CEO một công ty du lịch chỉ ra điều du khách sợ nhất khi đến Việt Nam: Ai cũng sợ móc túi và an toàn thực phẩm! Họ thừa hiểu người Việt thân thiện nhưng chỉ là thân thiện miệng thôi!

19/10/2018 21:00 PM | Kinh doanh

“Nếu chúng ta không nhìn nhận kỹ lại thì các công ty nước ngoài vào chiếm hết thị phần của chúng ta và người Việt Nam sẽ không có cơ hội”, ông Trần Văn Long – Tổng giám đốc Công ty CP Truyền Thông Du lịch Việt thẳng thắn nhìn nhận.

Làm ăn chộp giật là vấn đề nhức nhối trong ngành dịch vụ du lịch Việt Nam

Theo ông Long, du lịch Việt Nam thời điểm này ghi nhận lượng khách tăng trưởng đột biến nhưng phần lớn là phát triển theo tự nhiên là nhiều. Nếu thẳng thắn nhìn nhận thì du lịch Việt Nam còn thua xa Thái Lan. Thái Lan đón lượng khách nước giàu có đến rất nhiều, còn ở Việt Nam các nước giàu đến khá ít. Trong khi đó, các điểm du lịch ở Việt Nam đâu có thua gì Thái Lan, thậm chí nước ta có nhiều danh thắng còn đẹp hơn hẳn Thái Lan.

"Cái vướng ở đây là cơ chế, dịch vụ du lịch ở nước ta chưa vững, nhiều cái đắt đỏ hơn khi vực", ông Long khẳng định.

Theo vị CEO này, chính sự quản lý chưa tốt nên dù thắng cảnh du lịch Việt Nam rất đẹp nhưng cũng tan nát dần, ảnh hưởng đến yếu tố văn hóa, sản phẩm du lịch. Trong đó, cách làm ăn chộp giật là vấn đề nhức nhối nhất trong dịch vụ hiện nay. Rất nhiều  công ty du lịch làm ăn kiểu "tầm bậy", một con sâu làm giàu nồi canh nhưng các nhà quản lý lại không xử lý triệt để được điều này, ảnh hưởng đến uy tín ngành du lịch. 

"Nhiều du khách nước ngoài đến Việt Nam sợ nhất 2 điều đó là an ninh và môi trường. Ai cũng sợ móc túi và vấn đề an toàn thực phẩm. Họ thừa hiểu người Việt Nam thân thiện nhưng chỉ là thân thiện miệng thôi", ông Long thẳng thắn.

Ông Long cho rằng, bên cạnh những ưu điểm thì du lịch Việt Nam còn tồn tại những bất cập, trong đó nổi bật như: Vấn đề nhân sự, việc chuyên nghiệp hóa đội ngũ nhân sự chưa làm đến nơi, thậm chí lộn xộn. Bên cạnh kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ thì chất lượng nhân sự còn thể hiện ở năng khiếu, cách giao tiếp với khách hàng…

Ngoài ra, cơ chế cho ngành du lịch còn bất cập. Theo ông Long, cái nào tháo được cho ngành thì nhà nước nên tháo, còn cái nào siết thì siết cho chặt lại không nên nửa vời sẽ khiến ngành dịch vụ du lịch lộn xộn, tạo cơ hội cho nhiều đối tượng làm ăn không đàng hoàng, ảnh hưởng đến uy tín ngành nói chung. 

Bên cạnh đấy, các sản phẩm du lịch tại Việt Nam chưa cụ thể hóa, muốn du lịch phát triển được thì phải có sản phẩm đặc thù. Khách đến Việt Nam du lịch không chỉ để tham quan thắng cảnh, mà họ cần sự khác biệt rõ nét. Chẳng hạn, cái nhỏ nhất như món ăn thôi thì không nên đưa thực đơn quá nhiều món mà không món nào ra món nào. Phải biết đầu tư vào những món ăn tạo ra đặc thù riêng cho nền văn hóa Việt.

Du lịch trực tuyến khó cạnh tranh lại với nước ngoài

CEO của Công ty CP Truyền Thông Du Lịch Việt thừa nhận, ngành du lịch trực tuyến đang lên ngôi nhưng nếu chúng ta không biết nhìn nhận lại kỹ thì các công ty nước ngoài sẽ vào chiếm hết thị phần của chúng ta và người Việt Nam không còn cơ hội.

Theo ông Long, mấy ông online trực tuyến nước ngoài không phải nộp thuế cho nhà nước. Trong khi, thời điểm này phần lớn du khách quốc tế vào Việt Nam đều sử dụng dịch vụ của các sàn du lịch trực tuyến nước ngoài, thậm chí ngay cả khách du lịch nội địa cũng sử dụng dịch vụ của các sàn du lịch trực tuyến nước ngoài thay vì Việt Nam.

CEO một công ty du lịch chỉ ra điều du khách sợ nhất khi đến Việt Nam: Ai cũng sợ móc túi và an toàn thực phẩm! Họ thừa hiểu người Việt thân thiện nhưng chỉ là thân thiện miệng thôi! - Ảnh 1.

Nếu chúng ta không biết nhìn nhận lại kỹ thì các công ty nước ngoài sẽ vào chiếm hết thị phần của chúng ta và người Việt Nam không còn cơ hội.,

"Các công ty trong nước bức xúc lắm nhưng không làm gì được. Nếu chúng ta có đầu tư trang trực tuyến bán hàng thì cũng không cạnh tranh nỗi lại với mấy ông nước ngoài. Nhà nước chúng ta nếu không có những bước ngăn chặn thì ngành du lịch trực tuyến của Việt Nam khó mà phát triển", ông Long khẳng định.

Hiện tại, ngành du lịch trực tuyến ở Việt Nam vẫn chấp nhận cạnh tranh nhưng ở một mức độ nào đó. Chẳng hạn, cạnh tranh bằng cách cung cấp dịch vụ để họ cho mình mức giá riêng. Còn nếu nói về sự cạnh tranh công bằng trên thương trường rất khó vượt qua nước ngoài. Theo ông Long, thực tế việc quản lý không khó, nếu các trang trực tuyến nước ngoài vào Việt Nam thì phải theo server của Việt Nam, chúng ta cải tiến lại tính pháp lý từ đó tạo tính cạnh tranh lành mạnh.

"Ngoài ra, các công ty trực tuyến tại Việt Nam nếu biết làm thì không cần quá nhiều. Vì nếu nhiều sẽ cạnh tranh và bị rối. Bản thân các doanh nghiệp trực tuyến Việt nên biết liên kết với nhau, đồng hành với nhau, nếu cứ mạnh ai người đó làm như hiện nay thì rất rời rạc và không đủ sức cạnh tranh với trực tuyến nước ngoài", ông Trần Văn Long nhấn mạnh.

Phương Nga

Cùng chuyên mục
XEM