CEO Nguyễn Tử Quảng: Khi mọi người gọi tôi bằng biệt danh "nổ", tôi shock lắm

01/03/2019 00:01 AM | Sống

"Nếu như chúng ta có thể tham gia cuộc cách mạng này một cách tự tin và bài bản thì chỉ 10 năm sau, chúng ta có thể bắt đầu bùng nổ và cất cánh. Có thể 15 năm sau, chúng ta sẽ trở thành cường quốc. Vậy vấn đề cần giải quyết ở đây là chúng ta phải thay đổi định kiến. Vấn đề đó, tôi đã tìm thấy cách giải quyết ở trong triết học, trong vũ trụ học."

Không phải khi Bphone ra mắt, người ta mới biết đến Nguyễn Tử Quảng bởi tên của vị CEO này gắn với phần mềm diệt virus BKAV. Trước khi cho ra đời điện thoại thông minh đầu tiên trên thế giới, BKAV đã nổi tiếng với nhiều sản phẩm về công nghệ, trong đó nổi lên hơn cả là phần mềm diệt virus BKAV.

Mới đây, trong chương trình "Cất cánh" được phát sóng trên VTV1, CEO Tập đoàn Công nghệ BKAV Nguyễn Tử Quảng đã có dịp chia sẻ, giãi bày những câu chuyện, những nỗi niềm của mình với khán giả.

"Khi tôi được Đài truyền hình mời đến đây để nói chuyện, phản ứng đầu tiên của tôi là từ chối. Tôi chắc rằng nếu mình phát biểu thì sẽ lại gây tranh cãi đây. Tuy nhiên, sau đó, tôi có nghĩ lại. Tôi đã nhận lời và đây là cơ hội để tôi chia sẻ những suy nghĩ của mình. Năm 1995, lúc đó, tôi là sinh viên năm thứ 3 trường Đại học Bách khoa Hà Nội. 

Khi ấy, tôi đã viết một phần mềm diệt virus BKAV và cung cấp nó miễn phí cho tất cả những người sử dụng máy tính ở Việt Nam. Đơn giản, chỉ bởi vì tôi thấy công việc đó là công việc hữu ích cho xã hội. Sau đó, khi tốt nghiệp, tôi ở lại làm giảng viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội và tiếp tục cùng một nhóm các bạn giảng viên, sinh viên của trường cung cấp miễn phí phần mềm cho mọi người. 

Đến năm 2000, Việt Nam có sự bùng nổ về Internet và kéo theo đó là sự bùng nổ của máy tính, của các vấn đề an ninh mạng. Các câu hỏi, đề nghị trợ giúp đến nhóm chúng tôi cũng rất nhiều, khiến tôi choáng ngợp, không biết làm cách nào để đáp ứng nổi theo như mục đích ban đầu của mình. Tôi rất trăn trở là làm cách nào để có thể giải quyết vấn đề này. 

Cũng vào những năm 2000, ở Việt Nam chúng ta bắt đầu nói nhiều đến luật doanh nghiệp. Tôi cũng là một người chịu khó để ý, học hỏi và tôi đã nhận ra đây là cơ hội để mình giải quyết vấn đề, trăn trở của mình. Thành lập doanh nghiệp là một cách khoa học nhất để ta làm một việc gì đó. 

CEO Nguyễn Tử Quảng: Khi mọi người gọi tôi bằng biệt danh nổ, tôi shock lắm - Ảnh 1.

Đến năm 2005, chúng tôi chính thức thương mại hóa phần mềm diệt virus BKAV. Đúng như sự kì vọng, sau đó, chúng tôi có cả trăm người làm việc. Từ lợi nhuận thu về từ phần mềm, chúng tôi có thể phục vụ, có thể hỗ trợ với khối lượng gấp hàng nghìn lần so với trước; và như vậy, bài toán của tôi đã có lời giải thích đáng. 10 năm cung cấp phần mềm miễn phí, tôi chỉ có một mục đích là làm công việc hữu ích cho xã hội. 

Tuy nhiên, khi đã thương mại hóa sản phẩm, tôi bắt đầu nhận thấy rằng mình có thể làm tốt hơn thế. Việt Nam có thể sản xuất những sản phẩm công nghệ có thể cạnh tranh sòng phẳng với những nước hàng đầu thế giới. Tôi là một người thẳng thắn, thật thà nên tôi muốn nói điều đó ra. Tuy nhiên, sau đó, tôi đã nhận được những ý kiến trái chiều, nhiều người gọi tôi bằng cái tên "Quảng nổ". 

Tôi nghĩ rằng tôi là người đầu tiên ở Việt Nam nhận biệt danh "nổ". Cách đây hơn 10 năm, tôi cũng shock lắm vì rõ ràng mình vẫn làm những việc như vậy, thậm chí hiện tại tốt hơn như thế. Tại sao lại như vậy? Năm 2009, BKAV quyết định tham gia vào lĩnh vực sản xuất smartphone vốn là manh nha bùng nổ trên thế giới và bắt đầu xâm nhập ở Việt Nam. 

