Câu hỏi lớn: Tại sao sử dụng nguyên liệu gỗ lại được xem là bảo vệ môi trường trong khi khai thác gỗ là gây hại đến môi trường?
“Sức mạnh của Việt Nam là một đất nước nhiệt đới rừng, nhưng hiện tại chúng ta lại đi phát triển các công nghệ của nước ngoài, nhân sự của nước ngoài, tại sao chúng ta không phát triển những công nghệ gỗ Việt Nam để xoay vòng, từ đó phát triển ngành Kiến trúc - Xây dựng của chúng ta?" - KTS Hà Thanh đặt câu hỏi tại buổi trò chuyện.
Tình trạng ô nhiễm môi trường đáng báo động đang đặt ra những thách thức to lớn cho mọi ngành công nghiệp, đặc biệt là ngành Kiến trúc - Xây dựng. Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), ngành Xây Dựng góp tới 40% tổng lượng khí thải CO2 toàn cầu. Sử dụng các nguyên vật liệu xanh có nguồn gốc rõ ràng, có khả năng thay thế bê tông truyền thông và bảo vệ môi trường chính là phương án tối ưu để làm giảm phát thải CO2 và bắt đầu một hành trình xây dựng xanh.
Tại Việt Nam, ngành Kiến trúc - Xây dựng đang đứng trước những cơ hội và thách thức lớn với chủ trương Net Zero 2050 của chính phủ. Để hiện thực được mục tiêu này, tất cả nhân sự của ngành bao gồm các kiến trúc sư, chủ đầu tư, kỹ sư… cần chung tay hành động.
Khi một cái cây được đốn hạ cho mục đích xây dựng thì 1 cây khác phải được mọc lên
" Con người chúng ta đang là phiên bản nâng cấp của "văn minh khủng long" vì sự tàn phá đối với thiên nhiên, và rồi hiện tại thì chúng ta đang phải ra sức để quay về một "phiên bản thiên nhiên nâng cấp", tự cứu lấy chính mình. Sức mạnh của Việt Nam là một đất nước nhiệt đới rừng, nhưng hiện tại chúng ta lại đi phát triển các công nghệ của nước ngoài, nhân sự của nước ngoài, tại sao chúng ta không phát triển những công nghệ gỗ Việt Nam để xoay vòng, từ đó phát triển ngành Kiến trúc - Xây dựng của chúng ta?" - KTS Hà Thanh - KTS trưởng Hưng Thịnh Corporation đặt câu hỏi tại talkshow " Bàn tròn Net Zero" với chủ đề Net Zero trong Kiến trúc & Xây dựng mới đây.
Thực tế, gỗ là một trong những nguyên liệu đáp ứng được những yêu cầu khắt khe nhất của các công trình từ công trình công cộng đến các dự án nhà ở, không chỉ vừa đảm bảo yếu tố thẩm mỹ, khả năng chịu lực tốt, mà còn thực hiện các yếu tố bền vững, bảo vệ môi trường.
Bà Nguyễn Hồng Nhung - Trưởng Phòng Phát Triển Thương Mại - New Zealand Trade Enterprise phân tích: "Tại sao sử dụng nguyên liệu gỗ lại được xem là bảo vệ môi trường trong khi khai thác gỗ là gây hại đến môi trường?" Đây là câu hỏi phổ biến nhất khi các kiến trúc sư tiếp cận đến loại nguyên liệu này. Nhưng đây chỉ còn là câu hỏi của quá khứ vì hiện tại thế giới đã chứng minh bằng rất nhiều công trình gỗ.
Lấy ví dụ thực tế, tại New Zealand có 67% rừng trồng bền vững. Khi một cái cây được đốn hạ cho mục đích xây dựng thì 1 cây khác phải được mọc lên, để lúc nào chúng ta cũng có được vòng tuần hoàn của gỗ - rừng, đồng nghĩa với việc sẽ giúp tiếp tục hấp thụ carbon và bảo vệ trái đất. Gỗ được trồng ở những khu rừng bền vững, có kế hoạch khai thác theo quản lý của chính phủ và được chứng nhận FSC (Chứng chỉ đảm bảo rằng các sản phẩm gỗ được sản xuất từ nguồn nguyên liệu được kiểm soát và tuân thủ các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và kinh tế) sẽ giúp các công trình không chỉ đẹp về thẩm mỹ mà còn góp phần bảo vệ môi trường".
