CEO SeeSpace: “Tại sao chuyển startup sang Singapore không có lợi!”

25/07/2016 15:18 PM | Kinh doanh

Sau khi ICTnews đăng tải bài viết startup đang chuyển sang Singapore thì ông Đỗ Hoài Nam - CEO SeeSpace cho rằng những bộ óc Việt hoàn toàn có thể dùng chính đất nước mình, nhân dân mình làm bệ phóng chinh phục các chân trời mới.

Từ sau "hiện tượng 292" (Điều 292 của Bộ Luật Hình sự năm 2015 của Việt Nam - PV), đang có một phong trào chuyển công ty sang đăng ký tại Singapore với hàng ngàn lý do về sự thuận lợi của môi trường kinh doanh, vốn đầu tư... bất chấp vô số sự phản đối từ người dân nước họ.

Là một người đã làm startups, đầu tư cho startups và đã exit (thoái vốn) được startups, tôi nghĩ các bạn đang sai lầm, rất sai lầm. Đa phần các bạn đều nghĩ rất đơn giản là chúng ta vẫn giữ nguyên operations (các công ty - PV) và thị trường ở Việt Nam, chỉ chuyển đăng ký qua Singapore vì thủ tục dễ dàng, môi trường kinh doanh thuận lợi... Tuy nhiên, các bạn đang bỏ qua 2 vấn đề cực lớn liên quan mật thiết tới startup của mình. Đó là "kêu gọi vốn" và "thoái vốn". Hôm nay, tôi xin trình bày ý kiến cá nhân về diễn biến thị trường trong tương lai gần để các bạn tham khảo:

Đầu tiên, hãy đừng ảo tưởng là thành lập công ty ở Singapore thì bạn sẽ tiếp cận được nhiều nguồn vốn đầu tư hơn. Nếu các bạn "good enough"(đủ tốt - PV) thì dù các bạn ở Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài cũng sẵn sàng xuống tiền. Thành lập công ty ở Singapore không phải là một “thế mạnh" so với các startups khác, càng không phải là yếu tố quyết định để bạn nhận được tiền đầu tư.

Bên cạnh đó, các bạn đang tự loại mình ra khỏi một nguồn vốn đầu tư dồi dào từ chính các nhà đầu tư nội địa Việt Nam. Tại sao? Tại vì họ không được phép đầu tư ra nước ngoài (các bạn phàn nàn về thủ tục xin giấy phép trong nước, hãy ngó qua thủ tục xin đầu tư ra nước ngoài xem sao). Với một loạt chính sách sắp ra đời liên quan đến thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm, có thể chỉ đến cuối năm chúng ta sẽ thấy một "phong trào" thành lập quỹ, người người thành lập quỹ, nhà nhà thành lập quỹ. Người Việt mình làm cái gì cũng phong trào nên dự là phong trào lần này còn khiếp hơn các lần trước.

Và tất nhiên, phần thưởng sẽ dành cho người ở lại.

Rồi sau khi đầu tư cả đống tiền vào startups thì phải làm gì? Đó sẽ là câu hỏi khiến cả một đống "nhà đầu tư" nghệt mặt ra hỏi nhau ngay sau đó. Đã là đầu tư tài chính, họ buộc phải "exit". Và thế là một làn sóng "exit" lại được tạo ra, hoành tráng hơn, khủng khiếp hơn cả làn sóng đầu tư.

Mà các nhà đầu tư Việt Nam thì làm gì có nhiều người có quan hệ với các quỹ lớn phương Tây. Tuy nhiên, cái họ rành hơn ai hết lại là làm thế nào để có thể lấy được tiền ra từ các tập đoàn lớn trong nước. Và tất nhiên, đây sẽ là hướng "exit" khả thi nhất. Nó dẫn đến một làn sóng mua bán sáp nhập (M&A) trong nước khi hàng loạt các tập đoàn lớn thi nhau "mua" startups. Giá sẽ được "đẩy" lên ngất ngưởng bởi vì những "nhà đầu tư" cần phải có lãi, và đơn giản là vì họ "biết cách" và "có thể" đẩy.

Tất nhiên, phần thưởng vẫn chỉ dành cho những người ở lại!

Đấy, chỉ là tự diễn biến thôi, có hoang đường không thì các bạn tự đánh giá và tự quyết định cho mình.

Đối với tôi, những bộ óc Việt hoàn toàn có thể dùng chính đất nước mình, nhân dân mình làm bệ phóng chinh phục các chân trời mới.

Cùng chuyên mục
XEM