Ý kiến: Giá dầu giảm, có nên tăng thuế nhiên liệu để giá cao trở lại?

16/01/2015 16:41 PM | Kinh doanh

Việc tăng thuế, giảm trợ cấp xăng dầu có thể khiến giá xăng, dầu ở các quốc gia chênh lệch nhau rõ rệt, và tạo ra sự chuyển dịch của nền kinh tế toàn cầu.

Giá dầu rẻ mang lại lợi ích cho nền kinh tế - nó mang lại hiệu quả tương đương như việc cắt giảm thuế. Ngoài ra, giá dầu giảm cũng mang lại những hiệu ứng xấu, trong trường hợp giá cả giảm dẫn tới giảm phát, hay ảnh hưởng tới các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu dầu.

Hiệu ứng giá dầu giảm sẽ tác động tốt hay xấu, hay vừa tốt vừa xấu, phụ thuộc lớn vào việc mức giá thấp này sẽ được duy trì trong bao lâu.

Nếu giá dầu rẻ là do nhu cầu thực giảm (chẳng hạn do nhu cầu ở Trung Quốc giảm xuống), thì giá dầu sẽ tăng khi nền kinh tế tăng trưởng trở lại.

Nếu giá dầu rẻ do nguồn cung dư thừa (có thể là do sự bùng nổ của dầu khí đá phiến), thì mức giá rẻ sẽ được duy trì trong một thời gian.

Tuy nhiên, cả 2 giải thuyết trên đều đưa ra một kết luận chắc chắn: Dầu vẫn chỉ là tài nguyên hữu hạn trên thế giới, trong khi nền kinh thế giới vẫn cần tới nó để vận hành. Như vậy, sớm hay muộn, giá dầu cũng sẽ tăng, dù chúng ta chưa biết là nó sẽ xảy ra khi nào. Có thể là vào đầu năm nay, có thể là tới tận năm 2050, không ai có thể biết được.

Rất khó để nói về một điều gì thực sự sẽ diễn ra trong thời gian tới. Chúng ta có thể lo sợ lịch sử sẽ lặp lại.

Tuy nhiên, một số nền kinh tế đang nhìn giá dầu giảm đang để thay đổi chính sách về năng lượng. Đó là những thay đổi trong chính sách mới có thể sẽ mang lại những hiệu ứng lâu dài.

Hiện tại, có khá nhiều nhà kinh tế học nhận xét nên tăng thêm thuế đánh vào dầu. Dầu là tài nguyên thiết yếu với mọi nền kinh tế, nhưng lại đang ngày càng khan hiếm. Việc khai thác nhiên liệu hóa thạch như dầu cũng gây ra tác hại lớn đến môi trường. Trong số các quốc gia phát triển, thuế nhiên liệu tại Mỹ đang là thấp nhất. Một số quốc gia còn có trợ cấp giá xăng, dầu.

Điều này giúp người tiêu dùng sử dụng nguồn năng lượng này thoải mái, nhưng trong tương lai, khi dầu trở nên khan hiếm, giá của chúng sẽ ngày càng tăng cao. Việc áp mức thuế suất thấp và trợ giá chỉ giúp chúng ta đốt loại nhiên liệu này nhanh hơn, và không còn động lực để nghiên cứu các giải pháp năng lượng xanh khác.

Với việc giá dầu giảm, Chính phủ các nước có cơ hội để tăng thuế nhiên liệu (hoặc giảm trợ giá), mà không lo gây hại tới nền kinh tế.

 

Indonesia, Malaysia và Ấn Độ hiện đang cắt giảm trợ giá nhiên liệu. Ngân hàng Thế giới (World Bank) cũng khuyến khích các quốc gia khác thực hiện điều tương tự. Nhiều người cho rằng việc trợ giá xăng dầu thực chất chỉ mang lại lơi ích cho những người có thu nhập trung bình, và thay vào đó, nên tăng thuế để có thêm tiền xây dựng cơ sở hạ tầng. Nước Mỹ đang muốn tăng thuế carbon. Quốc hội nước này cũng chuẩn bị tăng thuế nhiên liệu lần đầu tiên kể từ năm 1993.

Tuy nhiên, rủi ro ở đây là chúng ta vẫn không biết mức giá dầu thấp sẽ được duy trì trong bao lâu và yếu tố then chốt khiến nó liên tục giảm trong thời gian qua là gì.

Giá dầu có thể “nhảy múa” trước bất kỳ thông tin nào của thị trường. Trong trường hợp mức giá thấp này chỉ là tạm thời thì tăng thuế sẽ khiến thị trường dầu toàn thế giới hoàn toàn thay đổi cách vận hành.

Chẳng hạn, Trung Quốc cắt giảm trợ cấp giá dầu. Khi giá dầu tăng trở lại, người dân Trung Quốc sẽ phải mua nhiên liệu với giá cao hơn. Thế là họ lại dùng ít dầu đi, nguồn cung dư ra từ Trung Quốc lại được chia cho các thị trường khác trên thế giới. Nghĩa là nguồn cung ở các khu vực ngoài Trung Quốc lại tăng lên. Các quốc gia không tăng thuế như Trung Quốc sẽ được hưởng lợi vì giá dầu sẽ rẻ hơn hẳn.

Như vậy, việc tăng thuế, giảm trợ cấp xăng dầu có thể khiến giá xăng, dầu ở các quốc gia chênh lệch nhau rõ rệt, và tạo ra sự chuyển dịch của nền kinh tế toàn cầu.

Trên lý thuyết, tăng thuế hay giảm trợ cấp giá dầu có thể mang lại những hiệu quả kinh tế. Hiện tại cũng đang là thời điểm chính trị thích hợp để đưa ra những quyết sách này. Tuy nhiên, đưa ra một chính sách có tác động dài hạn để áp dụng cho một thứ ngắn hạn, không thể biết trước như giá dầu có thể mang lại những hậu quả khôn lường.

Có thể 5 năm nữa, một vài quốc gia có thể sẽ được hưởng giá dầu thậm chí còn rẻ hơn hiện tại. Trong khi đó, một số nơi lại có giá dầu đắt đỏ hơn. Điều này có thể sẽ khiến thương mại và nền kinh tế toàn cầu chuyển dịch theo cách mà chúng ta không thể  tiên đoán.

>> [Q&A] Hoàng tử Ả Rập nói gì về giá dầu giảm

Trang Lam

Quốc Dũng

Cùng chuyên mục
XEM