CEO Talentnet: Phụ nữ không cần trở thành người hoàn hảo, chỉ cần "biết người biết ta"!

21/10/2020 07:24 AM | Kinh doanh

Ngoài rất nhiều điểm mạnh, phụ nữ khi bước vào làm chủ cũng có nhiều điểm hạn chế. Tuy nhiên, quan điểm của CEO Talentnet, phụ nữ không cần thiết phải tìm cách cải thiện chúng, chỉ cần biết mình như thế nào, sau đó tìm những vị tướng mạnh ‘bổ khuyết’ là ổn, bởi CEO cũng như HLV của một đội bóng.

Nhân ngày 20/10, Trí thức trẻ đã có một cuộc trò chuyện với chị Tiêu Yến Trinh – Founder và CEO Talentnet, một tên tuổi lớn trên thị trường nhân sự Việt Nam. Với nguồn năng lượng vô tận, vị nữ doanh nhân này không chỉ hoàn thành xuất sắc công việc của mình ở Talentnet mà còn ở nhiều tổ chức xã hội khác nhau như HAWEE, Hội doanh nhân trẻ TP. HCM… Chị đang là Phó Chủ tịch của cả 2 tổ chức này. Năm 2019, chị nhận danh hiệu Sao Đỏ từ Nhà nước và năm 2020, được Forbes bầu chọn vào 'Danh sách phụ nữ tự thân trong kinh doanh'.

Có thể nói, ở đâu khó là ở đó có chị Tiêu Yến Trinh!


Phụ nữ là người giỏi thực thi, đa nhiệm và giác quan thứ 6 tốt nên có thể "biến giấc mơ thành hiện thực"

Theo chị, khi một người phụ nữ bước vào con đường kinh doanh sẽ có những lợi thế và bất lợi nào so với người ở những giới tính khác?

Đây là một câu hỏi hay. Chúng ta nói về câu chuyện vĩ mô trước.

Đầu tiên, hãy nói về lợi thế. Người ta hay nói về quyền lực mềm hay sức mạnh mềm của những nữ doanh nhân. Tuy nhiên, theo quan sát của tôi, từ những người phụ nữ thành đạt trong kinh doanh như chị Dung ở PNJ (bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch HĐQT PNJ - PV) hay chị Liên ở Vinamilk (bà Mai Kiều Liên - Tổng Giám đốc Vinamilk - PV), thì khi bước vào kinh doanh, phụ nữ thường rất quan tâm đến những câu chuyện về ‘con người – human’. Thậm chí, cái chất này còn thể hiện văn hóa doanh nghiệp.

Ví dụ, đàn ông ra kinh doanh thường có xu hướng ưu tiên lợi nhuận và doanh thu, nhưng lợi thế của phụ nữ là họ luôn đặt nhân viên – ví dụ như luôn tự hỏi đời sống nhân viên làm sao, môi trường làm việc có tốt và hài hoà không, có yêu thương nhau không… Phụ nữ thường đặt ‘con người’ làm gốc!

Nếu chúng ta để ý sẽ thấy, nhìn ma trận của thế giới kinh doanh, thì tố chất EQ đang ngày càng quan trọng.

Thế giới sẽ thay đổi, sau vài năm nữa, 40% đến 50% lao động con người sẽ được thay thế bằng AI, tự động hóa… Vậy có phải 40% đến 50% công việc của con người sẽ bị mất đi? Không phải, nó chỉ mất từ 10% đến 15% thôi, cái còn lại người ta chỉ thay đổi kỹ năng. Trước đây, các doanh nghiệp đòi hỏi người lao động phải có kỹ năng vận hành, làm những công việc đơn giản sẽ được thay thế bằng công nghệ; bây giờ sẽ được đổi qua bằng quan hệ, ngoại giao. Con người sẽ làm công việc chính là kết nối.

Bây giờ, việc xây dựng kỹ năng cho người nhân viên ở những khía cạnh đó rất quan trọng. Top 3 kỹ năng ưu tiên trong tương lai, sẽ liên quan đến việc xây dựng các mối quan hệ và EQ rất nhiều – dĩ nhiên IQ cũng phải có. Với những mối liên hệ đó, bản thân người phụ nữ khi bước vào lập doanh nghiệp, họ sẽ đặt trái tim mình vào đó, đầu tiên là xây môi trường làm việc, quan tâm đến những nhân viên của họ. Đây chính là lợi thế!

