img

“Cha đẻ” ATM gạo Hoàng Tuấn Anh: “Người gặp khó khăn sẽ biết luôn có một nơi để mình được no bụng, luôn có một lối thoát khi cần” - Ảnh 1.
“Cha đẻ” ATM gạo Hoàng Tuấn Anh: “Người gặp khó khăn sẽ biết luôn có một nơi để mình được no bụng, luôn có một lối thoát khi cần” - Ảnh 2.
“Cha đẻ” ATM gạo Hoàng Tuấn Anh: “Người gặp khó khăn sẽ biết luôn có một nơi để mình được no bụng, luôn có một lối thoát khi cần” - Ảnh 4.

Năm 2010, Hoàng Tuấn Anh (sinh năm 1985) định tự tử tại Úc. Phi vụ lắp đặt tấm cách nhiệt giữa chàng trai 25 tuổi và chính phủ Úc có lợi nhuận lên đến hàng triệu đô sụp đổ trong nháy mắt. Nếu Tuấn Anh chết vào thời điểm ấy, chuyện gì sẽ xảy ra?

Anh không được ở bên mẹ vào giây phút cuối.

Gia đình nhỏ với vợ xinh và 2 đứa con thơ cũng không trở thành hiện thực.

Thế giới của năm 2020 đổi thay ra sao, covid là khái niệm gì - anh hoàn toàn không biết đến.

Không có ATM gạo Hoàng Tuấn Anh.

Đúng 10 năm sau ngày định mệnh, Hoàng Tuấn Anh thả người trên sofa trong phòng tiếp khách tại văn phòng PHGLock - cơ ngơi anh xây dựng lại sau thất bại năm xưa. Người đàn ông 35 tuổi nói về việc suýt kết liễu đời mình với một thái độ biết ơn. Biết ơn vì cú chạm đáy và suy nghĩ nông nổi suýt đẩy đời mình qua một kịch bản khác, giúp anh ngộ ra: “Đời vẫn xoay và không có việc gì là tận cùng - trừ khi mình chết. Còn sống là còn giải quyết được".

“Cha đẻ” ATM gạo Hoàng Tuấn Anh: “Người gặp khó khăn sẽ biết luôn có một nơi để mình được no bụng, luôn có một lối thoát khi cần” - Ảnh 5.

Ba Tuấn Anh, một bác sĩ dành hàng chục năm chữa trị cho người mắc phong cùi ở Sài Gòn, với tấm lòng đẹp và tinh thần lao động nghiêm túc là đức tin kéo anh lên trong những ngày ảm đạm - “Khi con người có kiến thức, dù có trắng tay đến mấy vẫn làm lại được”, anh tin ba.

Với sự quan tâm ân cần và âm thầm đồng hành trong những lựa chọn của con, mẹ chính là người cho Tuấn Anh vững tâm nhìn thấy lối đi mới.

“Khi tôi phá sản ở Úc và bán xe hơi lấy tiền để sống tiếp, mẹ đã hỗ trợ tôi về mọi mặt. Trở về Việt Nam với 10.000 mét vuông đất đang chờ đổ vào túi vài trăm triệu mỗi tháng nhưng tôi lại chọn theo ngành khoá và chấp nhận chưa có lời trong 10 năm qua. Dẫu vậy, mẹ tôi vẫn âm thầm động viên và cổ vũ tinh thần tôi. Ngay cả lúc có thể sống một cuộc đời sung túc đầy đủ mà không cần làm gì, thì đó hẳn là một lựa chọn rất khó khăn và cần người thấu hiểu”, Tuấn Anh biết ơn mẹ.

Tuấn Anh lớn lên trong gia đình có điều kiện và được gia đình cho đi du học năm 15 tuổi. Anh chưa bao giờ biết được cảm giác đói bụng ngay cả trong lúc tệ nhất. Song, anh hiểu sự liều lĩnh khi ai đó bị dồn vào đường cùng. Cái chết người ta còn nghĩ đến được huống gì…


Tháng 4/2019, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra quyết định đầy khó khăn là cách ly xã hội đối với 12 địa phương có nguy cơ cao về Covid-19, trong đó có Hà Nội và Sài Gòn.

Khi không thể ra đường, nhiều người chọn lui về với niềm vui bếp núc, trang trí nhà cửa, cho mình quãng thời gian nghỉ ngơi tập làm quen với khái niệm "work from home". Như 2 mặt của đồng xu - phía bên kia, nhiều người lao động thời vụ, người già sống nhờ con cái, người neo đơn trong xã hội… rơi vào khó khăn khi số tiền tích luỹ quá ít khiến họ chật vật xoay sở trong từng bữa ăn và đau đầu với các khoản chi tiền điện, nước, nhà.

