CEO Namaste: Người trồng “hoa” dưới đáy biển

06/07/2021 13:30 PM | Kinh doanh

Sở hữu công viên san hô đầu tiên tại Việt Nam, anh Lê Quang Duy, Giám đốc Công ty CP Đầu tư & Phát triển Namaste luôn trăn trở về các giải pháp bảo vệ môi trường biển và phục hồi san hô.

"Kinh doanh là phải có sứ mệnh", đó là cách nghĩ, cách làm của anh khi sáng lập Namaste để làm giàu thêm cho biển và phát triển dịch vụ du lịch bền vững.

Chào anh Lê Quang Duy, cơ duyên nào hay từ suy nghĩ nào mà anh chuyển sang lĩnh vực dịch vụ du lịch biển, nuôi trồng san hô và phát triển loại hình đi bộ dưới đáy biển?

Năm 2012 tôi bị đuối nước nên mắc chứng sợ nước. Mãi đến năm 2016 cũng là khoảng thời gian tôi mất động lực vì không còn mục tiêu để chinh phục trong việc kinh doanh hiện tại. Tôi cảm thấy kinh doanh mà không có sứ mệnh, chỉ để kiếm tiền thì không làm cuộc sống của mình có ý nghĩa. Tôi chuyển giao công việc kinh doanh lúc ấy, lang thang dọc Nam Bắc tìm điều gì đó mới mẻ hơn. Vô tình đến Nha Trang, tôi quyết định vượt lên chính mình, khắc phục chứng sợ nước bằng cách đi học lặn. Lần đầu tiên xuống đáy biển, nhìn thấy vẻ đẹp kỳ ảo của đại dương nhất là những rạn san hô đủ sắc màu, tôi chợt nghĩ làm cách nào đưa cả những người không biết bơi xuống đáy biển nhìn thấy cảnh này, tôi sẽ thành công. Và thế là tôi đi tìm công nghệ.

Tôi đi tìm giải pháp trong suốt 2 năm trời, và công nghệ seawalker là một câu trả lời hoàn hảo. Tôi thành lập Namaste để mua tàu, nhập thiết bị, nghiên cứu kỹ thuật tác nghiệp cũng như bắt đầu nghiên cứu kỹ thuật nuôi trồng san hô. Sau đó tôi mang tàu đến Phú Quốc thực nghiệm và được cấp phép hoạt động vào tháng 10/2017.

CEO Namaste: Người trồng “hoa” dưới đáy biển - Ảnh 1.

Vậy sứ mệnh mà anh tìm thấy chính là đưa mọi người xuống đáy biển chiêm ngưỡng vẻ đẹp của đại dương?

Khi đi sâu vào tìm hiểu, tôi phát hiện sự biến đổi khí hậu Eninol làm nước biển nóng lên gây ra hiện tượng tẩy trắng san hô. Nghiêm trọng nhất vào năm 2010, Phú Quốc mất đi gần 60% mật độ ở các rạn san hô. Tôi nhận ra khôi phục các rạn san hô tự nhiên là sứ mệnh mà tôi đang tìm kiếm và thực sự đam mê nó. Khi thấy một khu vực biển được tái tạo, sinh vật theo nhau về trú ngụ tôi cảm thấy sung sướng hơn bất cứ thứ gì. Cảm thấy mình được sống, được cống hiến cho xã hội và đó là động lực thôi thúc tôi thành lập dự án Công viên san hô Phú Quốc được Hiệp hội Kỷ lục Việt Nam chứng nhận là Công viên san hô đầu tiên của Việt Nam.

Chúng tôi ra mắt Công viên san hô và đưa con tàu SEAWORLD NAMASTE đầu tiên phục vụ du khách tại Phú Quốc từ tháng 1/2018 với diện tích đáy biển 10.000m2, có gần 200 loài san hô cùng hàng trăm loài cá, sinh vật biển và một vườn ươm phục hồi san hô trong diện tích 9.000 m2.

Giống như là anh đang trồng "hoa" dưới biển. Vậy anh tham gia Shark Tank Việt Nam để gọi vốn đầu tư mở rộng dự án công viên san hô, phục hồi được nhiều diện tích san hô hơn?

Vâng. Dự án Quần thể công viên san hô Phú Quốc đã được Ủy ban tỉnh Kiên Giang chấp thuận chủ trương. Quần thể hợp thành từ công viên san hô hiện tại với 3 công viên san hô tái tạo mới. Số tiền đầu tư cho môi trường sẽ là gần 15 tỷ đồng, với mục tiêu phục hồi 40 ha rạn san hô, làm vườn ươm và vùng lõi để nhân giống nguyên liệu phục hồi các vùng biển khác trong khu vực Phú Quốc.

Tiền là mục tiêu thứ yếu để đảm bảo quyền lợi cho cổ đông khi góp vốn góp vào Namaste. Điều tôi quan tâm nhất là hệ sinh thái, quan hệ, kinh nghiệm của các Shark. Sức ảnh hưởng cộng đồng của các Shark sẽ giúp tôi nhanh chóng mở rộng quy mô cũng như lan tỏa tầm quan trọng của việc tái tạo môi trường tự nhiên và từ đó hướng tới một mô hình kinh doanh hoàn chỉnh có lợi cho thiên nhiên, có lợi cho cộng đồng và có lợi cho doanh nghiệp. Vì một phần doanh thu từ hoạt động kinh doanh hàng năm sẽ được trích ra để tái đầu tư vào môi trường.

CEO Namaste: Người trồng “hoa” dưới đáy biển - Ảnh 2.

Nghe nói anh đã đầu tư một con tàu mới với số tiền tới 4 triệu USD?

Hiện tại tôi phải khống chế số lượng khách, nhiều khi phải từ chối nhận thêm khách để đảm bảo môi trường sống và cảnh quan công viên san hô. Vậy nên tôi muốn nhân rộng mô hình. Việc tái tạo các khu vực biển khác để hợp thành quần thể công viên san hô cũng sẽ đón nhiều du khách hơn. Nên tôi đầu tư thêm du thuyền NAUTILUS NAMASTE dự kiến ra khơi quý 4 năm 2021. Đây sẽ là tổ hợp giải trí biển hiện đại bậc nhất Việt Nam, có thể tự tin so sánh với các cơ sở cùng ngành ở Đông Nam Á.

CEO Namaste: Người trồng “hoa” dưới đáy biển - Ảnh 3.

Ngoài việc yêu biển và đam mê bảo vệ môi trường tự nhiên nhất là san hô thì anh cũng là một doanh nhân. Anh có câu nào tâm đắc về quan điểm sống, quan điểm kinh doanh không?

Rạn san hô là ngôi nhà chung của các loại sinh vật biển. Khi ta nhìn cá biển dưới góc độ thực phẩm thì giá trị rất thấp, chỉ vài chục vài trăm nghìn đồng nhưng nếu nhìn ở góc độ du lịch nó lớn hơn gấp ngàn lần. Du khách sẽ cảm thấy thế nào khi được bơi cùng đàn cá trong môi trường trong sạch? Tôi tin rằng sẽ có nhiều người sẵn sàng trả giá rất cao cho trải nghiệm đó.

Có những khoảng khắc mà mọi lo toan, mất mát sẽ lắng xuống trong sự thảnh thơi và yên bình khi ta hoà mình hoàn toàn vào thiên nhiên.

Xin cảm ơn anh!

Ánh Dương

Từ khóa:  kinh doanh
Cùng chuyên mục
XEM