CEO Lux Group: Du thuyền trở thành xu thế mới của khách du lịch nội địa trong 2 năm đại dịch
Nhìn lại những dấu mốc và khoảng thời gian khó khăn của ngành du lịch lữ hành trong 2 năm qua, Chủ tịch HĐQT Lux Group đã có những đánh giá khách quan nhất về xu hướng dịch chuyển của du khách Việt Nam.
2020 và 2021 liên tiếp là 2 năm thử thách, vất vả của ngành du lịch lữ hành. Không ít những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đã phải chấp nhận đóng cửa hoặc chuyển sang một lĩnh vực kinh doanh chẳng-liên-quan như làm hoa cúng, bán thực phẩm… để “cứu” chính họ. Nhiều nhân sự tài năng đã phải nói lời tạm biệt và xin làm những công việc khác để trang trải cuộc sống. Ngồi trò chuyện cùng với chúng tôi trong những ngày này, anh Phạm Hà, Chủ tịch HĐQT Lux Group đã có những trải lòng chân thật nhất về những khó khăn và cả những cơ hội bất ngờ trong một khoảng thời gian dài “sống chung” với đại dịch.
Lux Group đã hoạt động ra sao trong 2 năm “chèo chống” cùng đại dịch Covid, thưa anh?
Một trong những sản phẩm chủ yếu của chúng tôi là du thuyền. Tôi phải nói thật, nhờ có Covid, khách Việt mới chuyển hướng quan tâm đến du thuyền bởi trước kia, nhắc tới du thuyền là nhắc tới trải nghiệm nghỉ dưỡng của riêng khách hàng nước ngoài mà thôi. Thật thú vị vì du thuyền trở thành xu thế mới của khách du lịch nội địa!
Nói đi cũng phải nói lại, chi phí cho 2 ngày 1 đêm trên du thuyền trước kia khá cao và gout du lịch của người Việt mình vốn thích chọn khách sạn cao tầng, resort danh tiếng... Tuy nhiên, mùa hè 2020 chính là thời điểm làn sóng đi du thuyền nở rộ, minh chứng là du thuyền Heritage của chúng tôi “full slot”. Điều này chứng tỏ người Việt mình không phải không có khả năng chi trả, thậm chí còn sử dụng thêm nhiều các dịch vụ khác trên du thuyền như massage, bar.
Đáp ứng nhu cầu này, chúng tôi luôn cố gắng làm tốt “phần cứng” (bảo trì du thuyền) và “phần mềm” (các dịch vụ trên du thuyền) để người người, nhà nhà đi du thuyền Việt Nam như giấc mơ năm xưa của doanh nhân Bạch Thái Bưởi năm xưa: “Người Việt Nam đi tàu Việt Nam”.
Trên thực tế, nhiều người vẫn giữ quan niệm du thuyền là một hình thức du lịch khá xa xỉ. Anh nghĩ thế nào về điều này?
Tôi cho rằng mối bận tâm ấy chính là động lực thôi thúc họ lựa chọn du thuyền, không đi bây giờ thì tới bao giờ? Khi đại dịch có dấu hiệu hạ nhiệt, đường bay quốc tế mở lại, chi phí cho du lịch sẽ trở về giá cũ, tăng gấp đôi, gấp ba. Càng tò mò về sự sang trọng, con người ta càng có lí do để lựa chọn du thuyền - một hình thức du lịch an toàn, gần gũi với thiên nhiên, kết nối con người.
Trong sang trọng có nhiều kiểu khách hàng khác nhau, trong đó có những khách hàng lần đầu khám phá sự sang trọng, hoặc những người có nhu cầu đặc biệt, muốn tổ chức đám cưới, cầu hôn… trên du thuyền, hoặc những người bản thân đã ở biệt thự, đi xe sang nên du lịch sang trọng là điều hiển nhiên. Ở nước ngoài, nhà nào gần vịnh, gần biển đều có du thuyền riêng nhưng ở Việt Nam, đi du thuyền nhiều khi là trải nghiệm đầu tiên trong cuộc đời của nhiều người. Dễ thấy, phong cách đi du thuyền của nhiều bạn trẻ là chụp nhiều ảnh rồi “up” luôn ảnh trên Facebook, Instagram để khoe với bạn bè.
Những bức ảnh ”sống ảo” như vậy phải chăng là sự hào nhoáng không kéo dài và ủng hộ một lối sống mơ mộng, vô nghĩa?
Cá nhân tôi luôn phân biệt con người ta luôn có 2 cuộc sống: cuộc sống đời thật và cuộc sống ảo để khoe hôm nay ăn tại nhà hàng cao cấp, nghỉ ở resort 5 sao… Vì một mục đích nào đó, họ muốn thể hiện cái tôi cá nhân trên một khu vực MXH nhất định của họ. Điều đó không có gì là sai trái cả, chúng ta nên tôn trọng cuộc sống của người khác.
Theo quan sát của tôi, phần lớn khách hàng đến với du thuyền là những người có gu thẩm mĩ cao, có học thức, biết sống, biết tận hưởng và thường là type người ít khoe những điều đó.
Anh nhận xét ra sao về tệp khách hàng trẻ tuổi hiện nay?
Người trẻ học thức cao, kết hôn muộn, ngày càng đông - bản thân tôi đánh giá họ là một phân khúc tốt cho du lịch Việt Nam. Tôi biết có nhiều bạn chọn du thuyền lần một để khám phá, những lần thứ hai, thứ ba sau đó họ đi để trải nghiệm với các đối tượng khác nhau, nhu cầu khác nhau trong các mùa khác nhau.
