CEO dự án điện khí 6 tỷ USD ở miền Trung: Khi giá điện mới được áp dụng, người dân sẽ mua sắm theo hướng xanh hơn

25/10/2020 20:33 PM | Kinh doanh

Công ty cổ phần Chân Mây LNG đã công bố dự án nhà máy điện khí LNG theo hình thức IPP với tổng mức đầu tư ước tính lên đến 6 tỷ USD tại Thừa Thiên Huế. Trao đổi với Trí Thức Trẻ, ông John Rockhold, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chân Mây LNG nhận xét: "Giá nhiên liệu LNG có sự dao động rất lớn nhưng giá điện tại Việt Nam lại cố định".

Ông John Rockhold nhận định, trong tương lai, Chính phủ Việt Nam sẽ có cơ chế quản lý và vận hành phù hợp, đáp ứng với nhu cầu của thị trường năng lượng Việt Nam, đặc biệt khi nguồn cung LNG hiện nay rất dồi dào.

 CEO dự án điện khí 6 tỷ USD ở miền Trung: Khi giá điện mới được áp dụng, người dân sẽ mua sắm theo hướng xanh hơn  - Ảnh 1.

Dự án Nhà máy điện khí LNG Chân Mây tại Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô (tỉnh Thừa Thiên Huế) có tổng công suất thiết kế 4.000 MW, dự kiến khởi công xây dựng quý I/2021 và vận hành thương mại giai đoạn 1 vào năm 2024. Ông có thể chia sẻ thêm về tiềm năng của dự án này?

Hiện nay, khu vực miền Bắc và miền Nam của Việt Nam đang sở hữu rất nhiều ưu thế với hàng loạt các khu công nghiệp. Tuy nhiên, khu vực miền Trung thì vẫn chưa nhiều, mặc dù đây cũng là vùng đất có tiềm năng rất lớn trong việc phát triển công nghiệp. Một điều đáng lưu ý đó là, điều kiện tiên quyết cho sự phát triển công nghiệp tại một khu vực chính là nguồn điện và nguồn năng lượng. Từ đó, chúng tôi đã quyết định đầu tư vào dự án Chân Mây với mong muốn làm thế nào để mang lại nguồn điện cơ bản ổn định cho người dân khu vực miền Trung, với tổng công suất thiết kế 4.000 MW.

Lý do tôi chọn Chân Mây và LNG bởi đây cũng là khu vực có tiềm năng phát triển ngành năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, để có thể triển khai hoạt động, cần phải có hệ thống lưu trữ năng lượng cũng như khí, từ đó có thể điều chỉnh công suất sao cho phù hợp.

Một yếu tố quan trọng nữa đó là Chân Mây có cảng biển nước sâu, tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho việc đưa tàu chở dầu vào. Ngoài ra, đây cũng là khu kinh tế với vị trí rất thuận tiện, chỉ cách đường điện lưới quốc gia khoảng 4km. Vì vậy, như tôi đã đề cập, những điều kiện trên đã đóng góp quan trọng vào tiềm năng của dự án cũng như quyết định đầu tư của chúng tôi.

 CEO dự án điện khí 6 tỷ USD ở miền Trung: Khi giá điện mới được áp dụng, người dân sẽ mua sắm theo hướng xanh hơn  - Ảnh 2.

Trước đó, ông từng đề xuất về việc cho phép các khu công nghiệp trở thành các nhà tự sản xuất điện, "tự cung tự cấp" mà không cần mua của Tập đoàn Điện lực (EVN). Theo ông, làm thế nào để có thể thực hiện hóa mục tiêu này?

Mục đích của chúng tôi là tạo ra các khu kinh tế có thể sản xuất và sử dụng nguồn điện mà không cần lấy điện từ lưới điện. Trên thực tế, ngành năng lượng Việt Nam, đặc biệt gần đây nhất là năng lượng mặt trời mái nhà đã thực sự bùng nổ.