Là một người từng trải, Tuấn Anh nhìn thấy một bức tranh toàn cảnh của xã hội và không muốn chỉ vì bụng đói mà một đứa trẻ có tiểu sử không tốt, người lớn lầm đường lạc lối.

Ý tưởng phát gạo nảy ra trong đầu Tuấn Anh bắt nguồn từ suy nghĩ thiết thực: “Gạo là món quà trao đi vì đó là thứ rẻ nhất nhưng làm người ta no nhất, cũng chia được cho nhiều người nhất. Khi có một bữa ăn no, ai cũng sẽ nhẹ đầu trong những quyết định tiếp theo của cuộc sống mùa dịch”.

“Cha đẻ” ATM gạo Hoàng Tuấn Anh: “Người gặp khó khăn sẽ biết luôn có một nơi để mình được no bụng, luôn có một lối thoát khi cần” - Ảnh 7.

Thông thường, các mạnh thường quân sẽ phát gạo theo cách chia gạo ra từng túi nhỏ, thông báo tin phát gạo, người lao động nghèo đến nhận mỗi người một túi rồi ra về. Tuy nhiên, là dân công nghệ nên Tuấn Anh tư duy theo lối nếu xã hội đang gặp vấn đề thì tại sao mình không sử dụng những giải pháp công nghệ sẵn có để giải quyết bài toán của xã hội một cách triệt để hơn để gạo chia được cho nhiều người, đúng người cần nó nhất có thể.

Nghĩ là làm! Ông chủ công ty PHGLock cùng một số anh em trong công ty chế ra một hệ thống ống nối để gạo chảy từ kho ra bên ngoài. Hệ thống được điều khiển thông qua app và qua camera. Phát kiến này giúp hệ thống có thể nhận diện người đến lấy gạo và đảm bảo họ không nhận quá số lượng một gia đình có thể dùng trong 1 ngày (cỡ 1,5kg/lần), đảm bảo số gạo đang có đủ để chia đều được cho những người cũng gặp khó khác.

Tất cả linh kiện lắp máy đều được tận dụng từ thiết bị có sẵn của công ty khoá điện tử. Lúc lên ý tưởng đến lắp đặt máy chỉ trong mấy tiếng đồng hồ. Máy chạy thử vào ngày Chủ nhật, không kịp mua thiết bị còn thiếu, Tuấn Anh tháo luôn mô tơ tiền tỷ trong máy test khoá điện tử để lắp tạm rồi vận hành.

“Cha đẻ” ATM gạo Hoàng Tuấn Anh: “Người gặp khó khăn sẽ biết luôn có một nơi để mình được no bụng, luôn có một lối thoát khi cần” - Ảnh 8.

6/4/2020 - ATM gạo đầu tiên ở Việt Nam chính thức đi vào hoạt động tại đường Vườn Lài, trong khu đất thuộc sở hữu của nhà anh ở quận Tân Phú.

Ngoài hoạt động phát gạo, Hoàng Tuấn Anh cùng các nhân viên tổ chức các điểm đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn cho mọi người trước khi vào nhận gạo. Có lực lượng chức năng hỗ trợ và đảm bảo rằng mỗi người đến nhận gạo xếp hàng cách nhau 2m theo đúng quy định.

Mô hình ATM gạo vận hành nhịp nhàng, khoa học và trên hết là đảm bảo tính công bằng trong xã hội đã giúp “cha đẻ” Hoàng Tuấn Anh được cộng đồng biết đến.

Có 1 chi tiết mà ít ai biết, ATM gạo đã suýt phải ngừng hoạt động. Với 5 tấn gạo do Hoàng Tuấn Anh quyên góp ban đầu, cuối ngày thứ 2, anh đã phát lố số lượng của 10 ngày tiếp theo. Cứ đà ấy, sau tầm nửa tháng thì ATM chắc chắn phải ngừng vì… hết gạo.

“Cha đẻ” ATM gạo Hoàng Tuấn Anh: “Người gặp khó khăn sẽ biết luôn có một nơi để mình được no bụng, luôn có một lối thoát khi cần” - Ảnh 9.

Trời không phụ lòng người thật, sức lan tỏa của chương trình trong cộng đồng MXH, truyền thông đến đúng lúc giúp nhiều nhà hảo tâm trong thành phố biết đến chương trình của Hoàng Tuấn Anh.

