có tiền. Sáng hôm sau, ba đứng trước cuộc họp của Bộ, hùng hồn thuyết trình về việc: Làm sao biến phế liệu thành tiền?

Ba quay sang nói với bác Bình: Chị có trong tay tới mấy triệu “công nhân”! Nếu mỗi người gom một chút phế liệu từ nhà là kiếm ra không biết bao nhiêu tiền, lại góp phần giữ vệ sinh môi trường.

Từ gợi ý đó, một thời học sinh đi học phải gom giấy vụn mang tới lớp.

Tâm của ba rất tốt. Ông muốn giúp Bộ Giáo dục kiếm được thật nhiều tiền, rồi từ đó miễn phí sách vở, xa hơn là miễn toàn bộ học phí cho hàng triệu học sinh.

Thực tế cũng chứng minh, cách làm này vô cùng hiệu quả. Vì nền sản xuất trong nước còn yếu kém, phế liệu nhựa được giá. Hơn nữa, tận dụng sản phẩm tái chế cũng là điều tốt cho toàn nền kinh tế.

Nhưng khi Bộ Giáo dục nhân rộng, bác Bình lại là người đầu tiên bị nhắc nhở vì làm sai vai trò, chức năng của một vị Bộ trưởng.

Chân dung dị nhân thiêu rụi 3 tấn vàng ở Hải Phòng qua tâm sự rút ruột của con trai - Ảnh 4.

Một hôm, Bác Bình gặp ba và nói: Có lẽ ta nên chú trọng vào sản xuất. Bởi nếu không có sản xuất, học sinh học xong cũng thất nghiệp!

Câu nói ấy chợt làm ba tỉnh ngộ. Bao nhiêu năm làm giàu từ nghề buôn đồ cổ, lần đầu tiên ông giật mình tự hỏi: Tại sao những món đồ cổ bé xíu lại đắt đỏ đến thế? Và với nền sản xuất như hiện tại, mấy trăm năm sau, Việt Nam còn có gì đáng để thế giới phải sưu tầm?

Ba quyết định chọn sứ để sản xuất, vì đồ sứ rất bền, đẹp, thanh sạch và giúp lưu trữ được giá trị văn hóa. Trên 80% cổ vật mà ba có được, đều làm bằng chất liệu quý nhất từ đất.

Ba nói với bác Bình ý tưởng xây trường dạy nghề làm sứ. Ông lập luận, chỉ khi có nhiều thợ giỏi, ngành sản xuất sứ mới được nâng tầm. Ông còn nói sẽ tự bỏ thêm tiền ra giúp Bộ.

Nào ngờ, khi trường vừa xây xong chưa lâu, đang từ một người “oai như cấp Thứ trưởng”, ba bất ngờ bị bắt vào tù ngay từ ghế xe Lada. Một ngày nọ vào tháng 3, trên đường Khâm Thiên (Hà Nội), ba bị người ta đưa thẳng về trại giam Bình Đà (Hà Tây cũ, nay là Hà Nội).

Chân dung dị nhân thiêu rụi 3 tấn vàng ở Hải Phòng qua tâm sự rút ruột của con trai - Ảnh 5.

Lần đó, ba bị bắt vào tù vì tội đầu cơ đồ cổ nhưng... không trục lợi. Chuyện là để có mẫu vật cho học viên tập vẽ, ba đã tập kết toàn bộ đồ cổ từ hơn 200 điểm thu gom trên toàn quốc về Hải Phòng.

Số lượng đồ cổ quá lớn khiến dư luận xôn xao. Không một ai hiểu vì sao ba lại giàu đến thế giữa lúc đất nước vẫn còn bị Mỹ cấm vận. Rồi ba bị công an bắt trước, điều tra sau.

Một đoàn người kéo đến nhà tịch thu đồ cổ. Phải mất tới nửa tháng, họ mới lập biên bản gom hết từng thứ.

Cơ ngơi lộng lẫy do ba gây dựng, bỗng chốc sụp đổ. Nhà cửa bị niêm phong, trường dạy nghề đóng cửa, tiền, vàng không còn gì.

Chân dung dị nhân thiêu rụi 3 tấn vàng ở Hải Phòng qua tâm sự rút ruột của con trai - Ảnh 6.

Từ công tử ngồi xe riêng đến lớp, tôi trở thành học sinh nghèo đến nỗi không có đủ tiền đóng học phí.

Nhưng đó không phải lần đầu tiên và duy nhất ba vào tù. Trước đó, ông từng bị bắt giam một lần và sau này, còn có thêm 2 lần nữa.

