CEO Lei Jun nói gì về tương lai của Xiaomi, sau khi giá trị vốn hóa bốc hơi 6 tỷ USD trong 3 ngày?
CEO Lei Jun tỏ ra rất lạc quan, mặc dù các cổ đông đua nhau bán tháo cổ phiếu của Xiaomi.
Sau khi giá trị vốn hóa của Xiaomi bốc hơi hơn 6 tỷ USD chỉ trong vòng 3 ngày, Bloomberg đã có cuộc phỏng vấn với nhà sáng lập kiêm CEO Lei Jun, để đặt câu hỏi về tình hình hiện tại và tương lai của Xiaomi sẽ ra sao. Thật bất ngờ khi vị giám đốc điều hành này tỏ ra khá bình tĩnh.
“Tại Trung Quốc, tỷ lệ smartphone trên số lượng người dùng đang tăng rất cao”, CEO Lei Jun cho biết. Ông thừa nhận rằng thị trường Trung Quốc đang trở nên bão hòa. Số lượng người đã sở hữu một hoặc thậm chí từ hai chiếc smartphone trở lên đã tăng cao, do đó nhu cầu mua sắm smartphone mới của họ không còn cao nữa.
Trung Quốc không còn là thị trường tiềm năng nhất của Xiaomi
Đây là tình trạng khó khăn mà ngay cả Apple và Samsung cũng đang phải đối mặt. Và dường như không có cách giải quyết. Bởi đó là xu hướng tất yếu của thị trường, khi đã đạt đến đỉnh cao thì sẽ phải sang sườn dốc bên kia.
Đó là lý do mà CEO Lei Jun cho rằng Trung Quốc sẽ không còn là thị trường tiềm năng nhất đối với Xiaomi nữa. Tuy nhiên, ông cũng tiết lộ rằng Xiaomi sẽ không tham gia vào thị trường Mỹ, ngay cả khi đây là nền kinh tế rất lớn và ít khi bị suy yếu. Nguyên nhân có thể là do cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, và hàng rào thuế quan áp đặt lên các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc.
Ông Lei Jun cho biết, mục tiêu lớn nhất của Xiaomi sắp tới chính là thị trường Châu Âu. Đây được đánh giá là một trong những thị trường khó tính nhất thế giới, tuy nhiên lại có rất nhiều tiềm năng phát triển đối với các nhà sản xuất smartphone Trung Quốc.
Huawei là một minh chứng cho việc thành công tại Châu Âu và từ đó tạo bàn đạp để trở thành nhà sản xuất lớn thứ 2 thế giới (vượt mặt cả Apple). Còn đối với Xiaomi, báo cáo của Strategy Analytics trong Q1/2018 cho thấy doanh số smartphone tại Châu Âu tăng trưởng gần 1.000%.
Trong bối cảnh thị trường Trung Quốc bão hòa, thị trường Mỹ gặp khó khăn do chiến tranh thương mại, thị trường mới nổi như Ấn Độ bị chi phối về giá cả, thì Châu Âu lại chính là thị trường sáng giá và tiềm năng nhất.
Cách đây không lâu, Xiaomi đã đăng ký một loạt các thiết bị của mình để bán tại Châu Âu. Trong đó có cả Mi MAX 3 và thương hiệu smartphone POCOPHONE. Trong khi một số chiếc smartphone đã đang được bán tại đây là Mi A2, Mi A2 Lite và Mi 8.
Smartphone 5G sẽ hấp dẫn người dùng, vực dậy thị trường ảm đạm
CEO Lei Jun cũng lạc quan cho rằng thị trường smartphone Trung Quốc sẽ sớm tăng trưởng trở lại. “Tôi nghĩ rằng chúng ta đang đứng trước một kỷ nguyên mới, đó chính là 5G. Những chiếc điện thoại 5G sẽ hấp dẫn người dùng và giúp thị trường tăng trưởng trở lại”, ông Jun chia sẻ.
Các nhà sản xuất smartphone và các nhà mạng lớn trên thế giới đang nói rất nhiều về 5G. Tại Triển lãm Điện tử Tiêu dùng CES 2019 vừa qua, smartphone 5G cũng đã hiện diện tại gian hàng của Samsung. Nhưng trên thực tế chúng ta vẫn chưa được thấy cách thức hoạt động của mạng 5G, cũng như chưa hình dung được công nghệ mới này sẽ có tốc độ nhanh như thế nào trong thực tế.
Tất cả mới chỉ là sự khởi đầu, do đó mà thị trường smartphone cũng chưa có bất kỳ sự phản hồi nào trước xu hướng công nghệ mới này. Nếu như 5G thực sự tuyệt vời như lý thuyết, người dùng sẽ sẵn sàng từ bỏ chiếc smartphone cũ của họ để nâng cấp lên một thiết bị mới hơn. Chắc chắn nhu cầu sẽ tăng cao và giúp thị trường smartphone sôi động trở lại.
Xiaomi cũng sẽ hướng đến dịch vụ
CEO Lei Jun cho biết: “Công nghệ 5G sẽ không chỉ hồi sinh nhu cầu nâng cấp smartphone mới, mà còn mở ra một cánh cửa mới cho các dịch vụ internet. Chúng tôi có một nền tảng khoảng 220 triệu người dùng trên toàn thế giới, cung cấp các dịch vụ trực tuyến như nghe nhạc, xem phim và nhiều thứ khác nữa”.
Với kết nối mạng 5G, trên lý thuyết tốc độ tải dữ liệu có thể đạt 1Gb/s. Đồng nghĩa với việc bạn có thể tải một bộ phim FullHD chỉ trong vài giây. Do đó công nghệ 5G sẽ hỗ trợ tuyệt vời cho các dịch vụ trực tuyến, qua mạng internet không dây.
Xu hướng phát triển dịch vụ dựa trên nền tảng khách hàng sử dụng thiết bị phần cứng của mình là xu hướng tất yếu. Ngay cả Apple cũng đã bắt đầu chạy theo xu hướng dịch vụ và đang tiếp tục mở rộng trong bối cảnh doanh số iPhone ngừng tăng trưởng.
Việc các cổ đông của Xiaomi bán tháo cổ phiếu sau khi hết hạn 6 tháng không được giao dịch kể từ khi IPO, là động thái bình thường để chốt lời khi mà tỷ suất lợi nhuận họ đạt được đã rất cao (khoảng 500% nếu rót vốn vào Xiaomi từ năm 2010).
Việc bán tháo này thực tế không ảnh hưởng nhiều đến việc kinh doanh của Xiaomi. Trong khi khó khăn mà Xiaomi gặp phải cũng là khó khăn chung của các nhà sản xuất smartphone khác. Đó là những lý do mà CEO Lei Jun tỏ ra lạc quan vào tương lai của Xiaomi.