Chặn dịch từ những ca F1
Hơn 24 ngày kể từ thời điểm bùng phát dịch, đến nay, số ca mắc COVID-19 tại Đà Nẵng có xu hướng giảm dần. Về mắt xích giúp cắt đứt đường lây truyền của SARS-CoV-2, PGS.TS Trần Như Dương, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư, Đội trưởng Đội điều tra, giám sát dịch tại Đà Nẵng, nhận định, điều này nằm ở việc cách ly, quản lý F1.
Những ca lây nhiễm thứ phát trong cộng đồng một lần nữa cho thấy, việc cách ly phòng dịch phải thực hiện kiên quyết và triệt để. Họ phải tuân thủ các quy định trong khu cách ly tập trung để bảo vệ bản thân và cộng đồng.
Từ ổ dịch tại Đà Nẵng, hiện dịch đã xuất hiện tại 14 tỉnh, thành phố. Không riêng gì Hà Nội mà một số tỉnh, thành phố có các ca mắc COVID-19 mới liên quan ổ dịch ở Đà Nẵng, như Quảng Nam, Hải Dương, Bắc Giang, Quảng Trị, TPHCM đều đã ghi nhận nhiều trường hợp lây nhiễm thứ phát, từ F1 thành F0.
PGS.TS Trần Như Dương cho rằng, hiện tại chưa có vắc-xin và thuốc điều trị đặc hiệu, chính vì vậy, một trong những biện pháp quan trọng nhất để phòng, chống dịch là cắt đứt đường lây truyền. Để làm được điều đó thì phải cách ly, cô lập nguồn lây và không cho nguồn lây đó có cơ hội phát tán virus ra cộng đồng.
Về một số các ca mắc mới gần đây có nhiều trường hợp là F1, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, F1 là người tiếp xúc gần với ca bệnh (F0) và có nguy cơ cao nhiễm SARS-CoV-2. Điều này không có gì là bất thường, theo đúng cơ chế lây bệnh của virus. Khi F1 trở thành F0 thì những người tiếp xúc gần với F1 này cũng có nguy cơ trở thành F1. Trong đợt dịch này, đối tượng F1 và F2 rất đông. Điều đó cảnh báo, sự lây lan trong cộng đồng rất cao và mọi người cần nâng cao cảnh giác.
Theo PGS.TS Trần Như Dương, đối với các trường hợp F1, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, đây là những đối tượng tiếp xúc vòng 1 với bệnh nhân COVID-19 hoặc nghi ngờ mắc COVID-19 nên cần có sự chú ý đặc biệt hơn. Không kể tiếp xúc trong thời gian bao lâu nhưng vì đây là trường hợp tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây nên F1 là người có nguy cơ rất cao bị lây bệnh. F1 có thể được coi là những bệnh nhân tiềm tàng.
“Nếu không phát hiện nhanh, kịp thời, không tổ chức cách ly ngay, để lọt F1 trong cộng đồng thì nguy cơ cao đối tượng này trở thành người bệnh, phát tán virus. Khi đó, nguy cơ lây lan trước hết là trong chính gia đình, tiếp đến là ra nơi làm việc, rồi ra cộng đồng. Như vậy, dịch sẽ lan rộng, không ngăn chặn được nữa”, PGS.TS Trần Như Dương cảnh báo.
Kiên quyết không bỏ lọt F1
Để ngăn chặn dịch có hiệu quả, theo PGS.TS Trần Như Dương, việc truy vết F1 ngay sau khi phát hiện ca bệnh COVID-19 hay ca nghi mắc là yếu tố then chốt. “Việc chống dịch ở các địa phương phải tuân thủ nguyên tắc bất di bất dịch “truy vết F1 thần tốc”. Có nghĩa là phải nhanh, đồng thời phải kiên quyết không bỏ sót F1. Việc truy vết, cách ly tập trung bắt buộc đối với F1 là một trong những điều kiện quan trọng và mang tính chiến lược, bắt buộc phải làm”, PGS.TS Trần Như Dương nhấn mạnh.
Hiện nay, Bộ Y tế yêu cầu không cho F1 tự cách ly tại nhà. Bởi việc cách ly tại nhà hoàn toàn không triệt để, khó kiểm soát.
Hà Nội: Nhà hàng, cà phê, quán bia phải giãn cách từ 0h ngày 19/8
Theo chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý, từ 0h ngày 19/8, tất cả các cửa hàng ăn uống phải thực hiện nghiêm các nội dung thành phố chỉ đạo về chống dịch COVID-19 như đo thân nhiệt, giãn cách khoảng cách cho khách; nhân viên phục vụ phải đeo khẩu trang suốt quá trình phục vụ. Cần xử phạt mạnh hơn, thậm chí đóng cửa nếu không thực hiện các quy định của thành phố và Chính phủ.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu khuyến cáo người dân không ra khỏi nhà khi không thực sự cần thiết để phòng chống dịch . "Thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang. Cần xử phạt mạnh hơn nữa việc không đeo khẩu trang khi ra ngoài đường", ông Sửu nói tại cuộc họp chống dịch ngày 17/8.
Trường Phong