Vì thế, tại khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, chúng tôi đã quyết định thực hiện dự án nhà máy điện khí LNG. Trong tương lai, khu kinh tế Chân Mây sẽ có khả năng tự sản xuất điện, sau đó nếu còn dư có thể bán cho lưới điện. Để làm được điều này thì cần một lưới điện vi mô của riêng mình. Tương tự như việc muốn sản xuất năng lượng mặt trời thì cần đảm bảo thu được năng lượng từ tất cả các mái nhà trong khu công nghiệp.

Đồng thời, chúng tôi có thể kết hợp năng lượng từ nguồn cung cấp khí đốt cùng với năng lượng mặt trời. Khi kết hợp được như vậy, ngành công nghiệp năng lượng sẽ có khả năng tự cung tự cấp, có khả năng sản xuất và sử dụng lưới điện trong chính khu công nghiệp đó.

 CEO dự án điện khí 6 tỷ USD ở miền Trung: Khi giá điện mới được áp dụng, người dân sẽ mua sắm theo hướng xanh hơn  - Ảnh 3.

Thưa ông, nếu chính sách "tự cung tự cấp" năng lượng trong các khu công nghiệp được thông qua thì thị trường năng lượng của Việt Nam sẽ thay đổi như thế nào?

Hiện nay, chúng tôi chỉ bán điện duy nhất cho một đối tác đó là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Trong tương lai, tôi cho rằng cần có những chính sách để thay đổi thị trường, đơn giản hóa quá trình sản xuất và tiêu thụ điện, cũng như tối ưu hoạt động trong ngành công nghiệp này. Như tôi đã đề cập trước đó, chúng ta cần tạo ra các lưới điện vi mô. Hiện nay, nhiều quốc gia trong đó có Philippines cũng đang thực hiện chính sách này.

 CEO dự án điện khí 6 tỷ USD ở miền Trung: Khi giá điện mới được áp dụng, người dân sẽ mua sắm theo hướng xanh hơn  - Ảnh 4.

Vì vậy, tôi cho rằng đã đến lúc chúng ta nên xem xét việc áp dụng lưới vi mô và cho phép các doanh nghiệp tự sản xuất và sử dụng năng lượng. Trong trường hợp các doanh nghiệp có thừa năng lượng, họ có thể bán cho EVN. Theo tôi, nếu có thể áp dụng chính sách này thì sẽ giải quyết được vấn đề về khủng hoảng năng lượng cũng như nhiều thách thức mà chúng ta đang phải đối mặt trong ngành công nghiệp điện hiện nay.

Tôi hi vọng rằng trong tương lai, nếu một khu công nghiệp có khả năng vận hành và sản xuất đủ điện mặt trời áp mái, đáp ứng đủ nhu cầu thì sẽ được thông qua. Từ đó chúng ta có thể tận dụng được tối đa nguồn năng lượng cũng như sử dụng chúng một cách hiệu quả hơn, tiết kiệm hơn.

 CEO dự án điện khí 6 tỷ USD ở miền Trung: Khi giá điện mới được áp dụng, người dân sẽ mua sắm theo hướng xanh hơn  - Ảnh 5.

Tại Việt Nam, việc áp dụng một cơ chế giá phù hợp cho thị trường LNG đang gặp những khó khăn nhất định. Vậy theo ông, những yếu tố nào quyết định một cơ chế giá phù hợp trong bối cảnh hiện nay?

Một trong những vấn đề lớn nhất hiện nay mà cá nhân tôi nghĩ đó là người dân cần biết được giá thực của năng lượng. Thực tế, giá điện chúng ta phải trả hiện nay đã được trợ cấp và tôi hoàn toàn đồng ý với điều này. Người dân ở những khu vực còn gặp nhiều khó khăn xứng đáng nhận được mức giá này.

Song, những người dân ở đây cũng chỉ sử dụng điện ở mức trung bình, hoặc rất thấp. Vì vậy tôi cho rằng, cần đưa ra một biểu giá điện phù hợp hơn nữa. Cụ thể, mức giá ở những kW điện đầu tiên sẽ vẫn được trợ cấp và giữ ở mức thấp. Nhưng đến những mức nhất định tiếp theo sẽ phải tăng giá, bởi hầu hết những người sử dụng mức điện này đều ở tầng lớp trung lưu và họ có khả năng chi trả nhiều hơn.