Là một người làm dịch vụ, chúng tôi cũng phải nghiên cứu nhu cầu khách hàng để đưa ra những sản phẩm phù hợp. Chẳng hạn, ở con tàu Emperior, chúng tôi chỉ xây 10 phòng để du khách có nhiều không gian riêng nhất có thể, còn ở Heritage, chúng tôi biến hóa con tàu với nhiều khu vực chức năng như bể bơi, không gian nghỉ dưỡng, không gian kết nối (thiên nhiên, nghệ thuật, con người). Nhu cầu của người trẻ bây giờ, trên thực tế, cũng đa dạng hơn những thế hệ trước.
MXH cũng làm cho nhu cầu của con người thay đổi theo thời gian, các KOL định hình phong cách giới trẻ. Cái hay trong phong cách du lịch của người Việt là chỉ cần một bông hoa đẹp, họ sẽ tới nơi trồng bông hoa ấy bằng được. Hơn nữa, người trẻ ngày càng điều khiển tốt 4 khía cạnh: sức khoẻ, mối quan hệ, tài chính, việc hoàn thành các mục tiêu trong cuộc sống tạo nên hàm tổng của hạnh phúc.
Tuy nhiên, anh có lo sợ nhu cầu của khách hàng thay đổi 100% sau đại dịch không?
Về cơ bản, nhu cầu của con người luôn luôn thay đổi, có những cái mới được sinh ra hoàn toàn, cũng có những cái từ cũ đi lên. Du lịch không còn là mộng tưởng nữa mà là sự tất yếu của cuộc sống, giúp tái tạo lại sức lao động, và tinh thần. Nhiều người còn hiển nhiên xếp nó là nhu cầu cần thiết như cơm ăn nước uống. Người Việt không còn làm tới chết mà làm để sống với mỗi giây phút trong cuộc đời, đi đây đi đó, dần biết cách hưởng thụ hơn thay vì làm để tích cóp tiền cho thế hệ sau.
Ngành du lịch lữ hành chúng tôi vì thế cũng phải đáp ứng nhu cầu ngày càng đổi mới của du khách. Nhưng một khi du khách yêu thích một nơi nào đó, họ vẫn đi lại thôi. Chi phí du lịch hiện tại với người Việt bây giờ, theo chúng tôi tính toán, một ví dụ với du thuyền của chúng tôi, chưa thể bằng giá ban đầu.
Trong kinh doanh, dòng tiền quan trọng hơn lợi nhuận nên chúng tôi mới có thể mạnh dạn giảm giá tới 40-50% cho người Việt - nhưng không có nghĩa doanh nghiệp lãi như vậy đâu. Chúng tôi hi vọng vẫn sẽ được tiếp đón nhiều khách Việt trong tương lai sau khi họ đã trải nghiệm dịch vụ của mình rồi. Mùa hè người Việt đi nghỉ dưỡng là mùa thấp điểm của khách du lịch nước ngoài, vì thế chúng tôi sẽ có những chiến lược phù hợp với từng kiểu khách hàng.
Điều mà anh tiếc nuối nhất trong giai đoạn vừa qua là gì?
Covid-19 không tiếng súng nhưng có sức tàn phá, chết chóc như chiến tranh thế giới thứ 3. Tôi thậm chí gọi tên đó đúng là một ma trận bắt con người phải xoay sở, hi sinh. Khoảng 200 nhân sự của doanh nghiệp chúng tôi tuy có phải giảm đi phần nào nhưng lãnh đạo vẫn phải họp bàn để giữ được “key person” giúp vận hành doanh nghiệp trơn tru nhất có thể trong giai đoạn khó khăn. Nói trắng ra, để có thể bật dậy sau đại dịch, lãnh đạo chúng tôi cũng phải 3 “kiên”: kiên tâm - kiên định - kiên cường (cười).
Trong 2 năm qua, nhân sự trong ngành gần như đã chuyển sang hết nghề khác rồi nên để tìm được nhân sự có năng lực, cực kì khó đấy! Nếu trả cho họ lương rất cao thì doanh nghiệp hiện không có khả năng, doanh thu chưa cao. Mà những người có kĩ năng tốt chưa chắc đã quay về bởi quay về vào thời điểm hiện tại chưa thấy rõ được tương lai ra sao. Đó là một cái tiếc!
Anh đã ấp ủ những dự định gì trong tương lai sắp tới đây, thưa anh?
Trong năm tới, mục tiêu của doanh nghiệp chúng tôi nói riêng là phục hồi lữ hành còn năm 2023 mới tiến tới mục tiêu phát triển nhưng “bức tranh lớn” còn phụ thuộc phần nhiều vào các kế hoạch của chính phủ. Tệp khách hàng của chúng tôi vẫn là khách trung - cao cấp. Trong 2 năm bị ảnh hưởng bởi Covid, doanh nghiệp của chúng tôi chưa dừng lại một ngày nào, vẫn kết nối thường xuyên với khách hàng với một hi vọng tươi sáng ở phía trước. Chúng tôi cũng đang ấp ủ những dự định ra mắt những sản phẩm mới ở vùng biển phía Nam để chứng tỏ sự linh hoạt của một doanh nghiệp thời đại 4.0.
Cám ơn anh về cuộc trò chuyện và chúc anh một năm mới an khang thịnh vượng!
Nội dung: Ninh Linh
Ảnh: Duy Anh
Thiết kế: Kim Trang