Một buổi sáng mùa hè rất nóng vào tháng 7, tôi dự thi ĐH Hàng Hải. Ngày thi cuối cùng diễn ra vào sáng 5/7/20002. Tất cả môn thi, tôi làm bài tốt. Ngày ấy, đỗ ĐH là chuyện rất đáng tự hào. Nhưng với tôi, thi ĐH lại có ý nghĩa khác.

Vì ngày nhỏ, tôi rất hay bị ba mắng. Ông xem tôi là trẻ con không hiểu chuyện. Tuổi 17, vừa bước ra khỏi trường thi, tôi đã tin đời mình sang trang mới. Từ nay, sẽ được ba đối xử, nói chuyện bình đẳng như hai người đàn ông.

Giống như ba, tôi cũng say mê sứ. Tôi đếm từng ngày chờ đến khi thi Đại học. Khi đó, có thể nói là tạm đủ lớn để được học hỏi sự nghiệp của ba.

Trong suy nghĩ của tôi, ba thật vĩ đại! Bao nhiêu lần ông vào xộ khám, gia đình điêu đứng, còn ba vẫn bình tĩnh. Ra tù, từ con số 0, ba nhanh chóng làm giàu khiến người khác phải ngạc nhiên. Có một thời, công ty sứ của ba xuất khẩu hàng triệu USD hàng hóa sang châu u, Nhật Bản, và từng được cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm.


Từ nhỏ, khi đi theo ba công tác, tôi được gặp rất nhiều người có vai vế trong xã hội. Họ rất ngưỡng mộ và tôn trọng ông. Tôi luôn ao ước, một ngày kia sẽ là phiên bản thứ hai như thế!

Trên đường từ trường Hàng Hải về nhà, tôi luôn tự hỏi, nếu ba biết tôi làm bài tốt, ông sẽ phản ứng thế nào? Cho đến khi bước qua cánh cổng, tôi chuếnh choáng thấy toàn công an đứng trong nhà. Bóng dáng ba vừa đâu đây… giờ đã không còn nữa.

Chân dung dị nhân thiêu rụi 3 tấn vàng ở Hải Phòng qua tâm sự rút ruột của con trai - Ảnh 8.

Những cảm xúc của tôi, chắc chắn ba không biết. Ngay cả sự tự do của mình, ông cũng không còn quan tâm. Chỉ trong vòng 4 tháng ngồi tù, ba viết xong “Công trình nghiên cứu khoa học kinh tế chiến lược về đất đai Việt Nam” dài 200 trang.

Ba tính toán, đến năm 2020, giá trị vốn đất của nước ta không phải 1.200 tỷ USD như năm 2002 nữa, mà sẽ là 3.000 tỷ USD. Thậm chí, nếu nền kinh tế phát triển nhanh hơn, nó có thể lên đến 10.000 tỷ USD. Với con số ấy, chúng ta hoàn toàn không thiếu vốn để phát triển thần kỳ.

Ông còn viết cả tâm thư với lời lẽ tha thiết gửi lên lãnh đạo cấp cao. Sau khi ra tù, ba từng đến gặp bác Nông Đức Mạnh để nói về ý tưởng của mình.

Chân dung dị nhân thiêu rụi 3 tấn vàng ở Hải Phòng qua tâm sự rút ruột của con trai - Ảnh 9.

Cả đời ba rất tâm huyết với giấc mơ cống hiến cho đất nước. Trước kia, ba nhận định, đồ sứ Việt Nam còn thua kém Trung Quốc. Vì muốn mở ra con đường mới để đánh bại sứ Trung Quốc, ông trở thành người tiên phong nghiên cứu công nghệ đưa vàng nguyên chất vào như một chất liệu để vẽ, trang trí trên sứ.

Bởi theo ba, muốn nâng tầm sứ Việt thì phải có hai thứ giá trị là: Thủ công cao cấp và nguyên liệu cao cấp. Từ ý tưởng đó, suốt hàng chục năm (từ 1998-2010), ba không tiếc lôi đồ cổ quý giá còn sót lại ra làm mẫu vật. Ông đốt bỏ hàng tấn vàng mà chẳng quan tâm gì chuyện tốn kém. Lần đầu tiên đốt ra lò thì cả sứ lẫn vàng đều đen xì, cháy như than. Mãi sau mới ra được sản phẩm có hoa văn vẽ màu vàng thì quệt tay một cái... vàng lại trôi mất.


Tôi còn nhớ, có lần vì cần tiền gấp để mở nhà máy sứ, ba phải đem cắm cả cặp ngà voi của hoàng gia Thái Lan mà ông rất yêu thích cho một đại gia gốc Hoa ở Sài Gòn. Cặp ngà voi ấy từng có người trả 40.000 USD mà ông không bán. Sau này, vì cần tiền nên lại sẵn sàng đem cầm cố với giá chỉ bằng một nửa (20.000 USD).