Một lý do nữa đó là khi được trợ cấp, bạn sẽ mất quyền kiểm soát, và các công ty điện lực cũng sẽ gặp nhiều thách thức trong quá trình hoạt động khi luôn phải giữ giá điện ở mức thấp. Cá nhân tôi cho rằng đây là thay đổi lớn mà chúng ta buộc phải thực hiện.

Tôi tin rằng trong chúng ta, mọi người đều sẵn sàng trả mức giá điện thực miễn là chúng ta vẫn bảo vệ nhóm người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội. Khi có một lộ trình rõ ràng trong giá điện, ngành công nghiệp năng lượng của Việt Nam sẽ càng bùng nổ hơn nữa.

Một vấn đề nữa tôi muốn đề cập đến đó là vấn đề liên quan đến xã hội. Khi biểu giá điện mới được áp dụng, hành vi mua sắm của người dân theo đó cũng sẽ thay đổi theo hướng xanh hơn. Cụ thể hiện nay, người tiêu dùng thường không mấy quan tâm đến tiêu chí tiết kiệm năng lượng khi chọn mua một sản phẩm như tủ lạnh, điều hòa. Yếu tố mà người tiêu dùng quan tâm nhất hiện nay chỉ là giá cả, và như vậy, họ luôn chọn sản phẩm có giá thành rẻ nhất dù cho mặt hàng đó sẽ tiêu tốn rất nhiều điện. Lý do đơn giản là giá điện rẻ nên họ không để tâm nhiều nữa.

 CEO dự án điện khí 6 tỷ USD ở miền Trung: Khi giá điện mới được áp dụng, người dân sẽ mua sắm theo hướng xanh hơn  - Ảnh 6.

Việt Nam được biết đến với tiềm năng lớn về phát triển công nghiệp năng lượng với đủ loại hình như thủy điện, nhiệt điện than, điện mặt trời và điện gió. Song, việc đầu tư vào điện khí hóa lỏng (LNG) vẫn chưa thực sự bùng nổ. Vậy làm cách nào để Việt Nam có thể gỡ vướng vấn đề này?

Theo tôi, Việt Nam cần có cơ chế giá phù hợp cho thị trường LNG trong sản xuất điện. Về cơ bản, giá nhiên liệu LNG có sự dao động rất lớn do phụ thuộc vào giá dầu, đồng thời ảnh hưởng lớn do nhiều biến động thị trường trong thời gian vài năm trở lại đây.

Trong khi đó, giá bán năng lượng tại Việt Nam lại là giá cố định. Bởi vậy, các nhà đầu tư sẽ phải xem xét kỹ về việc có chấp nhận rủi ro khi đầu tư vào ngành công nghiệp này tại đây hay không.

Giả sử như tôi bán điện với mức giá 8 UScent/kWh, và sẽ là may mắn nếu chúng tôi mua với giá 8 USD cho khí đốt. Tuy nhiên, khi thị trường có biến động và chúng tôi phải trả 10 USD thì với giá bán 8 US cent/kWh, chúng tôi sẽ phải đối mặt với rủi ro rất lớn. Bởi vậy khi đầu tư, các doanh nghiệp cần phải định giá khí đốt cũng như chấp nhận rủi ro. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp sẽ không sẵn sàng chấp nhận đánh đổi.

Đây là một vấn đề lớn, và tôi tin rằng trong tương lai Chính phủ Việt Nam sẽ có các khung pháp lý, cơ chế quản lý và vận hành phù hợp với thị trường. Bởi nguồn cung LNG hiện nay được đánh giá là rất dồi dào và có thể đáp ứng cho nhu cầu trên thị trường Việt Nam.

Cảm ơn ông!

Q.L

Cùng chuyên mục
XEM