CEO Kymviet: Từng bị chặn lại dúi cho vài đồng tiền lẻ khi ra đường, không kinh doanh nhờ vào lòng thương cảm!

06/04/2022 13:00 PM | Sống

“Ra ngoài xã hội, cứ nhìn thấy người khuyết tật là phải đáng thương, là đối tượng để nhận hỗ trợ, là đối tượng ăn bám, không làm gì cho gia đình và xã hội. Tư tưởng đó rất nguy hiểm cho người khuyết tật và cả với cộng đồng nữa,” anh Phạm Việt Hoài chia sẻ.

Anh Phạm Việt Hoài (SN 1973) - Chủ tịch HĐQT Công ty Kym Việt - cởi chiếc mũ lưỡi trai và chào đón chúng tôi sau khi vừa tất bật chạy chiếc xe lăn của mình từ Phường về lại quán Cafe Kymviet.

CEO Kymviet: Từng bị chặn lại dúi cho vài đồng tiền lẻ khi ra đường, không kinh doanh nhờ vào lòng thương cảm!  - Ảnh 1.

Không gian 450m2 này chính là một phần trong hệ sinh thái quán cafe, phân xưởng và khu trải nghiệm giáo dục mà anh Hoài xây dựng nên để tạo công ăn việc làm cho người khuyết tật. Gặp tai nạn “thập tử nhất sinh” khi lên 7 tuổi, điều trị qua nhiều năm mặc dù không đi lại được nhưng anh Hoài chưa lúc nào vơi niềm tin vào cuộc sống. Hiện nay vẫn điều hành một doanh nghiệp tạo tác động xã hội với lao động chính là người khuyết tật sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ vô cùng được lòng nhiều công ty lớn, các cá nhân và tổ chức trong và ngoài nước. Covid19 đã làm giảm doanh thu của doanh nghiệp anh đến hơn 60%, nhưng mọi khoản tiền lương của người khuyết tật làm tại đây vẫn được anh đảm bảo không thiếu tháng nào.

Định kiến khó xóa bỏ về người khuyết tật

Trước khi điều hành xưởng thủ công mỹ nghệ, thì anh đã từng thử qua các công việc gì?

Trước đây, tôi đã thử kinh doanh rất nhiều thứ khác nhau, ví dụ như cửa hàng đĩa phần mềm, thậm chí từng được Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Hoàng Văn Nghiên tặng bằng khen năm 2002. Sau đó tôi còn làm cả hàng rào bê tông của Nga, bán các thiết bị công nghiệp. Sau một thời gian dài thì tôi mở ra được Kymviet này. Lí do là bởi bản thân tôi là người khuyết tật, xung quanh cũng quen biết nhiều bạn khuyết tật như mình. Thật ra đối với cá nhân thì tôi hoàn toàn có thể chủ động được về mặt kinh tế, nhưng nhìn lại thì cộng đồng người khuyết tật vẫn còn loay hoay, vất vả trong lúc tìm việc. Đó là cái mục tiêu là tôi theo đuổi khi tạo ra một không gian cho người khuyết tật, một môi trường mà họ tự tin, họ cảm thấy có thể làm được tất cả mọi việc. 

CEO Kymviet: Từng bị chặn lại dúi cho vài đồng tiền lẻ khi ra đường, không kinh doanh nhờ vào lòng thương cảm!  - Ảnh 2.

Vậy là anh đã thành lập Kymviet vì nghĩ cho người khuyết tật?

Trong tư duy văn hóa của người Á Đông, cho rằng người khuyết tật luôn cần có sự bao bọc bởi họ là người gánh nạn cho gia đình, là người chịu rất nhiều thiệt thòi nên cần được ưu ái. Tâm lý ấy biến người khuyết tật trở thành những người thừa thãi trong chính gia đình của họ. 

