CEO Walmart: Chúng tôi sẽ phải tăng giá bán hoặc đóng cửa vì ăn cắp vặt
“Nếu tình hình không được cải thiện thì chúng tôi sẽ phải nâng giá hoặc thậm chí đóng cửa chi nhánh”, CEO McMillion cảnh báo.
Theo hãng tin CNBC, hiện tượng ăn cắp vặt tại các siêu thị ở Mỹ đang gia tăng đáng kể khiến chuỗi bán lẻ lớn nhất nước này là Walmart phải than trời, cảnh báo rằng họ sẽ phải nâng giá hoặc thậm chí đóng cửa chi nhánh nếu tình hình không được cải thiện.
“Ăn cắp vặt đang là vấn đề lớn khi tỷ lệ ăn cắp đang cao hơn rất nhiều trong lịch sử... Chúng tôi đã phải gia tăng các biện pháp an ninh tại các chi nhánh, thậm chí một số cơ quan chức năng cũng đã được triển khai và hợp tác ở nhiều địa điểm và đó là cách chúng tôi thường dùng để đối phó với tệ nạn này”, CEO Doug McMillon của Walmart nói với CNBC.
Trên thực tế, Walmart không phải siêu thị duy nhất ở Mỹ chịu nạn ăn cắp gia tăng. Vào tháng trước, giám đốc tài chính Michael Fiddelke của chuỗi siêu thị Target đã phải than phiền rằng tỷ lệ ăn cắp vặt ở các chi nhánh tăng tới 50% so với cùng kỳ năm ngoái, qua đó khiến hãng này thiệt hại hơn 400 triệu USD tiền hàng riêng trong năm tài khóa 2022.
Theo ông Fiddelke, phần lớn những kẻ cắp đều thuộc tổ chức tội phạm hoặc có băng nhóm lên kế hoạch đàng hoàng chứ không phải những cá nhân đơn lẻ hay hành vi tự phát.
Quay trở lại với Walmart, CEO McMillon cho hay việc thiếu quyết liệt từ đội ngũ công tố viên cho các trường hợp ăn cắp ở siêu thị khiến tình hình trở nên khó khăn. Tùy theo luật của từng bang mà giá trị tối đa của các vụ ăn cắp sẽ được xử phạt tiền hay phạt tù và những vụ như thế này thường ít hấp dẫn với công tố viên hơn so với những đại án khác.
“Nếu tình hình không được cải thiện thì chúng tôi sẽ phải nâng giá hoặc thậm chí đóng cửa chi nhánh”, CEO McMillion cảnh báo.
Khó khăn
Cảnh báo của CEO McMillion được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ đang khá phức tạp. Dù nhiều chuyên gia cảnh báo về một cuộc khủng hoảng nhưng các chỉ số của nền kinh tế này lại không thực sự xấu như nhiều người tưởng tượng.
Trong tháng 11/2022, Mỹ đã có thêm 263.000 việc làm mới và giữ được tỷ lệ thất nghiệp ở mức ổn định 3,7%, qua đó cho thấy những chính sách của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đang thực hiện là có hiệu quả.
Tuy nhiên, CEO Jamie Damon của JPMorgan Chase thì lại cho biết tình hình lạm phát cao ở Mỹ có thể gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế vào năm 2023. Vị CEO này cho biết người tiêu dùng Mỹ đã tiết kiệm được khoảng 1,5 nghìn tỷ USD nhờ các gói phát tiền hỗ trợ trong đại dịch của chính phủ nhưng lại chỉ đang tiêu dùng bằng 10% so với cùng kỳ năm 2021 vì lạm phát.
“Lạm phát sẽ chứng minh những điều tôi nói là chính xác và khoản tiền thừa 1,5 nghìn tỷ USD trong nền kinh tế sẽ bắt đầu gây ảnh hưởng từ giữa năm sau”, CEO Dimon cảnh báo.
Theo Dimon, dù FED có nâng lãi suất lên mức 5% hoặc cao hơn nữa, thắt chặt chính sách tiền tệ thì cũng khó lòng kiềm chế lạm phát hoàn toàn trong dài hạn. Tình hình nhiều công ty hiện đang khá ổn nhưng tình hình dài hạn thì chưa chắc chắn do tăng trưởng giảm tốc còn lạm phát làm xói mòn sức tiêu dùng.
“Tăng trưởng kinh tế đang chậm lại. Khi nói chuyện với các khách hàng thì họ đều khá thận trọng”, CEO David Solomon của Goldman Sachs cùng quan điểm.
Cổ phiếu của hàng loạt ngân hàng lớn tại Mỹ đã giảm giá trong phiên vừa qua sau những tuyên bố tiêu cực. Cổ phiếu của Bank of America đã mất hơn 4%, Goldman Sachs và Morgan Stanley mất hơn 2% còn Citigroup là hơn 1%.
Đồng thời, Morgan Stanley cũng đã phải sa thải 2% tổng nhân lực, tương đương 1.600 công việc và tiếp theo đó Goldman lẫn Citigroup cũng sẽ có động thái tương tự.
Hạ giá
Tất nhiên, tình hình không hoàn toàn quá tồi tệ. CEO Brian Moynihan của Bank of America phát biểu trong một sự kiện tổ chức bởi Goldman Sachs rằng nền kinh tế Mỹ có thể giảm tốc tăng trưởng đầu năm 2023 nhưng có khủng hoảng hay không thì vẫn còn là điều chưa rõ ràng.
Vào ngày 2/11/2022, FED đã nâng lãi suất thêm 75 điểm phần trăm lần thứ 4 liên tiếp, đưa mức lãi suất liên bang lên khoảng 3,75-4%, mức cao nhất kể từ tháng 1/2008. Những động thái quyết liệt này đã khiến lạm phát giảm từ 8,2% tháng 9 xuống còn 7,7% tháng 10/2022.
Quay trở lại với Walmart, CEO McMillion cũng cho biết giá nhiều mặt hàng như đồ chơi, may mặc...không tăng mạnh nếu so với đà lạm phát chung. Cả 3 mặt hàng này đều chỉ tăng giá dưới 7% so với đà lạm phát tại Mỹ và thấp hơn cùng kỳ so với các năm trước dù đang bước vào mùa mua sắm cuối năm.
Theo ông McMillion, việc các doanh nghiệp đánh giá sai lầm sức tiêu dùng hậu đại dịch đã khiến họ tích trữ quá nhiều hàng và buộc phải hạ giá để thu hồi vốn, qua đó khiến nhiều sản phẩm dù cũng tăng giá nhưng không quá mạnh so với mặt bằng lạm phát chung.
CEO McMillion cho biết mặt hàng tăng giá mạnh nhất thời gian qua có lẽ là lương thực và nhu yếu phẩm. Tốc độ tăng giá 2 chữ số của những sản phẩm này được ông McMillion dự đoán là sẽ còn dài dài.
Hãng tin CNN cho biết người tiêu dùng Mỹ hiện đang chuyển việc mua sắm những thực phẩm đắt đỏ sang các thương hiệu rẻ tiền hơn ở Walmart. Tâm lý tiết kiệm chống khủng hoảng, hạn chế chi tiêu đang lan rộng.
*Nguồn: CNN, CNBC