CEO Talentnet: Phụ nữ không cần trở thành người hoàn hảo, chỉ cần biết người biết ta! - Ảnh 1.

Chị Tiêu Yến Trinh - CEO Talentnet

Xong họ lại muốn kết nối với khách hàng của mình nữa. Bởi phụ nữ luôn nghĩ mình làm sao mang lại giá trị cho khách hàng, mình có thể tạo sự khác biệt gì cho họ hay không. Nên chuỗi giá trị liên quan đến ‘con người’ sẽ nhiều.

Ngoài ra, phụ nữ cũng rất mê làm việc cộng đồng, luôn trăn trở làm sao để cộng đồng xã hội mình đang sống ngày càng tốt hơn cũng như khiến giới nữ ngày càng tốt hơn.

Nói gì thì nói, về mặt toàn cầu, phụ nữ vẫn chịu thiệt thòi khi đã mấy trăm năm ở nhà chăm sóc con cái, bây giờ chúng ta phải chuyển đổi từ từ. Bây giờ, phụ nữ ra ngoài xã hội làm việc nhiều hơn, rồi chuyển từ nhân viên sang làm chủ, làm quản lý và lãnh đạo. Tuy nhiên, giữa phụ nữ và đàn ông vẫn còn khoảng cách về tư duy, định kiến. Thế nên, chúng ta phải làm sao để phụ có tư duy mới, cộng hưởng tốt trong cộng đồng doanh nhân nữ.

Tóm lại, khi bước ra làm chủ, phụ nữ sẽ chú trọng vào xây dựng đời sống, tỉ mỉ, cẩn thận chăm sóc đời sống nhân viên, bước ra gặp khách hàng, thật sự quan tâm tới việc mang lại giá trị cho cộng đồng; rổi cũng đam mê kết nối và mang lại giá trị cho cộng đồng. Cái này không cần luyện tập, mà có sẵn trong bản năng.

Còn gì nữa không, thưa chị?

Lợi thế thứ hai, phụ nữ có xu hướng là người rất chi tiết. Họ thường nói cái gì cũng rất cẩn trọng, gắn liền với tầm nhìn và định hướng. Phụ nữ làm gì cũng luôn lập ra kế hoạch chi tiết, cụ thể và luôn có cái hành trình thực hiện rõ ràng. Muốn đi từ điểm A đến điểm B trong từng đó thời gian và ngân sách, chúng ta cần làm cụ thể những gì. Năng lực thực thi của phụ nữ rất tốt, giúp khả năng biến ước mơ thành hiện thực cao, hướng đến kết quả.

Hơn nữa, cùng một lúc, phụ nữ có thể làm nhiều nhiệm vụ hoặc thực hiện nhiều kỹ năng. Phụ nữ vừa nấu ăn vừa alo tám điện thoại với bạn bè hoặc vừa trông con vừa làm việc. Trong cái chất của phụ nữ có chất kết nối và có thể đảm đương nhiều công việc khác nhau cùng lúc một cách nhịp nhàng.

Phụ nữ có 1 điểm mạnh nữa là độ nhạy cảm cao hay như người ta nói là giác quan thứ 6 ấy. Khi rủi ro sắp xảy ra, nhiều người phụ nữ sẽ cảm nhận được điều đó.

Tại Việt Nam, chúng ta thấy không ít cặp đôi doanh nhân thành đạt xây dựng nên những tập đoàn lớn sẽ đi theo mô hình: vợ làm CEO còn chồng làm Chủ tịch. Các ông chồng thường có tầm nhìn và mục tiêu lớn, thỉnh thoảng bay bay; thật ra điều đó tốt, vì một doanh nghiệp muốn đi xa phải có tầm nhìn lớn. Tôi biết, có không ít ông sếp người nước ngoài chỉ thích tuyển nhân viên nữ Việt Nam, vì đó là những người ‘nói là làm’ và luôn làm tới cùng.