Rồi người ta bị bó buộc trong suy nghĩ: Ra ngoài xã hội, cứ nhìn thấy người khuyết tật là phải đáng thương, là đối tượng để nhận hỗ trợ, là đối tượng ăn bám, không làm gì cho gia đình và xã hội. Tư tưởng đó rất nguy hiểm cho người khuyết tật và cả với cộng đồng nữa. Kể cả khi đi xin việc, dù bạn có tài giỏi thế nào thì hồ sơ của bạn vẫn bị gạt bỏ vì bạn đơn giản là người khuyết tật. Bản thân tôi ra ngoài đường vẫn bị người ta chặn lại dúi cho 5.000 đồng, 10.000 đồng, có lần cho cả 100.000đ, hay bất cứ đồng tiền nào họ móc được trong túi ra. Họ không cần biết là tôi làm gì, tôi là ai, họ chỉ nghĩ: “Anh đang ngồi xe lăn, nghĩa là anh phải khổ, anh đáng thương, thế thôi!"

Nên tôi và Kymviet muốn chứng minh được rằng người khuyết tật hoàn toàn có thể tạo ra những giá trị tốt đẹp cho xã hội!

CEO Kymviet: Từng bị chặn lại dúi cho vài đồng tiền lẻ khi ra đường, không kinh doanh nhờ vào lòng thương cảm!  - Ảnh 3.

Xuất phát từ 2 mong muốn chính: một là tạo công ăn việc làm cho người khuyết tật và hai là thay đổi quan niệm của cộng đồng về nhóm người này, anh Hoài đã thành công xây dựng được nên hệ sinh thái quán cafe, phân xưởng và khu trải nghiệm giáo dục với nhiều địa chỉ tại TP Hà Nội.

Mô hình xưởng sản xuất và quán cafe của anh sử dụng rất lao động chính là người điếc, người khiếm thính. Khó khăn khi làm việc với họ là gì? 

Người bình thường không cần biết là cộng đồng người điếc, người khiếm thính họ muốn cái gì. Họ những tưởng cách gọi xưa nay - người khiếm thính - là cách gọi tế nhị.

CEO Kymviet: Từng bị chặn lại dúi cho vài đồng tiền lẻ khi ra đường, không kinh doanh nhờ vào lòng thương cảm!  - Ảnh 4.

Nhưng trên thực tế, cộng đồng những người có khiếm khuyết về thính giác được chia ra làm 2 loại: 1 là khiếm thính, tức là những người vẫn còn có khả năng nghe chút ít, có thể là họ được cấy ốc tai, khi nói to là vẫn nghe thấy được, 2 là người điếc, hoàn toàn không có khả năng về thính giác. Do đó, nếu người điếc được gọi là người khiếm thính, họ sẽ không cảm thấy được tôn trọng. Với họ, khiếm thính chính là khiếm nhã. Chính Nguyễn Thúy Đoan - Á hậu 2 Hoa hậu Thế giới người Điếc thế giới 2015 cũng đã từng phải thốt lên “Tôi là Á hậu điếc, đừng gọi tôi là Á hậu khiếm thính”. Ngày xưa chính tôi cũng đã từng bị ném đá gay gắt khi nhầm lẫn giữa hai cụm từ này.

CEO Kymviet: Từng bị chặn lại dúi cho vài đồng tiền lẻ khi ra đường, không kinh doanh nhờ vào lòng thương cảm!  - Ảnh 5.
CEO Kymviet: Từng bị chặn lại dúi cho vài đồng tiền lẻ khi ra đường, không kinh doanh nhờ vào lòng thương cảm!  - Ảnh 6.

Cô nhân viên phục vụ là người điếc đang hướng dẫn cách sử dụng ngôn ngữ kí hiệu để nói lời: “Cảm ơn!”.

CEO Kymviet: Từng bị chặn lại dúi cho vài đồng tiền lẻ khi ra đường, không kinh doanh nhờ vào lòng thương cảm!  - Ảnh 7.

Khách hàng đến với Kymviet Cafe sẽ được trải nghiệm quy trình gọi đồ uống và thanh toán mà hoàn toàn không cần sử dụng đến lời nói.

Kinh doanh không vì sự thương cảm

Mô hình người khuyết tật làm đồ thủ công mỹ nghệ đã không còn xa lạ và có từ khá lâu rồi, điều gì khiến anh nghĩ mình sẽ thành công?

Tôi nói hẳn là tôi không thể cạnh tranh được với hàng Trung Quốc, nếu nói về mặt giá. Để cạnh tranh được, đưa sản phẩm và để cho khách hàng chấp nhận thì phải đưa cái sản phẩm để khách hàng làm sao thấy được nó xứng đáng. Nó phải tinh tế, phải đạt được nhiều tiêu chí đã đặt ra.

