Chán cảnh quần là áo lượt nhưng không xu dính túi, môi giới bất động sản bỏ nghề về quê làm công nhân

23/03/2022 10:58 AM | Kinh doanh

Nhiều người vẫn nghĩ làm môi giới bất động sản có mức thu nhập cao, người nào người nấy cũng bóng bẩy, quần là áo lượt, thời gian làm việc linh hoạt. Nhưng thực tế lại không màu hồng như vậy, kiếm được đồng tiền tư nghề này cũng phải trầy vi tróc vảy.

Đó là lời tâm sự của anh Đặng Trường (30 tuổi) - từng làm môi giới bất động sản 2 năm ở Hà Nội. Anh Trường kể, trước đây anh học ngành kế toán tại Học viện Ngân hàng. Sau khi ra trường vài tháng, anh xin được việc đúng chuyên ngành tại một công ty tư nhân.

Công việc của anh chủ yếu ngồi ở văn phòng, lương tháng 8 triệu đồng, không có nguồn thu nhập thêm. Sau một thời gian làm việc, anh cảm thấy bí bách, không phù hợp dù đúng chuyên môn anh học tập.

Lúc này, anh băn khoăn có phải đã chọn nhầm ngành học hay không? Anh Trường bắt đầu nghĩ đến chuyển sang công việc khác. Lại thấy, người anh họ của mình làm môi giới bất động sản ở quê kiếm cũng khá ổn.

“Lúc ấy tôi nghĩ đơn giản làm môi giới ở quê - thị trường ít sôi động còn kiếm được thì mình làm ở Hà Nội chắc chắn thu nhập cũng cao hơn công việc hiện tại. Không những vậy, tôi có quen anh bạn làm môi giới thấy lúc nào cũng ăn mặc lịch sự, lâu lâu lại kể vừa chốt bán được căn biệt thự, nhận được hoa hồng mấy trăm triệu. Mà không chỉ phía sàn chiết khấu hoa hồng, nhiều khi bên mua lại chi thêm cho anh. Số tiền chi cho anh nhiều hay ít phụ thuộc vào khướu ăn nói”, anh Trường kể.

Cùng với đó, anh thấy các môi giới khác cũng quần là áo lượt chỉn chu, giờ giấc làm việc thoải mái nên anh Trường quyết định bỏ công việc hiện tại để đi làm môi giới đất nền dự án.

Lúc đó, anh cũng chỉ nghĩ đơn giản rằng đất nền là phân khúc mà hút nhà đầu tư, lại dễ thanh khoản nên việc bán được ăn hoa hồng chắc cũng sẽ dễ dàng.

Thế nhưng, vì tay ngang vào nghề, không có kinh nghiệm nên thời gian đầu, anh Trường cảm thấy khá “sốc”. Không phải nghề này thời gian rủng rỉnh mà đầu tắt mặt tối đúng hơn, ngày nào anh cũng đến dự án mà thường dự án ven Hà Nội, đi tầm 10-30 km. Không những vậy, ngày nào cũng phải gọi đến mấy trăm cuộc điện thoại chào mời khách hàng.

“Dù trước đó đã chuẩn bị tâm lý, xác định làm công việc này phải thật kiên trì, khéo ăn nói thậm chí mặt dày đeo bám khách nhưng khi trực tiếp làm tôi mới hiểu được hết khổ cực ở nghề. Những cuộc điện thoại liên tục bị từ chối, thậm chí người nghe xẵng giọng ngay khi mình mời chào. Không những vậy, tôi còn phải bỏ tiền túi chạy quảng cáo hàng tháng để kiếm khách hàng. Ấy vậy mà, nửa năm trôi qua, tôi cũng không chốt bán được lô nào cho khách”, anh Trường kể.

Thế nhưng, khi đang rơi vào giai đoạn nản chí, anh Trường chốt bán được liền 4 lô đất cho khách và cũng kiếm được kha khá. “Mặc dù kiếm được khá đấy nhưng sau khi tính toán trừ đi số tiền trang trải cho 6 tháng vào nghề thì cũng chẳng còn mấy đồng”, anh Trường cho hay.

Niềm vui chẳng bao lâu thì sau đó, anh lại triền miên chuỗi ngày tháng đi sớm về hôm nhưng không có hợp đồng. Có lần anh vừa bước vào quán ăn trưa, gọi đồ xong chưa kịp ăn thì khách gọi nói ra ngay dự án để tư vấn. Anh lại bỏ cả ăn sấp ngửa phi xe máy tới.

Gần một năm sau đó, anh gần như dậm chân tại chỗ khi không bán thêm được sản phẩm nào dù anh đã thử nhiều cách tiếp cận khách hàng khác nhau. Đúng lúc đó dịch bệnh Covid-19 bùng phát, sàn giao dịch của anh Trường buộc phải tạm ngừng, từ lãnh đạo, nhân viên đều tạm nghỉ vì không đưa khách đi xem dự án, khách cũng không dám xuống tiền vì không biết tình hình dịch bệnh ra sao. Có một số đồng nghiệp của anh Trường lập thành sàn nhỏ chỉ khoảng 3-5 người vẫn cố bám trụ hoạt động bằng hình thức bán hàng online.

Lúc này anh Trường ngẫm nghĩ, hóa ra công việc này không hề như anh tưởng tượng, không phải lúc nào cũng nhàn nhãn, quần là áo lượt, tiền đầy túi mà là không một xu dính túi. Nghề này cứ như đi câu vậy, có người may mắn câu được con "cá to" thì rủng rỉnh, còn có người 1-2 năm không bán được gì", anh Trường nói.

Anh Trường cũng cho biết, để có thể duy trì công việc, cuộc sống, anh đã phải vay mượn bạn bè trang trải vì nếu không bán được hàng anh chỉ nhận được phụ cấp 1 triệu/tháng. "Với số tiền đó chẳng đủ xăng xe, vì thế, những tháng ngày làm môi giới tôi thấy cực khổ, vất vả hơn công việc trước gấp nhiều lần”, anh Trường nói.

Thời điểm sàn bất động sản nơi anh làm đóng cửa do dịch, cũng là lúc anh quyết định bỏ công việc này, bỏ thành phố xa hoa về quê đi làm công nhân trong khu công nghiệp. “Nói thật, về làm công nhân tôi còn thấy có đồng ra đồng vào, ổn định. Đã thế về quê sinh sống không phải lo tiền nhà, đồ ăn thức uống ở quê lại rẻ”, anh Trường kể.

Mặc dù vậy, anh Trường nhận ra những ngày tháng làm nghề môi giới cho anh nhiều trải nghiệm cũng như bài học trong đời. “Nghề giúp tôi rèn luyện được khả năng giao tiếp, sự tự tin, tính kiên trì. Những điều đó cũng giúp tôi rất nhiều trong công việc sau này. Chính vì vậy, mà sau nửa năm làm tại nhà máy, tôi được phân làm quản lý phân xưởng”, anh Trường chia sẻ.

Theo Phong Linh

Cùng chuyên mục
XEM