Ở phần này, muốn hoàn thành tốt, phụ nữ cần có rất nhiều giá trị như phải cam kết, làm việc chăm chỉ, hết lòng và sáng tạo…Mình phải nhìn đến những giá trị có ảnh hưởng quan trọng đến việc kinh doanh. Mình phải human being: có chất thấu cảm, đồng cảm – thấu hiểu, caring – quan tâm và chất kết nối cộng đồng.

CEO Talentnet: Phụ nữ không cần trở thành người hoàn hảo, chỉ cần biết người biết ta! - Ảnh 2.

Chị Tiêu Yến Trinh (áo dài) nhận giải thưởng Sao Đỏ năm 2019.

Lợi thế thứ ba, người phụ nữ cũng rất quan tâm đến môi trường - con người nên tư duy lãnh đạo thường rất chú trọng các hoạt động phát triển con người. Nếu ở tầm công ty, họ sẽ rất quan tâm chuyện phát triển bền vững. Phụ nữ sẽ không có tư duy kiểu ‘ăn xổi ở thì’, thấy lợi thì làm đi chuyện gì tính sau! Phụ nữ sẽ nhìn xa trông rộng, nhìn tới nhìn lui. Tư duy đánh quả của phụ nữ sẽ ít hơn nam giới.

Trong 17 mục tiêu phát triển bền vững, theo tôi có 3 thứ quan trọng: làm sao doanh nghiệp phát triển bền vững, làm sao giúp cho môi trường tốt xanh, làm sao xây dựng phát triển con người tốt. Phụ nữ có vẻ có thiên hướng đi theo những giá trị đó nhiều.

Phụ nữ thưởng quản trị doanh nghiệp như thế này: đi xuống là cái nền con người, ở giữa thực thi thật tốt, trên tầm cao có kết nối gây tác động lớn đến xã hội và cộng đồng.

Đây không chỉ đúng với những lãnh đạo nữ ở các công ty lớn mà đúng với cả các startup nhỏ. Tôi có làm mentor cho 1 startup chuyên về các sản phẩm cho bà bầu, trẻ em, tôi cũng thấy bạn rất quan tâm đến việc xây dựng văn hóa công ty, dù còn nhỏ. Lúc bạn đó ra bất cứ chiến lược hoặc kế hoạch kinh doanh nào, cũng triển khai rất chi tiết. Ước mơ của bạn ấy là tạo ra một thương hiệu về thực phẩm chuyên phục vụ trẻ em và phụ nữ.


Bởi văn hóa, phụ nữ Việt sẽ khó hơn trong việc tạo dựng các mối quan hệ cũng như phải quán xuyến rất nhiều chuyện gia đình

Còn về phần bất lợi thì sao?

Câu chuyện gì cũng có 2 mặt, vì quá cẩn trọng nên lắm khi người phụ nữ không bắt lấy được những cơ hội trước mắt. Đây là xu hướng và mặt bằng chung, chứ không phải tất cả, vì bản thân tôi rất thích phiêu lưu mạo hiểm.

Phụ nữ hay suy nghĩ và đắn đo quá nhiều, đến lúc quyết định muốn làm thì cơ hội đã vụ qua mất hoặc người khác đã giành làm mất. Trong xã hội hiện đại, tốc độ đang là một lợi thế cạnh tranh quan trọng. Người ta hay nói ‘thất bại nhanh, học tập nhanh và thắng nhanh’. Nếu chúng ta cứ ngồi suy nghĩ hoài thì người ta đã đi đến đâu rồi, trong khi mình chưa tới.

Bất lợi nữa là về mặt networking – tạo dựng các mối quan hệ xã hội. Với xã hội hiện tại, vai trò của sự kết nối cộng đồng – xã hội, kết nối về mối quan hệ rất quan trọng. Nó giúp rất nhiều trong công việc kinh doanh hợp tác hàng ngày, theo hướng tích cực. Đâu đó, dù mở doanh nghiệp, nhưng phụ nữ vẫn còn vướng bệnh nhiều chuyện gia đình – đặc biệt với những ai có con còn nhỏ. Hoàn cảnh không cho phép người phụ nữ lao ra ngoài xã hội để làm giàu các mối quan hệ của mình.