CEO Kymviet: Từng bị chặn lại dúi cho vài đồng tiền lẻ khi ra đường, không kinh doanh nhờ vào lòng thương cảm!  - Ảnh 8.

Để đảm bảo tôi không “treo đầu dê bán thịt chó”, từ 2015, ít nhất là trên cái tem tôi đã có chữ sản phẩm đạt tiêu chuẩn QUACERT của Tổng cục cấp phép, không đạt thì phải thu hồi sản phẩm. Vậy không có nghĩa lý gì mà không tin tưởng cả. Cứ 6 tháng 1 lần, chuyên gia lại đến thẩm định kĩ càng xem sản phẩm có an toàn cho người sử dụng không. Tôi tự nhận thấy đây là điều hiếm có cơ sở sản phẩm thủ công nào hiện nay có được.

Thứ gì khiến anh nghĩ doanh nghiệp của mình có thể nổi bật trên thị trường, thay vì dựa vào sự thương cảm của người dùng?

Nó sẽ dựa vào một số tiêu chí về mẫu mã, màu sắc và những thiết kế hoàn toàn là của Kymviet tự thiết kế, tự nghĩ ra được mà không bên nào có được.

Năm bên tôi thiết kế ra linh vật con lợn cho năm mới thì ngay lập tức mấy ngày sau có hàng giả, họ bán với giá cực rẻ chỉ 50-60.000/con, trong khi hàng tôi bán phải 150.000/con. Tôi lặn lội đi tìm cơ sở nào sản xuất để thương lượng nhưng không tài nào tìm ra. Chỉ còn cách đến nơi bán sản phẩm thú bông đó, đưa cho họ sản phẩm của mình và cố gắng thuyết phục họ đồng ý. May sao từ đó họ cũng không bán nữa.

Tôi cũng tự tay mua hàng giả đó về, sau đó đặt lại cùng so sánh với sản phẩm thật mình nghĩ ra, thì ngẫm thấy vừa vui vừa buồn. Vui vì hàng tốt, mình làm tốt người ta mới làm giả. Nhưng buồn một nỗi là cùng là người Việt nhưng không chịu sáng tạo mà lại nhăm nhăm trộm mẫu của người khác để lấy làm của mình.

CEO Kymviet: Từng bị chặn lại dúi cho vài đồng tiền lẻ khi ra đường, không kinh doanh nhờ vào lòng thương cảm!  - Ảnh 9.
CEO Kymviet: Từng bị chặn lại dúi cho vài đồng tiền lẻ khi ra đường, không kinh doanh nhờ vào lòng thương cảm!  - Ảnh 10.
CEO Kymviet: Từng bị chặn lại dúi cho vài đồng tiền lẻ khi ra đường, không kinh doanh nhờ vào lòng thương cảm!  - Ảnh 11.
CEO Kymviet: Từng bị chặn lại dúi cho vài đồng tiền lẻ khi ra đường, không kinh doanh nhờ vào lòng thương cảm!  - Ảnh 12.
CEO Kymviet: Từng bị chặn lại dúi cho vài đồng tiền lẻ khi ra đường, không kinh doanh nhờ vào lòng thương cảm!  - Ảnh 13.

Những "nghệ nhân" sáng tạo ra những sản phẩm độc đáo của Kymviet phần lớn đều là người điếc.

CEO Kymviet: Từng bị chặn lại dúi cho vài đồng tiền lẻ khi ra đường, không kinh doanh nhờ vào lòng thương cảm!  - Ảnh 14.

Trên thế giới, người ta có các chiến dịch vận động mua hàng của các doanh nghiệp xã hội, anh nghĩ người Việt mình có đang thờ ơ với các sản phẩm có giá trị xã hội cao không?