Họ đã tìm đến quyên góp gạo. Điều cảm động nhất, mạnh thường quân có thể là bất cứ ai. Từ ông chủ của những doanh nghiệp vẫn còn có sức gồng gánh kinh tế trong mùa dịch đến anh bán rau lam lũ ở chợ, cũng chở tới kho Vườn Lài cả trăm kg gạo và giải thích rằng mình còn lao động, xin gửi gạo này lại cho những người nghèo khó hơn.

Lần đầu tiên, sức mạnh của tình yêu thương đồng bào khiến “cha đẻ” ATM gạo choáng ngợp. Những núi gạo dần hình thành trong khu đất trống nhà Hoàng Tuấn Anh. Quỹ gạo từ 5 tấn ban đầu tăng lên 300 tấn giúp ATM chạy trơn tru, hỗ trợ cho hàng nghìn người trong thời điểm tháng 4 đáng nhớ của Sài Gòn.

“Cha đẻ” ATM gạo Hoàng Tuấn Anh: “Người gặp khó khăn sẽ biết luôn có một nơi để mình được no bụng, luôn có một lối thoát khi cần” - Ảnh 10.

Trong vòng mười mấy ngày sau đó, Hoàng Tuấn Anh chạy chỉ tiêu lắp đặt ATM gạo ở các tỉnh lân cận Sài Gòn, anh bước vào một guồng quay mới còn chóng mặt hơn cả khi anh làm giám đốc công ty khóa điện tử.

“Cùng với các anh em mày mò làm ATM gạo khiến tôi bị cuốn theo khối lượng công việc khủng sau đó. Từ khi chiếc máy phát gạo đầu tiên đi vào hoạt động, tôi phải làm việc gấp 5-10 lần những ngày không cách ly xã hội. Tôi đi lại các tỉnh nhiều hơn. Ngày thường tôi ngủ 7 tiếng, lúc đó ngủ chỉ 2-3 tiếng. Ngay cả những lúc mọi người rảnh nhất, tôi vẫn cứ làm việc và cuộc đời mình cứ thăng trầm theo từng lựa chọn".

“Cha đẻ” ATM gạo Hoàng Tuấn Anh: “Người gặp khó khăn sẽ biết luôn có một nơi để mình được no bụng, luôn có một lối thoát khi cần” - Ảnh 11.

Tuấn Anh bỗng chiêm nghiệm: “Có nhiều người hạnh phúc mà không biết mình hạnh phúc. Có lẽ vì họ chưa trải qua đắng cay. Đối với tôi: hạnh phúc, đắng cay, phá sản… tôi đều nếm trải cả rồi nên có thể hiểu hơn về cuộc sống. Và nó cũng chính là đức tin, nghị lực để tôi vượt qua những khó khăn trong thời điểm đó, muốn giúp đỡ người khác, tin rằng làm thiện là một cách gieo nhân lành".

“Cha đẻ” ATM gạo Hoàng Tuấn Anh: “Người gặp khó khăn sẽ biết luôn có một nơi để mình được no bụng, luôn có một lối thoát khi cần” - Ảnh 12.
“Cha đẻ” ATM gạo Hoàng Tuấn Anh: “Người gặp khó khăn sẽ biết luôn có một nơi để mình được no bụng, luôn có một lối thoát khi cần” - Ảnh 13.

Năm 2020 đang bước về những ngày cuối cùng. Tạp chí Time tung trang bìa gạch xóa thô bạo với đề tựa: 2020 là năm tồi tệ nhất lịch sử loài người. “Thời thế tạo anh hùng” nhưng đâu phải thiên địa nhân hòa mới đưa con người lên đỉnh cao, đôi khi thử thách mới cho ta thấy chân dung anh hùng. Với hơn 1,1 triệu kết quả trên google cho từ khoá “atm gạo" và những tác động xã hội mà chương trình thiện nguyện này mang lại - Hoàng Tuấn Anh chính là người hùng nổi lên trong giai đoạn cách ly xã hội mà tin chắc rằng mấy chục năm sau nữa người từng sống qua vẫn còn nhắc lại.

Nhưng đối với Tuấn Anh, anh nghĩ danh hiệu “anh hùng” quá lớn để định nghĩa bản thân, vì ATM gạo không phải của riêng anh:

“Theo tôi, người hùng là con người Việt Nam và đất nước Việt Nam, bao gồm các mạnh thường quân, sơ lược có đến 10.000 người, hiếm có một chương trình thiện nguyện nào thu hút nhiều người đóng góp đến như vậy.