Với đàn ông, chuyện ra ngoài tạo dựng các mối quan hệ không hề bị giới hạn bởi bất cứ điều gì. Phụ nữ thì đâu đó tuỳ vào thời điểm mình lập nghiệp, nếu con cái lớn rồi thì mình cũng thoải mái làm chuyện đó.

Thứ ba, là vai trò của phụ nữ. Có những người đàn ông hiện đại hơn thì họ rất hiểu chuyện chồng cũng đi làm, vợ cũng đi làm, thì tư duy là vai trò của cả 2 như nhau. Thậm chí, tôi thấy khi về nhà, vẫn có những người chồng sẵn sàng trông con cùng vợ. Đây là tôi đang nói về vấn đề văn hóa, chứ không bàn về chuyện đúng hay sai. Hiện tại thường thấy đàn ông sẽ đưa ra mục tiêu và người phụ nữ mới là người bắt tay vào làm, y như tư duy chúng ta nói hồi nãy: sếp nam nói về định hướng chiến lược nhưng đi xuống thực thi là sếp nữ.

Ví dụ: Việc kết nối hai bên gia đình, hay phụ trách đám giỗ đám cúng thì phụ nữ sẽ thường là người đứng ra phụ trách làm. Dĩ nhiên đồng lòng 2 vợ chồng sẽ cùng thảo luận, nhưng mà thực hiện – điều phối trong gia đình là của phụ nữ. Đàn ông thì lại thường muốn làm 1 thứ thật tập trung và làm xuất sắc. Tôi chỉ nói chuyện điều phối thôi, còn nặng nhẹ không đề cập đến.

CEO Talentnet: Phụ nữ không cần trở thành người hoàn hảo, chỉ cần biết người biết ta! - Ảnh 3.

Tại Talentnet, chị Trinh thường giao việc - trao quyền hơn là giám sát hàng giờ.

Vì đặc thù như thế, nên ngoài điều phối chuyện ở công ty, khi về nhà, người phụ nữ cũng có khuynh hướng điều phối chuyện ở nhà luôn.

Với thế hệ 8x, 9x hay các bạn trẻ hơn nữa, tôi lại thấy một thực tế thú vị hơn trong việc nhìn nhận vai trò về giới. Tôi hay nói với con mình rằng: con à, giờ con trai phải biết làm việc nhà, cái gì phụ nữ làm được thì con trai phải làm được.. Đi làm về, vợ nấu ăn chồng rửa chén, vợ giặt đồ chồng lau nhà, chứ không thể để phụ nữ phải điều phối nữa. Chuyện chuyển đổi này rất là tốt, vì người phụ nữ sẽ được đỡ đần.

"Happy wife, happy life", người vợ hạnh phúc thì gia đình mới hạnh phúc

Người ta nói "happy wife, happy life", người vợ hạnh phúc thì gia đình mới hạnh phúc. Phụ nữ cũng có những nhu cầu riêng của họ, nhu cầu vui chơi nhu cầu kết nối bạn bè, nhu cầu đọc sách, nâng cấp bản thân…; họ cũng cần thời gian riêng cho bản thân. Khi phụ nữ hạnh phúc họ mới truyền được năng lượng tích cực đến cho các thành viên trong gia đình,

Người ta nói bây giờ là thế giới của kinh tế chia sẻ, chia sẻ giá trị - nguồn lực; thì bây giờ mọi người cũng nên chia sẻ việc nhà, trách nhiệm quán xuyến gia đình.

Bây giờ chúng ta sẽ nói về thế giới cộng hưởng, mọi người không thể tự làm một mình. Cộng hưởng là phải có partnership, ví dụ như trong gia đình phân công công việc, vợ chồng con cái đều phải làm hết. Xem sở trường của những người trong gia đình, ai có điểm mạnh gì – thích làm gì thì sẽ làm cái đó.


Phụ nữ không cần trở thành người hoàn hảo, chỉ cần "biết người biết ta"

Vậy làm sao để người phụ nữ có thể khắc phục những hạn chế của bản thân?

