Câu chuyện "lượng" và "chất" trong lĩnh vực tín dụng xanh tại Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB)

02/11/2023 10:00 AM | Kinh doanh

Nguồn vốn cần cho tín dụng xanh là rất lớn, song không phải tất cả các ngân hàng đều hào hứng tham gia bởi những dự án này thường đi kèm với nhiều khó khăn và bất lợi. Tuy nhiên, Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) đã cho thấy đây là xu hướng tất yếu, đem lại nhiều tác động tích cực cho xã hội và cho cả ngân hàng.

Là một trong những ngân hàng cấp tín dụng lớn cho các dự án xanh

"Xanh hóa" tín dụng đang là một trong những hành động được ưu tiên hàng đầu trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra trên toàn cầu, và Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi ô nhiễm môi trường.

Trên thực tế, tín dụng xanh đến từ nhiều nguồn vốn của các thành phần trong xã hội, nhưng tại Việt Nam vẫn đang chủ yếu do hệ thống ngân hàng thực hiện. Nhu cầu vốn cho tín dụng xanh rất lớn, song không phải tất cả các ngân hàng đều hào hứng tham gia bởi những dự án này thường đi kèm với nhiều khó khăn và bất lợi trong ngắn hạn, đặc biệt là biên lợi nhuận không thực sự hấp dẫn. 

Theo định hướng của Chính phủ và NHNN, MB đã nghiên cứu và hoàn thiện cơ chế chính sách tín dụng gắn với quản lý môi trường - xã hội, hướng tới mục tiêu về ngân hàng xanh, tín dụng xanh. 

Bên cạnh đó, MB còn triển khai có hiệu quả việc phân bổ nguồn vốn tín dụng góp phần phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh để góp phần chuyển đổi nền kinh tế sang hướng tăng trưởng xanh; tăng tỷ trọng tín dụng ngân hàng đầu tư vào năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. 

MB là  một trong những ngân hàng đi tiên phong trong việc cho vay các dự án năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) từ giai đoạn 2017 – 2018, thời điểm mà đa số ngân hàng đều còn dè chừng với lĩnh vực này vì đòi hỏi tiêu tốn nhiều nguồn lực cho việc thẩm định, đánh giá cũng như kiểm tra, giám sát sau cho vay.

Tuy nhiên, đối với MB, qua nghiên cứu và quá trình làm việc với các chuyên gia, ngân hàng đánh giá đây là các dự án có tác động tích cực cho môi trường và xã hội, và nằm trong khả năng kiểm soát rủi ro nên mạnh dạn cấp vốn.

Trong 3 năm trở lại đây, tổng số vốn cho vay dự án xanh tại MB đã tăng từ 14,5 nghìn tỷ đồng cuối năm 2020 lên 44,1 nghìn tỷ đồng cuối năm 2022. Tính đến tháng 12/2022, MB thực hiện cấp tín dụng xanh (gồm cho vay và TPDN) cho 2.829 khách hàng với tổng dư cấp tín dụng là 44,1 nghìn tỷ đồng, tăng 6,5% so với cùng kỳ và chiếm 9,26% trong tổng Cho vay và TPDN của MB.

Nếu so sánh với tỷ lệ tổng dư nợ tín dụng xanh trên tổng dư nợ tín dụng toàn bộ nền kinh tế tại Việt Nam cùng thời điểm cuối năm 2022 là 4,2% thì mức độ cấp vốn cho dự án xanh của MB đang lớn gấp đôi.

Trong giai đoạn tới, song hành với việc kiện toàn mô hình quản trị tập đoàn, tài chính bền vững, tín dụng xanh hay đầu tư dự án xanh đều là những vấn đề trọng yếu mà ngành ngân hàng đặc biệt quan tâm hiện nay.

Theo đó, MB đặt mục tiêu sẽ nâng tỷ trọng tín dụng xanh, tín dụng phục vụ chuyển đổi công nghệ lên 15% vào năm 2026.

Vừa ưu tiên tín dụng xanh vừa đảm bảo mục tiêu kiểm soát chất lượng, hiệu quả kinh doanh

MB là một trong những ngân hàng có tăng trưởng tín dụng tốt nhất những năm trở lại đây, quy mô dư nợ cho vay MB đứng thứ 5 trong hệ thống, chỉ sau nhóm Big 4. Như vậy có thể hình dung, với mục tiêu nâng tỷ trọng tín dụng xanh từ 10% lên 15%, MB sẽ "bơm" ròng cho lĩnh vực này thêm hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm trong 3 năm tới. Chưa kể, MB còn là ngân hàng tích cực thu xếp nguồn vốn nước ngoài cho các dự án điện xanh với quy mô hàng trăm triệu USD. 

Với sự hứa hẹn tăng trưởng về "lượng", "chất" của những khoản tín dụng xanh cũng được chú trọng để đảm bảo hiệu quả hoạt động chung của ngân hàng, lợi ích của cổ đông.

Câu chuyện lượng và chất trong lĩnh vực tín dụng xanh tại Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) - Ảnh 1.

Từ sớm, ban lãnh đạo MB xác định, mô hình ngân hàng xanh cũng như chính sách cho tín dụng xanh cần được làm một cách bài bản, chuyên nghiệp, là hướng đi lâu dài chứ không chỉ nhất thời. 

Nhờ đó, MB đã xây dựng khung quản trị rủi ro, ban hành quy trình cấp tín dụng nội bộ trong đó có những tiêu chí, ưu tiên cho các dự án thân thiện với môi trường. 

Các dự án năng lượng tái tạo mà MB rót vốn tại khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ,…đều đang hoạt động tốt. 

Trong nhiều năm qua, MB luôn duy trì ở trong nhóm những ngân hàng có chất lượng tài sản tốt bậc nhất với tỷ lệ nợ xấu thấp và bộ đệm dự phòng bao phủ nợ xấu giúp ngân hàng phòng ngừa các rủi ro nếu có. 

Với năng lực quản trị rủi ro chặt chẽ, MB một mặt thể hiện tốt vai trò tiên phong của mình ở lĩnh vực tín dụng xanh, một mặt vẫn đảm bảo là một trong những ngân hàng dẫn đầu về hiệu quả kinh doanh. 6 tháng đầu năm 2023, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng hợp nhất MB đạt 12.735 tỷ đồng, đứng thứ 3 trong hệ thống. MB sở hữu lợi thế nguồn vốn rẻ với tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đạt 37%, cao bậc nhất thị trường. 

Ánh Dương

Cùng chuyên mục
XEM