Cha mẹ đua nhau mua "nước thần" giúp con chạy nhanh hơn để vượt qua bài thi thể dục khiến nhiều em phải nhập viện

23/04/2024 06:51 AM | Sống

Áp lực học Toán, Văn là chưa đủ, giờ đây nhiều phụ huynh đang mách nhau mua các loại "nước thần", thuốc tăng lực để giúp con vượt qua bài thi thể dục thể thao.

Năm 2021, Trung Quốc đưa giáo dục thể chất thành môn bắt buộc trong kỳ thi tuyển sinh vào cấp 3 (trung khảo), với mục tiêu đảm bảo trẻ em trong cả nước được vận động nhiều. Nhưng quy định này đã gây ra phản ứng ngược, một số trường hợp học sinh phải trả cái giá quá đắt.

Ở một số tỉnh, kỳ thi gồm các nội dung như bơi lội, nhảy dây, chạy đường dài, gập bụng, nhảy dây, bóng rổ. Áp lực của môn học này gần tương đương môn Toán và môn tiếng Trung.

Đối với trẻ em Trung Quốc, kỳ thi trung khảo là kỳ thi "sinh tử". Theo dữ liệu chính thức, mọi học sinh 15 tuổi ở nước này đều phải tham gia nhưng tỷ lệ đỗ chỉ khoảng 50%. Những học sinh thi trượt không được theo học tại một trường trung học phổ thông bình thường mà buộc phải học trong hệ thống trường nghề.

Khi kỳ kiểm tra thể chất năm nay bắt đầu, nhiều bậc cha mẹ lo lắng tìm cách để con mình đạt kết quả tốt nhất. Chẳng hạn, có người khuyên nên cho học sinh mặc áo hoodie khi thi. Một số gia đình cho con gái uống thuốc tránh thai để trì hoãn chu kỳ kinh nguyệt.

Cha mẹ đua nhau mua "nước thần" giúp con chạy nhanh hơn để vượt qua bài thi thể dục khiến nhiều em phải nhập viện - Ảnh 1.

Không chỉ học sinh, mà chính các phụ huynh cũng đang rất áp lực khi bộ môn thể dục trở thành môn thi bắt buộc trong kỳ thi vào cấp 3 tại Trung Quốc

Đáng chú ý hơn cả, một số phụ huynh đã cho con uống "nước thần" trước khi tập luyện - loại nước tăng lực đặc biệt, được quảng cáo sẽ giúp học sinh cải thiện thành tích trong kỳ kiểm tra thể chất quốc gia.

Trên Taobao, một nền tảng thương mại điện tử lớn của Trung Quốc, thứ nước uống được quảng bá có thể giúp học sinh chạy nhanh hơn bán được hơn 5.000 chai. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế khẳng định thành phần trong thứ thuốc "ma thuật" này chỉ là caffeine, taurine cao và các chất khác như creatine.

Thậm chí, một số trẻ được cho uống "nước thần" đã gặp phải các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng: một số em phải vào viện để rửa ruột, một số em có triệu chứng nôn mửa dữ dội và khó thở.

Một dược sĩ ở thành phố Thành Đô nói với truyền thông trong nước rằng nếu dùng với liều lượng quá lớn, những loại nước tăng lực mạnh như thế này có thể gây chóng mặt, nhịp tim nhanh hoặc thậm chí tử vong. Những người có vấn đề về tim nên tránh sử dụng chúng.

Nhìn chung, các loại đồ uống này chỉ là một phân khúc của ngành công nghiệp đang bùng nổ khi có sự xuất hiện của các kỳ thi thể thao tại Trung Quốc. Giống như các thương hiệu giày sneaker tung ra những đôi giày được quảng cáo dành riêng cho học sinh thi trung khảo. Các công ty giáo dục Trung Quốc cung cấp các lớp giáo dục thể chất được thiết kế đặc biệt để giúp trẻ thành công trong các kỳ thi.

Trước những áp lực mà các em học sinh đang phải gánh chịu, nhiều phụ huynh bày tỏ quan ngại về việc các kỳ thi thể chất ngày càng thiên về tính hình thức. Chính quyền địa phương ở một số khu vực đã bắt đầu giảm trọng số của bài kiểm tra thể chất cuối kỳ, thay vào đó chú trọng hơn vào thành tích của học sinh trong các lớp thể dục trong suốt năm học.

Cha mẹ đua nhau mua "nước thần" giúp con chạy nhanh hơn để vượt qua bài thi thể dục khiến nhiều em phải nhập viện - Ảnh 2.

Loại nước thần được quảng cáo trên Taobao giúp học sinh chạy nhanh hơn

Năm ngoái, một số địa phương đã đưa bài kiểm tra chạy đường dài vào mục tự chọn thay vì bắt buộc, với lý do học sinh không đủ thể lực sau 3 năm đại dịch. Bài kiểm tra lại trở thành bắt buộc trong năm nay, nhưng nhiều nơi đã giảm yêu cầu.

Yu Weijun, một bà mẹ 42 tuổi đến từ thành phố Ninh Ba, nói rằng cô ủng hộ quyết định của thành phố trong việc tạo điều kiện cho cuộc thi chạy đường dài dễ dàng hơn, nhưng nói thêm rằng các kỳ thi thể thao nhìn chung là một điều tốt.

"Tôi tin rằng trẻ em không nên chỉ học hành. Nếu không có yêu cầu về giáo dục thể chất ở kỳ thi lên cấp 3, các môn học khác chắc chắn sẽ được ưu tiên hơn các lớp thể dục, và học sinh thậm chí sẽ ít chơi thể thao hơn", Yu nói.

Theo Sixthtone

Nguyễn Phượng

Cùng chuyên mục
XEM