Về năng lực quản lý – quản trị, không có người phụ nữ mạnh mà cũng không có đàn ông yếu; mà hãy xem như mình là HLV của một đội bóng. Mình sẽ biết cái chất của mình và phải hiểu nguồn lực của đội bóng, về tiền đạo – tiền vệ - hậu vệ - thủ môn; họ mạnh cái gì yếu cái gì, mình đang thiếu cái gì.

Dĩ nhiên có rất nhiều người phụ nữ rất chi tiết, rất cẩn trọng những không chịu được mạo hiểm. Theo đó, dưới trướng của họ phải có những người tướng giỏi về kinh doanh – phát triển và những người đó phải ‘máu me’ một chút, để có thể hài hoà nguồn lực. Khi mình nhìn 1 tổ chức, mình nên nhìn ở tầm chiến lược, kiểu như đang kiểm kê tài sản: mình đang có gì đủ, những cái dư và thiếu. Khi mình tuyển người vào tổ chức, mình phải biết mình nên mang theo tướng nào.

Còn nếu sếp có tầm nhìn tốt, truyền cảm hứng tốt nhưng không thích theo sát mọi việc – không thực thi tốt, thì tướng phía dưới phải thực thi giỏi. Lúc đó, người tướng đó mới giúp cho sếp mình ‘dream come true’ – biến ước mơ thành hiện thực. Người sếp ước mơ nhiều, nhân viên cũng ước mơ nhiều, không ai làm thì lấy gì ra kết quả?! Nếu sếp nam ước mơ nhiều, thì phía dưới họ có những vị tướng thực thi tốt và ngược lại.

Tôi may mắn vì có những cộng sự thật sự tài năng và tâm huyết. Ngoài việc san sẻ tầm nhìn và hiện thực hóa những chiến lược trên bản thảo, họ còn luôn chủ động đề xuất các ý tưởng mới tốt hơn, hiện đại và cập nhật với xu hướng, sự thay đổi của thị trường. Nếu bạn làm lãnh đạo và có nhiều tướng tài chung chí hướng, bạn sẽ luôn tự tin để trao quyền và giao phó.

Chúng ta phải hiểu điểm yếu, điểm mạnh của mình, bởi mức độ người sếp thường phải quan tâm rất nhiều thứ.

Hồi chị lập nghiệp, con cái của chị bao nhiêu tuổi? Và chị có bị ‘mắc kẹt’ như trong câu chuyện trên hay không?

Hồi tôi mới lập nghiệp và tách ra từ PwC, con tôi đứa 3 tuổi đứa 6 tuổi, nên có bị ảnh hưởng một chút. Lúc mới tách ra, Talentnet có những ứng viên hàng đầu trên thị trường và những khách hàng hàng đầu trên thị trường, mà đa số là nằm ở tập đoàn nước ngoài. Lúc đó, chúng tôi chưa làm với doanh nghiệp Việt và chưa có bất cứ mối quan hệ nào vào các doanh nghiệp Việt Nam.

CEO Talentnet: Phụ nữ không cần trở thành người hoàn hảo, chỉ cần biết người biết ta! - Ảnh 5.

Chị Trinh đang là Phó Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ TP. HCM.

Sau đó, tôi suy nghĩ, mục tiêu của tôi khi thành lập công ty là mình cũng khát khao – ước mơ trở thành một tập đoàn Việt Nam nhưng chất lượng quốc tế và mang lại cho giá trị cho cộng đồng nhân sự Việt. Ủa, nếu mình muốn vậy thì mình phải tăng cường kết nối với các doanh nhân Việt Nam, các cộng đồng – hiệp hội tại Việt Nam, mình mới có thể đưa ra các giải pháp và hoạt động phù hợp. Thế là tôi bắt đầu tích cực tham gia vào các đội nhóm, ví dụ như tham gia vào Ban chấp hành Hội Doanh nghiệp trẻ TP.HCM.

