Câu hỏi quan trọng cho lãnh đạo trong khủng hoảng Covid: Ai sẽ là người nên ở lại nếu hoàn cảnh bắt buộc có người phải ra đi?
Doanh nhân Nguyễn Phi Vân cho rằng, chân dung nhân sự hậu khủng hoảng chính là người biết quản trị và sử dụng nguồn lực hiệu quả nhất.
Người làm lãnh đạo đặt câu hỏi “who stays” – ai sẽ là người nên ở lại nếu hoàn cảnh bắt buộc có người phải ra đi
Theo vị doanh nhân này, khi bước vào và bước qua một cơn khủng hoảng kiểu Covid -19, là khi người làm lãnh đạo đặt câu hỏi “who stays” – ai sẽ là người nên ở lại nếu hoàn cảnh bắt buộc có người phải ra đi. Câu hỏi này đặc biệt quan trọng khi nó được đặt ra trong nhóm đội ngũ cốt lõi chịu trách nhiệm vực dậy tổ chức hậu khủng hoảng.
“Tố chất thể hiện rõ nhất và chân thực nhất chân dung người ở lại là phẩm chất entrepreneurship & initiative-taking – khả năng doanh chủ và tạo ra phát kiến mới”, doanh nhân Phi Vân nhấn mạnh.
Theo nữ doanh nhân này, người làm thuê như làm chủ là người biết thích nghi, linh hoạt thay đổi và tìm mọi cách để giúp tổ chức, doanh nghiệp sống còn, tồn tại, tái tạo bằng một hành trình mới. Họ suy nghĩ về top line – doanh thu, bottom line – lãi lỗ, và hiểu các quyết định quản trị cần phải đưa ra để giữ cho tổ chức sống còn và phát triển. Rất ít người đi làm thuê hiểu được điều này, vì họ thiếu khả năng doanh chủ. Người hiểu và hành động như người làm chủ, dù đang làm thuê, vì vậy là chân dung nhân sự quý.
Người làm thuê như làm chủ là người có tư duy business-mindedness – tư duy làm kinh doanh nên họ hết sức sáng tạo trong cách tiếp cận tạo ra doanh thu, bằng các phát kiến tạo mới, hiệu chỉnh thị trường, mô hình kinh doanh, kênh bán hàng, sản phẩm/dịch vụ…. Bên cạnh đó, họ cũng sở hữu bộ kỹ năng cực quý, resource management – khả năng quản trị nguồn lực.
Thông thường, người làm thuê chỉ biết yêu cầu, đòi hỏi nguồn lực để thực hiện một kế hoạch nào đó. Tuy vậy, đòi nhưng không biết tận dụng, 99% là hoang phí nguồn lực, đơn giản vì đang xài đồ người khác. Nếu cũng với nguồn lực đó, nhưng là sở hữu của bản thân, có lẽ họ sẽ sử dụng rất khác, sẽ tiết kiệm hơn rất nhiều, sẽ tính toán cực kỹ.
“Vì vậy, chân dung nhân sự hậu khủng hoảng của tôi, chính là người biết quản trị và sử dụng nguồn lực hiệu quả nhất”, doanh nhân Nguyễn Phi Vân nhấn mạnh.
4 nguồn lực chính mà người lãnh đạo nên lưu tâm
Trong bộ kỹ năng quản trị nguồn lực có 4 nguồn lực chính mà người làm quản trị luôn lưu ý.
Management of financial resources – quản trị nguồn lực tài chính: Đây là khả năng đưa ra quyết định xài tiền như thế nào để đạt được mục tiêu, và sử dụng đồng tiền đó một cách có trách nhiệm, có tính toán, hợp lý và hiệu quả nhất.
Management of material resources – quản trị tài nguyên: Biết cần bao nhiêu và sử dụng đúng mức các tài nguyên cần thiết như máy móc, cơ sở vật chất, nguyên vật liệu, vv thế nào hiệu quả và tiết kiệm nhất cho một kế hoạch, dự án.
Management of personnel resources – quản trị nguồn lực nhân sự: Đây là khả năng tạo động lực, phát triển, và hướng dẫn nhân sự làm việc hiệu quả, luôn sử dụng đúng người đúng việc.
Time management – quản trị quỹ thời gian: Là khả năng quản trị quỹ thời gian của chính bản thân và của các nhân sự khác để đạt hiệu quả tốt nhất trong công việc.