Ngẫm lại, nếu ATM gạo này chạy ở một nước nào đó, chưa chắc đã thành công và thu hút nhiều người đóng góp đến vậy. Trong những lúc khó khăn, dân tộc mình rất đoàn kết và tinh thần tương thân tương ái khiến những người nước ngoài cảm thấy bất ngờ.

“Cha đẻ” ATM gạo Hoàng Tuấn Anh: “Người gặp khó khăn sẽ biết luôn có một nơi để mình được no bụng, luôn có một lối thoát khi cần” - Ảnh 14.

Thứ hai là các cơ quan nhà nước, nếu không có sự đóng góp của cả ngàn quân dân, công an dân phòng, đoàn viên thanh niên theo sát chương trình cũng như Uỷ ban cung cấp địa điểm để dựng ATM gạo… thì một đơn vị tư nhân như tôi làm sao bao quát xuể.

Tôi là người đầu tiên làm và thấy được sự vất vả của nó. Nếu đơn độc, có khi 1-2 ngày tôi đã bỏ cuộc vì khối lượng công việc quá khủng khiếp, nhân viên tôi làm xong một tuần rất nhiều người muốn nghỉ việc. Một ngày một người phải vác mấy tấn gạo, ban đêm phải canh máy ATM nữa nên rất cực. Nói thật, tôi không dám làm nếu không có những đơn vị ấy đứng ra hỗ trợ.

Người hùng thứ 3 là các cơ quan Báo chí Truyền thông. Nếu không có họ truyền đi thông tin, tôi phải ngưng chương trình vì hết gạo.

Người hùng thứ 4 trong chương trình này là những người đến nhận gạo. Có nhiều người có hoàn cảnh khá giả trong thời điểm bình thường nhưng trong giai đoạn cách ly xã hội lâm vào tình thế mất việc khó khăn. Họ đã buông bỏ được cái sĩ diện, buông bỏ mặc cảm cá nhân để đến nhận gạo về lo cho gia đình, đảm bảo có cơm cho vợ con, cha mẹ. Đó là một sự dũng cảm!

Thay vì làm những việc sai trái như trộm cướp họ đã vượt qua cái ngặt khó của mình theo cách chọn gạo và chưa bao giờ đòi hỏi đó phải là gạo ngon, tôi khâm phục”.

Thời điểm hiện tại khi thực hiện bài viết này, ATM Gạo ở đường Vườn Lài đã nhường chỗ cho 1 nhà hàng hoành tráng. Nhẹ nhõm có lẽ là cảm giác chính xác khi nhìn những đổi thay đang diễn ra. Khi không còn phát gạo nghĩa là cuộc sống đã lấy lại nhịp bình thường, nghĩa là cái ăn không còn là vấn đề chi phối quyết định của ai cả, nghĩa là Hoàng Anh Tuấn có thể nghỉ ngơi?

Bạn chỉ đúng 1 nửa. Thiện nguyện là một hành trình không bao giờ có điểm kết thúc bởi dịch có thể không còn, nhưng người nghèo, người già neo đơn và trẻ em mồ côi cần được giúp đỡ ngoài xã hội vẫn còn.

Hoàng Tuấn Anh đang cùng một số doanh nhân khác mở quỹ, trích 2% doanh thu công ty để làm ATM gạo, hoạt động ngay trong thời điểm bình thường.

Máy này sẽ được đặt tại các tỉnh thành trên cả nước như trại trẻ mồ côi, bếp ăn từ thiện của các bệnh viện. Máy hoạt động theo cách phát cho người nghèo thẻ để có thể đến lấy gạo tự động. Người nào có nhu cầu cứ đến máy lấy, tuỳ theo số lượng được cấp trong thẻ.

Ước chừng, mỗi trại trẻ sẽ lấy được khoảng 100-200 kg gạo/tháng. Hoàng Tuấn Anh muốn áp dụng công thức mà ATM gạo đã dùng và rất thành công. Đó là cách làm từ thiện tập thể, mỗi người bỏ vào một ít để làm vốn từ thiện, các mạnh thường quân khác cũng bỏ vào thêm từ cái vốn ban đầu ấy. Những điểm khác khi phát gạo ra thì họ cũng đồng thời được nhận thêm gạo vào.

Mô hình này nếu vận hành trơn tru sẽ tạo ra một số lượng lương thực cơ bản, đặt nó ở một nơi để người gặp khó khăn nếu thiếu, họ có thể tới lấy. Hôm nay không lấy thì hôm sau, lấy theo tuần, theo tháng và theo quý. Người gặp khó khăn sẽ luôn biết có một nơi để mình được no bụng, sẽ luôn có một lối thoát khi cần. Những máy ATM ấy sẽ được cải tiến lại từ những ATM gạo được sử dụng trong dịch.