Ngoài khi mình thấu hiểu doanh nghiệp Việt rồi, mình sẽ đưa ra những giải pháp bám sát vào nhu cầu của DN địa phương. Talentnet sẽ có phương pháp tiếp cận rất quốc tế, nhưng đâu đó mình sẽ tối ưu hóa – điều tiết lại để phù hợp hơn với insight local.

Với tôi, các hoạt động hội đoàn rất bổ ích, nó giúp cho mình có những góc nhìn rộng hơn, tăng cường sự đồng cảm, hiểu được hoàn cảnh của mọi người. Nhưng mình phải chịu làm – lăn xả. Khi mình làm những dự án này, dự án kia mình phải làm thì mình mới phát triển, chứ nếu vào chỉ hưởng thôi mình sẽ không phát triển được.

Ví dụ: những chương trình như Vietnam HR Awards khi đó tại Việt Nam chưa có, nhưng tôi cũng quyết tâm làm, mang lại tác động lớn đến xã hội. Hoặc chương trình Rewards Summit (chuyên bàn về chiến lược lương thưởng), chúng tôi đã làm rất thành công, góp phần nâng cao chất lượng của ngành nhân sự Việt Nam.

Tôi là kiểu người khoái những cái mới và chỉ thích làm những thứ chưa ai làm, kiểu người luôn muốn thách thức bản thân. Tôi luôn muốn làm những cái gì đó thật khác biệt và có tác động thấy được lên thị trường, xã hội. Tôi thích kiểu làm việc nhiều, quen các anh em khắp nơi, sẽ hiểu được hơn những tâm tư – nguyện vọng của các doanh nghiệp Việt.

Tôi may mắn khi có được sự đồng cảm và ủng hộ từ ông xã trong cả công việc lẫn cuộc sống, gia đình. Có thời điểm, tôi phải chia sẻ nhiều với ông xã của mình, lúc ấy, mẹ chồng tôi mất và mẹ tôi cũng mất. Tôi là con gái duy nhất trong nhà mình, bên nhà chồng cũng có 2 anh em, chúng tôi sống với ba chồng. Song tôi phải chia sẻ - truyền thông, con đang làm chương trình này chương trình kia. Chia sẻ những cái thách thức hay những gì mình đang làm, có khi là mời gia đình cùng tham gia vào các hoạt động đó nếu thích hơp Nếu không, ai cũng thấy mình đi suốt, không biết mình đang làm gì mà bận như vậy, không biết đi đâu.


"Bí quyết" luôn sống vui – sống khỏe dù rất bận rộn: tùy từng dự án và môi trường cụ thể để quyết định giao việc – giao quyền hay đốc thúc sát sao

Phải chăng, chị là người rất thích thử thách bản thân? Chị làm sao có thể hoàn thành một khối lượng công việc khổng lồ trong khi cũng có quỹ thời gian ít ỏi như tất cả mọi người?

Tôi đúng là người thích thử thách bản thân, song quan trọng là làm cái mình đam mê cộng với năng lực mình có, cộng hưởng với nhau nên tạo ra lợi thế.

Thứ hai, nhiều người nói tôi tại sao làm nhiều vậy mà không sợ bị stress?! Trên thực tế, agenda của tôi rất dày và có không ít công việc cho cộng đồng. Nhưng, tôi có một nguyên tắc - ai đã làm với tôi rồi đều biết, cho dù có làm việc cộng đồng, khi thực hiện dự án, tôi muốn bồi dưỡng năng lực cho từng thành viên trong team, lúc nào cũng phát triển và có góc nhìn rộng hơn. Nên thường tôi dí mọi người dữ lắm: làm gì, mục tiêu sao, kết quả sao, tại sao làm…

CEO Talentnet: Phụ nữ không cần trở thành người hoàn hảo, chỉ cần biết người biết ta! - Ảnh 6.

Còn tại HAWEE, chị là Phó Chủ tịch kiêm Trưởng ban chiến lược.

Tôi chỉ giúp lúc đầu, còn mọi người phải cùng nhau chia sẻ, học hỏi… Cách của tôi là không ôm việc hay tự nhảy vào làm. Thường tôi sẽ tạo ra mục tiêu, hình ảnh, định hướng cho dự án rồi chọn người phù hợp với vai trò phù hợp, sau đó tạo ra những thách thức để các bạn thể hiện tài năng.