Khi thấy ba dần dần trở thành con nợ “siêu to khổng lồ”, rất nhiều người nói ba khùng, nhưng ông không bận tâm, cũng chưa bao giờ hối hận vì chuyện mình đã làm.

Chân dung dị nhân thiêu rụi 3 tấn vàng ở Hải Phòng qua tâm sự rút ruột của con trai - Ảnh 11.

Sai lầm đầu tiên của ba là không tin vào thị trường trong nước. Ba làm ra những sản phẩm rất tinh xảo, trị giá hàng tỷ đồng, rồi tìm đến Dubai, Ấn Độ... vì tin rằng những thị trường đó rất cần đồ dát vàng đắt đỏ.

Nhiều người đã can ngăn, nhưng ông không chịu nghe. Năm 2007, một người mà bây giờ là chủ công ty gốm sứ lớn ở Việt Nam từng nói: “Vì anh không tin vào con đường trong nước, chứ nếu không chưa chắc bọn em đã cạnh tranh được”. Nghe xong, vẻ mặt ba nhẹ tênh. Ông nhìn người bạn mình và nói: Mỗi người có một sứ mệnh riêng.

Sai lầm thứ hai là ba vướng phải tín dụng đen. Vì nóng vội, ba vay nợ hai ngân hàng chỉ khoảng hơn 10 tỷ, nhưng nợ tín dụng đen nhiều và bị đội lên khủng khiếp. Có khoản nợ 500 triệu bị đội lên thành 5 tỷ đồng.

Ba muốn hướng đến thứ lớn lao! Còn tôi lại nhìn thấy trước mắt, vì mải tập trung vào phân khúc cao cấp và con đường xuất khẩu mà ba nợ lương nhân viên 6 tháng ròng, nợ xã hội khoảng 100 tỷ, rồi cả bạn bè, người quen... Có một khoảng thời gian, ba giống như người đi ăn đong từng ngày để nuôi công ty.

Chân dung dị nhân thiêu rụi 3 tấn vàng ở Hải Phòng qua tâm sự rút ruột của con trai - Ảnh 12.

Nhân viên của ba, rất nhiều người mỗi ngày chỉ dám tiêu vỏn vẹn đúng 10.000 đồng. Trưa họ ăn đậu phụ, rau luộc, tối cũng thế, bữa nào cải thiện thì có thêm quả trứng.

Ngay đến bản thân ba là giám đốc doanh nghiệp, nhưng khi đi công tác cũng chỉ ăn bánh mì. Ba đi lại bằng xe khách, bắt xe ôm, quần áo hàng bình dân… Điều đặc biệt nhất, có lẽ là mỗi khi ra ngoài, cả người ông đều trắng toát vì: giày, nón, mũ, áo, quần… đều trắng tinh.

Một con người như thế - người đàn ông đã ngoài 70 tuổi, thân hình nhỏ thó, từng mắc ung thư vòm họng từ thời sinh viên… - lại mang trong mình một khát vọng quá lớn, khó ai có được.

Dù rất thương ba, nhưng tôi không thể nào đồng tình với cách làm của ông.

Nhiều đêm tôi suy nghĩ, mình phải làm gì đó cho những người công nhân một lòng đi theo ba, tôn kính gọi ba là ba Hải. Mình phải lên tiếng vì giấc mơ nâng tầm sứ Việt không phải của riêng ba. Đó là niềm tin của rất nhiều công nhân khác và của cả chính tôi.

Một buổi sáng, tôi và ba cãi nhau rất gay gắt. Cuộc tranh luận thật dài. Lần đầu tiên tôi khóc! Lần đầu tiên tôi trách ba vô cùng. Dù trước kia, ba vào tù ra tội, cuộc sống cả gia đình lên bổng xuống trầm, vinh nhục - sang hèn đều nếm trải, đã có lúc tôi từng phải bỏ ĐH Hàng Hải một phần vì gia cảnh quá khó khăn,... nhưng tôi chưa bao giờ trách ba.

Nhưng lần ấy, tôi thực sự rất giận! Giận ba vô cùng. Giận ba tới mức một mình tôi bỏ sang Đài Loan du học với hai bàn tay trắng.

Chân dung dị nhân thiêu rụi 3 tấn vàng ở Hải Phòng qua tâm sự rút ruột của con trai - Ảnh 13.

Sang Đài Loan được 3,5 năm, chưa kịp tốt nghiệp thì ở nhà ba bị tai biến. Công trình lớn nhất của công ty lúc đó là dát vàng toàn bộ ngoại thất cho tòa nhà Doji (đường Lê Duẩn, Hà Nội) không có ai quản lý.

