CEO TVHub bật mí những ‘bí mật’ không ngờ về hậu trường Shark Tank VN: Khó tuyển và giữ Shark, bị cạnh tranh với quỹ nước ngoài, startup ít khác biệt và đột phá
Shark Tank càng nổi tiếng thì càng khó tuyển chọn và giữ Shark – suýt chút nữa họ đã mất ‘cá mập’ Nguyễn Thanh Việt, chương trình đang bị cạnh tranh quyết liệt bởi các quỹ đầu tư nước ngoài. Về phía thí sinh đăng ký dự thi lại không có tính khác biệt hay ít sự đột phá trên thị trường.
Những tưởng, càng làm thì mọi chuyện càng dễ, nhưng với chương trình Shark Tank thì ngược lại.
Phát biểu trong sự kiện công bố dàn ‘cá mập’ của chương trình Shark Tank mùa 3, bà Lê Hạnh - CEO TVHub và cũng là Giám đốc sản xuất Shark Tank Việt Nam, đã có nhiều tiết lộ về chuyện hậu trường gây bất ngờ cho tất cả mọi người.
Để có thể cung cấp cho khán giả những hình ảnh long lanh trên đài truyền hình, những mô hình khởi nghiệp thú vị hay những pha tranh cãi nảy lửa giữa các Shark, bà Lê Hạnh và ekip đã có nhiều tháng trời chạy đôn chạy đáo.
Như thú nhận của bà khi thực hiện chương trình Shark Tank là ‘vừa hạnh phúc nhưng cũng gặp áp lực kinh khủng khiếp’, ví dụ: Shark Tank càng nổi tiếng thì càng khó tuyển chọn và giữ Shark, chương trình đang bị cạnh tranh quyết liệt bởi các quỹ đầu tư nước ngoài. Về phía thí sinh đăng ký dự thi lại không có tính khác biệt hay ít sự đột phá trên thị trường.
Shark Nguyễn Thanh Việt suýt chút nữa đã chia tay chương trình
"Xin thú thực là, càng ngày Shark Tank càng nổi tiếng, chúng tôi càng khó thuyết phục các nhà đầu tư tham gia chương trình. Chuyện nghe có vẻ vô lý nhưng đang diễn ra ở Shark Tank Việt Nam", bà Lê Hạnh cho biết.
Bà kể: để thuyết phục được một ‘cá mập’ chịu lên sóng truyền hình là cả một thách thức của những người thực hiện chương trình. Ngoài ra, việc giữ người cũng khó không kém. Suýt chút nữa là Shark Nguyễn Thanh Việt đã không đồng hành cùng chương trình trong mùa 3. Để đánh tan sự ngại ngần của Shark này, bà Lê Hạnh cùng ekip đã phải bay ra Hà Nội những 3 lần nhằm trao đổi và thuyết phục. Mùa này, Shark Nguyễn Xuân Phú cũng đã không còn đồng hành cùng chương trình sau 2 mùa liên tục ngồi ghế nóng.
Trong mùa 3, ekip sản xuất chương trình đã mất từ 3 đến 4 tháng chỉ để thuyết phục 7 Shark (như đã công bố) chấp nhận tham gia chương trình.
Và theo bà, cũng rất dễ hiểu vì sao lại thế. Việc kinh doanh, nôm na là chuyện làm ăn rất quan trọng, nghiêm túc và cần cả sự kín đáo; nhưng khi tham gia Shark Tank, chương trình lôi tất cả chuyện làm ăn trên sóng truyền hình. Do đó, những người trong cuộc, như các Shark đều cảm thấy rất áp lực và rủi ro.
Khi chúng ta đầu tư vào lĩnh vực khởi nghiệp đã vô cùng rủi ro, ở đây còn thêm rủi ro về mặt truyền thông. Nếu như những thông tin về những thương vụ đưa ra - truyền đi hoặc không bổ sung 1 cách đầy đủ, nó cũng tạo ra những áp lực rất lớn cho người thực hiện cũng như các nhà đầu tư ở chương trình.
Bên cạnh đó, Shark Tank Việt Nam cũng gặp rất nhiều khó khăn khi mời các Shark nữ tham gia chương trình. Thật ra, nhiều nữ doanh nhân thành đạt ở Việt Nam không thích xuất hiện trước đám đông và còn ngần ngại hơn nữa khi phải xuất hiện thường xuyên trên truyền thông.
Bà Trương Lý Hoàng Phi và 7 Shark của chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 3.
Cũng theo bà, có thể nói, việc các doanh nhân Việt chấp nhận thị phi – chia sẻ quỹ thời gian ngoài công việc ít ỏi của họ để nhận lời làm ‘cá mập’, không phải vì muốn nổi tiếng hay kiếm lợi nhuận từ các thương vụ đầu tư vào các startup; họ nhận lời vì tâm huyết và sứ mệnh hỗ trợ cộng đồng, muốn lan tỏa – chia sẻ kinh nghiệm của mình cho thế hệ doanh nhân tương lai.
Thế nên, không chỉ các startup, mà các Shark cũng cần có nhiều hơn sự thấu hiểu của mọi người.
Sự xuất hiện của nhiều quỹ đầu tư nước ngoài đang vô hình tạo nên sức ép cho chương trình Shark Tank Việt Nam
Ở khía cạnh khác, dù không trực tiếp thừa nhận là chương trình Shark Tank Việt Nam đang bị cạnh tranh bởi các quỹ đầu tư nước ngoài trong việc thu hút startup tiềm năng đến với mình, nhưng những ‘quảng cáo’ của bà về lợi ích của các startup Việt khi đồng hành cùng nhà đầu tư trong nước đã nói lên điều đó.