Đối với BKAV, đây là cơ hội trở thành tập đoàn công nghệ hàng đầu nhưng riêng với cá nhân tôi và sau này đối với ban giám đốc của cả chúng tôi, đây thực sự là cơ hội để tôi tiếp tục khẳng định năng lực của người Việt Nam. Bởi smartphone là một sản phẩm hữu hình, cầm nắm được, khác với sản phẩm phần mềm tôi làm trước đó. 

CEO Nguyễn Tử Quảng: Khi mọi người gọi tôi bằng biệt danh nổ, tôi shock lắm - Ảnh 2.

Với phần mềm, tôi nghĩ rằng mọi người khó có thể cảm nhận nên mọi người chưa nhìn thấy; với một chiếc smartphone có kiểu dáng, cơ khí, điện tử..., tôi có thể thuyết phục người Việt Nam tin vào năng lực của chính mình. Nhưng phải đến 6 năm sau đó, chúng tôi mới thực sự ra mắt một chiếc smartphone cao cấp "made in Vietnam" do chính người Việt Nam làm chủ. Vì điều kiện về khoa học công nghệ và những điều kiện khác ở Việt Nam rất khó khăn nên mất đến 6 năm, chúng tôi mới cho ra mắt được sản phẩm đầu tiên kể từ năm 2009. 

Tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, 26/5/2015, tôi đã lên sân khấu để trình bày về chiếc smartphone ấy: Bphone 1. Thật không thể tin nổi! Thật tuyệt vời! Thật không thể tin nổi! Thật tuyệt vời! Đấy là cảm xúc từ sâu trong đáy lòng của tôi. Đó là sự dồn nén trong 6 năm của tôi và các cộng sự của tôi, 1000 người để làm ra chiếc smartphone đó. Đó không chỉ là sự tự hào cá nhân, đó còn là một tuyên bố người Việt Nam có thể.

Thật không thể tin nổi! Thật tuyệt vời!

Tuy nhiên, sau đó, mọi việc không như tôi nghĩ, không nhiều người hiểu, không nhiều người có cùng suy nghĩ với chúng tôi. Và tôi tiếp tục bị "ném đá", thậm chí "kinh khủng" hơn khi tôi thương mại hóa phần mềm BKAV năm 2005. Lúc trước, tôi nghĩ mình rơi vào stress nhưng lần này, có thể nói tôi rơi vào trạng thái trầm cảm. Trong 2 năm sau đó. Vì vậy, tôi phải tìm đến và nghiên cứu sâu về triết học, khoa học vũ trụ - những lĩnh vực tôi yêu thích từ bé - nhằm để giải thích bản chất của con người, bản chất của xã hội. 

Cuối cùng, tôi đã tìm ra lời giải cho mình: định kiến về một Việt Nam không thể sản xuất những sản phẩm, những công nghệ để cạnh tranh với những nước hàng đầu thế giới, đặc biệt là định kiến trong cả một xã hội, thật khủng khiếp và không dễ ngày một ngày hai thay đổi định kiến này. Đó sẽ là một công cuộc trường kì. Tôi đã nhận ra điều đó. 

Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, lần thứ hai về cơ khí hóa, về điện khí hóa diễn ra trong 200 năm. Đến cuộc cách mạng công nghiệp thứ ba về bán dẫn, máy tính, Internet chỉ diễn ra trong 50 năm. Nhân loại đã bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư từ những năm 2010. Cứ như vậy, 25 năm nữa, cuộc cách mạng thứ tư này sẽ bùng nổ. Đây sẽ thực sự là cơ hội, là vận hội cho những đất nước như Việt Nam chúng ta. 

CEO Nguyễn Tử Quảng: Khi mọi người gọi tôi bằng biệt danh nổ, tôi shock lắm - Ảnh 4.

Nếu như chúng ta có thể tham gia cuộc cách mạng này một cách tự tin và bài bản thì chỉ 10 năm sau, chúng ta có thể bắt đầu bùng nổ và cất cánh. Có thể 15 năm sau, chúng ta sẽ trở thành cường quốc. Vậy vấn đề cần giải quyết ở đây là chúng ta phải thay đổi định kiến. Vấn đề đó, tôi đã tìm thấy cách giải quyết ở trong triết học, trong vũ trụ học. 

Aristotle đã từng đưa ra học thuyết về Trái đất là trung tâm của vũ trụ và nhân loại cần 1000 năm để thay đổi định kiến đó rằng Mặt trời mới là trung tâm, Trái đất xoay xung quanh Mặt trời được đưa ra bởi Nicolas Corpenic. Từ khi nhân loại nhận ra sự thật ấy, đã bùng nổ một cuộc cách mạng về công nghệ, khoa học và tạo tiền đề cho các cuộc cách mạng về công nghiệp như chúng ta đã thấy.

Nếu như chúng ta có thể thay đổi về định kiến rằng Việt Nam không thể cạnh tranh với các nước hàng đầu thì tôi tin rằng chúng ta sẽ sớm trở thành cường quốc về công nghệ. Các bạn trẻ hãy nắm lấy cơ hội này và nhận lấy sứ mệnh này."

V.D

Cùng chuyên mục
XEM