CBRE: Nhiều chủ mặt bằng bán lẻ chủ động giảm 10-15% giá thuê cho khách

10/07/2021 08:13 AM | Kinh doanh

Theo CBRE Việt Nam, trong tháng 6/2021, các TTTM đều áp dụng miễn phí thuê và dịch vụ cho các doanh nghiệp đóng cửa; một số chủ nhà còn chủ động giảm 10%-50% giá thuê trong tháng 5, tùy theo ngành hàng, do lượng khách mua sắm giảm mặc dù các cơ sở kinh doanh không phải đóng cửa do chỉ thị.

Báo cáo quý 2/2021 của đơn vị này chỉ ra, sau một vài quý không có nguồn cung mới, tính đến quý 2, tổng nguồn cung bán lẻ tại Tp.HCM đạt 1.068.128 m2, góp phần có sự mở cửa của dự án Co.opmart Trường Chinh tại Quận Tân Phú với 16.000 m2. Đợt dịch Covid-19 mới đã khiến tất cả TTTM tại Tp.HCM đóng cửa từ đầu tháng 6, ngoại trừ những ngành hàng thiết yếu như siêu thị, nhà thuốc. Tuy nhiên, chỉ thị này sẽ trở nên khắt khe hơn trong quý 3/2021, với số lượng ca nhiễm mới tăng nhanh và biến chủng mới rất khó kiểm soát.

Theo đơn vị này, trong quý 2/2021, tỷ lệ trống của khu ngoài trung tâm giảm 1,4 đpt so với quý trước đến từ việc mở cửa của các khách thuê thời trang chủ chốt như Decathlon, Uniqlo trong tháng 4 và tháng 5; tại khu vực trung tâm, nguồn cung hạn chế giúp giữ tỷ lệ trống ở mức thấp. Tính đến quý 2/2021, tỷ lệ trống tại khu trung tâm và ngoài trung tâm lần lượt đạt 1,87% (bằng mức cùng kỳ năm ngoái) và 11,71% (giảm 1,7 đpt so với cùng kỳ năm ngoái).

Trong tháng 6/2021, các TTTM đều áp dụng miễn phí thuê và dịch vụ cho các doanh nghiệp đóng cửa; một số chủ nhà còn chủ động giảm 10%-50% giá thuê trong tháng 5, tùy theo ngành hàng, do lượng khách mua sắm giảm mặc dù các cơ sở kinh doanh không phải đóng cửa do chỉ thị. Trong quý, hầu hết chủ nhà tập trung hỗ trợ khách thuê hiện hữu và ít chủ động chào diện tích trống mới trên thị trường, chỉ có một số diện tích trống trong thời gian dài có giảm giá chào thuê. Tính đến quý 2/2021, giá chào thuê ở khu vực trung tâm đạt 137,1 USD/m2/tháng, tăng 1,1% so với quý trước (tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước) và giá chào thuê ở khu vực ngoài trung tâm đạt 33,9 USD/m2/tháng, giảm 2,3% so với quý trước (giảm 5,2% so với cùng kỳ năm trước).

Tuy dịch bệnh, nhưng theo JLL các doanh nghiệp lớn tích cực trên thị trường bán lẻ. Ví dụ, Masan đã mua 20% cổ phần từ chuỗi cà phê Phúc Long cho mô hình kết hợp cửa hàng tiện lợi/cà phê/ngân hàng mới của họ. Nova F&B, một nhánh của Nova Group, hợp tác với thương hiệu F&B Mango Tree sau khi đã hợp tác với JUMBO, Crystal Jade Palace, Gloria Jean’s Coffee và các thương hiệu khác. Đây là những động thái chuẩn bị trong thời kỳ dịch bệnh và sẽ mang lại lợi nhuận cho các doanh nghiệp lớn một khi nền kinh tế hồi phục lại. Các doanh nghiệp nhỏ, mặt khác, vẫn tiếp tục chờ đợi và cắt giảm các chi phí hoạt động kết hợp chuyển hướng sang mô hình thương mại điện tử, một xu hướng trong tương lai. Theo Euromonitor, doanh số thương mại điện từ tại Việt Nam có thể tăng gấp đôi trong năm năm tới.

Thị trường bán lẻ dự đoán sẽ có thêm 200.000 m2 diện tích bán lẻ từ đây cho đến 2023, tính cả khu trung tâm và khu ngoài trung tâm. Trong ngắn hạn, các ngành nghề như ăn uống, chuỗi cà phê, siêu thị tiện lợi, sức khỏe và sắc đẹp sẽ tiếp tục được mở rộng, chủ yếu là khối đế bán lẻ tại các dự án chung cư, trước khi thị trường có thêm nhiều nguồn cung TTTM mới. Tâm lý thị trường cho thuê cũng như chỉ số tự tin của người tiêu dùng sẽ được hồi phục nhanh chóng một khi dịch bệnh được kiểm soát cũng như tỷ lệ tiêm phòng toàn quốc được nâng cao.

Bà Phạm Ngọc Thiên Thanh, Phó Giám Đốc, BP. Nghiên cứu và Tư vấn, CBRE Việt Nam, cho rằng, để thích nghi với môi trường bình thường mới trong bán lẻ, các doanh nghiệp bán lẻ cần chú trọng hết sức để nâng cao trải nghiệm của khách hàng. Các ngành hàng được chú trọng tiếp tục là thời trang, sức khỏe và sắc đẹp. Thương mại điện tử hiện vẫn không thể thay thế được hết nhu cầu trải nghiệm mua sắm tại cửa hàng của người tiêu dùng.

Phương Nga

Cùng chuyên mục
XEM