Tuy nhiên, nguyêu liệu gỗ từng gây nhiều nỗi e ngại cho dân kiến trúc - xây dựng, vì những khuyết điểm theo thời gian như cong vênh, nứt, tét. Nhưng, đó đã là câu chuyện của quá khứ, bởi giờ đây với sự phát triển của ngành Kiến trúc - Xây dựng, đã có những giải pháp xử lý được hết những nỗi quan ngại đó. " Cong, vênh, nứt, tét, mối mọt…chính xác là những gì mà mọi người hay quan ngại về nguyên liệu gỗ trước đây, đặc biệt để xây dựng cho khu vực Đông Nam Á với khí hậu nhiệt đới rất khắc nghiệt. Nhưng giờ đây chúng ta đã có những giải pháp xử lý gỗ tiên tiến ( công nghệ biến tính gỗ Thermo và công nghệ H-Grade) để giải quyết những vấn đề này. Thực tế, có những dự án sử dụng nguyên liệu gỗ với gần 10 năm đi vào hoạt động đã chứng minh rằng nguyên liệu gỗ hoàn toàn đáp ứng được các yêu cầu khắt khe về chất lượng đó, thậm chí còn xử lý luôn cả vấn đề mục nát khi tiếp xúc với nước biển "- KTS Tuấn Anh, trưởng phòng thiết kế tập đoàn Trần Đức với hơn 10 năm kinh nghiệm chia sẻ về các vấn đề xử lý gỗ.
Cấu kiện gỗ - "bê tông xanh" của tương lai
Tại buổi talkshow, các kiến trúc sư và chuyên gia chia sẻ về tính năng lớn của Cấu kiện gỗ - được ví là 'bê tông xanh' của tương lai. Được phát triển đầu tiên ở Áo vào đầu những năm 1990, cấu kiện gỗ CLT nhanh chóng trở thành một trong những giải pháp xây dựng bền vững, nhờ khả năng cải thiện hiệu quả công trình mà vẫn giảm thiểu tác động môi trường. Điển hình như công trình Brock Commons Tallwood House (Canada) với 18 tầng được xây dựng hoàn toàn từ gỗ, đã trở thành một trong những tòa nhà cao nhất thế giới sử dụng CLT.
Bà Võ Nhật Liễu – Giám Đốc kinh doanh & Giám Đốc phát triển dự án City Land, chia sẻ: " Các nhà vận hành quốc tế đều khuyến nghị sử dụng nguyên liệu cấu kiện gỗ, không những giúp tiết kiệm được năng lượng mà còn tiết kiệm được chi phí trong quá trình vận hành và bảo trì, bảo dưỡng. Không chỉ riêng Việt Nam mà ở khu vực Đông Nam Á, các resort 5 sao hiện nay vẫn đang hướng đến sử dụng gỗ, giải pháp sử dụng vật liệu cấu kiện gỗ chắc chắn sẽ là xu hướng và sớm được phổ biến tại thị trường Việt Nam".
Là một người thường xuyên sử dụng chất liệu gỗ trong các công trình của mình, đặc biệt công trình cảnh quan, KTS Phạm Thị Ái Thuỷ (Founder TA Landscape architecture) nổi tiếng với công trình "Cầu Vàng" - Bà Nà Hills) chia sẻ thực tế: " Hầu như tất cả các nước hiện nay đều sử dụng kết cấu gỗ, đặc biệt các khu di tích lịch sử hay thắng cảnh đều sử dụng gỗ, bởi sự thích ứng và sự thân thiện môi trường của nó. Gần như các công trình mà tôi thực hiện đều gắn với nguyên liệu gỗ. Giả sử đến một lúc nào đó cần có 1 sự quay vòng thì sự kết thúc của nguyên liệu gỗ cũng thân thiện hơn những loại vật liệu khác".
" Không thể phủ nhận tính ứng dụng công nghệ xử lý gỗ CLT trong ngành mang lại rất nhiều cơ hội phát triển bền vững, tạo hiệu suất xây dựng & thẩm mỹ trong kiến trúc. Tuy nhiên để tận dụng tối đa những cơ hội này, ngành xây dựng cần phải đối mặt và vượt qua những thử thách về chi phí, quy chuẩn, đào tạo kỹ năng, sự đầu tư về nghiên cứu phát triển công nghệ và hợp tác giữa các bên liên quan sẽ là chìa khoá để phát triển CLT trong tương lai" , KTS Bùi Hoàng Bảo bày tỏ. Theo tìm hiểu, giải pháp cấu kiện gỗ có mặt tại Đông Nam Á, được đưa vào sản xuất từ cuối tháng 12/2023 dưới sự quản lý của tập đoàn Trần Đức.