Như thế, từ thiện không còn là hoạt động mang tính thời vụ, không phải khi nào xã hội gặp khó khăn thì những “ông bụt, bà tiên" mới xuất hiện. Mà từ thiện là một hình thức hỗ trợ xã hội tồn tại song song ngay trong cả những thời điểm bình thường. Khi cái bụng đã no, người ta sẽ lao động trong một tâm thế khác: sáng tạo, tử tế và dám ước mơ. Chúng ta có quyền mơ về một xã hội như thế.

“Cha đẻ” ATM gạo Hoàng Tuấn Anh: “Người gặp khó khăn sẽ biết luôn có một nơi để mình được no bụng, luôn có một lối thoát khi cần” - Ảnh 17.
“Cha đẻ” ATM gạo Hoàng Tuấn Anh: “Người gặp khó khăn sẽ biết luôn có một nơi để mình được no bụng, luôn có một lối thoát khi cần” - Ảnh 19.

Trong tháng 7 khi dịch đã tạm lắng và xã hội bước vào giai đoạn mới, vừa phòng dịch vừa phát triển kinh tế, Hoàng Tuấn Anh chuyển sang phát khẩu trang. Anh giải thích mình không muốn dựng ATM phát gạo nữa vì điều đó sẽ tạo nên sự ỷ lại cho một bộ phận người, anh muốn khuyến khích người dân lao động an toàn hơn và thay vì số tiền dùng để mua khẩu trang, họ sẽ dùng nó để mua vài kg gạo.

Khi có nhiều sáng kiến từ thiện thức thời, Hoàng Tuấn Anh nhận được kỳ vọng từ phía cộng đồng.

Anh không cảm thấy áp lực vì chuyện đó: “Câu chuyện vừa rồi nằm trong tầm tay của mình dựa trên nền tảng các sản phẩm công ty nên tôi làm thôi. Thí dụ vài năm sau, khi xã hội cần một người khác để tìm ra giải pháp cho khó khăn lúc đó, mà tôi không xuất hiện nữa nghĩa là tôi chưa có năng lực để giúp. Hiện nay, có rất nhiều công ty, tập đoàn có năng lực hơn tôi rất nhiều. Tôi biết ưu điểm của mình là sự sáng tạo nhưng đó cũng không phải là điều gì quá lớn lao. Sau này, khi gặp những bài toán khó quá tôi không giải được thì tôi tin sẽ có những Hoàng Tuấn Anh thứ 2 thứ 3 xuất hiện”.

Hoàng Tuấn Anh thấy mình mang sứ mệnh của người kết nối nhiều hơn. Bản thân anh không thể chi ra chục tỷ, trăm tỷ để giúp đỡ xã hội tuy nhiên, anh tự tin mình có thể kết nối các mạnh thường quân, kết nối những doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, kết nối những người khó khăn và kết nối tất cả mọi người lại với nhau.

“Cha đẻ” ATM gạo Hoàng Tuấn Anh: “Người gặp khó khăn sẽ biết luôn có một nơi để mình được no bụng, luôn có một lối thoát khi cần” - Ảnh 21.

“Cha đẻ” ATM gạo tin rằng khi xã hội học được cách kết nối, mọi người có cùng 1 mục tiêu thì gần như đỉnh cao nào người Việt cũng có thể chinh phục được.

“Việt Nam mình còn nhiều khó khăn nhưng thông qua bài học ATM gạo, tôi thấy nếu như chúng ta có tinh thần đoàn kết thì những khó khăn chỉ là chuyện nhỏ thôi”.

WeChoice Awards - Giải thưởng thường niên do Công ty cổ phần VCCorp tổ chức, với mong muốn tôn vinh những con người, kể những câu chuyện truyền cảm hứng nhất, những sự kiện, sản phẩm và công trình có ảnh hưởng tích cực tới cộng đồng - đã quay trở lại với thông điệp mới: Diệu Kỳ Việt Nam.

Từ ngày 13/1/2021, cổng bình chọn của WeChoice Awards 2020 đã chính thức mở.

Hiện nay, anh Hoàng Tuấn Anh đang là đề cử có mặt trong hạng mục Nhân Vật Truyền Cảm Hứng của WeChoice Awards. Nếu thấy ấn tượng với những hoạt động của anh Hoàng Tuấn Anh trong năm vừa qua, truy cập wechoice.vn để bình chọn ngay hôm nay!

Ái Lê
Viết Thanh
Thinhngx
18/01/2021

Pháp luật & Bạn đọc