CEO Đại Phúc Land “hiến kế” cho doanh nhân Việt: Thay vì “ngủ đông”, các doanh nghiệp cần biến thời gian này thành kế hoạch hành động và chuẩn bị cho việc hồi phục sau đại dịch!
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land, so với các nước khác chúng ta ít bị thiệt hại hơn về con người nhưng thiệt hại về kinh tế là không tránh khỏi. Chúng ta có lợi thế đi trước các nước một bước về chống dịch, vì vậy hãy biến điều này thành lợi thế và cơ hội tăng tốc trong 6 tháng cuối năm.
Bà Hương cho rằng, theo diễn biến tình hình hiện nay có lẽ phải đến giữa hoặc gần cuối Quý 2 tình hình dịch bệnh sẽ có hy vọng được kiểm soát và vì vậy một kịch bản hồi phục kinh tế sau đại dịch cần phải tính ngay từ bây giờ.
Trong hơn 200 nước bị dịch bệnh hoành hành, Viêt Nam được xếp vào trong nhóm nước có mức độ kiểm soát tốt ngay từ giai đoạn đầu và giai đoạn 2 có bùng phát nhưng vẫn đang được tích cực kiểm soát. So với các nước khác ,chúng ta ít bị thiệt hại hơn về con người nhưng thiệt hại về kinh tế là không tránh khỏi. Chúng ta có lợi thế đi trước các nước một bước về chống dịch vì vậy hãy biến điều này thành lợi thế và cơ hội tăng tốc trong 6 tháng cuối năm.
“Vì thế, Việt Nam sẽ tự tin và mỉm cười bước tới. Chúng ta cần truyền thông điệp mạnh mẽ về quyết tâm phục hồi nền kinh tế trên tất cả các lĩnh vực và nắm bắt cơ hội thu hút nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước. Chúng ta sẽ đưa ra chiến dịch kích cầu tổng lực và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế vào tháng 6 (đợt 1) và tháng 9 (đợt 2 -dự phòng cho kịch bản cuối năm)”, bà Hương nhấn mạnh.
Nữ CEO này “hiến kế” một số giải pháp để các doanh nghiệp tự tin chuẩn bị cho chiến dịch kích cầu sắp tới. Trước mắt thì cần hành động để tăng tốc cho 6 tháng cuối năm.
1. Xem xét đánh giá thiệt hại của doanh nghiệp mình và nguồn lực hiện tại có thể duy trì
2. Đánh giá nhu cầu và thị trường mục tiêu/doanh thu kỳ vọng trong chiến dịch kích cầu 6 tháng cuối năm
3. KH tái cơ cấu, khôi phục nội lực, các nguồn lực cần chuẩn bị và cần huy động phục vụ cho mục tiêu đã đặt ra.
4. Xây dựng các gói giải pháp, chính sách kích cầu sẽ áp dụng.
5. Chiến lược marketing, kinh doanh cần triển khai để đạt được mục tiêu mong muốn.
Chiến dịch kích cầu toàn diện cần tập trung nguồn lực tối đa, tạo sự bùng nổ và thu hút sự quan tâm của khách hàng trong và ngoài nước tại các thời điểm dự kiến nêu trên.
Với Ngành du lịch, các công ty lữ hành kết hợp với ngành giao thông vận tải xây dựng các gói tour du lịch nghĩ dưỡng trọn gói ưu đãi khủng, đặc biệt lưu ý các khách phải hủy tour trong thời gian dịch bệnh, các gói dịch vụ tặng kèm khuyến khích người dân sử dụng và lấy lại cân bằng sau thời gian dài cấm túc, chống chọi dịch bệnh; có thể mở tuyến du lịch trong nước trước, hoặc sang các nước ít bị ảnh hưởng dịch bệnh sau đó là các nước còn lại vào giai đoạn 2 khi tình hình đã ổn định.
Ngành giao thông vận tải: Xây dựng các gói cước hấp dẫn cho khách hàng trung thành, liên kết các ngành dịch vụ để mở rộng thị phần và thu hút khách hàng mới.
Ngành công nghiệp thực phẩm: Với tiêu chí thực phẩm an toàn, thực phẩm cho sức khỏe, ngành nông nghiệp, thực phẩm cần chọn lọc các mặt hàng chủ lực làm thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm, gia tăng gía trị cung ứng thị trường hiện hữu và tìm kiếm các thị trường mới.
Ngành thương mại, dịch vụ: kết hợp với nhà sản xuất và hệ thống cung ứng đưa ra các gói kích cầu trong tuần lễ vàng mua sắm (theo kiểu Black friday) với các ưu đãi lớn thu hút nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân. Ưu đãi về giá thuê mặt bằng cần được tiếp tục hỗ trợ trong vòng 3-6 tháng tiếp theo cho đến khi sức mua hồi phục hẳn.
Hệ thống tài chính, ngân hàng: cũng vào cuộc với các gói hỗ trợ cho vay sản xuất, duy trì hoạt động kinh doanh với lãi suất ưu đãi, xem xét ân hạn nợ gốc trong 3-6 tháng để doanh nghiệp có thời gian để phục hồi. Đồng thời kết hợp với các doanh nghiệp tung ra các gói cho vay kích cầu tiêu dùng, mua nhà, mua xe... hấp dẫn.
Lĩnh vực Bất động sản: kích cầu tổng lực không chỉ hướng tới khách hàng trong nước mà cả nhà đầu tư nước ngoài đang rất quan tâm thị trường Việt Nam. Trong đó, tập hợp các dự án của các CĐT sẵn sàng chào bán (có thể đưa ra 1 số tiêu chí yêu cầu liên quan đến pháp lý dự án mới đủ điều đưa vào danh sách). Tình hình thực tế là nguồn cung đang khan hiếm nên cần tiếp tục tác động từ Hiệp hội BĐS và cơ quan ban ngành thúc đẩy mạnh tiến độ pháp lý của các dự án bị chậm thủ tục để tăng nguồn cung.
“Thay vì “ngủ đông” các doanh nghiệp cần biến thời gian này thành kế hoạch hành động và chuẩn bị cho việc hồi phục sau đại dịch. Nếu chúng ta làm tốt, tâm lý thị trường sẽ quay trở lại và cơ hội hồi phục, đà tăng tốc sẽ tiếp tục trong giai đoạn tiếp theo. Sự cộng hưởng từ các nguồn lực trong và ngoài nước là rất quan trọng trong chiến dịch lần này”, CEO Đại Phúc Land nhấn mạnh.