CEO Green Cap Investment: 3 sách lược để xây dựng thành phố Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính quốc tế

14/06/2016 08:00 AM | Kinh tế vĩ mô

Jackie Thái là chuyên gia tài chính uy tín với nhiều năm kinh nghiệm trong ngành. Ông là giám đốc điều hành của quỹ đầu tư cá nhân Green Cap Investment.

Năm 2015 vừa qua quỹ đầu tư của ông đạt được mức tăng trưởng ấn tượng 183%. Ngoài ra ông còn là nhà đào tạo, nhà phân tích thị trường tiền tệ cho các quỹ đầu tư và tác giả của nhiều đầu sách.

Ông có nhận định gì về xu thế của ngành tài chính trong bối cảnh kinh tế hiện nay?

Jackie Thái: Tôi cho rằng đang có nhiều chuyển biến tích cực đáng vui mừng. Chúng ta chỉ bắt đầu chú ý nhiều đến ngành này từ khi các cường quốc tài chính nổi lên. Tôi đang nói đến các quốc gia như Singapore, Hong Kong và xa hơn là Dubai, Thụy Sỹ… điểm xuất phát chung của họ là những quốc gia nhỏ, nghèo tài nguyên, sau vài thập kỷ phát triển tài chính đã trở thành những cường quốc của thế giới.

Gần đây Bí Thư Thành Ủy HCM Đinh La thăng vừa tiếp xúc với các nhà đầu tư nước ngoài để thảo luận về việc xây dựng TP.HCM thành trung tâm tài chính với tham vọng lấy lại danh hiệu Hòn Ngọc Viễn Đông, ông nghĩ sao về kế hoạch này?

Jackie Thái: Là một công dân của TP.HCM tôi vô cùng vui mừng với tầm nhìn này của Ngài Bí Thư. Là một giám đốc quỹ tài chính, tôi cho rằng kế hoạch này sẽ thúc đẩy dòng vốn đầu tư nước ngoài, tạo ra dòng tiền thanh khoản kích thích mô hình kinh doanh cá thể và gia tăng cơ hội việc làm cho hàng triệu người dân thành phố.

Điều tuyệt vời là chúng ta không cần phải phá hủy thiên nhiên, phá rừng, lấp sông, cũng như không tạo ra những chất thải gây hại môi trường trong quá trình phát triển để trở thành trung tâm tài chính.

Theo ông cần phải làm những gì để chương trình này đạt hiệu quả cao?

Jackie Thái: Tôi tin rằng các nhà hoạch định của thành phố đã có kế hoạch cho việc này. Bên cạnh đó, với góc nhìn của một nhà tài chính, tôi cho rằng một giải pháp tổng thể bao gồm 3 sách lược cần được triển khai thì chương trình này mới đạt hiệu quả tối ưu và dài lâu.

Vậy 3 sách lược đó là gì thưa ông?

Vâng, thứ nhất là khuyến khích cạnh tranh. Bởi vì ngành tài chính cũng như nhiều ngành khác chỉ phát triển khi có cạnh tranh. Chỉ trong một thị trường cạnh tranh tự do và công bằng ta mới biết doanh nghiệp nào thực sự có năng lực. Khi tạo được một sân chơi phẳng thì nhà nước cũng bớt sự lệ thuộc vào các doanh nghiệp lớn. Nếu TP.HCM cạnh tranh tốt với Singapore hay Hong Kong thì sức bật của chương trình này sẽ tạo ra một hiệu ứng cực kỳ to lớn trong việc thu hút dòng tiền trên thế giới đến Việt Nam.

Thứ hai là sách lược tăng cường giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Nếu các doanh nghiệp nước ngoài sang Việt Nam và không thể tìm được nhân viên thỏa mãn tiêu chuẩn của họ thì họ buộc phải thuê nhân viên nước ngoài. Như vậy không những ta không được lợi mà còn bị thiệt trên chính sân nhà. Vì thế cần lên kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực ngay từ bây giờ.

Theo kinh nghiệm của tôi, yếu tố mà nhà tuyển dụng tìm kiếm nhiều nhất không phải là bằng cấp mà là những kỹ năng xuất phát từ kinh nghiệm thực tiễn. Trong đó cần thiết nhất là kỹ năng tiếng Anh, rồi đến các nhóm kỹ năng mềm như thuyết trình, đàm phán, làm việc nhóm,… Do đó, chúng ta cần tạo cho sinh viên quan niệm rằng học tập là việc suốt đời chứ không chỉ nằm ở tấm bằng Đại học.

Sách lược cuối cùng là tăng cường an ninh. Một môi trường sống an toàn sẽ củng cố niềm tin của người dân trong dài hạn và thu hút các nhà đầu tư tương lai. Tôi còn nhớ câu chuyện xảy ra tại New York vào những năm 1970 khi kinh tế suy sụp, bội chi ngân sách và trộm cướp gia tăng khiến người dân không dám đến Quảng Trường Thời Đại “Times Square” vì đây là địa bàn của các loại tội phạm.

Chỉ vài ngày sau khi Thị trưởng Giuliani đắc cử với chương trình cải tổ sâu rộng, New York sạch bóng trộm cướp. Đem lại một thông điệp rất rõ ràng là chính quyền New York kiên quyết nói không với tệ nạn, giúp New York quay trở lại vị trí “Ông hoàng của các thành phố Mỹ”.

Với 3 sách lược nói trên chúng ta sẽ có sự phát triển bền vững đến từ nội lực của chính mình, thành công của chương trình mới trở nên trọn vẹn và bền vững. Khi đó chúng ta có quyền tự hào vì hòn ngọc viễn đông không chỉ là một danh xưng âm vang từ quá khứ mà là một báu vật của hôm nay và mai sau.

Cám ơn những chia sẻ của ông. Ông còn điều gì muốn chia sẻ cho quý độc giả?

Jackie Thái: Sự thay đổi luôn đem lại nhiều bất an và nỗi sợ. Tuy nhiên nếu chúng ta muốn đạt được những thứ mình chưa có thì phải dám thử làm những việc mình chưa làm.

Vâng, chúng tôi chúc ông nhiều sức khỏe, thành công và hạnh phúc.

Jackie Thái: Cảm ơn các bạn. Chúc mọi điều tốt đẹp.

A.D

Cùng chuyên mục
XEM