"Dạo gần đây, khi tôi tiếp xúc với nhiều startup, thì cảm thấy, càng ngày startup Việt càng năng động và thường xuyên tiếp xúc với các nhà đầu tư nước ngoài. Theo tôi, thì sự liên hệ này là cần thiết. Tôi cũng biết, nhiều startup Việt đã gặp rất nhiều thuận lợi trong việc gọi vốn của quỹ đầu tư nước ngoài.
Nhưng, nếu là một startup trẻ, khi tham gia vào thị trường bên ngoài, nếu chưa đủ kinh nghiệm là chuyện không dễ dàng. Chúng ta hãy có những lựa chọn thật thông minh! Trong giai đoạn đầu tiên, nếu người đi cùng mình là các nhà đầu tư trong nước sẽ mang lại cho chúng ta rất nhiều thuận lợi. Điều này các bạn có thể thấy rõ qua nhiều thương vụ hợp tác trong chương trình Shark Tank", bà Lê Hạnh đề nghị.
Ví dụ: ngoài 100 tỷ đầu tư, Shark Nguyễn Ngọc Thuỷ đã mang cả hệ sinh thái Apax Leaders để hỗ trợ cho Soya Garden nhanh chóng phủ sóng khắp Việt Nam. Soya Garden đang dẫn dắt 1 trào lưu mới dành cho các bạn trẻ, với thức uống sức khoẻ từ nậu nành organic. Rõ ràng, ngoài tiền, các nhà đầu tư trong nước sẽ có những giá trị cộng thêm đáng kể dành cho các startup Việt.
Tuy nhiên, sự thật là không phải chỉ mỗi chương trình Shark Tank bị cạnh tranh mà các quỹ đầu tư trong nước cũng thế. Shark Nguyễn Mạnh Dũng chia sẻ, trong khi ông và cộng sự trong Quỹ đầu tư CyberAgent đang phân vân không biết có nên đầu tư cho một startup hay không, thì startup đó đã nhận được 2 lời đề nghị từ một quỹ và một nhà đầu tư khác, với mức giá cao hơn họ 1,5 lần.
Bà Nguyễn Lan Anh – Đại điện Endeavor, hệ sinh thái khởi nghiệp kiêm quỹ đầu tư, cũng cho rằng, hiện Việt Nam đang thiếu các startup chất lượng để cung cấp cho các quỹ đầu tư. Trong tương lai, sự cạnh tranh giữa các quỹ - chương trình về đầu tư sẽ ngày càng khốc liệt, nhưng tốt cho các startup Việt.
Càng ngày càng ít startup có tính khác biệt và đột phá
Và khi mà một phần lớn startup tốt đã tìm đến các quỹ đầu tư nước ngoài, thì chất lượng thí sinh đang là thứ khiến nhà sản xuất chương trình đau đầu nhất.
Bà Lê Hạnh là người tham gia trong tất cả các vòng tuyền chọn Shark Tank Việt Nam.
Về cơ bản, mỗi mùa, Shark Tank Việt Nam sẽ nhận được khoảng 1.000 hồ sơ tham gia thi thố, sau đó Ban tổ chức sẽ chọn 400 đến 500 hồ sơ vào vòng tuyển chọn – audition, tiếp nữa là vòng 100 và chọn 50 trong số đó lên hình. Mùa 2, chỉ có 42 dự án được lên hình và 27/42 nhận được cam kết đầu tư từ các Shark, tỉ lệ chọi gần 1/40; tức là, trong gần 40 hồ sơ dự thi sẽ có 1 startup thành công gọi được vốn.
Tuy nhiên, chẳng biết mùa này, tỷ lệ đó có còn được giữ nguyên, khi mà chất lượng thí sinh tham dự chương trình khiến bà Lê Hạnh không dám khen tặng.
"Tôi không biết nên cười hay nên khóc. Có một sự việc hết sức kỳ lạ trong chương trình Shark Tank mùa 3: nếu thấy mô hình kinh doanh/sản phẩm nào đã chiến thắng những mùa trước, các startup liền gửi dự án tương tự như vậy đến.
Ví dụ: mùa trước, dự án Talks Cafe 100% English nhận được 5 tỷ đồng tiền đầu tư từ Shark Nguyễn Ngọc Thuỷ, vậy là mùa này các bạn gửi về cũng gần 10 dự án liên quan đến mảng giáo dục dạy tiếng Anh. Các bạn còn hỏi tôi: tại sao Shark Thuỷ đã đầu tư dự án đó mà mọi người lại loại em. Đừng có vậy!", bà Lê Hạnh nhắn nhủ.
Càng ngày, số hồ sơ bị loại trong chương trình càng cao, vì chưa đủ điều kiện - thường là mô hình kinh doanh không có tính khác biệt hay ít sự đột phá trên thị trường. Theo đó, bà Lê Hạnh muốn nói với các startup Việt rằng: nhất định phải tư duy – suy nghĩ cái gì đó thật mới mẻ trước khi bắt tay vào startup. Sở dĩ chúng ta chưa làm gì có tính đột phá là vì chúng ta sợ hãi, sợ làm cái gì đó khác biệt so với người khác hay thị trường. Muốn startup thành công, chúng ta phải biết chiến thắng nỗi sợ hãi!
Một trong những gợi ý của bà Lê Hạnh với các bạn đang có ý định startup là hãy quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp thông minh – agritech, cụ thể hơn nữa là logistic hiện đại có kết hợp với công nghệ cho ngành nông sản. Đây là một mảng kinh doanh có nhiều nhu cầu tại Việt Nam, song chưa có tay chơi nào đủ mạnh để lead thị trường.