Đây là cái cách tôi quản lý dự án, không quá nhúng sâu vào chi tiết công việc, mà chủ yếu đặt mục tiêu lớn và trọng tâm: luôn luôn phát triển những người làm việc với mình thành Phiên bản tốt hơn - better version, cả ở khía cạnh nhận thức, cuộc sống, cách ứng xử, hệ giá trị và cả quyền lợi mang lại cho người đó.

Làm với chị Trinh phải tiến bộ! Khi mình dí người ta, người ta chạy gần chết song vẫn muốn được dí. Đó là nghệ thuật! À, em làm đi, đây là chương trình đầu tiên ở Việt Nam và HAWEE mới có nè. Mình phải làm sao để mọi người cảm thấy ‘làm rất sướng, cớ gì không làm’! Làm cái này giá trị, có tác động lớn đến xã hội , ai cũng vui vẻ và hạnh phúc đi làm.

Chị có thể chia sẻ một vài ‘bí quyết’ cụ thể giúp các dự án chạy mượt mà?

Đầu tiên phải lập kết hoạch tốt. Một kế hoạch tốt chiếm 20% sự thành công của dự án, 80% còn lại là thực thi tốt. Mình phải tưởng tượng được bức tranh và kết quả cuối cùng mình muốn đạt tới là cái gì. Mình phải định hướng chiến lược mình đi như thế nào, hướng đi ra làm sao. Mình không thể nhảy vào rồi cắm đầu chạy và vài bữa không biết đang chạy đi đâu. Mình cần phải bỏ thời gian cần thiết, cùng với team lên kế hoạch. Chúng ta không nên làm một mình, vì team phải đóng góp ý kiến thì họ mới sâu sát được con đường dự án đi.

Sau đó là chọn người phù hợp, chọn nguồn lực. Thỉnh thoảng, chúng ta không có người phù hợp thì phải xây dựng – phát triển. Ví dụ: người này nếu làm việc kia sẽ còn thiếu kỹ năng hoặc kiến thức nào, họ cần bổ sung cái gì. Khi tôi làm trong tổ chức của mình, tôi quen kiểu quản trị hiện đại: giao việc – giao quyền, bởi năng lực leader của mình rất tốt. Tôi chỉ cần nói hướng đi, ý định và mục tiêu là xong; mọi người đã biết ý rồi, sẽ tự chạy, tự sáng tạo tự chủ động, miễn sao có kết quả là được.

Nhưng lúc làm dự án cộng đồng, có rất nhiều kiểu khác nhau, thỉnh thoảng mình cũng không thể đóng vai trò như CEO trong một công ty, mà mình nên biến thành một project leader – quản lý dự án. Quản lý dự án tức phải xắn tay vào làm luôn, chứ không giao việc hoàn toàn. Lúc đó mình phải theo sát các deadline, điều phối team cho nhịp nhàng. Tức là phải bỏ nhiều công sức hơn bình thường một chút.

Nếu những lớp lãnh đạo kế cận ổn, mình sẽ ra tín hiệu: các em cứ làm đi, nếu có vấn đề hoặc bị tắt chỗ nào mà không tự giải quyết được, chị sẽ hỗ trợ. Nhân viên trẻ bây giờ thường không thích mình can thiệp vào nhiều. Còn khi mình làm trưởng dự án, mình phải lên kế hoạch chi tiết, phải chắc chắn để mọi việc chạy đúng hướng.

Có thể nói, khi ở công ty, tôi là CEO, trong công việc cộng đồng tôi là Quản lý dự án còn ở nhà là Người điều phối. Tôi không theo đuổi vị trí đứng đầu ở mọi vai trò vì đó là điều không tưởng. Tôi tìm kiếm sự ưu tú trong mỗi vị trí của mình, biến nó thành động lực để phát triển hơn mỗi ngày. Tôi nghĩ, phụ nữ chỉ cần theo đuổi sự ưu tú, mọi thứ khác sẽ tự theo sau đó, bất kể là tình yêu, sự nghiệp hay lý lưởng.

Cảm ơn chị rất nhiều!

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM