"Cây cầu vô dụng nhất thế giới" dưới góc nhìn của một người mẹ: Thời thế thay đổi và giáo dục cũng phải thay đổi thôi
Định nghĩa sự thành công hay là thất bại, cũng chỉ là hạt cát bay trong cơn gió thời gian, rồi nó sẽ là cát biển hay là cát sa mạc?
Câu chuyện về một cây cầu "vô dụng" nhất thế giới trong thời gian gần đây đã khiến nhiều người phải suy nghĩ về sự thay đổi. Một trong số đó là nhà báo Trần Thu Hà, hay còn được biết đến với cái tên Mẹ Xu Sim, một nhà báo từng cho ra đời nhiều đầu sách về nuôi dạy con nổi tiếng - chị đã có những chia sẻ về cách dạy con. Theo quan điểm cá nhân của chị, khi thế giới thay đổi, phương pháp giáo dục cũng phải thay đổi để phù hợp với thời thế, thế thời.
"Cây cầu vô dụng nhất thế giới: Đó là cây cầu Puente Sol Naciente (Cầu mặt trời mọc), ở Choluteca, Honduras. Nó không có đường đến, cũng không có đường đi, nó nằm ở kế bên con sông mà mình cần bắc qua. KẾ BÊN!
Không hề có một lỗi kĩ thuật nào của kỹ sư cả, tất cả đều hoàn hảo. Nó từng là cây cầu hiện đại nhất, lớn nhất, tự hào nhất, được người Nhật xây dựng ở Mỹ Latin năm 1996.
Nhưng, chỉ vài tháng sau khi cây cầu được khánh thành năm 1998, thì cơn bão Mitch lịch sử ập đến. Mưa liên tiếp, dồn dập trong 4 ngày đêm, lượng nước mưa lên đến 1905mm, giông bão gió giật cấp, cướp đi sinh mạng của 7000 người, cuốn trôi nhà cửa, của cải, làng mạc, đường đi.
Một thứ duy nhất còn nguyên vẹn: cây cầu.
Nhưng vấn đề cũng nằm ở đó. Khi đường xá đều bị phá hủy, thì lấy gì để đi đến cây cầu đây?
Chưa dừng lại ở đó, cơn bão còn làm thay đổi cả dòng chảy của con sông, làm nó chảy chệch sang một hướng khác, kế bên cây cầu. Từ đó cây cầu bị cô lập, không có đường đến, cũng không có đường đi, không bắc qua được con sông cần bắc, cây cầu không đi đến đâu cả. Hiện đại và kiên cố quá, cũng là một cái tội…
Vậy nên mới thấy, mọi thứ thật vô thường.
Ta tập trung quá nhiều vào giải pháp hoàn hảo cho vấn đề mà quên rằng chính vấn đề cũng sẽ thay đổi. Năm Covid-19 này, có ai nhận ra những tính toán chắc nịch của mình bất ngờ trở nên vô nghĩa?
Bức hình này ám ảnh Hà hoài. Có những điều mà bây giờ mình đang thấy vô cùng quan trọng, có những điều mà mình vật vã vì nó, sống chết vì nó, đắm đuối vì nó, chiến đấu và hi sinh vì nó... Có khi nào nó bỗng trở nên vô nghĩa hay không?
Nhà báo Trần Thu Hà.
Đâu có gì là mãi mãi. Trong dạy con cũng vậy, chúng ta kỳ công dạy viết đẹp, đúng ô ly, dạy làm toán, dạy ghi nhớ, dạy nghe lời, dạy giải đúng đáp án, dạy trả lời đúng câu hỏi... rồi chắc gì 20 năm nữa những câu hỏi đó, bằng cấp đó, kỹ năng đó, còn quan trọng, với con?
Ba mẹ, thầy cô, những nhà viết SGK, thường là người sống trong nền kinh tế dựa trên sức mạnh, rồi dựa trên kỹ thuật, nhưng con sẽ sống trong xã hội kết nối và chia sẻ. Những kiến thức này, thi đua này liệu có giúp con cạnh tranh được với robot, với trí tuệ nhân tạo, với big data, với sự biến đổi bất ngờ của tương lai không?
Định nghĩa sự thành công hay là thất bại, cũng chỉ là hạt cát bay trong cơn gió thời gian, rồi nó sẽ là cát biển hay là cát sa mạc?
Thế giới thay đổi, thời thế thay đổi, và giáo dục cũng phải thay đổi thôi."