Tôi lại không nghĩ như vậy. Khi một loạt sản phẩm đưa thị trường, phải cố làm sao để khách hàng nhìn sản phẩm này, khách hàng phải thích đã, ưng đã. Ví dụ như đôi mèo kia tôi bán rất chạy, để lên kệ cũng đẹp, làm quà tặng cũng đẹp, sản phẩm lại đạt tiêu chuẩn. Rất nhiều khách hàng mua đến lần thứ 3, thứ 4 họ mới “Ơ!” lên vì họ nghe bạn bè nói hoặc vô tình nghe được rằng hóa ra sản phẩm này được làm bởi người khuyết tật. Mặc dù tôi ghi rõ điều đó trên nhãn mác, nhưng mấy ai đọc, họ giật rồi ném vào thùng rác thôi. Về sau những người đó thốt lên; “Càng nhìn sản phẩm càng thấy đẹp” rồi mới thấy nó tự nhiên nhân văn hơn. Chứ tôi không cần sự thương cảm, cũng không mời chào người Việt chủ đích mua vì tính xã hội của sản phẩm.

CEO Kymviet: Từng bị chặn lại dúi cho vài đồng tiền lẻ khi ra đường, không kinh doanh nhờ vào lòng thương cảm!  - Ảnh 15.

Tôi không cần sự thương cảm, cũng không mời chào người Việt chủ đích mua vì tính xã hội của sản phẩm

CEO Kymviet: Từng bị chặn lại dúi cho vài đồng tiền lẻ khi ra đường, không kinh doanh nhờ vào lòng thương cảm!  - Ảnh 17.
CEO Kymviet: Từng bị chặn lại dúi cho vài đồng tiền lẻ khi ra đường, không kinh doanh nhờ vào lòng thương cảm!  - Ảnh 18.

Xưởng sản xuất kiêm không gian trưng bày sản phẩm của Kymviet luôn tràn ngập màu sắc sặc sỡ và những hình tượng dân gian đặc trưng của Việt Nam.

Điều hành một doanh nghiệp tạo tác động xã hội, phải cân bằng giữa cả yếu tố doanh thu và giá trị đem lại cho cộng đồng, theo anh người lãnh đạo loại hình doanh nghiệp này cần có phẩm chất gì?

Tôi từng có cơ hội tham gia hội thảo vô cùng ý nghĩa mang tên “Lãnh đạo thích ứng” với tư cách diễn giả. Điều hành doanh nghiệp song hành với mục tiêu tạo tác động đến cộng đồng cũng buộc người ta phải linh hoạt thích ứng. Thích ứng chứ không phải thích nghi. Thí dụ như ở cơ sở của tôi không vận hành theo kiểu tôi là người có vai trò cao nhất, lệnh xuống là bên dưới phải nghe.

Tôi vận hành theo cách mềm dẻo hơn mà vẫn đạt được hiệu suất. Ví dụ như các bạn ở xưởng thì tôi luôn luôn khuyến khích. Mặc dù trong quá trình làm việc thì họ đã tự tin hơn vì tiếp xúc nhiều với những người bình thường. Dù là ai thì cũng có sự tự tin trong người, nhưng cũng song song với đó là sự tự ái. Do đó, tôi vô cùng khuyến khích sự tự do phát triển của các bạn, miễn là nằm trong quy chuẩn của công ty. Luôn động viên các bạn khuyết tật giúp tạo hiệu suất vô cùng cao!

Các sản phẩm của Kymviet lấy cảm hứng từ rất nhiều hình tượng dân gian như gà, trâu đồng, chuột, voi,... đại diện cho hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Vậy tầm nhìn của anh đem Kymviet tới thế giới như thế nào?

Tôi cũng đã phối hợp với một số đơn vị chuyên làm trên các sàn thương mại điện tử lớn, nhưng khi mà phát triển thì dịch thành ra chưa đến đâu. Còn việc đi ra ngoài quốc tế thì tôi luôn muốn. Thứ nhất, nó là vì văn hóa Việt Nam cũng cần được giới thiệu, như con trâu mục đồng nó gắn liền với cả một nền văn hóa văn minh lúa nước. Và nói thật, không chỉ người nước ngoài mà người Việt cũng thực sự cần học về văn hóa Việt Nam nhiều hơn nữa.

Thế hệ trẻ con bây giờ, đến tầm lớp 7, lớp 8 nếu không có nhà ở vùng quê thì còn chẳng biết con trâu là con gì, con trâu bẩn vậy, tại sao lại có đứa trẻ ngồi lên nó? (cười lớn). Để giữ gìn nét văn hóa này thì chỉ ở ngưỡng hình nặn đất hoặc bằng gỗ thì chưa toát lên được vẻ đẹp đó. Đấy nhìn mà xem, càng nhìn tôi càng thấy mê con trâu của mình, vô cùng có hồn!