Chú Nguyễn Thành Nam (bạn rất thân của ba) gọi điện khuyên tôi về Việt Nam. Tôi nói: Cháu không về! Chú Nam gắt: Mày không về lấy ai quản lý? Bao nhiêu công nhân ở công ty sẽ ra sao?

Trước đó, mẹ tôi đã mất vì ung thư phổi. Khi ba nằm viện, chỉ còn các con ở bên. Thương ba, thương những người công nhân, lần thứ hai, tôi bỏ ĐH.

Về nước lúc chưa đầy 30 tuổi. Học hành dang dở, không bằng cấp. Vừa mới kết hôn chạy tang mẹ chưa lâu, giờ tôi lại chăm sóc ba đang nằm viện.

Con đường của công ty thì quá nhiều khó khăn phía trước. Vừa làm công trình Doji, tôi vừa tự hỏi, liệu mình có làm được hay không? Chú Phú (Đỗ Minh Phú - Founder Doji (PV) phải đốc thúc rất nhiều. Đến nỗi chỉ còn cách mấy ngày khánh thành, chúng tôi mới làm xong.

Chân dung dị nhân thiêu rụi 3 tấn vàng ở Hải Phòng qua tâm sự rút ruột của con trai - Ảnh 14.

Đến giờ, tòa nhà Doji là niềm tự hào lớn với tôi. Khi chú Phú đem những ngoại thất dát vàng vào máy phong hóa, mấy chục năm sau, vàng trên sứ vẫn còn nguyên vẹn.

Từ năm 1988, sau khi ba dấn thân làm sứ, đến giờ đã có khoảng 17.000 thợ nghề từ đây tỏa đi các nơi. Ngay cả sứ vẽ vàng cũng không còn là bí kíp của riêng gia đình tôi, mà đã trở thành công thức sản xuất của hầu hết các xưởng làm sứ khắp miền Bắc.

Kế nghiệp ba, tôi vẫn tiếp tục truyền nghề như thế, đặc biệt là ưu tiên dạy nghề cho người khuyết tật.

Nhưng thay vì chọn con đường đi vay để tạo đòn bẩy, tôi chú trọng vào phát triển chắc chắn, làm đến đâu, mở rộng dần đến đấy. Và cũng khác với ba, tôi rất tin vào thị trường trong nước. Từ đó, tôi làm nhiều loại sản phẩm, đáp ứng nhiều phân khúc khách hàng hơn.

Con đường làm thủ công mà hai ba con tôi đang đi rất khó. Tỷ lệ loại bỏ luôn lớn hơn 50%. Nhưng tôi và ba đều tin rằng, giá trị lõi của nghề sứ là thiết kế. Nếu có thiết kế độc đáo, cộng thêm hai thứ cốt yếu là: chất liệu cao cấp, thủ công tinh xảo, thì khi thời cơ đến, chắc chắn sẽ tạo được một chỗ đứng vững chắc không dễ dàng thay thế.

Dẫn dắt công ty đi qua thăng trầm, cũng có lúc tôi thấy mừng vì đã chứng minh được bản lĩnh. Nhưng có một hôm, ba đứng trước mặt nhân viên trong công ty tuyên bố: Nếu tôi mà khỏe lại, người đầu tiên, ngay lập tức tôi quyết đuổi việc là anh Linh!

Nhưng tôi không giận ba. Tôi hiểu, chí của ông quá lớn. Và con đường của ba mà tôi đang đi tiếp mới chỉ là đang bổ khuyết vào một số chỗ trước kia ông chưa đủ tập trung.


Bao nhiêu năm qua, tính cách ba vẫn ngông nghênh như thế. Tuy có đôi lúc làm khổ gia đình và nhân viên không ít, nhưng lại làm cho cuộc đời ông giống như cuốn tiểu thuyết ly kỳ. 6 năm ba bị tai biến, đau đớn là thế, nhưng chưa một lần, tôi thấy ông than vãn với bất kỳ ai!Và phải chăng vì muốn đuổi việc tôi, nên ba đã kiên trì tập luyện để đi lại được?

Sự thật là đến giờ, ba vẫn thường góp mặt trong những lần công ty tụ họp đông đủ, nhưng lời tuyên bố năm nào thì ông không hề nhắc đến!

Chân dung dị nhân thiêu rụi 3 tấn vàng ở Hải Phòng qua tâm sự rút ruột của con trai - Ảnh 16.
Trương Thu Hường
Trung Hiếu
Trang Đinh
28/02/2021

Doanh nghiệp tiếp thị