CEO Kymviet: Từng bị chặn lại dúi cho vài đồng tiền lẻ khi ra đường, không kinh doanh nhờ vào lòng thương cảm!  - Ảnh 19.

"Áo làm bằng lụa Vạn Phúc, chân nó là vải lanh nhuộm từ lá tràm, khuy, mắt và mũi con trâu là từ cúc dừa, nón thì tất nhiên là nón lá. Hoàn toàn con trâu này thuần túy là của Việt Nam", anh Phạm Việt Hoài tự hào chia sẻ về sản phẩm của mình.

CEO Kymviet: Từng bị chặn lại dúi cho vài đồng tiền lẻ khi ra đường, không kinh doanh nhờ vào lòng thương cảm!  - Ảnh 20.

Khuyết tật chỉ là sự bất tiện, không phải sự bất hạnh

Là một người khuyết tật, lại còn phải chăm sóc gia đình và con cái, anh thấy mình có cân bằng được giữa công việc và cuộc sống cá nhân không?

Nếu nói khó không thì khó chứ. Người thường đã khó rồi thì tôi còn khó gấp mấy lần. Trừ thời gian ngủ nghỉ, mỗi ngày tôi chỉ có tầm 12 tiếng để vừa kinh doanh vừa chăm sóc gia đình. Nhưng ít nhất là tôi có một người vợ vô cùng thông cảm cho những khó khăn của mình. Như người khác, mà tôi vẫn phải đi đón con là cũng “chết dở” (cười). Bà xã tôi trợ giúp điều đó. Về nhà tôi chỉ giúp con học bài và làm các việc xung quanh thêm thôi.

CEO Kymviet: Từng bị chặn lại dúi cho vài đồng tiền lẻ khi ra đường, không kinh doanh nhờ vào lòng thương cảm!  - Ảnh 21.

Mọi người nhìn vào tôi cứ bảo tôi nghị lực, nhưng ở vào trong hoàn cảnh này rồi tôi thấy hoàn toàn bình thường, chẳng có gì khổ cả. Bố tôi từng là chuyên viên cao cấp của Bộ Giáo Dục, nhà vợ cũng có người làm giáo dục. Trong các khu nhà ở của bộ giáo dục, có một số nhà chuyển đổi giữa hai khu, hai vợ chồng hồi đó đến chơi với nhau rồi gặp nhau, quen nhau. Hồi trước lấy nhau, các cụ nhà vợ ngăn cản, chỉ sợ khuyết tật như tôi không làm được cái gì, sợ con gái vất vả. Bà xã đã tiếp xúc với anh tôi nên cũng biết. Bà xã với con trai chưa về, tôi vẫn hoàn toàn có thể làm mọi việc nhà: rửa bát, nấu cơm, giặt giũ, quét nhà….

Anh thường giáo dục con trai mình nghĩ về người khuyết tật như thế nào?

Riêng tôi thì tôi không có gì phải dạy dỗ về những vấn đề như thế này. Vì theo tôi, để giáo dục trẻ hiểu được những vấn đề của người khuyết tật thì đơn giản là để chúng vào một cái môi trường mà chúng được tiếp xúc, thấu hiểu. Đó cũng là lí do tại sao tôi nghĩ ra ý tưởng tổ chức các tour trải nghiệm cho học sinh, sinh viên. Một khi các con được giao tiếp với người làm trong xưởng này, thì tư duy sẽ khác đi ngay. Thằng nhỏ nhà tôi là do nó đã lớn lên trong môi trường như thế rồi, được trải nghiệm từ bé rồi, nó nhìn bố nó như thế quen rồi nên không hề có gì lạ lẫm nữa đâu.

Theo tôi, để giáo dục trẻ hiểu được những vấn đề của người khuyết tật thì đơn giản là để chúng vào một cái môi trường mà chúng được tiếp xúc, thấu hiểu.

CEO Kymviet: Từng bị chặn lại dúi cho vài đồng tiền lẻ khi ra đường, không kinh doanh nhờ vào lòng thương cảm!  - Ảnh 23.

Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!

Bài viết: Thu Ngân - Ảnh:: Phạm Phong

Cùng chuyên mục
XEM